Bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thu hút người dân tham gia, vì sao?

Vũ Trang| 23/05/2019 13:44

Được triển khai thực hiện từ năm 2008, bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là hình thức bảo hiểm có nhiều ưu việt, giúp người dân, nhất là những người lao động tự do, người dân ở các khu vực nông thôn... có thể tích lũy, lĩnh lương hưu khi về già, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đến nay, người dân vẫn chưa thực sự quan tâm đến loại hình bảo hiểm này.

ADQuảng cáo

Công tác tuyên truyền phải tiếp tục được tăng cường để người dân tiếp cận với các thông tin về loại hình BHXH tự nguyện

Tỷ lệ tham gia còn thấp

Theo luật BHXH năm 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, nếu không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân được hưởng nhiều lợi ích, đó là khi đủ điều kiện về tuổi đời và đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu theo quy định; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và được hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc hưởng lương hưu; được hưởng chế độ tử tuất.

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhưng những năm qua, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện vẫn rất thấp. Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh chỉ có 2.084 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 0,5% lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chủ yếu là người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu, còn số người tham gia BHXH tự nguyện mới rất hạn chế.

Chưa tiếp cận được thông tin

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện đạt thấp là do công tác tuyên truyền, vận động về chính sách BHXH tự nguyện vẫn chưa thực sự sâu rộng, thiếu đồng bộ. Vì vậy, nhiều người dân chưa hiểu đầy đủ về nội dung, ý nghĩa cũng như quy trình, thủ tục đăng ký khi tham gia BHXH tự nguyện. Thậm chí, một bộ phận người dân còn chưa biết có chính sách BHXH tự nguyện hay không.

Bà Nguyễn Thị Lan ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) cho biết: “Từ trước đến nay, tôi cứ nghĩ phải làm ở các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp mới được đóng BHXH chứ không biết có chính sách BHXH tự nguyện dành cho những người lao động tự do. Nếu biết có chính sách này, có lẽ tôi đã tham gia để tích lũy cho mình một nguồn thu nhập cần thiết trang trải cuộc sống khi về già mà không phải dựa vào con cái”. Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngân ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) buôn bán cửa hàng tạp hóa nhiều năm nay. Hàng tháng, chị Ngân cũng tiết kiệm được một khoản thu nhập nhưng do chưa biết đến chính sách BHXH tự nguyện nên thay vì tham gia BHXH, chị đều mang tiền đi gửi ngân hàng.

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là lao động tự do, lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp... thường có thu nhập thấp và không ổn định. Mặc dù mức đóng BHXH tự nguyện có thay đổi theo khả năng của người đóng. Cụ thể, mỗi tháng người tham gia phải đóng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Đối với một bộ phận người lao động tự do và lao động ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, đây là số tiền không nhỏ, chưa kể đến còn phải đóng trong thời gian 20 năm.  

Ngoài ra, chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn bởi đang có sự chênh lệch giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Nếu như BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ thì BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất, chưa được hưởng các chế độ ngắn hạn đáp ứng ngay nhu cầu đa dạng trước mắt của người dân như thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

BHXH tự nguyện giúp người dân, nhất là những người lao động tự do có thể tích lũy, lĩnh lương hưu khi về già

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động

Lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện là không thể phủ nhận, nhưng để thu hút được người dân tham gia, ngoài sự cần thiết phải điều chỉnh các quy định của pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế, hài hòa được lợi ích của người tham gia, ngành BHXH, cơ quan chức năng cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền để người dân tiếp cận được các thông tin về loại hình bảo hiểm này.

Theo BHXH tỉnh, với mục đích đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức đối thoại, tuyên truyền trực tiếp với doanh nghiệp, người lao động. Tại các địa phương triển khai tuyên truyền, đối thoại trực tiếp, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện tăng đáng kể. Riêng trong năm 2018, ngành BHXH tổ chức tuyên truyền, đối thoại trực tiếp về chính sách BHYT và BHXH tự nguyện tại 17 xã, phường của 4 huyện, thị xã. Kết quả, sau hội nghị đối thoại trực tiếp, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng tại 12 xã. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện huyện Đắk Mil tăng 35,3%; huyện Đắk Song tăng 47,7%; huyện Đắk R’lấp tăng 87%.

Trên cơ sở đó, thời gian tới, công tác thông tin, tuyên truyền sẽ tiếp tục được ngành BHXH xác định là giải pháp trọng tâm, bằng việc đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hướng mạnh về cơ sở, tới từng nhóm đối tượng với nội dung và hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách đối với người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được thực hiện tốt và kịp thời hơn nữa để tạo niềm tin cũng như giúp người dân thấy được lợi ích từ việc tham gia BHXH tự nguyện.

Đặc biệt, Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH mới đây cũng đã đề cập đến giải pháp quan trọng là nghiên cứu, xây dựng gói BHXH ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng, không chỉ đáp ứng nhu cầu dài hạn mà cả những nhu cầu ngắn hạn… Đây được xem là giải pháp quan trọng, tạo ra những đột phá nhằm thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội tại địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thu hút người dân tham gia, vì sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO