Bảo tàng tỉnh gặp khó trong việc tổ chức trưng bày, giới thiệu hiện vật đến với công chúng

Đức Hùng| 28/10/2014 09:24

Theo thống kê mới nhất, hiện nay Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ khoảng hơn 16.000 hiện vật gồm 5 loại: hiện vật khoáng sản tự nhiên, hiện vật văn hóa dân tộc, hiện vật lịch sử cách mạng, hiện vật sau năm 1975 (hiện vật thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa), hiện vật khảo cổ học.

ADQuảng cáo

Để phát huy hiệu quả của các hiện vật mang nhiều thông tin quý đến với công chúng, thời gian qua, Bảo tàng đã xây dựng phòng trưng bày tại hai điểm di tích lịch sử cấp quốc gia: Nhà Ngục Đắk Mil và Khu liên tỉnh B4 - Nâm Nung (Krông Nô). Hầu hết các hiện vật trưng bày ở đây đều gắn liền với sự hình thành, đấu tranh và phát triển của các sự kiện lịch sử tại điểm di tích.

Ngoài ra, bám theo sự kiện của tỉnh, các ngày lễ lớn của đất nước, Bảo tàng tổ chức một số triển lãm trưng bày hiện vật, phục vụ chủ yếu cho đại biểu, công chúng về tham dự các sự kiện....Bên cạnh đó, Bảo tàng còn phối hợp với các trường học để tổ chức các tiết học ngoại khóa tại trường để giới thiệu các hiện vật, di sản văn hóa truyền thống các dân tộc đến với học sinh.

Một số hiện vật của Bảo tàng tỉnh được trưng bày tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa tỉnh

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số hiện vật được trưng bày còn rất ít so với số lượng hiện vật hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng. Hiện nay, Bảo tàng đang phải tận dụng 2  phòng làm việc làm nhà kho lưu trữ, bảo quản hiện vật tạm thời. Sau khi sưu tầm, hiện vật được đưa về lưu giữ, bảo quản tại kho, nhưng hiện tại 2 kho này đang gần như “quá tải”.

Trong khi đó, theo đúng quy trình thì sau khi sưu tầm, các hiện vật cần được phân loại theo từng chất liệu như: đá, mộc, hữu cơ, vô cơ... để bảo quản riêng biệt. Nhưng với 2 nhà kho này, việc bảo quản các hiện vật hiện vẫn còn mang tính tạm bợ, thậm chí buộc phải chất đống, đóng gói để bảo quản. 

ADQuảng cáo

Việc bảo quản như thế đã làm cho nhiều hiện vật giảm “tuổi thọ”, một số chất liệu nhanh chóng bị hư hỏng. Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết cần phải có một phòng trưng bày để vừa giới thiệu hiện vật đến với công chúng, vừa bảo quản hiện vật một cách hiệu quả nhất. Thời gian qua, mỗi khi có sự kiện gì lớn của tỉnh, Bảo tàng phải dành rất nhiều thời gian để sắp xếp, di chuyển và trưng bày hiện vật để phục vụ.

Để góp phần đưa hiện vật và những câu chuyện gắn liền với hiện vật, gắn với di sản và truyền thống dân tộc đến với công chúng, Bảo tàng tỉnh đã có kế hoạch tận dụng tiền sảnh của Trung tâm Văn hóa tỉnh để lắp đặt hệ thống kệ trưng bày, xây dựng thành phòng triển lãm hiện vật cho nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu văn hóa.

Nếu xây dựng được phòng trưng bày sẽ góp phần đưa nhiều hiện vật đến với công chúng; học sinh, sinh viên được tiếp cận với hiện vật nhiều hơn. Khách du lịch sẽ có thêm điểm đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa, vùng đất và con người Đắk Nông.

Theo ông Nguyễn Anh Bằng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh thì hiện vật bảo tàng được xem là “một ngân hàng dữ liệu” về vùng đất con người, văn hóa, bản sắc dân tộc. Thế nhưng, hầu hết những nguồn tài liệu này đều chưa hoặc không có điều kiện phát huy hết giá trị để phục vụ công chúng vì Bảo tàng không có nơi trưng bày.

Vì vậy,  đơn vị cũng rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh trong việc tổ chức lắp đặt một phòng trưng bày hiện vật tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa tỉnh, để tận dụng được không gian chưa sử dụng. Đây cũng là cách “giảm tải” cho kho bảo quản, giúp cho việc bảo quản thuận lợi hơn, công chúng được biết đến hiện vật nhiều hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng tỉnh gặp khó trong việc tổ chức trưng bày, giới thiệu hiện vật đến với công chúng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO