Bon Đắk R’moan gìn giữ nét đẹp của dân tộc

Mỹ Hằng| 01/04/2015 09:30

Những năm qua, cùng với việc thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chăm lo phát triển kinh tế, đồng bào M’nông ở bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) đã có nhiều cách làm hay, thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

ADQuảng cáo

Điển hình như gia đình anh Điểu M’rưng, những lúc rảnh rỗi là hai vợ chồng lại ngồi bên khung cửi để dệt thổ cẩm-nghề truyền thống của dân tộc từ bao đời nay. Những tấm áo choàng, khố, túi xách được vợ chồng anh dệt, thêu một cách cẩn thận, tỉ mỉ đến từng họa tiết.

Bên cạnh đó, anh Điểu M’rưng còn chăm chỉ đan gùi, rổ rá, các vật dụng sinh hoạt, sản xuất hàng này bằng mây tre. Các sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ gia đình mà còn bán cho bà con xung quanh và những ai có nhu cầu. Nhờ đó, đời sống kinh tế của gia đình anh cũng đỡ chật vật hơn trước.

Anh Điểu M’rưng miệt mài đan gùi, rổ, rá, các vật dụng sinh hoạt, sản xuất

Theo anh Điểu M’rưng thì nghề dệt thổ cẩm, đan rổ rá tuy hơi vất vả, nhưng có cái hay, đặc trưng riêng của nó. Không phải người đàn ông nào cũng có thể kiên nhẫn ngồi hàng giờ để luồn những sợi chỉ, sợi mây làm nên những sản phẩm đẹp, vừa lòng khách gần xa.

Anh Điểu M’rưng cho biết: “Các sản phẩm thổ cẩm, vật dụng sinh hoạt, không những là hàng hóa để có thể buôn bán, trao đổi, mà còn giúp bà con, nhất là thế hệ trẻ có ý thức giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc”.

ADQuảng cáo

 Tương tự, chị Thị Nhi cũng dạy cho những đứa con của mình biết hát các làn điệu dân ca để gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, tránh xa những trò chơi vô bổ, nguy hại. Những bài hát ru em, giao duyên, đối đáp, hát kể… được chị thể hiện một cách mượt mà, sâu lắng, giúp cho con trẻ ngày càng hiểu hơn sự tinh tế, giá trị tinh thần của văn hóa dân tộc.

Chị Thị Nhi chia sẻ: “Có nhiều cách để bảo tồn các giá trị văn hóa và việc dạy cho con biết hát những làn điệu dân ca là một hình thức hữu hiệu nhất. Mình phải trau dồi, bồi dưỡng cho các con ngay từ khi còn nhỏ thì chúng mới có thể thấm được những cái đẹp, giá trị tinh thần mà cha ông để lại”.

Còn ông Điểu Nhong, mặc dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng ngày ngày vẫn kiên trì rèn những chiếc xà gạc, dao, kéo, rựa…các công cụ sản xuất để cung cấp cho người dân xung quanh. Những công cụ sản xuất đều được ông rèn giũa một cách tinh xảo, sắc bén và luôn làm với tất cả tâm huyết của mình. Bởi vậy, mấy chục năm qua, người dân quanh vùng đều biết và đến đặt hàng. Nghề rèn đã gắn bó với gia đình ông mấy chục năm qua, nên việc giữ nghề vừa là trách nhiệm vừa là cách để có thêm thu nhập.

Ông Điểu Nhong nói: “Nghề rèn đã nuôi tôi lớn và ngấm vào máu nên không thể dứt ra được. Ngày nào không đụng dao vào đe, búa… tôi cảm thấy như thiếu thiếu cái gì vậy”. Không chỉ lưu giữ nghề rèn truyền thống, ông Điểu Nhong còn là một trong những người già trong bon hát được dân ca và chế tác các nhạc cụ bằng tre nứa như sáo, drơn…

Điều đáng ghi nhận nữa là nhờ sự vận động, tuyên truyền của chính quyền các cấp và nối tiếp truyền thống của thế hệ đi trước, lớp trẻ trong bon hiện nay cũng đã từng bước hiểu được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để học hỏi, phát huy. Ngoài thời gian đến trường, phụ giúp cha mẹ trên nương rẫy, những lúc rảnh rỗi, nhiều em học sinh lại cùng nhau tập hát, múa những điệu múa, làn điệu dân ca của dân tộc mình.

Theo ông Điểu Nhang, Trưởng bon Đắk R'moan thì với sự đồng lòng, chung sức của mọi người dân, hiện nay, bon đã thành lập được một đội văn nghệ dân gian, thu hút khá đông những người yêu thích văn hóa truyền thống tham gia sinh hoạt. Mỗi khi bon làng hay địa phương tổ chức sự kiện gì thì đội văn nghệ dân gian cũng luôn là lực lượng nòng cốt để tham gia trình diễn các tiết mục “cây nhà lá vườn” hết sức sinh động, góp phần cho buổi lễ thêm phần vui tươi, phấn khởi.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bon Đắk R’moan gìn giữ nét đẹp của dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO