Bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”: Vẫn chưa đúng thực chất

Mỹ Hằng| 05/06/2019 10:51

Xây dựng gia đình văn hóa là 1 trong 7 phong trào lớn của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, có nội dung ảnh hưởng thiết thực đối với từng người, từng gia đình và cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, việc xây dựng và bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều lúng túng, chưa đúng thực chất.

ADQuảng cáo

Thông qua các hội thi, hội diễn, thông điệp về xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc sẽ đến được với người dân

Người dân chưa “mặn mà”

Thôn 2, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) hiện có 106 hộ với hơn 300 nhân khẩu chủ yếu là dân tộc Kinh. Theo ông Nguyễn Đình Phú, Trưởng thôn 2, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, thôn cũng đã thành lập được Ban vận động để tuyên truyền người dân tích cực thực hiện. Tuy nhiên, số hộ đăng ký gia đình văn hóa hàng năm luôn ở mức thấp, thậm chí có năm chỉ được mấy chục hộ.

Đơn cử, năm 2018 có 20 hộ đăng ký và được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa”. Tuy nhiên, địa phương tổ chức khen thưởng thì người dân lại không chịu lên nhận danh hiệu này. Nguyên nhân chủ yếu là do danh hiệu “Gia đình văn hóa” không gắn liền với quyền lợi của người dân. Hơn nữa thôn 2 là thôn thường xuyên diễn ra kiện tụng, tranh chấp đất đai, không được giải quyết thấu đáo nên người dân có phần bức xúc.

Ông Phú cho biết: “Nếu xét về các tiêu chí mà phong trào đưa ra thì hầu như các gia đình đều đủ tiêu chuẩn là gia đình văn hóa nhưng cái danh hiệu này không gắn liền với cuộc sống nên người dân không “mặn mà”. Nếu các vấn đề liên quan đến hộ nghèo và gắn liền với quyền lợi của người dân thì họ hăng hái tham gia ngay”.

Ông Võ Quý Lý, người dân ở thôn 2 cũng cho biết: “Đã là vợ chồng thì lúc này lúc khác và không thể tránh khỏi những mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống. Nếu nhìn vào danh hiệu văn hóa mà đành nín nhịn không giải quyết được mâu thuẫn cũng như khúc mắc thì tình trạng ngày càng căng thẳng hơn. Vì thế, nhiều người không đăng ký xây dựng gia đình văn hóa thì xem ra khỏe hơn”.

Tương tự, các thôn khác của xã Đắk Ngo tỷ lệ đăng ký gia đình văn hóa rất thấp. Cụ thể, thôn 1 có 19 hộ; thôn 3 có 55 hộ; thôn 7 có 85 hộ; bản Ninh Hòa có 25 hộ; bản Tân Lập có 50 hộ, bản Đoàn kết có 40 hộ... Từ các con số trên cho thấy, người dân vẫn còn xem nhẹ việc xây dựng gia đình văn hóa cũng như chẳng mấy mặn mà với danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Theo ông Trương Quang Tráng, cán bộ văn hóa xã Đắk Ngo, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay, dù xã đã thành lập Ban chỉ đạo phong trào và tuyên truyền, vận động xuống cơ sở bằng nhiều hình thức nhưng cũng không mấy khả quan. Người dân giờ cứ hời hợt với danh hiệu “Gia đình văn hóa”, không thấy trân trọng danh hiệu cho lắm. Nếu gắn với quyền lợi của họ như hộ nghèo thì tất cả các cuộc họp người dân đều hăng hái tham gia. Thế nhưng, khi họp bàn chuyện xây dựng gia đình văn hóa thì rất ít người đi nên việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” chỉ mang tính chất hình thức mà thôi.

Nâng cao nhận thức cho người dân về xây dựng gia đình văn hóa thông qua các hội thi, hội diễn

Bình xét mang tính khuyến khích

ADQuảng cáo

Người dân không mặn mà, không tham gia các cuộc bình xét nên dù không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí vẫn được xếp là “Gia đình văn hóa” là chuyện đã và đang xảy ra nhiều ở cơ sở.

Bon Tinh Wel Đơm, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) hiện có 329 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 40%. Thông thường, đầu quý 1 của năm các gia đình sẽ tiến hành đăng ký, cuối năm bình xét. Năm 2018, bon Tinh Wel Đơm có 250 hộ đăng ký và đều được công nhận là “Gia đình văn hóa”.

Qua tìm hiểu được biết, việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” được trải qua nhiều bước, từ khâu sàng lọc đến khâu đánh giá. Sau khi có kết quả chính thức (dựa trên thang điểm tự chấm của mỗi gia đình) thì đưa ra họp bon, chính những người hàng xóm xung quanh là người có cái nhìn một cách chính xác nhất. Vậy mà có một số hộ gia đình không tham gia các cuộc họp thôn, bon nhưng vẫn được công nhận “Gia đình văn hóa”. Thậm chí một số hộ còn cãi vã, bạo lực gia đình, xả rác bừa bãi, chăn nuôi gia súc gia cầm thả rông… cũng được công nhận “Gia đình văn hóa”.

Ông Nguyễn Văn Minh, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban xây dựng đời sống văn hóa bon Tinh Wel Đơm cho biết: “Năm 2018 là năm địa phương phấn đấu về đích xây dựng nông thôn mới nên các chỉ tiêu mà nghị quyết Đảng bộ xã đưa ra đều phải cố gắng đạt theo kế hoạch. Trong số 250 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” nói trên nếu xét đúng thực chất thì chỉ có tầm 30-40% gia đình đạt mà thôi, riêng các hộ còn lại là du di, mang tính khuyến khích”.

Bon N’Jriêng, xã Đắk Nia cũng được xem là bon có tỷ lệ gia đình văn hóa cao. Toàn bon có 147 hộ thì có 128 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Ông Nguyễn Đình Thi, Bí thư chi bộ-Trưởng Ban công tác mặt trận bon N’Jriêng cho biết: “Mặc dù có tiêu chuẩn, tiêu chí hẳn hoi nhưng việc bình xét vẫn mang tính định tính là nhiều còn nếu định lượng thì sẽ không đạt tới con số đã đăng ký. Mặc dù không mấy “mặn mà” nhưng nhiều hộ khi không được vào danh sách thì lại “kiện” ngay. Việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” của bon cũng dân chủ, công khai, nhưng nếu không nặng về áp lực chỉ tiêu thì có lẽ sẽ công bằng hơn”.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, cán bộ phụ trách văn hóa xã Đắk Nia, trên cơ sở thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xã cũng đã triển khai công văn, kế hoạch xuống cho các thôn, bon. Đầu quý 1/2019, các thôn, bon tiến hành đăng ký và đến tháng 10 sẽ tổ chức bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Qua quá trình thực hiện cho thấy, một số thôn, bon rất tâm huyết, nhưng vẫn còn còn không ít thôn, bon người dân chưa thực sự quan tâm, ủng hộ phong trào. Người dân chưa có cách nhìn đúng đắn về đời sống văn hóa nên kết quả của phong trào chưa cao và việc bình xét vẫn còn nhiều lúng túng. Một số thôn, bon đến thời điểm này cũng không chịu nộp bản đăng ký cho xã nên phải có công văn nhắc nhở.

Qua thống kê, nếu như năm 2004 toàn tỉnh có 26.626 gia đình văn hóa thì năm 2015 có 95.849/128.706 hộ gia đình văn hóa đạt 74,47% (tăng 69.223 hộ so với năm 2004). Riêng năm 2018, toàn tỉnh có 115.359 hộ gia đình văn hóa, đạt 80,93%. Mặc dù số lượng gia đình văn hóa ngày càng tăng nhưng chất lượng chưa thực sự đánh giá đúng thực chất. Bởi một số địa phương còn chưa thực sự coi trọng thủ tục bình xét công nhận gia đình văn hóa, phong trào chưa thực sự đồng đều giữa các khu vực, thiếu sự công khai dân chủ.

Cần đánh giá đúng thực chất

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” thì gia đình đó phải đáp ứng đủ 3 tiêu chuẩn (gồm 11 tiêu chí) theo Thông tư số 12 của Bộ VHTT-DL. Tuy nhiên, việc rà soát, đánh giá lâu nay vẫn đang còn vướng những sai sót, bắt đầu sai từ cấp cơ sở mà chung quy cũng vì 2 chữ “thành tích”.

Do đó, để khắc phục “bệnh” hình thức trong xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, các địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là chú trọng đến công tác khen thưởng, động viên các gia đình văn hóa tiêu biểu. Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thôn, bon phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là phải biết lắng nghe ý kiến dư luận trong quá trình bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”: Vẫn chưa đúng thực chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO