Truyện ngắn: Tình cha

05/04/2019 09:29

Tác giả: Ý Thu

ADQuảng cáo

Ảnh minh họa

Tấn đưa mắt nhìn trân trân vào chiếc quạt trần đang quay vù vù trên đầu. Trong phòng bệnh này chỉ có nó và người đàn ông giường bên là không có người thân vào chăm nom. Còn lại, ai cũng có người nhà lui tới thăm hỏi, chăm sóc. Tự nhiên Tấn ứa nước mắt. Những lúc như này, nó thèm có ba mẹ bên cạnh quá. Bình nước truyền cứ chậm chạp nhỏ từng giọt từng giọt. Sắp hết bình thứ hai, nó nóng ruột. Nằm mãi một tư thế khiến người nó đau ê ẩm. Đôi mắt nó bắt đầu nhíu lại. Nó thiêm thiếp ngủ. Khi giật mình tỉnh dậy thì cô điều dưỡng đang tháo dây truyền dịch ra khỏi tay nó. Cây kim truyền cả tuần nay làm nó vướng víu, khó chịu, giờ cũng được tháo ra. Tấn xoay nhẹ cổ tay, co duỗi các ngón tay. Có vẻ mọi thứ sẽ cứng lại nếu nó không được co duỗi kịp thời. Nó mừng thầm. Ngày mai là có thể xuất viện. Nếu như ở nhà thì kiểu gì mẹ cũng nấu cháo thịt bằm nóng hổi, rắc hành tiêu thơm phức bê tận giường giục nó ăn. Mà nếu còn ở nhà mẹ sẽ chẳng bao giờ để nó nằm ngủ không bỏ mùng để đến nỗi bị muỗi đốt cho sốt xuất huyết như này đâu. Nó lắc đầu, xua đi mấy cái ý nghĩ vớ vẩn. Tự nhiên lại xuất hiện cái ý nghĩ: “Nếu ở nhà”. Ừ thì đã sao, nó đã quyết tâm đi thì nhất định sẽ không hối hận. Nó sẽ cho ba mẹ thấy nó không sai, nó sẽ làm được. Nó quay sang, bất ngờ gặp ánh mắt của người đàn ông giường bên đang nhìn mình.

- Thằng con bác cũng tầm tuổi cháu đấy. Nó học xong cấp 3, bác nói thi tiếp lên đại học mà nó không nghe. Bố con hục hặc, nó đi theo mấy đứa bạn vào tận Sài Gòn làm, hơn năm nay chưa về… Nhìn bay, bác nhớ nó quá.

Tấn nghe ông kể mà thấy chột dạ. Sao giống chuyện của nó thế. Hai tuần trước, khi đã thi xong học kì II, nó một hai đòi đi làm, xin vào mấy phòng trà chơi nhạc. Ba mẹ nó hốt hoảng, nói nó phải tập trung ôn thi để chuẩn bị cho kì thi quốc gia sắp tới, các trường đại học lớn giờ tỉ lệ chọi rất cao. Nhất là trường Đại học Y mà ba mẹ đang kì vọng cho nó vào đó. Nó lầm lì, ba mẹ muốn nói gì thì nói. Nhưng nó đã quyết, học mãi rồi cũng có xin được việc đâu. Tốn tiền bạc, thời gian mà cuối cùng lại đi làm những việc chẳng liên quan gì đến những cái đã học như mấy anh chị ở khu phố nhà nó. Nó thích chơi đàn, thích thổi sáo và nó chơi mấy món đó khá hay. Suốt bao năm học sinh, nó là đứa hăng hái tham gia vào các hoạt động văn nghệ của trường, lớp. Hai cây đàn ghi ta, mấy cây sáo nó mua cũng là nhờ tiền góp được từ những buổi cuối tuần thổi sáo trong quán cà phê Lucky cùng mấy anh chị nhạc công nó quen. Anh Tân, trưởng nhóm khen nó chơi sáo hay và hứa khi nào nó học xong sẽ cho theo, rồi sẽ giới thiệu cho nó vài phòng trà đang cần người thổi sáo. Nó nghĩ rồi, không cần học đại học, nó vẫn có thể sống tốt với việc theo đuổi đam mê âm nhạc. Có vô khối cách để lập nghiệp, cớ gì cứ phải là học đại học. Nghĩ vậy nên dù trong thời gian ôn thi tốt nghiệp cũng là để lấy điểm xét đại học, bạn bè thì ôm sách vở cày ngày cày đêm, còn nó thì cứ nhởn nha. Đến buổi vẫn đi học nhưng không có gì là lo lắng, gấp rút. Tất nhiên, nó vẫn nhận chơi nhạc vào tối thứ bảy ở quán Lucky. Bữa đó, Tấn đang ngồi thử âm cây sáo mới mua thì ba nó đi làm về. Có vẻ cái nắng hầm hập của mùa hè làm ông khó chịu, mồ hôi rịn ra lấm tấm trên khuôn mặt và lưng áo.    

Ông ngồi xuống bên cạnh nó, với tay rót ca nước rồi vui vẻ nói:

- Theo dõi thông tin mấy trường lớn, ba thấy con thừa khả năng đậu vào đó. Nói vậy nhưng cũng không được chủ quan. Còn tháng nữa thôi, phải cố gắng, dốc toàn tâm toàn lực vào đó chứ núi cao còn có núi cao hơn. Đàn sáo gác lại, sau thi xong còn mấy tháng hè tha hồ mà thổi.

Nó nhìn ông dò chừng, rồi rụt rè nói:

- Con không học đại học đâu ba.

Ba nó dằn mạnh ca nước uống dở xuống bàn, như không tin vào những gì mình vừa nghe, ông chăm chăm nhìn nó, nhấn giọng:

- Con vừa nói gì, Tấn?

- Con sẽ mở cửa hàng bán sáo, đàn và chơi…

Chưa dứt lời, nó đã bị ba giằng lấy cây sáo trong tay vụt cho mấy vụt. Rồi ông điên tiết đưa luôn cây sáo lên bẻ làm đôi. Ông chỉ mặt nó:

- Ba mẹ nói đến thế mà mày không nghe lời, suốt ngày đàn với sáo. Từ nay tao nhìn thấy cây sáo nào trong nhà này tao bẻ cây đó. Cá không ăn muối cá ươn. Mày còn muốn cãi lời tao thì đi từ nay không có ba con gì hết.

Nói rồi ba Tấn bỏ đi ra ngoài. Tai nó như ù đi khi nghe ba xưng mày – tao với nó. Chưa bao giờ ba xưng hô với nó như vậy. Tấn thoáng sợ và choáng. Nhưng lòng tự ái đã nhanh chóng chiếm chỗ trong tâm hồn cậu thanh niên 18 tuổi khi bị ba đánh mắng. Nó nhặt cây sáo lên. Gãy rồi! Cây sáo nó mới mua, âm thanh trong, vang hơn bất cứ cây nào nó có. Một quyết định nhanh chóng lóe lên trong đầu Tấn mà cho đến bây giờ nó cũng không dám chắc là mình đã đúng.

Tấn âm thầm liên lạc với một số người bạn trong nhóm “Team sáo trúc” trên mạng, trao đổi về ý tưởng của mình. Mấy đứa sẽ chung nhau mở một cửa hàng nhỏ chuyên bán các loại tiêu, sáo, đàn ghi ta… Một buổi sáng, chờ ba mẹ đi làm, Tấn xếp lại những cuốn sách của mấy môn ôn thi ngay ngắn lên bàn, một lá thư dài cả trang giấy gửi lại ba mẹ để bên cạnh, rồi xách ba lô đi. Nó cầm theo 3 cây sáo si giáng, la trầm và Tone đô yêu thích. Còn mấy cây nữa, nó mua từ ngày mới vào lớp 10, lâu không dùng đến, nó bọc lại và cất trong ngăn kéo bàn học.

Mọi việc không hề đơn giản như Tấn nghĩ. Việc tìm thuê mặt bằng vừa khả năng chi trả lại phù hợp địa điểm là cả một vấn đề nan giản. Mấy đứa trong nhóm đã có vẻ nản. Tiền chơi nhạc cho các phòng trà mỗi tối thứ bảy, chủ nhật chẳng đáng là bao. Chưa kể tiền phòng trọ giữa tháng này phải đóng. Mấy lần nó đã có ý định gọi điện về nhà nhưng lại thôi. Nó phải cho ba thấy nó làm được, nó có thể tự xây dựng tương lai cho mình. Việc gì lúc đầu chẳng có khó khăn. Không có con đường đi đến thành công nào trải toàn hoa hồng cả. Càng khó khăn thì thành công càng rực rỡ. Nó cứ tự động viên mình và mấy đứa bạn như vậy. Và nửa tháng trời, nó gan lì không thèm gọi điện về cho ba mẹ lấy một cuộc, không hỏi thăm, không tin tức, không cả bắt máy để nghe những cuộc gọi của mẹ nó. Dù nó biết chắc rằng mẹ đang rất lo lắng cho mình. Nó còn rất giận ba nữa. Ba áp đặt. Ba bảo thủ, độc đoán.

- Bệnh nhân Huỳnh Đăm, lát xuống phòng 15, 23 đi điện tim, lấy máu xét nghiệm nữa nha. Cầm giấy này đi nhé.

Cô y tá đưa ông bác bên cạnh hai tờ giấy có ghi tên tuổi bệnh nhân, số phòng khám rồi quay ra. Ông đón lấy tờ giấy, cầm trên tay mân mê. Ông ngó đăm đăm vào đó rồi buột miệng: Chẳng biết nó dạo này mập ốm ra sao, có ăn uống đúng giờ đúng bữa không. Nhỡ đau ốm ra đấy chẳng có ai chăm, khổ. Bữa đó bác cũng nóng quá, mắng chửi nó quá, rồi đuổi đi. Nóng thì nói vậy thôi, ai ngờ nó đi thật. Ông thở dài, nó đâu hiểu được lòng người cha này luôn ngóng nó trở về. Lúc nào cũng lo cho nó cơ chứ. Đánh mắng cũng bởi thương, sợ nó không nghe rồi sau này khổ, chứ con dứt ruột đẻ ra không thương thì thương ai. Vậy mà nó đâu có hiểu. Nó bỏ đi hơn một năm trời chỉ trở về một lần vào ngày giỗ mẹ nó, rồi lại đi biệt… Ông thở dài hỏi nó:

- Thế người nhà cháu đâu. Bác vào từ hôm qua đến giờ không thấy ai?

ADQuảng cáo

Nó cố tránh ánh mắt của ông bác:

- Dạ, cháu thấy mình cũng khỏe rồi, tự lo được nên nói ba mẹ cháu khỏi vào. Mai cháu được xuất viện rồi.
Hình như ông bác đoán biết được điều gì đó từ câu trả lời ngượng ngập của nó, ông nhỏ nhẹ:

- Gia đình luôn là bến đỗ bình yên nhất cháu ạ. Cha mẹ dù có thế nào vẫn là những người lo lắng, quan tâm nhất, muốn những điều tốt đẹp nhất cho các con. Có lúc giận lên, đánh mắng đấy chứ trong lòng cũng đau lắm. Vậy mà hơn năm rồi, thằng con bác nó còn giận.

Nhìn ông đứng lên đi ra phía cửa, một tay đưa đấm nhẹ sau lưng nó chợt nhớ đến hình ảnh ba. Ba nó cũng có chứng đau lưng, ngày ở nhà nó hay đấm lưng cho ba vào mỗi tối. Rồi nó lại nhớ đến ánh mắt rưng rưng buồn rầu của mẹ khi khuyên nó không được, khi ba con nó ngày một xung khắc. Nó cầm điện thoại, do dự một lúc lâu rồi cũng ấn gọi cho mẹ. Đầu dây bên kia mẹ nó vui lắm và hình như bà khóc. Bà hỏi nó dồn dập đủ chuyện khiến nó không biết trả lời sao. Nó bỗng thấy cay cay sống mũi khi nghe có tiếng ba khe khẽ bên cạnh: “Con có khỏe không em? Em nói con về nhé”. Nó nói với mẹ là đang bận, mấy hôm nữa nó sẽ về rồi vội cúp máy. Nó sợ mẹ phát hiện giọng mình đang nghẹn lại.

***

Tấn đẩy cánh cổng khép hờ bước vào. Hôm nay cuối tuần, có lẽ ba mẹ ở nhà cả. Nó không đánh tiếng bởi chưa biết bắt đầu như nào khi gặp lại ba mẹ. Cơn mưa kéo đến ùn ùn, gió bắt đầu nổi lên. Bình thường nó đã chạy nhanh vào nhà rồi nhưng hôm nay bước chân nó chùng chình. Tấn cứ đứng mãi ngoài ngõ tần ngần nhìn khắp sân. Mới có nửa tháng mà nó cảm thấy như mình đã lâu lắm rồi mới trở về. Những giọt mưa bắt đầu đổ xuống nhanh đến nỗi khi tiếng nước ào ào xối xuống mẹ nó trong nhà mới biết. Bà vội vàng chạy ra dây phơi quần áo. Bà bất chợt nhìn ra, thấy con đứng đó, gọi với vào trong nhà gần như tiếng reo:

- Anh ơi! Ra đây đi, con nó về rồi này!

Ba mẹ nó chạy vội ra. Kệ trời mưa. Nó cúi đầu, lí nhí:

- Ba! Mẹ!

- Ừ, vào nhà đi con. Ướt hết cả rồi!

Tấn nhìn theo dáng ba xách túi đồ cho nó phía trước mà sống mũi cay cay, hai cánh mũi phập phồng. Nước mắt nó hòa lẫn nước mưa chảy ròng trên khuôn mặt.

Tấn thay đồ xong, ra ngồi trên chiếc ghế đối diện với ba mẹ. Ba Tấn nhìn thẳng vào mắt nó từ tốn hỏi:

- Con vẫn còn muốn chơi đàn, sáo phải không?

- Con xin lỗi, lẽ ra con không nên bỏ nhà đi như vậy. Con sai rồi.

- Ba nghĩ kĩ rồi. Nếu con thích, hãy cứ ôn thi cho tốt rồi sau con nộp hồ sơ thi vào Học viện âm nhạc. Con sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện khả năng của mình.

Ông đẩy về phía nó cây sáo.

- Ba đền cho cây sáo bữa trước bẻ mất của con.

Tấn tròn mắt nhìn ba, rồi nhìn mẹ. Mẹ nó gật đầu mỉm cười:

- Còn gần tháng nữa là thi rồi. Cố gắng con ạ.

Nó đón lấy cây sáo, đưa lên thổi bài Tình cha, giọng rưng rưng. Mưa tạnh đột ngột như lúc đến, những tiếng lộp bộp, ào ào ngưng bặt nhường chỗ cho tiếng sáo của nó bay bổng ngân vang.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Tình cha
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO