Cẩn trọng khi tiếp xúc với vật nuôi trong nhà

Linh Thư| 13/09/2017 08:03

Các động vật nuôi trong nhà như chó, mèo có thể mang đến một số mầm bệnh, nhưng không phải ai cũng quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

ADQuảng cáo

Nguy cơ lây bệnh do tiếp xúc

Chó, mèo là vật nuôi được nhiều người yêu thích, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nhiều em có thói quen bồng bế, ôm ấp vật nuôi mỗi ngày, điều này tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho sức khỏe của trẻ. Không chỉ với trẻ em mà với người lớn, nguy cơ bị mắc bệnh do tiếp xúc với chó, mèo cũng rất lớn.

Dạo gần đây, chị Phạm Thị Thanh Hải, ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) thường xuyên có cảm giác ngứa ngáy như có kiến bò quanh người. Khi gãi thì trên da xuất hiện những mảng dày như nổi mề đay. Nghĩ là bị dị ứng do thời tiết, chị đã ra hiệu thuốc mua thuốc về uống nhưng vẫn không hết. Trong một lần đi khám sức khỏe tại bệnh viện, chị phát hiện mình bị nhiễm giun đũa chó, hay còn gọi là bệnh sán chó -một loại ký sinh thường được tìm thấy trong chó, mèo.

Chị Hải cho biết: "Gia đình có nuôi một con chó, nhưng không nghĩ là có thể bị lây bệnh từ chú chó này. Sau khi uống thuốc của bác sĩ kê thì tôi đã không còn bị ngứa nữa. Bây giờ, gia đình tôi đề cao vệ sinh trong ăn uống nhất là rau sống, đồ tái sống cũng như vệ sinh cho chó nuôi và hạn chế tiếp xúc với vật nuôi hơn".

Thực tế, khi tiếp xúc gần gũi với vật nuôi như chó, mèo, các loại ký sinh trùng như giun, sán, rận… sẽ lây truyền qua người và gây bệnh. Nhẹ thì bị dị ứng như mẩn đỏ, ngứa da do lông chó, mèo hoặc do bọ chét, rận từ vật nuôi lây sang, người bệnh có thể bị chàm, hen (suyễn), cơ thể ho, khò khè, khó thở. Tệ hơn, người tiếp xúc có nguy cơ bị các bệnh như nhiễm giun, sán chó, mèo, u não, apxe: Não, gan, phổi do sán lưu thông qua đường mạch máu và cư trú bất kỳ cơ quan nào của cơ thể.

Nguy hiểm tính mạng do bị chó, mèo cắn

ADQuảng cáo

Không chỉ bị các bệnh truyền nhiễm, người tiếp xúc với vật nuôi còn có nguy cơ mắc bệnh dại do bị chó, mèo cắn. Thực tế, thời gian qua trên địa bàn tỉnh, nhiều trường hợp người dân đến các trung tâm y tế dự phòng để tiêm vắc xin phòng bệnh dại do bị chó cắn.

Ngày 1/8/2017, cháu Nguyễn Mạnh Cường, trú tại thôn 3, xã Đắk Ha (Đắk Glong) đang chơi ở nhà thì bất thình lình bị chính con chó nuôi trong nhà cắn bị thương. Không chỉ cắn Cường, con chó này còn cắn càn nhiều người khác trong thôn. Sau khi lên bệnh dại, con chó chết vào ngày hôm sau, khiến nhiều người rất lo lắng, phải lập tức đi tiêm vắc xin phòng dại.

Trước đó, vào đầu tháng 6/2017, trên địa bàn xã Quảng Sơn (Đắk Glong) cũng có trường hợp một thanh niên 18 tuổi tử vong do bị chó nhà hàng xóm cắn. Nạn nhân do chủ quan nên không đi tiêm phòng, chỉ mua thuốc về uống nên sau 3 tháng ủ bệnh đã tử vong do lên cơn dại.

Quan tâm quản lý, chăm sóc vật nuôi

Hiện nay, quy định về quản lý chó, mèo đối với các tổ chức, cá nhân đã có, nhưng thực tế ít ai chú ý. Người nuôi quen với việc thả chó, mèo lung tung và ít khi quan tâm vệ sinh, tiêm phòng dại cho chúng, nên tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh cho chính mình và mọi người xung quanh.

Để phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm từ vật nuôi, các gia đình cần đưa vật nuôi đi tiêm chủng và uống thuốc diệt sán định kì, chú ý tắm rửa, vệ sinh thường xuyên cho vật nuôi, tránh cho trẻ tiếp xúc với chó, mèo thả rông cũng như vệ sinh thân thể sạch sẽ sau khi tiếp xúc với vật nuôi.

Từ ngày 20/5/2017, theo quy định tại Nghị định 41/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 119/2013/NĐ-CP, chủ vật nuôi sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng với các vi phạm như: Không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi; vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng; xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng khi tiếp xúc với vật nuôi trong nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO