Truyện ngắn: Người giữ rừng

08/06/2018 08:01

Tác giả: Lê Thị Xuyên

ADQuảng cáo

Sau cơn mưa đầu mùa, đại ngàn trở nên hùng vĩ và dịu dàng một màu xanh ngan ngát. Bầu trời quang đãng, trong trẻo. Nắng quàng lên những tán cây. Con thác tung mình trắng xóa. Suối rủ nhau rì rầm. Gió ngàn vấn vít, vi vu lay động cả cánh rừng. Lũ chim rừng hòa nhịp tấu khúc hoan ca. Mặt đất bazan mỡ màu xì xèo, ẩm ướt làm tấm đệm ngọt ngào cho họ hàng nhà nấm xòe ngàn vạn chiếc ô mềm mại, đủ màu…

Ông Linh hướng đôi mắt nhìn quanh rồi thu lại ở nơi mình đang đứng. Trong lòng lắng lại một cảm giác thật bình yên. Những thanh âm quen thuộc đã ăn sâu vào tiềm thức của người thương binh già gần một phần tư đời người canh gác cho sự bình yên của rừng. Hơn 20 năm rồi còn gì? Nhanh thật. Thấm thoắt…! Ông mỉm cười, khẽ lắc đầu, bâng quơ chép miệng nghĩ. Một nỗi niềm khó nói thành lời dâng trào trong khóe mắt cay xè của ông. Giờ là lúc ông phải nghỉ ngơi vì tuổi cao. Công việc giữ rừng sẽ được giao lại cho những người trẻ có sức khỏe và tâm huyết hơn.

Mấy ngày nữa thôi ông sẽ rời xa nơi này. Cả đời cống hiến tận tụy. Thời chiến thì lên đường bảo vệ tổ quốc. Thời bình thì trở về với hơn chục vết thương làm kỉ niệm. Rồi thì lấy vợ, sinh con, hết nuôi con cái lớn khôn lại lo lập gia đình cho chúng. Và cơ duyên đến với ông khi quyết định làm nghề canh rừng.

Thực ra ông không muốn nghỉ tí nào. Song có lẽ, ông cũng tự hiểu, mình đã không còn đủ khỏe mạnh như xưa để đảm đương nhiệm vụ cao cả được nữa. Một tấm lòng canh cánh và tâm huyết của người thương binh già khiến ai cũng động lòng. Người ta thích được rong ruổi, được an nhàn, được vui đùa cùng cháu con,… đằng này ông lại vẫn muốn dấn thân vào những việc nặng nhọc, khó khăn. Mà đâu phải vì con cái không có điều kiện, bắt ông phải làm lụng vất vả để kiếm tiền. Chỉ tại ông thích nghề ấy. Biết làm thế nào. Đành chiều ý ông. Miễn sao ông vui, ông khỏe.

- Cháu chào bác Linh? Cháu là A Tình, người sẽ thay bác làm công việc giữ rừng sau khi bác nghỉ. Cậu thanh niên trạc tuổi 30, dáng người cao ráo, nước da nâu, miệng cười tươi rói thoăn thoắt bước lại chủ động bắt tay ông Linh cơ hồ như đã quen biết từ lâu, cắt ngang dòng miên man ở ông.

- À… Thì ra cậu là người mà ban quản lý rừng mấy hôm trước có nói với tôi? Ngắm nhìn chàng thanh niên từ đầu đến chân, ông Linh mỉm cười gật gù:

- Được đấy! Tướng tá, dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát.

- Dạ, cháu cảm ơn bác! Cháu cũng nghe ban quản lý rừng, nhất là người dân trong bản kể nhiều về bác. Mấy đứa bạn cháu, ai cũng mơ ước làm chức này chức khác. Cháu chỉ mong được làm nghề giữ rừng như bác thôi… Những lời bộc bạch của A Tình khiến ông Linh càng cảm thấy tự hào về việc làm đã gắn bó với ông mấy chục năm nay. Ông Linh chưa kịp nói gì thì A Tình lại tiếp tục hồ hởi, thành thực:

- Bác biết vì sao không? Vì đây là quê hương của cháu. Vì núi rừng đại ngàn này đã nuôi dưỡng, chở che và cho người dân bản cuộc sống yên bình. Cháu muốn bảo vệ rừng, muốn giữ cho núi rừng đại ngàn mãi mãi xanh như thế này thôi bác ạ. Ông Linh chăm chú lắng nghe A Tình nói. Từng chữ, từng lời của cậu thanh niên trẻ tuổi sao giống ông ngày xưa đến thế. Ông ngỡ như đang gặp lại mình cái thời tuổi còn 30 đầy sung sức.

ADQuảng cáo

Những năm tháng chiến tranh, dẫu là anh chàng đặc sệt phố xá, ấy vậy mà khi lên rừng chiến đấu, ông Linh băng rừng vượt núi thoăn thoắt cứ y như người sinh ra ở rừng. Bom đạn chiến tranh vẫn không thể nào tàn phá nổi những cánh rừng với màu xanh ngút ngàn. Mỗi lần được nghỉ ngơi sau những cuộc hành quân kéo dài, ông Linh thường thích ngồi ngắm cảnh rừng. Cây cối xanh um, mát rượi. Tiếng chim hót, tiếng suối chảy, tiếng thác gầm, tiếng vượn hú,… Cảnh rừng mê hoặc ông từ lúc nào chẳng biết. Ông đã từng tâm sự với những đồng đội của mình, rằng nếu sống sót trở về, ông sẽ xin làm nghề giữ rừng.

Trở về từ chiến trường, ông lấy vợ, rồi có 3 đứa con. Khi nghe ông trình bày nguyện vọng được đi giữ rừng, trong lòng vợ ông cũng có đôi chút tự ái, buồn buồn. Là bởi nhà thì ở dưới phố, con cái ăn học thành tài, có dư kinh tế lo cho ông bà cuộc sống tươm tất, nhưng ông đã quyết thì đành chiều. Thay vì than vắn thở dài, vợ ông chủ động cùng ông vượt đường đèo mấy chục cây số lên tận ban quản lý rừng trình bày nguyện vọng cùng lá đơn đã kí sẵn của ông. Ông vui sướng khi ý nguyện của mình được chấp nhận. Biết bà một mình dưới phố thui thủi, ông rủ bà lên cùng. Rau cỏ, hoa lá, trái cây,… sẵn có từ rừng. Tất cả đều sạch, ăn vào chẳng sợ bệnh tật như đồ dưới phố. Bà nghe ông nói mà mủi lòng. Phần vì chồng đi đâu thì vợ theo đó. Phần khác, chẳng gì bằng bà chăm ông. Có vợ có chồng vẫn hơn. Những lúc ông ốm đau, sao có thể thiếu sự yêu thương chăm sóc của bà được. Nghĩ vậy, mắt bà đã rơm rớm. Ngày họp gia đình, mấy đứa con của ông bà ngồi bên nghe bà thủ thỉ và đưa ra quyết định như thế, chúng đều im lặng, dẫu ban đầu, cả ba anh em đều khẳng khái thống nhất với nhau sẽ bàn lùi để ông không lên núi mà sẽ ở lại dưới phố với con cháu.

Vẫn biết việc giữ rừng cơ man không phải là dễ dàng. Thế nhưng vì tình yêu rừng của ông, yêu ông, bà cũng bằng lòng. Những ngày đầu, giữa không gian yên tĩnh, hoang sơ của núi rừng, giữa một thế giới khác với phố xá ngập đèn hoa và tiếng nhạc xập xình ông bà từng sống, từ việc phát cây, khoanh nuôi cây con, trồng thêm cây mới nhằm lấy lại màu xanh cho rừng ở những nơi đất trống, những nơi bị lâm tặc phá hoại là vô vàn những kỉ niệm vui buồn. Chẳng đếm hết số lần cả ông lẫn bà bị bầy muỗi rừng đánh gục bằng những trận sốt rét, co giật. Mấy lần ông phải đưa bà xuống phố nằm viện, rồi gọi con cái đến thay nhau chăm sóc. Chúng càu nhàu. Bà chỉ cười. Còn ông thì chỉ biết an ủi: Dần sẽ quen thôi.

Có lúc, đang giữa đêm khuya khoắt, có báo động là y như rằng ông lại xông xáo cùng mọi người lên đường. Với ông, rừng là lẽ sống còn. Ông nhớ như in mấy lần bị bọn lâm tặc hù dọa bằng cách đặt một cỗ quan tài ngay ngoài cửa với lời cảnh cáo “Hãy coi chừng”. Tuy vậy, ông Linh chẳng sờn lòng. Ông biết đó chẳng ai khác chính là thằng A Sình trong bản. Vì mấy lần nó bẫy thú, bị ông phát hiện và yêu cầu về đồn viết bản tường trình, nó có vẻ tức tối ông lắm. Biết vậy, ông chủ động gặp A Sình để nói chuyện bằng lí lẽ chân tình. Thế mà A Sình đã nghe theo. Không những thế, từ đó, A Sình còn là người đi tuyên truyền cho người dân trong bản biết trân trọng, quý rừng, giữ rừng rồi bảo vệ các loài động vật quý hiếm trong rừng nữa. Mấy anh em trong đơn vị của ông Linh cứ khen lấy khen để, rằng không có cái lí nào bằng cái lí thiện, và rằng ông Linh quả thực có khiếu nói, biết thu phục lòng người.

***

Ông Linh đứng đó, đôi mắt đắm đuối nhìn khắp khu rừng bấy lâu mình gắn bó. Cây vẫn xanh, muôn loài chim vẫn gióng lên khúc hát đại ngàn. Từng thớ gỗ vẫn thơm nồng nhựa mới trên những thân cây cường tráng với đủ chủng loại… Cơn mưa đầu mùa bắt đầu rả rích. Mưa phả vào vai áo, vào tóc ông Linh mát lạnh. Ông quay về phía A Tình, nãy giờ đang chăm chú lắng nghe câu chuyện của ông và nói:

- Bác giao lại nhiệm vụ cao cả này cho cháu. Cháu hãy thay bác, hãy cùng với mọi người giữ mãi cho đại ngàn có được màu xanh muôn thuở! A Tình nhìn ông với lòng quyết tâm cao độ. Giọng anh dõng dạc:

- Bác cứ yên tâm về xuôi nghỉ ngơi. Khi nào nhớ rừng, bác lại lên thăm! Chúng cháu sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông Linh mỉm cười an lòng:

- Tốt lắm! Vừa nói, ông vừa vỗ vỗ vào vai A Tình đầy tin tưởng.

Từ trên cao, mưa vẫn lác đác rơi. Có hai người cùng nhau bước đi giữa rừng, chuyện trò râm ran trong nhịp thở bình yên của đại ngàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Người giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO