Các tuyến tỉnh lộ xuống cấp nghiêm trọng

Phạm Khánh| 21/07/2016 10:43

Trên địa bàn tỉnh có 6 tuyến tỉnh lộ. Đây là những tuyến đường huyết mạch để đi lại, giao thương hàng hóa và tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của 7 huyện. Tuy nhiên, thời gian này, những tuyến đường này đang xuống cấp nghiêm trọng, gây cản trở giao thông và khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa.

ADQuảng cáo

Những điều trông thấy...

Chúng tôi bắt đầu từ tuyến tỉnh lộ 1 thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) đi huyện Tuy Đức. Khi xe chạy qua khỏi thị trấn được hơn 3km, vì phải tránh một ao nước giữa đường, bánh xe trước đã lọt thỏm vào một “ổ gà” khá sâu rồi khựng lại.

Đoạn tỉnh lộ 1 dài khoảng 36km, nhưng đã xuất hiện khá nhiều “ổ gà”, “ổ voi”. Do vậy, kế hoạch đếm “ổ gà”, “ổ voi” của chúng tôi đã bị phá sản vì không thể kiểm đếm. Đoạn tỉnh lộ ở cuối xã Quảng Tân (Tuy Đức) vốn đã khó đi, sau những cơn mưa tiếp tục bị xói lở, thậm chí là bị trôi đi nhiều đoạn nên càng khó đi hơn. Mỗi lần các loại phương tiện chạy qua là nước và bùn đất bắn tung tóe ra hai bên.

Suốt chiều dài của tuyến, hai bên lề đường nước chảy đã làm xói mòn thành rãnh sâu, gây sụt lún, có đoạn vào đến mặt đường nhựa. Sau gần 3 giờ đồng hồ, chúng tôi cũng vượt qua được con đường này để tiếp tục đi qua tuyến tỉnh lộ 6, 5, 3, 2 và 4B.

Tỉnh lộ 6, 5 và 2 cũng nằm trong tình trạng hư hỏng nặng. Hầu hết mặt đường nhựa của những tuyến này đã bị cày xới, đá trồi lên lởm chởm. Có những đoạn dù đã được vá, lấp cũng không “chịu đựng” được xe có trọng tải lớn, nên diện tích bong tróc khá nhiều.

Một "ao nước" trên tuyến tỉnh lộ 2

Tuyến tỉnh lộ 4B nằm trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng hơn với khoảng 24 km từ xã Quảng Phú (Krông Nô) đi Quảng Hòa (Đắk Glong). Hầu hết mặt đường bị rạn nứt, sụt lún. Nhiều đoạn xuất hiện những hố to như hố bom nằm chắn ngang đường. Khi đi qua đoạn này, rất nhiều phương tiện bị chết máy vì nước ngập quá bánh xe. Qua 1 tuần vật vã đi hết các tuyến tỉnh lộ với trên 230 km, anh bạn đồng nghiệp của tôi than thở. Nếu gọi cho đúng thì những đường này là “giao tắc” chứ không còn là giao thông nữa.

Tai nạn giao thông không còn là nguy cơ tiềm ẩn

Đường xuống cấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông trên các tuyến tỉnh lộ. Không ít vụ, người điều khiển xe máy vì phải né tránh “ổ gà”, “ổ trâu” rồi tự ngã, đầu đập xuống nền đường, bị chấn thương, có trường hợp dẫn đến tử vong.

Chị Nguyễn Thị Loan, một người dân sống ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) cho hay: “Cách đây vài tháng, từ thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) đi Tuy Đức, tôi chứng kiến một người đi đường vì tránh “ổ gà” mà bị lọt vào “ổ trâu” rồi ngã xuống, đầu cắm xuống nền đường. Dù có người kịp thời đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhưng sau đó không qua khỏi”.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, bình quân hàng năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 65 vụ tai nạn giao thông, làm chết 70 người, trong đó, xảy ra trên các tuyến tỉnh lộ chiếm trên 25% số vụ. Như vậy, bình quân mỗi năm, trên 6 tuyến tỉnh lộ có khoảng 17 vụ tai nạn giao thông, làm khoảng 19 người chết, hàng chục người khác bị thương, đó là chưa thống kê được những vụ tự ngã dẫn đến tử vong.

ADQuảng cáo

Theo Sở Giao thông – Vận tải, những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông làm chết người trên các tuyến tỉnh lộ có chiều hướng gia tăng, nguyên nhân chính vẫn là đường xuống cấp.

30 xã, phường bị ảnh hưởng

Giao thông là động lực để mở mang sản xuất, buôn bán hàng hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo thống kê có 30 xã, phường toàn tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 6 tuyến tỉnh lộ. Vì vậy, sự xuống cấp trầm trọng của những tuyến đường đã làm trở ngại rất đáng kể cho phát triển.

Khi các tuyến đường xuống cấp, người dân phải chịu mức cước phí vận chuyển cao hơn từ 2 đến 4 giá. Các lái buôn lấy lý do đường khó đi, chi phí nhiên liệu, khấu hao phương tiện tăng nên giá cước vận chuyển phải tăng theo. Thậm chí, nhiều chủ hàng không còn mặn mà vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ xây dựng, sản xuất kinh doanh qua những tuyến tỉnh lộ đã xuống cấp. Trong khi đó, những mặt hàng nông sản do người dân làm ra đều bị tư thương buôn ép giá, nhiều trường hợp phải ngậm ngùi chấp nhận thiệt thòi.

Gia đình ông Khánh A Linh ở xã Quảng Hòa (Đắk Glong) là một ví dụ. Ông Linh kể: “Tôi chở 700 kg mì theo tuyến tỉnh lộ 4B ra xã Quảng Phú để bán thì xe bị lún, rồi lật nghiêng, mì thấm nước và lấm lem bùn đất, cuối cùng chỉ vớt vát được vài tạ, còn bao nhiêu để lại “lót đường”. Vì mang về lại phải rửa, phơi, mì xuống màu, bán cũng chẳng được giá nên tôi dành bỏ đi chứ biết làm sao được. Đau xót nhất là không ít trường hợp người dân bị bệnh nặng phải đi cấp cứu, do đường khó đi, không đến được bệnh viện kịp thời nên đã tử vong”.

Ông Nguyễn Ngọc Long, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết: “Tuyến tỉnh lộ 1 và 6 là hai cửa ngõ chính để huyện Tuy Đức giao lưu buôn bán. Vì cả 2 tuyến đường này xuống cấp, nên thương nhân khi vào mua nông sản, không chỉ ép giá để trừ cước phí vận chuyển mà còn ép giá để khấu hao phương tiện hư hỏng. Bên cạnh đó, đường hư hỏng gây khó khăn cho người dân đi lại, chăm sóc sức khỏe”.

Một số đoạn trên tuyến tỉnh lộ 5, mặt đường nhựa đã bong tróc hoàn toàn, đá trồi lên lởm chởm

Vốn ít nên… bít lối

Bình quân hàng năm tỉnh bố trí hơn 10 tỷ đồng để phục vụ cho công tác bảo trì 6 tuyến tỉnh lộ, riêng năm 2016 là 19 tỷ đồng. Số kinh phí này rất ít ỏi so với nhu cầu, chỉ đủ khả năng hoàn thành 5/15 công việc quản lý, bảo trì các tuyến tỉnh lộ hiện tại. Cụ thể, trong tổng số tiền trên, công tác phát cây, cắt cỏ, cắm cọc tiêu, biển báo, sơn giải phân cách chiếm khoảng 3 tỷ đồng. Gần 16 tỷ đồng còn lại chỉ đủ để vá lấp những đoạn hư hỏng cục bộ. 10/15 công tác như kiểm tra thường xuyên, đắp phụ nền, lề đường, láng nhựa rạn chân chim, sửa chữa nhỏ, chống chảy mặt đường, bổ sung biển báo hiệu, cọc tiêu, tường hộ lan, xử lý cao su, sình lún ở những điểm bị ngập nước... đều không thực hiện được.

Nguyên tắc bảo trì đường là khi mặt đường có vết rạn, nứt là phải láng nhựa ngay, nếu không nước mưa ngấm vào, cùng với tải trọng của các phương tiện sẽ làm đường hư hỏng rất nhanh. Ngặt một nỗi, kinh phí ít, dẫn đến công tác bảo trì trên các tuyến đường này vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, mức độ xuống cấp của những tuyến tỉnh lộ luôn nhanh hơn so với công tác khắc phục, sửa chữa. Cũng vì thiếu vốn, nên các đơn vị quản lý, sửa chữa không bố trí người tuần đường, do vậy các cọc tiêu, biển báo, cột km bị các đối tượng đập gãy, bị mất cắp, nhiều đoạn đường bị đào bới, phá hoại.

Ông Võ Văn Hùm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho hay: “Tỉnh khó khăn, nguồn ngân sách hạn hẹp, nên kinh phí bố trí chỉ bằng 24% so với nhu cầu vốn khoảng 78 tỷ đồng/năm. Với 19 tỷ đồng, chỉ đủ vá lấp những đoạn hư hỏng cục bộ, không thể sửa chữa những đoạn hư hỏng nặng. Nếu tập trung sửa chữa 1 tuyến thì 5 tuyến còn lại bỏ không, chắc chắn sẽ xuống cấp còn mạnh hơn”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các tuyến tỉnh lộ xuống cấp nghiêm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO