Cần chống xói mòn đất trong mùa mưa

Hoàng Ninh| 15/04/2014 09:38

Ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh ta nói riêng, địa hình chủ yếu là đồi núi, trong đó có nhiều "đồi bát úp" (những quả đồi nhỏ liền nhau như những chiếc bát úp khổng lồ, mỗi quả đồi cách nhau là một bãi sâu hoặc một con suối).

ADQuảng cáo

Trước đây,  nhiều quả đồi là rẫy điều và cà phê xanh tốt, nhưng vài năm gần đây đã trở thành "đồi trọc’’, chỉ còn một số loại cây và cỏ dại mọc. Nguyên nhân bởi trước kia trên đồi là rừng nguyên sinh bao phủ, không bị nắng mưa bào mòn.

Nhưng người ta phá rừng làm rẫy để trồng các loại cây công nghiệp, mỗi năm lại được cày lên, cuốc xuống để đất tơi xốp giúp cây phát triển, rồi cứ sau một trận mưa lớn là đất bột trên mặt bị cuốn trôi xuống thung lũng, triền dốc chỉ còn sỏi, đá nên cây công nghiệp cũng bị chết dần, chết mòn, cuối cùng trở thành đồi hoang.

ADQuảng cáo

Chưa hết, đất bị nước cuốn xuống suối, phần lớn được trôi đi và đổ xuống hạ nguồn, xuống sông, suối, ra biển, song vẫn còn lưu giữ một lượng đất bột khá lớn lấp dần những dòng suối, làm cản trở việc thoát nước mưa gây ngập úng cho không ít diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Đơn cử dòng suối có tên suối Sâu thuộc thôn 1, xã Chư K’nia (Chư Jút), trước năm 2000, con suối này khá sâu và rộng, nhưng nay bị lấp dần, bề ngang lòng suối chỗ rộng nhất chưa đầy 2 mét, chỗ hẹp chỉ còn 50 cm, đất lấp đến đâu cây Mai Dương (là loài cây dại) mọc đến đó làm ứ nước gây ngập úng, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất lúa vụ hè thu đầu mùa mưa với diện tích không nhỏ thuộc các xã Trúc Sơn, Chư K’nia.

Đã đến lúc những địa phương có nhiều “đồi bát úp” vận động nhân dân trồng lại rừng phủ xanh đồi trọc hoặc làm rẫy theo kiểu bậc thang, để tránh xói mòn đất không chỉ ở những quả đồi cao mà bảo đảm cho những dòng sông, con suối không bị đất bồi dần làm cản trở dòng chảy.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần chống xói mòn đất trong mùa mưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO