“Chân rết” của ngành dân số

Vũ Trang| 03/01/2017 11:25

Với sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm, những năm qua, đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, góp phần đưa công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đến với người dân.

ADQuảng cáo

Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Hơn 10 năm gắn bó với công tác dân số, chị Triệu Thị Lỳ, CTV dân số thôn Tây Sơn, xã Long Sơn (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) thấu hiểu được những vất vả, khó khăn của công việc mình làm. Thôn Tây Sơn có 122 hộ dân với 612 nhân khẩu, trong đó có đến 117 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Dân trí chưa đồng đều, còn nhiều hủ tục lạc hậu nên việc vận động người dân thực hiện chính sách dân số gặp rất nhiều khó khăn. Để giúp chị em thực hiện KHHGĐ, chị Lỳ bám sát từng địa bàn, nhà dân, tuyên truyền, vận động với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.

CTV dân số bon Đắk Me, xã Đắk N'drót (Đắk Mil) phát tờ rơi tuyên truyền dân số cho người dân

Chị Lỳ chia sẻ: “Ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa như Tây Sơn, nhiều gia đình muốn sinh thêm con để có người làm việc và nhờ cậy lúc tuổi già. Việc tuyên truyền, vận động cũng khó khăn vì không phải lúc nào đến nhà cũng gặp được họ. Mình phải tranh thủ buổi trưa và buổi tối đến các gia đình để vừa trò chuyện, vừa kết hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai, chỉ nên sinh hai con, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống...”.

Với những nỗ lực của chị Lỳ, thời gian gần đây, nhận thức của người dân trong thôn về chính sách dân số đã có nhiều chuyển biến, nhiều chị em đã chấp nhận sử dụng các biện pháp KHHGĐ.

Còn tại bon Bu NJar, xã Đắk N’drung (Đắk Song), nhiều năm nay, bà con đã quen thuộc với hình ảnh chị Thị Brớp - CTV dân số vẫn hàng tuần tranh thủ thời gian đến từng nhà tuyên truyền, vận động.

Chị Thị Brớp cho biết: “Với lợi thế hiểu được ngôn ngữ, phong tục, tập quán của bà con nên mình có nhiều thuận lợi hơn trong công tác tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, để thay đổi được tư tưởng, quan niệm đã ăn sâu, bám rễ trong tiềm thức bà con là điều không dễ dàng, mà phải thực sự kiên trì, nhẫn nại”.

ADQuảng cáo

Chị Nguyễn Thị Mị, chuyên trách dân số xã Đắk N’drung cũng cho biết: “Trước đây, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên của xã luôn ở mức cao. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực tuyên truyền, vận động của đội ngũ CTV, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn chiếm 75%. Tỷ lệ sinh con thứ 3 có chiều hướng giảm, chỉ còn 20%”.

Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh thì hiện nay, toàn tỉnh có 1.126 CTV dân số hoạt động tại các địa bàn dân cư. Ngoài trực tiếp tuyên truyền các chính sách dân số, đội ngũ CTV còn có nhiệm vụ đến từng hộ gia đình điều tra, thu thập, cập nhật số liệu về các hoạt động DS-KHHGĐ, giúp ngành nắm bắt tình hình, số liệu nhanh chóng, chính xác... Hoạt động của đội ngũ CTV dân số góp phần quan trọng trong công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh.

Riêng năm 2016, tỷ suất sinh thô chỉ còn 17,5%o, giảm 0,5%o so với năm 2015; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên chỉ còn 1,24%, giảm 0,06%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm nhẹ. Các chỉ tiêu về KHHGĐ đều đạt và vượt như: đình sản đạt 141%; uống thuốc tránh thai đạt 105,8%; tiêm thuốc tránh thai đạt 130,2%...

CTV dân số xã Đắk D'rông (Chư Jút) đến tận nhà tư vấn, vận động người dân

Gắn bó vì trách nhiệm với xã hội

Mặc dù công việc nhiều, có những đóng góp quan trọng, nhưng mức phụ cấp mà mỗi CTV dân số nhận được hiện rất ít. Hiện nay, mỗi CTV dân số trên địa bàn tỉnh chỉ nhận được 170.000 đồng/tháng; trong đó, 100.000 đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và 70.000 đồng từ ngân sách của tỉnh.

Trao đổi tại buổi tọa đàm, gặp mặt nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Dân số Việt Nam mới đây, chị Đinh Thị Bằng, CTV dân số thôn Nam Hải, xã Nam Đà (Krông Nô) chia sẻ: “Thực ra, chúng tôi gắn bó với công việc chỉ vì tình yêu, trách nhiệm với xã hội, chứ mức phụ cấp mỗi tháng không đủ để chi trả tiền xăng xe đi lại”. Cũng theo chị Bằng thì tiền phụ cấp không chỉ thấp mà còn chậm. Từ đầu năm đến nay, công việc tuyên truyền, vận động người dân vẫn duy trì đều đặn, nhưng đội ngũ CTV dân số tại địa phương vẫn chưa nhận được một đồng phụ cấp nào.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Tấn, CTV dân số thôn Nam Sơn, xã Nam Đà (Krông Nô) cũng chia sẻ: “Các địa bàn khó khăn, dân cư sống không tập trung là “rào cản” không nhỏ đối với CTV dân số mỗi khi làm công tác tuyên truyền. Nhiều lúc nghĩ đến người dân, gắn bó với nghề nên mình tự nhủ phải cố gắng tuyền truyền, vận động, chứ thực ra, tiền phụ cấp mỗi tháng không bằng một ngày công lao động”.

Theo ông Huỳnh Văn Triều, Trưởng Phòng DS - KHHGĐ (Chi cục DS - KHHGĐ) thì ngành vẫn biết mức phụ cấp cho CTV dân số rất ít ỏi so với công sức họ bỏ ra. Tuy nhiên, để tăng phụ cấp không phải là dễ dàng, bởi số lượng CTV dân số trên địa bàn tỉnh khá đông. Mỗi năm, ngân sách của tỉnh phải chi gần 1 tỷ đồng, ngân sách của Trung ương chi khoảng 1,3 tỷ đồng, chiếm một nửa ngân sách của chương trình DS - KHHGĐ trên địa bàn. Vì vậy, về cơ bản, chủ yếu vẫn dựa vào sự nhiệt tình cũng như tâm huyết của đội ngũ CTV dân số là chính.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chân rết” của ngành dân số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO