Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa còn nhiều khó khăn, hạn chế

Ngọc Dũng| 25/11/2020 08:25

Đắk Nông có 40 dân tộc anh em cùng sinh sống nên bản sắc văn hóa rất đa dạng, phong phú, tạo nên những giá trị tinh thần trong đời sống của đồng bào. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục.

ADQuảng cáo

Phục dựng được một số nghi lễ, lễ hội

Các dân tộc thiểu số tại chỗ như M’nông, Mạ và Ê đê có nhiều nghi lễ, lễ hội phong phú, đặc sắc. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL), toàn tỉnh có 43 lễ hội. Trong những năm qua, nhiều nghi lễ, lễ hội được phục dựng như Lễ hội mừng lúa mới, Lễ cúng bến nước, Lễ cúng sức khỏe, Lễ cúng thần rừng, Lễ kết nghĩa bon… Sau khi phục dựng, các lễ hội tiêu biểu được đồng bào các dân tộc thiểu số duy trì tổ chức ở cộng đồng dân cư với quy mô phù hợp.

Tái hiện Lễ cúng sức khỏe của dân tộc Mạ, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) tại Lễ hội Liêng Nung

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng các nghệ nhân nhằm duy trì, phát huy giá trị các nghi lễ, lễ hội được ngành chủ quản quan tâm. Toàn tỉnh tổ chức được nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng như 2 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực nghệ nhân tấu chiêng và truyền dạy đánh chiêng cấp tỉnh; 5 lớp truyền nghề dệt thổ cẩm; 68 lớp dạy đánh cồng chiêng; 14 lớp dạy dân ca; 16 lớp dạy sử dụng nhạc cụ…

Ngành Văn hóa cũng xây dựng được 4 chương trình hoạt động cho 2 bon văn hóa điển hình gồm bon Pi Nao ở xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) và bon N’Jriêng ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Qua đó, các bon chọn lựa được loại hình bảo tồn như dàn dựng các tiết mục văn nghệ dân gian phục vụ khách du lịch; tổ chức các lớp tập huấn ngắn ngày về bảo tồn văn hóa địa phương…

Vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế

Theo báo cáo của Sở VHTT-DL tại buổi giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, phục dựng và duy trì các nghi lễ, lễ hội vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Cụ thể, các cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chú trọng và có biện pháp chỉ đạo tích cực, hữu hiệu trong bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống. Đội ngũ nhân sự trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương có kinh nghiệm thực tế còn ít.

Ông Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đắk Glong cho rằng, hiện nay công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Về nhân sự, hầu hết cán bộ phụ trách đều phải kiêm nhiệm, không được đào tạo chính quy nên am hiểu về văn hóa còn hạn chế.
Việc huy động kinh phí xã hội hóa gần như không làm được khi tổ chức các lễ hội lớn. Những nghệ nhân am hiểu về lễ hội hiện nay tuổi đã cao. Một số nghệ nhân đã mất không có người kế cận, không có người thuộc những bài cúng, khấn thần trong các nghi thức nên rất khó để tổ chức bảo tồn lễ hội.

Dệt thổ cẩm mới chủ yếu dừng lại ở việc phục vụ nhu cầu gia đình, chưa có đầu ra phù hợp

ADQuảng cáo

Qua giám sát và làm việc với Sở VHTT-DL, bà Hồ Thị Nghĩa, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, việc tổ chức các lễ hội ở các huyện, thành phố mới chỉ làm theo bề nổi. Công tác bảo tồn chưa có định hướng rõ ràng, chủ yếu còn theo phong trào. Trong đó, công tác bảo tồn cồng chiêng hiện nay còn khá mờ nhạt, nên vẫn còn xảy ra tình trạng “chảy máu” cồng chiêng.

Ngoài ra, số lượng cồng chiêng cấp về cho bà con ở các địa phương hiện nay cũng nhận được nhiều phản hồi như chiêng không đánh được, chiêng cấp không phù hợp... Điển hình như ở Cư Jút, đồng bào Ê đê nhưng lại được cấp chiêng M’nông. Vì vậy, dù là tài sản riêng của bà con hay tài sản chung của Nhà nước thì cơ quan quản lý cũng cần tính toán, đề xuất, tham mưu phương án bảo tồn phù hợp.

Trong các đội đánh chiêng không phải ai cũng biết chỉnh chiêng nên xảy ra tình trạng có chiêng, có nhu cầu sử dụng nhưng chiêng lại bỏ không. Vì vậy, cơ quan quản lý cần chú trọng hơn việc tuyển chọn trong tổ chức các nội dung tập huấn.

Bên cạnh đó, hiện nay việc bảo tồn các làng nghề truyền thống còn nhiều hạn chế, đầu ra sản phẩm chưa có, chỉ mới dừng lại ở mức giữ nghề nhưng cũng chưa bền vững.

Thời gian qua, liên quan đến công tác bảo tồn văn hóa cũng chưa có một dự án, đề án mới được đề xuất hay phê duyệt trong số các dự án khác đã được triển khai.

Nâng cao hơn nữa vai trò tham mưu

Trước thực tế trên, bà Châu Kiều Loan, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, trong thời gian tới, ngành Văn hóa cần tập trung các nguồn lực đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa một cách thiết thực, hiệu quả.

Bà Hồ Thị Nghĩa cũng đề xuất, để bảo tồn các giá trị văn hóa hiệu quả cần đưa các nội dung phù hợp vào chương trình học phổ thông nhiều hơn, nhất là các trường dân tộc nội trú.

Nên chăng, ngoài việc đồng bào các dân tộc tổ chức lễ hội truyền thống riêng của mình, mỗi địa phương chọn một lễ hội mang tính tương đồng, đặc trưng nhất gắn với điểm du lịch cụ thể để tổ chức định kỳ phù hợp.

Cơ quan chủ quản cần nâng cao hơn nữa vai trò tham mưu trong quy hoạch xây dựng không gian văn hóa, trong xây dựng các dự án có tính chiến lược.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa còn nhiều khó khăn, hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO