Bệnh học đường có xu hướng tăng - chuyện không nhỏ

Vũ Trang| 27/10/2014 10:24

Theo kết quả giám sát của ngành Y tế tại một số cơ sở trường học trên địa bàn tỉnh cho thấy, tỷ lệ học sinh mắc các bệnh học đường như: các bệnh về mắt, cong vẹo cột sống, bệnh về răng miệng… có xu hướng tăng.

ADQuảng cáo

Riêng trong năm 2013, theo thống kê chưa đầy đủ, tỷ lệ mắc tật khúc xạ của học sinh chiếm gần 1,3%, tỷ lệ học sinh mắc bệnh răng miệng chiếm hơn 20%. Kết quả thống kê cũng cho thấy, đối với cấp học càng cao, tỷ lệ mắc các bệnh học đường càng nhiều.

Đơn cử như tật khúc xạ, đối với bậc học mầm non, tỷ lệ trẻ mắc bệnh chiếm 0,6%, đến bậc tiểu học tăng lên 1,2%, và ở bậc THPT là 17,8%. Điều đáng nói, do việc phát hiện bệnh muộn nên bệnh thường phát triển nặng, việc điều trị cũng khó khăn.

Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Gia Nghĩa) tập thể dục giữa giờ

Nguyên nhân thì có nhiều như: áp lực học tập của học sinh ngày càng lớn, nhưng cơ sở vật chất tại một số trường học chưa đảm bảo về chất lượng và tiêu chuẩn; thời gian học tập, nghỉ ngơi không hợp lý; công tác giám sát và chăm sóc sức khỏe cho học sinh chưa đáp ứng được nhu cầu...

Bà Nguyễn Thị Ngọc Vy, cán bộ chuyên trách chương trình y tế học đường (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết: “Trong các đợt khám sức khỏe cho học sinh tại trường học, nhiều em bị tật cận thị đến 2-3 độ, nhưng bản thân cũng như phụ huynh không hề phát hiện. Chính vì vậy, các em không được chăm sóc, điều trị kịp thời nên bệnh ngày càng nặng”.

ADQuảng cáo

Trước thực trạng bệnh học đường ngày càng tăng, ngành Y tế đã tăng cường các hoạt động giám sát, chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Đến hết năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 172 trường học thành lập Ban chăm sóc sức khỏe học sinh, tăng 106 trường so với năm học 2012-2013. Tỷ lệ trường học có phòng y tế đạt yêu cầu cũng tăng gần 45%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Y tế thì hiện nay, do một số nguyên nhân như thiếu nguồn nhân lực, kinh phí…nên công tác này vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Thực tế cho thấy, trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh thì việc phòng, chống các bệnh học đường là vấn đề cần phải được ưu tiên hàng đầu.

Để nâng cao hiệu quả của công tác này, các cấp, các ngành cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc triển khai các hoạt động. Trong đó, mô hình y tế trường học phải được tổ chức một cách hợp lý, vừa giúp học sinh, giáo viên tăng cường các kiến thức về sức khỏe, đồng thời tạo điều kiện chăm sóc tốt cho học sinh lúc ở trường. Về nguồn nhân lực, cùng với việc bổ sung, củng cố, hoàn thiện mạng lưới đội ngũ cán bộ y tế học đường thì cần quan tâm đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng để góp phần chăm sóc tốt hơn sức khỏe học sinh.

Về phía ngành Giáo dục, song song với nhiệm vụ nâng cao chất lượng dạy và học thì cần tích cực phối hợp với ngành Y tế trong công tác phòng, chống bệnh học đường nói riêng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh nói chung. Theo đó, các trường cần coi trọng việc tăng tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế. Việc đầu tư cơ sở vật chất cũng cần quan tâm đến các yếu tố như quy cách, tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, không gian trường, lớp, nhất là hệ thống chiếu sáng phòng học…

Về phía các gia đình, phục huynh cũng cần có sự phối hợp tích cực trong công tác phòng, chống các bệnh học đường. Trong đó, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu, nắm bắt những kiến thức cơ bản về bệnh học đường và cách phòng, chống; quan tâm đến thời gian học tập, nghỉ ngơi cũng như chế độ dinh dưỡng cho con cái. Đặc biệt, mỗi học sinh phải nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho bản thân, quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ mắt, giữ gìn tư thế đúng của cột sống, xây dựng thời khóa biểu học tập, rèn luyện và vui chơi một cách hợp lý để tạo sức khỏe tốt, góp phần phát triển một cách toàn diện về thể chất và trí tuệ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh học đường có xu hướng tăng - chuyện không nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO