Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc: Nhiều điểm mới, rộng mở cho người lao động

Phan Tuấn| 23/05/2016 14:04

Ngày 17/5, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc với nhiều điểm mới, mở ra cơ hội cho nhiều đối tượng lao động có nguyện vọng đi làm việc tại nước bạn.

ADQuảng cáo

Miễn xử phạt lao động cư trú bất hợp pháp

Thời gian qua, tình trạng người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc chiếm số lượng lớn đã làm gián đoạn việc đưa người lao động trong nước tiếp tục  làm việc ở thị trường này. Đối với Đắk Nông, từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 100 người lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (Chương trình EPS). Tuy nhiên, tính đến nay vẫn đang có khoảng 15 lao động của tỉnh hết hạn hợp đồng lao động nhưng vẫn chưa về nước.

Trước đây, nếu người lao động cố tình ở lại làm việc, cư trú bất hợp pháp thì bị mất quyền lợi như: Phía Hàn Quốc không chịu trách nhiệm chi trả bảo hiểm khi người lao động gặp tai nạn lao động, tai nạn giao thông; sau 5 năm bị trục xuất về nước mới có cơ hội quay lại làm việc tại Hàn Quốc. Ngoài ra, theo Nghị định số 95 của Chính phủ Việt Nam, người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài có hành vi bỏ trốn khỏi nơi làm việc hoặc hết hạn hợp đồng mà không về nước sẽ bị xử phạt lên đến 100 triệu đồng.

Hiện nay, cả Việt Nam và Hàn Quốc đã xem xét giảm nhẹ một số tiêu chí về xử phạt để vận động người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật. Cụ thể, Hàn Quốc có chính sách, từ 1/4 - 30/9/2016, những người nước ngoài cư trú bất hợp pháp nếu tự nguyện đăng ký về nước sẽ không bị hạn chế tái nhập cảnh vào Hàn Quốc cũng như được miễn xử phạt.

Về phía Chính phủ Việt Nam cũng có các Nghị quyết số 62  và  số 33 miễn xử phạt vi phạm hành chính đối với các lao động đang cư trú, làm việc không hợp pháp, tự nguyện trở về nước trong thời gian từ 1/9 đến 31/12/2015 và từ 1/5 đến 30/9/2016. Các chính sách này nhằm  khuyến khích lao động Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước.

ADQuảng cáo

Hàn Quốc tiếp nhận 3.500 lao động Việt Nam

Theo Bộ LĐTB-XH thì hiện nay, tỉ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước giảm xuống đáng kể, từ 18.000 người (47%) vào cuối năm 2013 xuống còn khoảng 15.000 người (35%) vào cuối năm 2015. Vì vậy, hai bên đã thống nhất ký kết Bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Bản ghi nhớ năm 2016 có một số điểm mới, mở ra cơ hội cho nhiều đối tượng lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, không bị hạn chế về đối tượng tham gia...

Tại Bản ghi nhớ cũng nêu rõ, số lượng lao động Việt Nam được phía Hàn Quốc tiếp nhận hàng năm sẽ phụ thuộc vào mức độ giảm tỉ lệ lao động Việt Nam đang cư trú và làm việc không hợp pháp tại Hàn Quốc. Chỉ riêng năm 2016 này, phía Hàn Quốc sẽ tiếp nhận 3.500 lao động Việt Nam sang làm việc.

Theo quy định, các đối tượng có cơ hội tham gia đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS lần này bao gồm: Những lao động mới có độ tuổi từ 18-39 (không có tiền án, tiền sự hoặc thuộc diện bị trục xuất khỏi Hàn Quốc, cấm xuất cảnh Việt Nam); bảo đảm sức khỏe đi làm việc ở nước ngoài; những lao động đã hoàn thành hợp đồng tại Hàn Quốc về nước đúng hạn và những lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện hồi hương theo các chương trình “ân xá” của hai nước.

Tuy nhiên, Bộ LĐTB-XH đang xem xét việc tạm thời chưa tuyển chọn lao động tại các địa phương có số lao động bất hợp pháp cao và người lao động có thân nhân đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Theo ông Trịnh Công Phái, Trưởng Phòng Quản lý lao động (Sở LĐTB-XH), với những chính sách nêu trên thì đây được xem là cơ hội đối với số lao động Việt Nam nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sau khi hết thời hạn lao động có điều kiện về nước. Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm, phối hợp trong việc tuyên truyền, vận động những gia đình có người thân đi làm việc tại Hàn Quốc nghiêm chỉnh chấp hành theo đúng quy định. Có như vậy, chương trình xuất khẩu lao động sang thị trường Hàn Quốc mới tạo được những hiệu ứng tích cực, người lao động tiếp tục có cơ hội được tham gia Chương trình EPS về lâu dài.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc: Nhiều điểm mới, rộng mở cho người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO