“Bức tranh” dạy nghề cho lao động nông thôn (Kỳ 4): Nghịch lý việc bố trí nguồn nhân lực

Thanh Nga| 23/08/2016 10:27

Con người được xem là yếu tố trung tâm làm nên thành công trong công tác dạy nghề, nhưng xem ra nguồn nhân lực cho các trung tâm dạy nghề trong thời gian qua đang còn những bất cập.

ADQuảng cáo

Trung tâm dạy nghề không có… giáo viên

Theo Đề án 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” thì  mỗi trung tâm dạy nghề công lập tối thiểu có 1 giáo viên cơ hữu.

Tuy nhiên, hầu hết các trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có giáo viên cơ hữu. Trong khi đó, mỗi trung tâm lại có từ 9-10 nghề được cấp phép đào tạo sơ cấp, nên mỗi khi tổ chức dạy nghề lại phải lo đi hợp đồng giáo viên.

Bà Văn Thị Lệ, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh cho biết, từ năm 2011- 2015, Trung tâm đã mở 63 lớp dạy nghề phi nông nghiệp, nhưng tất cả đều phải hợp đồng với giáo viên ở các cơ quan khác vì đến nay vẫn chưa được tỉnh bố trí giáo viên cơ hữu. Đối với nghề dệt thổ cẩm thì Trung tâm thuê các nghệ nhân ở các bon, buôn trên địa bàn tỉnh. Những nghề từ tin học, may công nghiệp, làm bánh đến cắm hoa, nấu ăn, trang điểm thì Trung tâm đều phải hợp đồng các giáo viên ở trung tâm, cơ quan các huyện.

Từ tháng 6/2013 đến nay, Trung tâm dạy nghề huyện Đắk R’lấp được UBND huyện bố trí 5 biên chế gồm: 1 giám đốc, 1 phó giám đốc, 1 cán bộ đào tạo, 1 kế toán, 1 văn thư kiêm tạp vụ và hợp đồng thêm 1 bảo vệ. Bộ khung cán bộ quản lý thì đầy đủ, nhưng Trung tâm lại không hề được bố trí giáo viên.

Trung tâm dạy nghề huyện Đắk R’lấp được huyện bố trí 5 biên chế, nhưng không có giáo viên dạy nghề

Ông Nguyễn Xuân Thùy, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Đắk R’lấp cho biết: Trong quy định thì yêu cầu chung có giáo viên, nhưng thời gian qua, Trung tâm không có giáo viên chuyên môn. Từ năm 2014-2015, Trung tâm mở 8 lớp dạy nghề thì tất cả đều phải hợp đồng giáo viên. Trong đó, 5 lớp dạy nghề nông nghiệp thì hợp đồng giáo viên tại các cơ quan chuyên môn của huyện để giảng dạy; 3 lớp dạy may công nghiệp thì thuê giáo viên ở các công ty may mặc từ TP. Hồ Chí Minh về giảng dạy.

Tuy nhiên, như ông Nguyễn Xuân Thùy phân tích thì mặc dù bất cập, nhưng với tình trạng dạy nghề như hiện nay, việc đi hợp đồng giáo viên bên ngoài xem ra lại “tiết kiệm” hơn. Cụ thể, nếu tuyển giáo viên thì huyện phải trả lương 12 tháng/năm và các chế độ khác, trong khi dạy nghề thì 1 năm làm việc khoảng 3 tháng thôi. Như vậy, việc hợp đồng giáo viên bên ngoài có trình độ đại học và trả 1 tiết dạy chỉ 35.000 đồng thì hiệu quả hơn (?) .

ADQuảng cáo

Trung tâm dạy nghề “trên giấy”

Trong khi các trung tâm đã hoạt động trên địa bàn tỉnh chưa được bố trí giáo viên thì tại các huyện như Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Mil lại có những trung tâm thành lập “trên giấy”.

Theo danh sách chứng nhận đăng ký và bổ sung hoạt động nghề mà Sở LĐTB-XH quản lý chuyên môn thì Trung tâm dạy nghề huyện Đắk Song được cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy nghề ngày 28/8/2012, nhưng chưa hề tổ chức mở lớp dạy nghề.

Trung tâm dạy nghề huyện Tuy Đức có quyết định thành lập số 2179/QĐ-UBND, ngày 21/12/2010, nhưng chưa xây dựng, chưa có bộ máy làm việc và chưa đăng ký hoạt động nghề. Trung tâm dạy nghề huyện Đắk Mil thì có quyết định thành lập số 1580/QĐ-UBND ngày 7/10/2010, hiện đã xây dựng xong cả năm nay, nhưng vẫn chưa hoạt động.

Ông Nguyễn Tiến Phúc, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Đắk Mil cho biết: Từ năm 2013, UBND huyện đã bố trí cho Trung tâm dạy nghề huyện Đắk Mil bộ máy gồm 1 giám đốc và 3 nhân viên, nhưng chưa hoạt động nên không làm gì. Khi thành lập trung tâm bắt buộc phải có nhân sự. Sở LĐTB-XH-chủ đầu tư đã xây dựng cơ sở vật chất xong, nhưng chưa bàn giao công trình nên không thể đưa vào hoạt động được và bỏ hoang cả năm nay rồi.

Về góc độ quản lý, ông Nguyễn Xuân Hòa, Trưởng Phòng Quản lý dạy nghề (Sở LĐTB-XH) bày tỏ quan điểm: Tôi nghĩ, cái hạn chế lớn nhất hiện nay ở các trung tâm dạy nghề hoạt động chưa tốt, hiệu quả chưa cao chính là con người. Hiện nay, các trung tâm mới chỉ bố trí từ 3-5 biên chế, bao gồm “bộ khung” gồm lãnh đạo, kế toán, bảo vệ, văn thư. Chúng tôi không biết vì lý do gì mà trên địa bàn tỉnh, các trung tâm dạy nghề đã hoạt động nhiều năm, nhưng vẫn chưa được các huyện bố trí giáo viên thuần túy về dạy chuyên môn.

Cũng theo ông Hòa thì dạy nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Trung tâm dạy nghề của các huyện khi xây lên thì vẫn phải hoạt động, đi thuê mướn giáo viên. Giáo viên thuê, hợp đồng ngoài thì đa số họ phải kiêm nhiệm và tập trung làm công tác chuyên môn ở đơn vị. Mặc dù có trình độ sư phạm, có chuyên môn, nhưng việc dạy hợp đồng này vẫn xem như là làm thêm nên họ chưa gắn bó, tâm huyết đối với công tác dạy nghề.

Có thể nói, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan có liên quan là nhân tố quyết định thành công của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuy vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn những mặt hạn chế nhất định. Đó là công tác quản lý, nguồn nhân lực giảng dạy. Các lớp đào tạo nghề chủ yếu là trình độ sơ cấp, ngắn hạn dưới 3 tháng và còn thiếu các lớp đào tạo trung cấp nên chỉ giúp lao động phục vụ chăn nuôi, trồng trọt tại gia đình.

Mặt khác, hiện nay đã có các chính sách ưu đãi tín dụng cho nông dân vay vốn, nhưng chưa có chính sách đặc thù cho học viên được học nghề. Vì thế, trong giai đoạn tới, Trung ương và tỉnh cần có những chính sách khuyến khích nông dân học nghề nông nghiệp và chú trọng nâng cao trình độ nghề để thúc đẩy nông nghiệp phát triển và hội nhập hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bức tranh” dạy nghề cho lao động nông thôn (Kỳ 4): Nghịch lý việc bố trí nguồn nhân lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO