Cần chú trọng nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh lao

Nguyễn Hiền| 25/03/2015 09:47

Trong những năm qua, ngành Y tế đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống lao. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, công tác phòng, chống lao vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

ADQuảng cáo

Theo đó, để thực hiện được các mục tiêu đề ra, hàng năm, ngành Y tế đã  thực hiện đồng bộ các giải pháp như: cấp phát các tài liệu về tuyên truyền phòng, chống lao cho người dân; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như truyền thông lưu động, treo băng rôn, áp phich, nói chuyện chuyên đề...

Công tác giám sát tình hình bệnh lao cũng được tăng cường, đảm bảo các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm về phòng, chống lao trong từng quý, từng năm. Chỉ tính riêng trong năm 2014, ngành đã tổ chức giám sát được 24 lượt đối với các huyện, thị xã và 72 lượt đối với các xã, phường và nhà bệnh nhân. Các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách ở các địa phương cũng được chú trọng thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác phòng, chống bệnh lao vẫn còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn. Theo thống kê, tổng số bệnh nhân lao được thu nhận trong năm 2014 của toàn tỉnh là 289 người; trong đó, bệnh nhân mắc mới là trên 160 người.

ADQuảng cáo

Cán bộ y tế thị xã Gia Nghĩa đến thăm và động viên bệnh nhân lao trên địa bàn.

Có thể nói, bệnh lao là bệnh có thể điều trị khỏi trong vòng 8 tháng nếu thực hiện đúng phác đồ điều trị. Cùng với đó, khi người thân tiếp xúc với người mắc bệnh lao nếu thực hiện đúng cách sẽ không bị nhiễm bệnh. Thế nhưng, có một thực tế là hiện nay, việc kỳ thị đối với người mắc bệnh lao vẫn còn khá phổ biến. Điển hình như trường hợp của bà P. ở tổ dân phố 10, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) được phát hiện mắc bệnh lao và được điều trị cách đây hơn hai tháng. Mặc dù đã 74 tuổi và có đến 3 người con, nhưng khi bị mắc bệnh lao, bà vẫn phải sống một mình, con cháu sợ lây bệnh nên hầu như rất ít đến chăm nom. Vì không được chăm sóc thường xuyên nên bệnh của bà P. ngày càng nặng hơn so với liệu trình điều trị.

Cũng từ việc chưa nhận thức đúng đắn về việc phòng, chống bệnh lao nên một bộ phận người dân còn lơ là, chưa chú trọng đến việc xét nghiệm, điều trị. Đơn cử như trong năm 2014, toàn tỉnh chỉ có 3.148/4.456 trường hợp nghi có khả năng mắc bệnh lao tham gia xét nghiệm, đạt 70,6%. Cùng với đó, nhiều địa phương do đặc thù nên hàng năm vẫn có tỷ lệ bệnh nhân mắc lao mới cao. Điển hình như từ đầu năm đến nay, riêng huyện Chư Jút đã phát hiện mới 17 trường hợp mắc bệnh mới; huyện Krông Nô phát hiện 10 trường hợp, huyện Đắk Mil có 9 trường hợp... Ngoài ra, công tác phòng, chống lao gặp khó khăn còn do một số nguyên nhân như: trình độ cán bộ chuyên trách không đồng đều, ảnh hưởng tới việc quản lý, điều trị người bệnh; cán bộ chuyên trách tuyến xã thường xuyên thay đổi; sự phối hợp giữa chương trình HIV và lao chưa tốt, dẫn đến số bệnh nhân mắc đồng thời hai bệnh ngày càng gia tăng…

Theo ông Trần Bình Minh, Giám đốc Trung tâm phòng, chống bệnh xã hội tỉnh, để phát hiện kịp thời bệnh nhân lao mới cũng như hạn chế sự lây lan thì rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Về phía ngành Y tế sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp, nhất là chú trọng đến việc đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống bệnh lao. Hàng năm, ngành cũng sẽ tăng cường việc củng cố, phát triển mạng lưới phòng chống lao tuyến tỉnh, huyện, xã nhằm huy động được cộng đồng trách nhiệm để đẩy lùi bệnh lao theo mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống lao. Tuy nhiên, về phía cộng đồng, người dân cũng cần hiểu biết, xóa dần sự kỳ thị đối với bệnh nhân lao, có sự hỗ trợ tích cực cho bệnh nhân trong quá trình điều trị. Các địa phương cũng cần chú trọng hơn đến việc phát hiện người mắc bệnh lao và ngăn chặn nguồn lây bệnh, tránh kháng thuốc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần chú trọng nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh lao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO