“Bức tranh” dạy nghề cho lao động nông thôn (Kỳ 1): Dạy nghề từng bước gắn với nông thôn, nông dân

Thanh Nga| 17/08/2016 09:37

Trong giai đoạn 2011-2015, thực hiện Đề án 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, các địa phương trong tỉnh đã triển khai hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận thì công tác dạy nghề cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục.

ADQuảng cáo

Qua tìm hiểu cho thấy, công tác dạy nghề đã từng bước gắn với nông thôn, nông dân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người lao động.

Phát triển sản xuất nhờ học nghề

Bon Bu Ja Ráh, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc M’nông. Tháng 5/2014, Trung tâm dạy nghề huyện Đắk R’lấp tổ chức lớp sơ cấp nghề trồng trọt - bảo vệ thực vật cho 25 phụ nữ ở bon. Sau 3 tháng tham gia, chị em đã học được nhiều điều mới mẻ để áp dụng vào sản xuất, giúp gia đình nâng cao thu nhập.

Chị Thị Nghiệp - một người dân trong bon chia sẻ: Tham gia lớp học nghề đã giúp mình nắm được các kiến thức chung về trồng trọt, bảo vệ thực vật. Chị em vừa được dạy lý thuyết về kỹ thuật trồng, chăm sóc những cây trồng như lúa, cà phê, điều, hồ tiêu, cao su vừa thực hành tại vườn cây, nên rất dễ hiểu. Từ khi bà con biết được cách làm đất, gieo sạ, làm cỏ, bón phân, phun thuốc đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng cách nên năng suất cây trồng tăng lên. Như gia đình tôi, hiện nay, với hơn 1 sào trồng lúa mỗi vụ cũng thu về hơn 1 tấn.

Chị Thị Nghiệp còn cho biết, hiện gia đình thực hiện mô hình phát triển sản xuất đa cây, gồm lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu. Những kiến thức được học đã giúp chị phát triển kinh tế gia đình, tạo thêm việc làm.

Chị Thị Nghiệp ở bon Bu Ja Ráh, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp), sau khi được học nghề đã áp dụng vào sản xuất, có thu nhập ổn định

Nói về hiệu quả của việc học nghề, chị Thị Luyến, Chi hội phó Hội phụ nữ bon Bu Ja Ráh cho biết, lớp sơ cấp nghề trồng trọt - bảo vệ thực vật là lớp nghề đầu tiên  chị em được học và thực tế mang lại hiệu quả lớn, nhất là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của học nghề. Trước đây, nhiều người có suy nghĩ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc phó thác cho thời tiết, nhưng nay thì khác hẳn. Bà con đã có sự tính toán đầu tư như thế nào cho có hiệu quả, chăm chỉ làm ăn và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Năng suất, chất lượng cây trồng đã tăng lên, kinh tế của nhiều hộ được cải thiện đáng kể. Trong thời gian tới, Chi hội sẽ tiếp tục vận động các chị em tham gia học nghề về trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

ADQuảng cáo

Tương tự, trước đây, anh Nguyễn Văn Đáng, thôn 3, xã Đắk Som (Đắk Glong) chăn nuôi heo, nhưng nhỏ lẻ và thường bị bệnh nên không dám đầu tư nuôi quy mô lớn. Năm 2014, anh Đáng đăng ký học lớp sơ cấp nghề chăn nuôi-thú y và mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại. Hiện nay, anh đã có trên 200m2 chuồng trại chăn nuôi heo, mỗi năm bán trên 12 tấn heo hơi và còn bán heo giống cho bà con trong vùng.

Anh Đáng chia sẻ: “Sau khi đi học và có kiến thức về chăn nuôi, tôi đã tự tin mở trang trại nuôi heo. Không những biết bảo đảm chế độ dinh dưỡng, tôi còn biết cách chăm sóc, phòng ngừa bệnh cho heo nên đạt hiệu quả cao.

Anh Nguyễn Văn Đáng, thôn 3, xã Đắk Som (Đắk Glong) sau khi được học nghề chăn nuôi – thú y đã mở trang trại chăn nuôi heo

Anh Nguyễn Đức Đại, thôn 3, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) học lớp trồng trọt - bảo vệ thực vật năm 2015 thì chia sẻ: Tôi và bà con trong vùng chủ yếu trồng trọt nên khi được xã và huyện mở lớp tại xã đã rủ nhau đi học để về áp dụng vào sản xuất. Sau khi đi học tôi mới nhận ra, trong trồng trọt phải chú trọng bón phân, phun thuốc đúng thời điểm, đúng liều lượng thì mới hiệu quả. Ngoài ra, tôi cũng đã biết được các kỹ thuật về tỉa cành, tạo tán cho cà phê, điều, hồ tiêu…

Góp phần thúc đẩy phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh - Xã hội, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta đã dạy nghề cho 10.357 lao động nông thôn; trong đó, có 6.232 thanh niên dân tộc thiểu số. Trung ương và địa phương đã đầu tư gần 63 tỷ đồng cho các cơ sở dạy nghề và hỗ trợ lao động nông thôn học nghề. Lao động nông thôn đa số được tham gia học các nghề nông nghiệp như trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y, sửa chữa máy nông nghiệp...

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH, trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được các ngành, các cấp và người dân quan tâm thực hiện, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn về nhiều mặt. Sau khi được học nghề, có khoảng 70% số lao động nông thôn đã tăng thêm thu nhập, có việc làm hoặc tự tạo việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức thu nhập, cải thiện đời sống. Công tác dạy nghề đã được lồng ghép, gắn kết với việc triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương.

Cũng theo bà Hương thì từ nay đến năm 2020, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng nâng cao chất lượng, gắn với giải quyết việc làm,  đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn, phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bức tranh” dạy nghề cho lao động nông thôn (Kỳ 1): Dạy nghề từng bước gắn với nông thôn, nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO