Chất lượng và số lượng gia đình văn hóa không ngừng tăng

Mỹ Hằng| 03/03/2021 08:56

Những năm qua, phong trào "Xây dựng gia đình văn hóa” trên địa bàn tỉnh được triển khai, tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”.

ADQuảng cáo

Để việc thực hiện phong trào đạt hiệu quả cao, dựa trên các văn bản hướng dẫn của trên, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện dân số - kế hoạch hóa gia đình, lồng ghép các mô hình, tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới... trong cộng đồng dân cư.

Người dân ý thức hơn trong việc thực hiện phong trào "xây dựng gia đình văn hóa" bằng những hoạt động thiết thực

Hàng năm, Ban Chỉ đạo phong trào các cấp tổ chức hướng dẫn cho cơ sở thực hiện việc bình xét gia đình văn hóa từ các thôn, bon, tổ dân phố theo quy trình công khai, dân chủ, bảo đảm thực chất, không chạy theo thành tích, hướng việc xây dựng gia đình văn hóa trở thành phong trào tự nguyện, tự giác trong Nhân dân.

Qua thống kê đến nay, toàn tỉnh có 271 câu lạc bộ gia đình như: CLB gia đình văn hóa, CLB gia đình phát triển bền vững, CLB phòng chống bạo lực gia đình, 175 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 713 tổ hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả. Nhờ đó, chất lượng và số lượng gia đình văn hóa không ngừng tăng lên. Năm 2004 toàn tỉnh có 26.626 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Hiện nay toàn tỉnh có 125.001/147.592 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Điều đáng ghi nhận, qua thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, hầu hết người dân đều ý thức tự giác thực hiện tốt các tiêu chí như nghĩa vụ công dân, sống gương mẫu, hòa thuận, đầm ấm và hạnh phúc, tích cực và chủ động tham gia hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, thường xuyên có kế hoạch phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Từ đó, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình gia đình tiêu biểu làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình nề nếp, ông bà mẫu mực con cháu thảo hiền…

ADQuảng cáo

Qua phong trào, ghi nhận nhiều điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Chiêm ở thôn Quảng Hợp, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) có 4 thế hệ chung sống nhưng rất hòa thuận, hạnh phúc. Gia đình nghệ nhân Thị Mai ở bon Bu Brâng, xã Đắk N’drung (Đắk Song) luôn biết vận động bà con trong bon gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc như cồng chiêng, sử thi, dệt thổ cẩm…

Gia đình ông Nguyễn Văn Tạo, xã Đắk Sắk (Đắk Mil) giúp cho 9 hộ gia đình vay 300 triệu đồng không tính lãi để phát triển kinh tế. Gia đình ông Điểu Vươn ở bon Bu Gia, xã Quảng Trực (Tuy Đức) không chỉ nuôi dạy chăm sóc tốt con cái mà còn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, mỗi năm thu nhập hơn 500 triệu đồng.

Xây dựng gia đình văn hóa góp phần thúc đẩy bon làng phát triển

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào "Xây dựng gia đình văn hóa" trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, một số địa phương còn xem nhẹ việc triển khai thực hiện phong trào; việc bình xét công nhận gia đình văn hóa có lúc có nơi còn mang tính hình thức; tình trạng bạo lực gia đình, ly hôn, các tệ nạn xã hội vẫn đang có chiều hướng gia tăng… Tình trạng tảo hôn trong cộng đồng người Mông ở huyện Đắk Glong, tảo hôn ở người M’nông ở huyện Tuy Đức vẫn diễn ra nhiều và đang là mối lo ngại đáng kể.

Vì vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao hơn nữa nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng gia đình văn hóa là điều hết sức cần thiết. Trong đó, các địa phương cần chú trọng thành lập và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ để thu hút các gia đình tham gia sinh hoạt, làm cho người dân thực sự ý thức và hiểu được gia đình là “tế bào của xã hội” để cùng nhau xây dựng và phát triển.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng và số lượng gia đình văn hóa không ngừng tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO