Biết “cái chữ”, chị em mạnh dạn, tự tin hơn trong các phong trào, hoạt động

Hoàng Bảo| 05/12/2019 09:25

Thời gian qua, Hội Phụ nữ xã Nâm N'đir (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã phối hợp mở các lớp xóa mù chữ cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số ở 2 thôn Nam Dao và Nam Ninh. Từ khi học chữ, chị em không chỉ biết đọc, biết viết mà còn ngày càng mạnh dạn, tích cực hơn trong các hoạt động của hội, địa phương.

ADQuảng cáo

Lo cơm nước xong là đến trường để học

Mỗi buổi tối, sau khi đi làm về, chị Triệu Thị Yến, ở thôn Nam Ninh cùng hàng chục chị em lại đến Trường tiểu học Phan Bội Châu để tiếp tục học xóa mù chữ nâng cao (tương đương lớp 4, lớp 5). Những năm trước, chị Yến không được đi học vì trường lớp xa, gia đình khó khăn. Hàng ngày, khi các bạn cùng trang lứa đi học thì chị Yến lại cùng bố mẹ đi nương rẫy, nên việc học đối với chị là một chuyện xa vời. Cũng vì không biết chữ, nên làm gì chị cũng chỉ điểm ngón tay chứ không viết được tên mình.

Tham gia học lớp xóa mù chữ, chị Triệu Thị Yến (bên trái) hiện đã biết đọc, biết viết những câu đơn giản. Ảnh: Hoàng Bảo

Năm 2017, khi Hội Phụ nữ xã thông báo có lớp học xóa mù chữ cho hội viên, phụ nữ, chị đăng ký đi ngay. Buổi tối, không kể mưa, gió, sau khi lao động về, lo cơm nước cho chồng con xong là chị lập tức đến trường để học. Nhờ sự kiên trì, chịu khó, ham học, chị đã hoàn thành xong giai đoạn 1 là biết đọc, biết viết.

Bây giờ, mình đã biết ký tên lên giấy tờ, đi ngoài đường thì biết nhìn bảng chỉ dẫn để không bị lạc. Ngày trước, không biết chữ nên đi đến đâu phải hỏi đến đó, có lúc đứng ngay bảng chỉ dẫn mà mình vẫn phải chờ có người đi qua để hỏi. Mình thấy học chữ tốt lắm. Biết “cái chữ” rồi, khi con đọc, mình cũng đọc theo mà không còn ngượng ngùng, xấu hổ như trước.

Chị Triệu Thị Yến, ở thôn Nam Ninh, xã Nâm N’đir, Krông Nô

Chị em hiện đều biết đọc, biết viết

ADQuảng cáo

Theo bà Tạ Thị Phú, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Nam Ninh, trong chi hội đa số hội viên đều là người dân tộc thiểu số ở phía Bắc, số chị biết chữ chỉ được vài ba người. Cho nên, sinh hoạt hội hay tuyên truyền vấn đề gì, từ kế hoạch hóa gia đình, nuôi dạy con… khó khăn vô cùng, dẫn đến phong trào, hoạt động hội không được sôi nổi, hiệu quả như mong muốn. Ban đầu, để vận động chị em đi học chữ cũng khó khăn lắm. Vì đa số chị em tuổi lớn, nên hay e ngại, nhưng sau khi kiên trì, chị em hiểu ra và đi rất đông. Thậm chí có gia đình, cả vợ và chồng cùng đi học nên lớp học vui vẻ, rôm rả lắm.

Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, chi hội có 128 hội viên thì hầu hết chị em hiện đều biết đọc, biết viết. Các phong trào, hoạt động hội khi tuyên truyền, vận động, chị em cũng hiểu được nhiều hơn so với trước. Bà Phú cho biết: Hiện nay thôn rôm rả lắm, chị em ngồi đâu cũng nói chuyện học thích thế nào, hữu ích ra sao. Có những chị khi mua phân bón hay món hàng gì đều xem hạn và hướng dẫn  sử dụng, chứ không đi hỏi như trước. Cũng nhờ biết chữ, hiểu tiếng Việt nên hiểu biết về pháp luật, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng tốt hơn. Đặc biệt, trong các hoạt động hội, chị em mạnh dạn tham gia, không còn tự ti hay ngại ngùng”.

Tích cực trong các phong trào, hoạt động

Theo bà Hoàng Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN xã Nâm N'đir, trong một lần làm lễ kết nghĩa giữa hai chi hội phụ nữ thôn Nam Ninh và thôn Nam Dao để giúp nhau xây dựng hội vững mạnh, đến phần chào cờ, hát Quốc ca thì một số chị em dân tộc thiểu số không đứng dậy. Hỏi ra mới biết, do các chị không được học chữ, không biết và hiểu tiếng Việt nên không hiểu các quy định của buổi lễ chào cờ. Trước thực tế này, Hội phụ nữ xã đã nói chuyện, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như nhu cầu của các chị em về việc học chữ.

Năm 2017, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp mở lớp xóa mù chữ giai đoạn 1, tập trung cho đọc, viết là chính. Điều đáng mừng, sau khi kết thúc khóa học, đa số các chị đều biết đọc, biết viết những câu đơn giản và hiểu hơn về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác hội. Hiện tại, xã đang tiếp tục mở lớp xóa mù giai đoạn 2, có 50 hội viên phụ nữ dân tộc Dao ở 2 thôn Nam Ninh và Nam Dao tham gia. Ban ngày, các chị phải đi lao động sản xuất, nên các lớp học được tổ chức vào ban đêm. Mỗi tuần, các chị học từ tối thứ 2 đến tối thứ 7, mỗi tối 5 tiết học.

Phần lớn các chị đều lớn tuổi, việc dạy học không hề đơn giản, nhưng  bù lại, các chị đều có nhu cầu học, nên đi học nghiêm túc, đầy đủ, chịu khó, tiếp thu bài cũng nhanh. Nhiều chị nay đã biết làm những phép tính đơn giản.

Bà Huệ cho biết: Thành công nhất mà lớp xóa mù chữ mang lại đó chính là các cuộc họp hành do Hội tổ chức, chị em tham gia đông đủ, đúng giờ, tiếp thu nghiêm túc. Chị em hai thôn Nam Ninh và Nam Dao ngày càng tích cực trong các phong trào, hoạt động của thôn, của hội chứ không nhút nhát, e dè như trước. Việc mở lớp nâng cao này cũng góp phần giúp các chị biết tính toán chi tiêu trong gia đình hợp lý hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biết “cái chữ”, chị em mạnh dạn, tự tin hơn trong các phong trào, hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO