Truyện ngắn: Về nơi ấy bình yên

19/07/2019 10:14

Tác giả NGUYỄN THỊ TRANG

ADQuảng cáo

Giang có người mẹ tuyệt vời, vì thế mà mọi chuyện Giang hay tâm sự cùng mẹ chứ chưa bao giờ Giang dám nói chuyện với ba.

Một hôm, trong lúc ra vườn cà phê, chỉ vào một cây cà phê xanh rì, cành lá rậm rạp đan xen nhau chằng chịt, mẹ bảo:

- Con nhìn xem. Cây cà phê này cành lá um tùm quá, phải nuôi những cành rậm rạp thế này thì cây còn lấy đâu ra sức mà đơm hoa tạo quả? Chúng ta phải loại bỏ đi những cành rườm rà thì mới mong có vụ mùa bội thu được.

Từ câu chuyện những cành cây cà phê mà Giang chừng như ngộ ra nhiều điều lý thú trong cuộc sống. Ví như gia đình của Giang cũng vậy. Ba rất vô lý nhưng mỗi khi ba quyết định chuyện gì thì đố ai dám cãi. Ví như hồi Giang học lớp 8. Nếu như bọn trẻ con trong làng được tha hồ vui chơi đá bóng, thả diều, đàn ca, nhảy múa,… thì Giang và thằng em sinh đôi đã trải qua một mùa hè cực kì khốn khổ. Ba bắt cả nhà phải dọn vô rẫy ở để làm giàn trồng chanh dây. Không ai dám trái lệnh. Ở rẫy, ban ngày còn đỡ chứ buổi tối thì cực kì buồn. Thêm phần không có điện phải thắp đèn dầu, thiếu cả nước để tắm, thỉnh thoảng vài trận mưa rào ập đến, gió lùa vào những khe gỗ lạnh đến thấu xương. Chưa kể cảnh sấm chớp đùng đùng, gió như muốn lật tung lớp ngói trên nóc chòi ở rẫy.

Minh họa: Ngọc Tâm

Ba và mẹ cãi nhau. Ba mẹ con bị đuổi về. Mặt mẹ buồn xo nhưng hai anh em Giang thì như mở cờ trong bụng.

Cũng chính vì nếm cảnh khổ cực của bao mùa rẫy mà Giang nhất quyết phải thoát khỏi ngôi làng này, phải lên thành phố học. Giang nuôi giấc mộng làm ca sĩ. Giang sẽ khoác lên mình những bộ cánh thật lộng lẫy, sẽ thả hồn mình vào những bài hát. Giang ấp ủ giấc mơ và quyết tâm thực hiện nó bằng việc tham gia tích cực các phong trào ca hát ở trường. Có lần, tiết mục Giang tham gia đạt giải A trong hội diễn của nhà văn hóa. Được theo các anh chị, cô chú của phòng văn hóa thông tin đi diễn ở nhiều nơi nhân các dịp lễ tết, Giang vui lắm! Cảm giác được sống với đam mê của mình thật là tuyệt vời, điều này càng khiến Giang cảm giác như đã được chạm đến giấc mơ trở thành ca sĩ từ lúc nào. Suốt tháng trời, đêm nào Giang cũng đi hát. Những đêm đi hát về muộn, mẹ luôn là người chờ Giang ở cửa. Còn nhớ lần đầu, đoàn đưa Giang đến biểu diễn ở một đồn biên phòng gần cửa khẩu biên giới. Giang vô cùng lo lắng, vì lần đầu đi xa nhà.

ADQuảng cáo

***

Bây giờ, Giang đã là ca sĩ có nhiều người hâm mộ. Hè vừa rồi, Giang có về tổ chức đêm nhạc gây quỹ từ thiện ủng hộ học sinh nghèo vượt khó ở trường cấp ba ngày xưa Giang đã từng theo học, nơi nuôi dưỡng ước mơ một thời của Giang. Được gặp lại thầy cô, bạn bè cũ, bao nhiêu kí ức ngày xưa ùa về xoắn lấy tâm trí Giang. Giang tranh thủ ghé qua nhà và ở lại ngủ với mẹ vài đêm. Thời gian ít ỏi, Giang chở mẹ đi rẫy, cũng là tranh thủ ôn lại những kí ức vui buồn đan xen một thời. Con đường ngoằn ngoèo ổ voi, ổ gà khi xưa bây giờ đã được láng nhựa, xe chạy bon bon. Đứng giữa vườn cà phê xanh ngắt, hít một hơi căng tràn lồng ngực luồng không khí trong lành, Giang bồi hồi nhớ lại. Trước mắt Giang, từng thước phim quay chậm của những ngày thơ bé chợt hiện về. Những ngày lên rẫy cùng mẹ, những lúc buồn mẹ bảo Giang hát cho mẹ nghe. Nhớ ngày xưa, chàng trai mười lăm, mười sáu tuổi mà hễ mỗi lần mẹ đi xa là trong lòng Giang buồn rười rượi. Cảm giác thiếu sự chở che, bao bọc. Bao nhiêu muộn phiền, thất vọng hễ cứ vùi đầu vào lòng mẹ là tan biến cả. Cả tuổi thơ của anh em Giang chỉ có mẹ. Mẹ luôn là người động viên, vỗ về, an ủi,…, là suối nguồn yêu thương để có được Giang như bây giờ. Những hi sinh của mẹ khó có giấy mực nào kể xiết...

Đêm đó, trở lại thành phố, trong lòng Giang ngổn ngang một mớ suy nghĩ hỗn độn. Cuộc sống áp lực ở chốn phồn hoa đô hội đã dần giết chết con người mộng mơ trong Giang. Giang muốn tìm lại ngày tháng tuổi thơ đã được sống bên mẹ. Ba bây giờ đã già rồi. Mọi công việc nay đã giao lại cho thằng em song sinh gánh vác. Điều Giang mừng nhất và cảm thấy biết ơn ba mẹ đó là dù có nghèo khổ cỡ nào thì ngày đó ba mẹ vẫn quyết không bán đi miếng rẫy. Để bây giờ anh em Giang có nơi chốn quay về. Trong đầu Giang le lói suy nghĩ vài năm sau Giang cũng sẽ bỏ phố về làm vườn. Được làm ca sĩ rồi, Giang mới hiểu cảm giác làm người của công chúng mới thật sự áp lực. Giang không còn được là chính mình nữa. Tất cả mọi việc đều theo một lập trình có sẵn. Từ sáng tới khuya. Đi đâu? Làm gì? Gặp ai? Hát ở đâu? Thậm chí có những hôm tâm trạng không tốt nhưng vẫn phải lên hát vì vé đã bán ra. Đã cầm tiền của người ta rồi, Giang cảm thấy mình làm việc như một cái máy vô hồn. Dần dần mọi cảm xúc trở nên chai sạn. Không còn dạt dào tuôn chảy như lúc ở nhà với mẹ, bỗng dưng Giang thấy nhớ mẹ, nhớ quãng thời gian của ngày xưa. Đột nhiên, Giang muốn quay về, về nơi có mẹ, có ba.

Nghĩ đến đây, Giang cảm thấy trong lòng lắng lại, một cảm giác bình yên trỗi dậy. Bình yên như những ngày mệt mỏi, đau khổ được vùi đầu vào lòng mẹ, được mẹ vỗ về, chở che. Giang sẽ trở về vì nơi đó có mẹ. Và vì tuổi thơ Giang ở đó. Trong đầu Giang văng vẳng những câu thơ mà cô giáo đã bắt Giang và lũ bạn thuở nào:

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Về nơi ấy bình yên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO