“Bức tranh” dạy nghề cho lao động nông thôn (Kỳ 5): Bất cập việc dạy nghề phi nông nghiệp

24/08/2016 13:55

Sau khi được học nghề và nhận chứng chỉ các nghề phi nông nghiệp, nhiều lao động nông thôn khó tìm được việc làm, một phần là do “tắc đầu ra”.

ADQuảng cáo

Không dễ có việc làm

Đầu năm 2014, Trung tâm dạy nghề huyện Đắk R’lấp tổ chức 3 lớp dạy may công nghiệp cho 95 thanh niên trên địa bàn huyện. Với mong muốn học nghề công nghiệp để có cơ hội tìm việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống, nhưng chỉ có việc làm chưa đầy 1 năm, họ đã phải nghỉ việc do công ty thua lỗ.

Nhà xưởng sản xuất của doanh nghiệp may mặc ở huyện Đắk R’lấp đã tạm ngưng hoạt động hơn 1 năm nay

Anh Hà Thái Phong cùng với vợ ở thị trấn Kiến Đức đã tham gia học và làm việc tại xưởng may của doanh nghiệp tại địa bàn cho biết: “Chúng tôi được học theo hình thức vừa học vừa làm tại Công ty TNHH May mặc Thạnh Liên (TP. Hồ Chí Minh), nhưng mới được 2 tháng thì nghỉ. Sau đó, Công ty TNHH May mặc Cần Mẫn (TP. Hồ Chí Minh) đến, nhưng hoạt động gần 1 năm thì cũng “đứt gánh”. Chúng tôi đành phải về nhà và được bố mẹ mua cho mảnh rẫy để làm. Nếu công ty may mặc duy trì được ở địa phương thì chúng tôi có thể vừa tận dụng thời gian làm việc nhà vừa làm thêm tại công ty, cuộc sống ổn định hơn”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền ở xã Kiến Thành cũng phải nghỉ việc ở công ty may mặc và về làm rẫy, nói: “Sau khi học nghề và vào làm việc tại 2 công ty, nhưng được gần 1 năm thì tôi phải nghỉ việc. Ban đầu, công ty nói lương cơ bản 3,5 triệu đồng/tháng, nhưng sau đó chỉ được 1,5-2,5 triệu đồng, nên nhiều công nhân bỏ việc vì không bảo đảm được cuộc sống”.

Vậy là, mô hình dạy nghề, gắn với giải quyết việc làm đầu tiên trên địa bàn tỉnh được triển khai đối với nghề may công nghiệp tổ chức tại Trung tâm dạy nghề huyện Đắk R’lấp xem như thất bại.  

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Đắk Glong chia sẻ: “Từ năm 2012 - 2015, Trung tâm mở được 21 lớp sơ cấp cho 610 người, nhưng đến nay chỉ có 1 người mở được tiệm sửa chữa máy nông nghiệp, còn lại vẫn chưa có ai tìm được việc làm bằng những nghề đã được học. Những học viên học dệt thổ cẩm, điện dân dụng, sửa chữa máy nông nghiệp thì chủ yếu phục vụ công việc gia đình. Người học tin học thì sử dụng để khai thác thông tin về sản xuất nông nghiệp, đọc báo…góp phần nâng cao dân trí”.

Từ năm 2011- 2015, Trung tâm giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh Đắk Nông đã mở được 63 lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho trên 1.600 học viên. Tuy nhiên, theo Giám đốc Văn Thị Lệ thì trong số các chị em học nghề chỉ có khoảng 30% được giới thiệu việc làm và tự tạo việc làm có thu nhập, sống được bằng nghề.

“Tắc” ở khâu liên kết

Từ thực tế lao động sau học nghề bị thất nghiệp cho thấy, khâu liên kết đang bị “tắc” và dường như, các trung tâm dạy nghề tỏ ra “bất lực” hoặc “làm ngơ” trong việc giải quyết việc làm.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Xuân Thùy, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Đắk R’lấp cho biết: “Theo quy định, đối với nghề phi nông nghiệp thì yêu cầu đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm. Tức là, trung tâm dạy nghề phải dự báo được việc làm và có nơi tiếp nhận học viên sau khi đào tạo xong thì mới được mở lớp, còn không bảo đảm được thì không được mở lớp. Do đó, trung tâm dạy nghề muốn mở lớp thì phải ký kết với UBND xã, người học và doanh nghiệp, bảo đảm đào tạo ra là giải quyết việc làm. Mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm đối với nghề may công nghiệp mà Trung tâm dạy nghề Đắk R’lấp triển khai dựa trên nguyên tắc này”.

UBND huyện Đắk R’lấp và Trung tâm dạy nghề Đắk R’lấp đã rất quan tâm, khuyến khích doanh nghiệp mở các nhà máy sản xuất, chế biến trên địa bàn. UBND huyện đã bố trí đất, xây dựng nhà xưởng, đầu tư hệ thống điện, nước và trên 1,2 tỷ đồng mua máy may cho Công ty TNHH May mặc Thạnh Liên và Công ty TNHH May mặc Cần Mẫn. Trong 2 năm đầu, huyện cũng không thu thuế đối với 2 công ty này.

Thế nhưng, cả 2 công ty đều tạm dừng hoạt động do thua lỗ và không thực hiện đầy đủ chính sách đối với người lao động. Toàn bộ nhà xưởng, máy móc, logo vẫn còn nguyên, nhưng đã “đắp chiếu” từ cuối năm 2014 đến nay.

Trong khi đó, bà Văn Thị Lệ lại cho biết: “Trung tâm thường xuyên liên hệ với các doanh nghiệp tìm đầu ra. Họ muốn tuyển nhiều nhưng chị em có gia đình nên ngại không muốn đi làm ăn xa, vì phần lớn cũng đã có rẫy nương, có thu nhập tại địa phương. Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thì mình tìm nguồn mà không có nguồn”.

Đào tạo để… “đón đầu”!

Theo bà Văn Thị Lệ, định hướng của tỉnh là chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ nên việc đào tạo nghề phi nông nghiệp chủ yếu là để “đi trước đón đầu”. Định hướng của tỉnh là đến năm 2020 phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ được 60 -70%, nhưng giờ tỉnh ta là tỉnh thuần nông, 85% là sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, để thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân không thể “một sớm một chiều” được. Nhiều doanh nghiệp đã làm việc với trung tâm, nhưng họ thấy tính khả thi không cao. Khi họ đầu tư mà không lợi nhuận thì  họ thôi.

Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, Trưởng Phòng Quản lý dạy nghề (Sở LĐTB-XH) thì trên địa bàn tỉnh hiện nay, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo không nhiều, vì đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí “siêu nhỏ”. Ở các tỉnh khác có khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, nên việc đào tạo nghề ra dễ có việc làm. Trong khi đó, lao động trong tỉnh chủ yếu là ở nông thôn, trình độ lao động không đồng đều, lại có tâm lý ngại đi làm ở xa, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngay chính người học cũng đã đặt ra câu hỏi là học xong có việc làm ở trên địa bàn tỉnh hay không? Chủ trương, mục tiêu là cần phải có sự liên kết giữa chính quyền địa phương, đơn vị đào tạo, người học và doanh nghiệp, nhưng với đặc thù lao động của tỉnh thì xem ra rất khó.

Mặc dù chưa có thống kê chính thức, nhưng qua thực tế tại các trung tâm dạy nghề cho thấy, số người học nghề phi nông nghiệp có việc làm và sống được bằng nghề rất ít. Vì vậy, bên cạnh sự lãng phí ngân sách của Nhà nước đầu tư thì chính người học cũng lãng phí tiền của, thời gian, công sức không ít.

Từ năm 2011- 2015, Trung tâm giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh Đắk Nông đã mở được 63 lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho trên 1.600 học viên, trong đó có khoảng 30% được giới thiệu việc làm và tự tạo việc làm có thu nhập, sống được bằng nghề.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bức tranh” dạy nghề cho lao động nông thôn (Kỳ 5): Bất cập việc dạy nghề phi nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO