Truyện ngắn: Yêu thương mùa dịch

09/04/2020 07:58

Tác giả: Đào Thu Hà

ADQuảng cáo

Đã chuẩn bị xong hành lý để ra bến xe về quê thì nhận được lệnh “đúng 14 giờ chiều có mặt tại Bộ Chỉ huy nhận nhiệm vụ khẩn cấp dài ngày. Mang hết quân tư trang theo”, Hùng thoáng sững người. Nhưng rất nhanh, anh bỏ hết những món quà đã chuẩn bị sẵn trong ba lô ra, gấp quân tư trang bỏ vào, cẩn thận kiểm tra lại một lần. Anh lấy điện thoại gọi cho gia đình hai bên và gọi cho Trang. Không cần nhìn thấy, chỉ cần nghe giọng nói qua điện thoại, anh cũng tưởng tượng ra nỗi buồn của mọi người và của Trang khi nghe anh thông báo. Cô ấy đã chờ đợi anh bao nhiêu lâu, đã mong mỏi, háo hức biết bao nhiêu, thậm chí là đếm ngược từng ngày chờ đến cuối tháng. Nhẫn cưới đã mua, thiệp cưới đã in, áo dài cô dâu cũng đã may xong. Họ hàng hai bên cũng đã họp bàn “phân công nhiệm vụ” tổ chức tiệc cưới. Mấy chú bác khỏe mạnh lo việc dựng rạp, các thím, dì khéo tay thì nấu cỗ, thanh niên trẻ trung, nhanh nhẹn thì chạy bàn, tiếp khách… Nhưng tất cả phải tạm hoãn lại. Nghe anh nói, Trang thoáng im lặng. Nhưng rồi, như bao lần, để anh không phải lo lắng, để anh yên tâm hoàn thành nhiệm vụ, Trang cố nén sự tủi thân, động viên anh:

- Thôi để lợn, gà nuôi thêm cho béo, cơm không ăn thì gạo còn đấy, lo gì, anh cứ yên tâm làm nhiệm vụ, ở nhà có em rồi.

Định nói vài câu để Trang đỡ tủi thân mà tiếng kẻng tập trung đã vang lên, Hùng đành tắt máy. Chắc là Trang sẽ hiểu. Như bao nhiêu năm qua, Trang vẫn luôn hiểu và chia sẻ cùng anh.

Tranh sưu tầm

Hùng cùng bốn đồng chí khác được phân công lập thành một tổ năm người làm nhiệm vụ chốt chặn ở đường mòn. Cùng tổ của anh còn có 7 tổ công tác khác dựng lều bạt cắm chốt dọc biên giới và 2 tổ công tác cơ động thường xuyên tuần tra bất kể ngày đêm để ngăn chặn người dân hai bên biên giới xuất, nhập cảnh trái phép qua các lối mòn, lối mở. Nơi tổ Hùng đóng chân, mưa suốt mấy ngày nay chưa dứt. Mưa khiến cho cái lạnh của đêm giữa rừng núi như càng thêm ngấm qua da thịt, buốt vào tận ruột gan. Mưa to, nước từ trên núi dồn xuống, lênh láng quanh lán được dựng bằng bạt. Mấy anh em cầm cuốc khơi rãnh tạo đường cho nước chảy đi. Chăn màn ướt hết phải kê lên bàn chờ ráo. Cũng may trời đổ mưa nhưng không còn gió lớn. Sợ nhất là gió cuốn bạt đi thì anh em mất chỗ ở. Hôm đầu trời mưa kèm gió, mấy anh em phải chia nhau đứng bốn góc chân cột mới giữ lại được cái lán. Mấy ngày mưa cũng đã ngớt dần. Hùng và Quân vừa đi tuần đêm về. Hai người giũ áo mưa treo phía cửa lán rồi bước vào. Ba người chưa đến phiên tuần tra, ở lại lán mà chẳng ngủ được vì lạnh, thấy Hùng và Quân trở về thì nhỏm dậy:

- Có lạnh không? Đói không? Để tao dậy pha cho tô mì ăn cho ấm bụng.

Quân - cậu thiếu úy mới ra trường, hay hát, hay cười, khuôn mặt thư sinh hôm mới về đơn vị nhận công tác giờ đã hơi sạm nắng gió, đôi mắt trũng xuống vì những đêm gác thức trắng vẫn không mất đi ánh nhìn nhanh nhẹn, tươi vui của tuổi trẻ:

- Thôi anh cứ nằm nghỉ đi, lúc nữa đến ca tuần của anh rồi. Em tự pha được. Mưa ngớt ngớt rồi đấy các anh ạ. Chắc lúc nữa là tạnh thôi.

Miệng nói, tay làm, Quân tếu táo:

- Chống dịch xong, em sẽ đề xuất đơn vị “kiếm” cho em một cô người yêu. Không thể để em ế được, phí cả em đi.

Hùng phì cười, đưa tay cốc nhẹ lên đầu Quân:

- Người yêu anh còn chờ anh cả chục năm trời rồi mà còn chưa được cưới đây này. Tí tuổi đầu ở đấy mà than.

Quân đưa ngón tay cái lên, gật gù:

- Chị ấy là số một. Mấy ai mà may mắn được như anh.

Trọng - người anh cả của tổ buồn buồn:

- Mấy nay mưa suốt nên điện thoại chẳng có sóng, sốt hết cả ruột. Chẳng biết vợ ở nhà đã sinh chưa. Cách dự sinh còn mấy ngày nhưng anh thấy bảo con đầu hay sinh sớm.

Anh Trọng lấy vợ muộn, hai vợ chồng cũng phải chạy chữa mấy năm mới có con. Năm ngoái anh không nghỉ phép, tết cũng trực không về, định bụng để sau tết xin nghỉ phép luôn để bên cạnh chị lúc sinh. Lúc nhận nhiệm vụ, anh đã gọi điện nhờ chị gái xuống ở cùng vợ. Chưa thấy anh than thở một lời. Mấy hôm nay, tranh thủ lúc rảnh, anh đều cầm điện thoại gọi về nhà. Nhưng mưa suốt mấy ngày, điện thoại chẳng có sóng. Anh cầm điện thoại huơ huơ lên cao cũng chẳng ăn thua. Hùng an ủi anh:

ADQuảng cáo

- Chắc chị ấy sẽ mẹ tròn con vuông thôi anh ạ. Ở nhà còn có bà ngoại với chị gái anh nữa, rồi hàng xóm láng giềng. Anh đừng nhắc nhiều, có khi làm chị ấy thấy nóng ruột.

Anh Trọng im lặng. Tiếng mưa thôi rơi lộp bộp trên mái lán. Thông và Huy ngồi bật dậy, khoác áo mưa:

- Tạnh mưa rồi đấy các anh ạ. Bọn em đi tuần một vòng nữa đây.

Tiếng bước chân của hai người xa dần. Quân thấp giọng:

- Anh Thông cũng tội lắm anh ạ. Bố anh ấy ốm mà anh ấy chẳng về thăm được. Em bảo anh ấy trình bày với thủ trưởng, anh ấy bảo “Cả nước chống dịch chứ có phải mình anh đâu. Có người bố mất, mẹ mất còn không về được. Anh về người khác lại phải gánh việc của anh. Hết dịch, anh xin nghỉ phép về chăm ông, ở với ông lâu lâu”. Thằng Huy nó lúc nào cũng tếu táo thế chứ nhà nó cũng hoàn cảnh lắm. Mẹ nó ốm mấy năm nay, bố nó thì mất sớm. 2 đứa em đi học trông vào đồng lương của nó hết nên có cô người yêu từ hồi năm nhất đại học cứ giục cưới miết mà nó còn chần chừ, sợ khổ người ta. Cả tháng nay chẳng thấy liên lạc gì…

Đêm im lặng. Chỉ có tiếng những hạt mưa còn sót lại trên cành lá rơi xuống đất vỡ tí tách. Và tiếng côn trùng kêu. Anh Trọng, Hùng và Quân, mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng của mình. Nhưng không có ai thở dài. Như những ngày qua, họ vẫn động viên nhau, vẫn kể cho nhau những câu chuyện tếu táo, hài hước, động viên nhau vượt qua thiếu thốn, vất vả của những đêm trắng chống dịch nơi biên giới, vượt lên hoàn cảnh riêng để làm tốt nhiệm vụ của mình. Mấy ngày rồi điện thoại không có sóng, không thể gọi một cuộc điện thoại về cho mẹ, nhắn một tin nhắn cho Trang, Hùng thấy lòng mình cũng cồn lên nỗi nhớ.    

Hùng chưa bao giờ nói lời hoa mỹ, lãng mạn dành cho Trang. Nhưng anh biết, chỉ cần có Trang bên cạnh, chưa lúc nào anh phải lo lắng, phân tâm. Nhà anh và nhà Trang ở cùng xóm, hai đứa biết nhau từ nhỏ. Học chung trường, về cùng đường, lớn lên cùng nhau. Rồi anh yêu cô hàng xóm có đôi mắt huyền dịu dàng và tính tình hiền lành, chịu thương chịu khó lúc nào không hay. Học xong cấp ba, Trang học sư phạm mầm non rồi về dạy ở trường mầm non của xã. Anh trở thành người lính đúng như ước mơ của mình từ nhỏ. Trong những năm tháng đi học rồi công tác xa nhà, Trang đã thay anh chăm sóc mẹ. Nhà anh neo người, bố mất sớm, một mình mẹ tần tảo hôm sớm nuôi anh ăn học. Anh lại thường xuyên xa nhà. Có Trang, bà vơi bớt nỗi nhớ con. Những lúc trái gió trở trời cũng nhờ một tay Trang chăm sóc. Cũng có khi có người ác miệng bảo Trang chưa về làm dâu đã “cung phụng” mẹ chồng như thế, làm mất giá con gái nhưng Trang cũng chỉ cười cho qua. Nhớ khoảng thời gian sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng, anh được phân công tăng cường vào một tỉnh phía Nam hơn 3 năm. Cứ ngỡ xa cách, rồi “con gái có thì”, Trang sẽ chẳng thể chờ đợi anh nữa. Vậy mà Trang vẫn nhẫn nại, hy sinh và chờ đợi mà không một lời trách móc. Đầu năm vừa rồi, anh được chuyển về đơn vị cách nhà hơn 100 km. Cứ ngỡ cuối tháng này, hai đứa sẽ chính thức trở thành vợ chồng, sẽ về chung một nhà cho thỏa bao năm chờ đợi, nhớ mong. Vậy mà vì dịch bệnh, đành phải gác tình riêng. Anh biết, Trang sẽ thông cảm cho anh. Anh sẽ kể cho Trang nghe chuyện của anh Trọng, của Thông, của Huy, của những người đồng đội cũng đang bám chốt như anh. Và anh sẽ hỏi cô xem ở trường còn cô giáo mầm non nào chưa có ngưởi yêu, chưa có chồng thì giới thiệu cho Quân. Nghĩ đến đấy, tự nhiên anh khẽ bật cười.

Mưa tạnh hẳn. Thông và Huy tuần tra xong trở về lán khi mặt trời vừa lấp ló. Sau những ngày mưa, trời xanh và tươi mát. Thông thông báo ngay:

- Có 4 người cắt rừng, vượt suối ở khu phía Tây, định theo đường tiểu ngạch để trốn cách ly nhưng bị tổ công tác cơ động của mình phát hiện bắt lại rồi.

Huy bước vào bếp, reo lên:

- Hôm nay có rau xanh với cả trứng gà để nấu mì tôm cơ à. Ở đâu đấy anh Hùng?

- Của trưởng bản mang ra cho đấy. Từ chối mãi mà cụ bảo là của bà con cho mấy chú bộ đội, không nhận bà con giận đấy.

Anh Trọng đang gọi điện thoại. Giọng người chị gái rổn rảng không cần bật cả loa ngoài vẫn nghe rõ:

- Mẹ nó đẻ 10 giờ đêm hôm qua. Con trai, ba ký rưỡi, giống bố như tạc. Các bác sĩ biết bố thằng cún là bộ đội biên phòng, đang đi chống dịch nên quan tâm, chăm sóc mẹ con nó chu đáo lắm, cứ yên tâm, không phải lo…

Anh Trọng bật khóc. Quân và Huy vây quanh anh. Quân lấy thìa gõ vào cái nắp nhôm còn Quân thì ông ổng hát: “Em ơi em ơi cho anh một đứa con trai…”. Hai đứa vừa gõ, vừa hát, vừa chạy quanh anh Trọng làm anh đang khóc phải bật cười như trẻ con.

Điện thoại báo tin nhắn, tin nhắn từ mấy hôm trước. Trang kể, mẹ đã thịt con lợn dành để tổ chức đám cưới để tặng lại khu cách ly của huyện. Mẹ bảo nuôi lại con khác, không lo. Trang cũng đã viết đơn tình nguyện tham gia công tác chống dịch tại địa phương. Cô cùng các bạn đoàn viên, thanh niên làm mũ, đóng nước rửa tay, khẩu trang y tế… Cô bảo, vậy là em đã thành “chiến sĩ cùng chiến tuyến chống dịch với anh”…

Hùng muốn nhắn lại cho Trang thật nhiều điều chất chứa trong lòng anh lúc này. Anh tưởng tượng cái dáng gầy gầy, nhỏ nhắn của cô đang tất bật tham gia công việc cùng mọi người. Anh dặn cô giữ gìn sức khỏe. Còn một cái ôm thật chặt, anh sẽ để dành đến khi hết dịch, trở về cùng cô làm đám cưới.

Trên đầu, nắng lên lấp lánh. Hùng biết, rồi những ngày u ám nhất định sẽ tan.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Yêu thương mùa dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO