Các cấp hội nông dân đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế

Hoàng Hoài| 14/10/2015 09:55

Theo Hội Nông dân tỉnh, từ đầu năm đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ hội viên trong xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội.

ADQuảng cáo

Mô hình trồng bơ ở trang trại Ngọc Vân, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa). Ảnh: Hồ Mai

Tại Krông Nô, nhằm giúp hội viên được đúng người, hiệu quả, ngay từ đầu năm, các cấp hội đã tiến hành khảo sát, phân tích nguyên nhân rồi phân chia thành các nhóm cụ thể để có sự hỗ trợ thiết thực.

Cụ thể, nhóm có đất đai sản xuất, nhưng hiệu quả cây trồng kém thì được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật; nhóm thiếu vốn thì huy động, ưu tiên có những nguồn vốn vay thích hợp; nhóm không có đất đai sản xuất thì hướng dẫn hỗ trợ việc làm, học nghề…

Bên cạnh đó, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên cũng được thực hiện đa dạng. Hội Nông dân huyện đã chọn 1 hộ hội viên ở thôn Tân Lập, xã Nâm Nung xây dựng mô hình cải tạo vườn cà phê để làm điểm, khi cho kết quả tốt thì tổ chức cho hội viên khác tham quan học tập, rút kinh nghiệm.

Hội Nông dân các xã Nam Đà, Đắk D’rô, Đức Xuyên, Tân Thành, Nâm N'đir thì phối hợp tổ chức được 335 buổi hội thảo, kỹ thuật về chăm sóc cây cà phê, ca cao, ủ phân vi sinh, chăn nuôi,… thu hút gần 16.000 lượt hội viên tham gia; đồng thời xây dựng 110 mô hình cải tạo 11 ha cà phê …

ADQuảng cáo

Ông Đinh Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Đà cho biết: Đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu để hội viên chia sẻ kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật, duy trì nhóm đồng sở thích. Đặc biệt, Hội phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện triển khai hỗ trợ nông dân gieo sạ các giống lúa mới để tăng năng suất trên cùng một diện tích. Nhờ đó, hội viên nông dân rất phấn khởi và luôn chủ động trong việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Gia đình bà Nguyễn Thị Mân, thôn Tân Tiến, xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) có nguồn thu nhập cao từ trồng hoa

Chuyển giao khoa học kỹ thuật là hoạt động trọng tâm được các cấp hội nông dân trong tỉnh chủ động thực hiện nhằm giúp hội viên từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Điển hình như Hội Nông dân huyện Đắk R’lấp đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 44 lớp tập huấn, hội thảo, tập trung vào kỹ thuật cắt cành, ghép cây trồng, kiến thức thị trường, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Hội Nông dân các huyện Tuy Đức, Đắk Mil, Đắk Glong tổ chức hướng dẫn hội viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng các mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật đa chức năng ủ phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp. Qua đó, nông dân đã tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư phân bón. Hội Nông dân tỉnh thì lập các dự án cải tạo vườn cà phê năng suất thấp và được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí thực hiện.

Đến nay, Hội đã phối hợp mua chồi ghép, phân bón và tiến hành ghép chồi cho 7 mô hình tại 5 huyện Đắk Mil, Đắk Song, Đắk R’lấp, Đắk Glong và Krông Nô. Thông qua phối hợp thực hiện Dự án cải tiến nâng cao chất lượng giống bò thịt địa phương, Hội Nông dân tỉnh  được đầu tư gần 2,9 tỷ đồng để triển khai tại huyện Đắk Song. Hiện dự án đã tiến hành các bước cấp phát vật tư, tập huấn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý đàn bò và kỹ thuật trồng cỏ, chế biến thức ăn cho 160 hội viên nông dân tham gia dự án...

Việc giúp đỡ hội viên về vốn cũng được chú trọng, với nhiều nguồn huy động khác nhau, trong đó chủ yếu là vốn vay ngân hàng. Đặc biệt, bằng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân trên 18,8 tỷ đồng đã tạo cơ hội cho nhiều hội viên  được tiếp cận để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài ra, với tinh thần “tương thân tương ái”, hội viên trong toàn hội còn giúp hội viên khó khăn khoảng 4,8 tỷ đồng, cây, con giống các loại, lương thực, thực phẩm, ngày công...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các cấp hội nông dân đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO