Cô thợ may giàu nghị lực

Mỹ Hằng| 29/01/2015 10:12

Đó là chị Dương Nữ Vân Nhi, năm nay 30 tuổi, chủ tiệm may áo dài ở thôn Thuận Hạnh, xã Thuận An (Đắk Mil). Mặc dù bị tật nguyền, hàng ngày ngồi trên chiếc xe lăn, nhưng không những may đẹp, vừa lòng khách hàng mà chị còn sẵn sàng truyền dạy nghề cho những người cùng cảnh ngộ.

ADQuảng cáo

Theo như lời chị Nhi kể, thì khi mới năm 15 tuổi, không may vết thương nhỏ ở chân bị nhiễm trùng, rồi bị uốn ván dẫn đến bại liệt. Đối với một cô gái đang tuổi mới lớn, sự thật này thật khó chấp nhận, nhưng rồi cố gắng vượt qua số phận nghiệt ngã, chị xin gia đình vào TP. Hồ Chí Minh học nghề may, học bổ túc văn hóa.

Chị Nhi (bên trái) hướng dẫn học viên cách may một chiếc áo dài truyền thống

Xa gia đình, lại bị tật nguyền nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà chị lùi bước. Ngày ngày, chị vẫn ngồi trên chiếc xe lăn để đến lớp học may cách nơi trọ hơn 2 km. Với người bình thường, việc học may đã khó thì với người khuyết tật cả hai chân lại khó khăn gấp bội phần.

Nhưng với nghị lực của bản thân, chị đã vượt qua tất cả để khẳng định mình. Sau 2 năm học nghề, chị đã trở thành một thợ may thành thạo và cũng là lúc nhận tấm bằng tốt nghiệp THPT, nên quyết định về Đắk Mil mở tiệm may để lập thân, lập nghiệp. Với tay nghề có thể may tất cả các loại áo quần, nhưng chị vẫn tâm đắc, đam mê nhất là may áo dài truyền thống.

Theo chị Nhi, để có một bộ áo dài đẹp, ngoài chất liệu vải thì việc đo, cắt, thể hiện các đường may là điều quyết định nên chất lượng chiếc áo. Do bị liệt hai chân, phải ngồi trên xe lăn, nên việc đo, may áo dài của chị cũng rất khác người. Điển hình như việc đo thì chị yêu cầu khách đứng vào vị trí thước cố định sẵn rồi đọc các thông số; còn khi đo bề ngang vai và vòng ngực thì nhờ khách hàng chịu khó cúi xuống.

ADQuảng cáo

Đối với việc may thì chị mua sắm dàn máy may được thiết kế cho người bị liệt hai chân. Thay vì sử dụng bàn đạp, mô tơ thông thường thì chị dùng nút bấm bằng điện điều khiển bằng tay được gắn trên bàn máy may. Nói thì xem ra đơn giản vậy, chứ như chị thổ lộ thì để thực hiện được các thao tác một cách thuần thục như bây giờ, bản thân cũng phải “khổ luyện” cả một thời gian dài.

Càng làm, chị càng rút ra được nhiều kinh nghiệm và không ngừng tìm tòi, học hỏi để nâng cao tay nghề. Không “đóng khung” với những kiểu áo dài quen thuộc, chị cũng luôn suy nghĩ, tạo ra những mẫu mã hiện đại, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp duyên dáng, thướt tha của bộ áo dài truyền thống của người Việt. Tiếng lành đồn xa, dần dần nhiều người tìm đến để đặt hàng và thu nhập từ tiệm may đã giúp chị thay bố mẹ nuôi các em ăn học, ổn định cuộc sống và mở rộng quy mô cơ sở may.

Chị Nhi tâm sự: “Gian nan, vất vả của cuộc sống đã nuôi tôi lớn, nên  tôi thấu hiểu nỗi khổ của những ai có hoàn cảnh như mình. Cuộc sống cho dù khó khăn thế nào đi chăng nữa thì bản thân cũng phải nỗ lực để vượt qua. Có như vậy mới trở thành người có ích cho xã hội”.

Điều đáng ghi nhận nữa là hơn 10 năm qua, ngoài việc lập thân, lập nghiệp từ nghề may, thì chị Nhi còn truyền nghề cho những người có cùng niềm đam mê, nhất là những người khuyết tật như chị. Với những học trò “đặc biệt” này, chị luôn ưu ái, kiên trì chỉ dạy từng thủ thuật đo cắt vải, thậm chí còn nhận làm thợ chính của tiệm.

Chị Nguyễn Thị Kim Phượng, một người thợ chia sẻ: “Tôi đến đây học may hơn 3 năm nay và bây giờ làm thợ. Không chỉ được chị Nhi dạy các thủ thuật may mà tôi còn được học hỏi rất nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Dù bị tật nguyền, nhưng chị Nhi rất giàu nghị lực và tôi khâm phục điều đó”.

Còn em Nguyễn Thị Đào cũng theo học nghề hơn 4 tháng cho biết: “Mặc dù mới vào học nghề, nhưng em thấy chị Nhi là người chịu khó, biết vượt qua số phận để khẳng định bản thân mình. Chị Nhi chính là tấm gương sáng để em học hỏi, noi theo”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cô thợ may giàu nghị lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO