Bon Bu Kol gìn giữ văn hóa truyền thống

Mỹ Hằng| 23/07/2015 09:19

Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, xã hội, đồng bào M’nông ở bon Bu Kol, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) đã có nhiều cách làm hay, thiết thực để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

ADQuảng cáo

Gia đình chị H’Nghet những lúc rảnh rỗi không lên nương rẫy, các thành viên lại cùng nhau quây quần bên khung cửi để dệt nên những tấm thổ cẩm phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt. Những tấm áo choàng, khố, túi xách được dệt, thêu một cách cẩn thận, tỉ mỉ đến từng họa tiết, không chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình mà còn bán cho những ai có nhu cầu. Vì thế, đời sống kinh tế của gia đình chị cũng đỡ chật vật hơn trước.

Những lúc rảnh rỗi, chị H’Nghet lại ngồi bên khung cửi, dệt những tấm thổ cẩm mình yêu thích

Năm 2012, chị H’Nghet được Trung tâm giới thiệu việc làm phụ nữ (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh) mời làm người hướng dẫn dạy dệt thổ cẩm cho bà con trong bon và đã tổ chức được 1 lớp, với hơn 20 học viên. Dưới sự hướng dẫn tận tình của chị, nhiều phụ nữ trong bon Bu Kol đã biết dệt những trang phục, vật dụng cho người thân trong gia đình.

H’Nghet cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm không đơn giản như mọi người nghĩ mà nó luôn đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo trong từng chi tiết. Tôi yêu nghề và không muốn mất nghề, nên luôn cố gắng truyền dạy cho các chị em có nhu cầu, với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc”.

Nghệ nhân Y El được xem là “nghệ nhân tài hoa” vì có thể sử dụng và chế tạo rất nhiều nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình như drơn, m’ló, m’buốt… Mỗi khi địa phương tổ chức lễ hội hay sự kiện gì thì ông đều hăng hái tham gia tranh tài, luôn được giải cao.

Cùng với niềm đam mê đánh chiêng, nghệ nhân Y El còn truyền dạy cho người thân, lớp trẻ về kỹ thuật sử dụng nhạc cụ của dân tộc mình. Được cha truyền dạy, hai người con trai của ông là  Y Gret và Y Choan cũng say mê luyện tập và hiện đã trở thành những tay chiêng giỏi của đội chiêng trẻ trong bon. Những lúc rảnh rỗi, nghệ nhân Y El còn lên rừng kiếm tre nứa về chế tác các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình hay đan những chiếc gùi, nong nia, rổ rá…

ADQuảng cáo

Nghệ nhân Y El cho biết: “Văn hóa truyền thống của người M’nông rất phong phú và tôi muốn truyền đạt lại cho thế hệ trẻ để chúng hiểu biết và có ý thức giữ gìn. Vì vậy, hễ ai muốn học chế tác hay sử dụng nhạc cụ dân tộc, tôi đều chỉ dẫn một cách tận tình”.

Đội cồng chiêng bon Bu Kol thường xuyên luyện tập để nâng cao khả năng diễn tấu

Còn chị H’Ộc cũng dạy cho những đứa con của mình biết hát những làn điệu dân ca để gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, tránh xa những trò chơi vô bổ, nguy hại. Những bài hát ru em, giao duyên, đối đáp, hát kể… được chị thể hiện một cách mượt mà, sâu lắng, giúp cho con trẻ ngày càng hiểu hơn sự tinh tế, giá trị tinh thần của văn hóa dân tộc.

Theo chị H’Quýt, Phó bon Bu Kol thì toàn bon hiện có 85 hộ với gần 800 nhân khẩu, chủ yếu là người M’nông. Những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền các cấp nên đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân trong bon ngày càng thay đổi, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được kế thừa và phát huy.

Đặc biệt, trên cơ sở thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ”,  được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, hiện bon Bu Kol đã thành lập được 1 đội cồng chiêng lớn tuổi và 1 đội cồng chiêng trẻ.

Cùng với việc thuộc, đánh nhuần nhuyễn các bài chiêng, các thành viên còn có thể hoán đổi vị trí cho nhau. Một số bài chiêng cổ, khó đánh, tưởng chừng như bị thất truyền như “Ding Boh”, “Ntăng Dâng Boh”, “Ching ngăn”, “Thơt tinh thoa”, “Têt tơ wew”, “Speh Dfoor”... đều được các bạn trẻ diễn tấu thành thạo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bon Bu Kol gìn giữ văn hóa truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO