Bể bơi di động - mô hình cần nhân rộng

Thanh Nga| 21/07/2016 10:25

Kỳ nghỉ hè năm nay, nhiều trẻ em trong vùng đã được trải nghiệm cảm giác thú vị tại bể bơi di động của Câu lạc bộ thể dục-thể thao Hoàng An nằm trên địa bàn xã Đắk Lao (Đắk Mil).

ADQuảng cáo

Đến với bể bơi Hoàng An, ngoài việc được thỏa thích làm quen, chơi đùa với nước thì đa số các em nhỏ ở đây đã đăng ký học bơi. Gần 1 tháng nay, chiều nào em Trần Minh Quân, 11 tuổi ở thôn 11B, xã Đắk Lao cũng đến đây để học bơi.

Giáo viên hướng dẫn kỹ thuật bơi cho các em nhỏ

Em Quân hào hứng chia sẻ: “Em rất thích bơi lội nên khi bể bơi khai trương đã xin bố mẹ cho đi học. Hiện tại, em đã biết bơi quanh bể và lặn ở độ sâu hơn 1m. Em đi học bơi để rèn luyện thân thể và có thể giúp đỡ mọi người nếu bị nguy hiểm khi ở dưới nước”.

Em Phan Tiến Dũng, 11 tuổi, ở tổ 3, thị trấn Đắk Mil thì chia sẻ về sự thú vị khi được bơi lội, tung tăng dưới nước: “Trước đây, em rất sợ xuống nước nhưng từ khi được học bơi thì cảm thấy rất thích thú. Trong thời gian 1 tháng, em được giáo viên hướng dẫn về các kỹ thuật bơi trườn sấp, bơi ngửa... nên đã biết bơi. Mỗi khi được bơi lội, em thấy có cảm giác sảng khoái, mát mẻ, khỏe khoắn”.

Sau hơn 2 tháng bể bơi đi vào hoạt động đã có nhiều gia đình trên địa bàn xã Đắk Lao và thị trấn Đắk Mil cho con đến học. Kinh phí học khoảng 1,2 triệu đồng/khóa và Câu lạc bộ cam kết dạy đến khi biết bơi, thời gian học 60 buổi.

ADQuảng cáo

Chị Trần Thị Sương, thôn 11B, xã Đắk Lao nói: “Trong thời gian qua, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được nghe nhiều về trường hợp các em nhỏ bị tai nạn đuối nước mà nguyên nhân chủ yếu là do không biết bơi. Vì vậy, khi Câu lạc bộ Hoàng An đầu tư hồ bơi thì tôi đã cho con của mình đi học bơi. Tôi nghĩ việc cho con làm quen với môi trường nước và học bơi ngay từ nhỏ sẽ giúp chúng có được những kỹ năng cần thiết để ứng phó được trong môi trường nước nếu gặp nguy hiểm”.

Các bậc phụ huynh cũng chia sẻ việc trên địa bàn có hồ bơi và cho con đi học bơi là rất hữu ích, giúp trẻ em có kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước, tránh xa các trò chơi vô bổ…

Bể bơi Hoàng An là bể bơi theo hình thức di động và tiện lợi cho việc dạy bơi. Chị Hoàng Thị Ngọc Anh, quản lý bể bơi cho biết: Thực hiện chủ trương xã hội hóa của huyện, sau khi tìm hiểu các mô hình về bể bơi di động, chúng tôi đầu tư gần 600 triệu đồng để khoan 2 giếng, làm mái vòm, mua 3 bể bơi, hệ thống máy bơm nước, máy lọc nước tuần hoàn, máy hút bẩn… bảo đảm vệ sinh an toàn. Trong 3 bể bơi thì bể chính được sử dụng để dạy bơi, có độ sâu 1,1m, dài 15m, rộng 7m. Bể tròn có độ sâu 1,3m dùng cho các em tập bơi và lặn. Bể bơi nhỏ chủ yếu phục vụ cho các cháu trong độ tuổi mẫu giáo đến vui đùa làm quen với môi trường nước.

Theo anh Bùi Ngọc An, giáo viên dạy bơi của bể bơi Hoàng An thì bơi là bộ môn thể thao giúp các em phát triển thể chất toàn diện. Các cháu thường học khoảng 1 tháng là đã nắm được các kỹ thuật và biết bơi, lặn. Ngoài ra, các em cũng được dạy các kỹ năng về phòng, chống đuối nước, cách cứu người bị nguy hiểm trong môi trường nước. Ở các thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, mô hình bể bơi di động đã được đưa vào các nhà trường để phục vụ dạy bơi cho học sinh bậc tiểu học, THCS.

Hiện nay, bể bơi di động của Câu lạc bộ Hoàng An được xem là mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Nhu cầu học bơi để rèn luyện thể lực và các kỹ năng về phòng, chống đuối nước là rất lớn. Vì vậy, các địa phương, nhà trường có thể huy động xã hội hóa để khuyến khích đầu tư các bể bơi di động, ít tốn kém, có nhiều tiện lợi, phục vụ cho việc dạy bơi và có nơi cho trẻ em vui chơi lành mạnh, an toàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bể bơi di động - mô hình cần nhân rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO