Truyện ngắn: Mưa nhớ mẹ

24/08/2018 09:55

Tác giả Hoàng Thị Hiền

ADQuảng cáo

Chiều nay, khi vừa tan ca làm việc, Trâm Anh vội vàng thu dọn đồ đạc và nhanh chóng ra bắt xe buýt cho kịp giờ. Vì chẳng may bỏ lỡ chuyến này thì đợi chuyến sau cũng phải gần một tiếng đồng hồ mới có, sẽ mất một khoảng thời gian lãng phí chỉ để chờ xe. Và khi về đến phòng thì có lẽ sẽ không kịp đi chợ mua thức ăn nấu cơm cho bữa tối mất.

Xe chạy được khoảng 5 phút thì trời bắt đầu đổ mưa. Sài Gòn những ngày này mưa thường xuyên và đột ngột hơn. Nhiều khi đang nắng gắt oi bức, cũng có thể ngay lập tức một cơn mưa kéo đến đột ngột và cũng nhanh chóng tạnh hẳn. Ngồi từ trong xe nhìn qua cửa kính Trâm Anh có thể nhìn thấy rõ được từng hạt, từng hạt mưa đua nhau đổ xuống dòng người nhỏ bé đang hối hả trên đường về nhà.

Nhìn cơn mưa phía trước, chợt có những đoạn phim quay chậm chạy ngang qua đầu Trâm Anh lúc đó. Trâm Anh nhớ lại những ngày khi mới bắt đầu chậm chững những bước chân đầu tiên cho đến khi học lớp 1, lớp 2,…. Rồi cho đến khi Trâm Anh trưởng thành như thế nào. Và câu chuyện quá khứ của mẹ Trâm Anh với đầy nước mắt…

Minh họa: Ngọc Tâm

Mẹ kể lại với Trâm Anh rằng, ngày còn trẻ mẹ với ba thương nhau lắm. Nhưng chưa kịp làm đám cưới thì ba nhận được lệnh đi bộ đội, nên hai bên gia đình đã dời ngày cưới lại. Khi ba được xuất ngũ, lúc đó sẽ tổ chức một đám cưới thật lớn để họ hàng, bạn bè và mọi người trong xóm có thể đến chung vui đầy đủ. Người lớn hai bên gia đình quyết định do chưa cưới xin nên mẹ vẫn sẽ ở bên nhà ngoại. Tuy nhiên, thời điểm này mẹ đã mang thai trước khi ba đi nhập ngũ. Mẹ chưa biết nói chuyện này với ba thế nào, thì ba đã lên đường hành quân rồi. Mẹ bảo, ngày đó mẹ mới chỉ 17 tuổi, chưa hiểu chuyện nên mẹ không dám kể cho ai chuyện mẹ mang thai cả. Cả bà ngoại người thân với mẹ nhất, mẹ cũng khó lòng tâm sự hay xin lời khuyên từ bà ngoại. Đặc biệt là ở nơi làng xóm nhỏ bé này, việc phụ nữ có con trước khi cưới hỏi được xem là điều tối kỵ nhất. Nhà nào có con gái xảy ra trường hợp như vậy sẽ phải gánh chịu vô vàn lời bêu xấu của mọi người, nhất là danh dự của gia đình cũng theo đó mà ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Người ta nói rằng: “Không có gì ghê gớm bằng miệng lưỡi thế gian” quả thật không sai. Khi bụng mẹ ngày một to dần, dường như ai cũng đều nghi ngờ mẹ không một lòng chung thủy với ba. Chồng chưa cưới đi nhập ngũ có vài ba tháng mà đã chửa hoang lớn đến vậy rồi, không biết ba mẹ dạy dỗ con cái như thế nào mà để ra nông nỗi như vậy. Và dường như mọi thứ cũng đã quá muộn để mẹ có thể giải thích bởi những rào cản, định kiến xã hội. Mẹ luôn đặt niềm tin vào người mà Trâm Anh sẽ gọi là ba trong tương lai. Mẹ tin một ngày không xa khi ba trở về, ba sẽ nhận Trâm Anh và bảo vệ mẹ khỏi những lưỡi dao lời nói đang bào mòn dần sức sống của mẹ.

ADQuảng cáo

Ngày mẹ trở dạ, chỉ có bà ngoại bên cạnh động viên, chăm sóc cho mẹ. Sau khi sinh Trâm Anh xong, sức khỏe của mẹ càng yếu dần đi. Các bác sĩ ở bệnh viện huyện nhiều lần khám cho mẹ đã kết luận rằng, với thể chất của mẹ hiện tại khó có thể mà mang thai lại được do thành tử cung quá mỏng. Ba mẹ của ba – tức ông bà nội Trâm Anh, khi thấy đứa con mà mẹ sinh ra là con gái, họ lại càng có thêm nguyên nhân để ngăn chặn đám cưới của ba và mẹ. Ba là con một trong gia đình nên việc gánh vác sinh con trai để hương hỏa cho tổ tiên vô cùng quan trọng, trong khi đó gia đình ông bà nội lại là trưởng họ trong làng. Nếu như để ba lấy mẹ, thì chẳng lẽ nào là tự tay cắt đứt huyết mạch của mình. Ông bà ngoại khuyên mẹ nên đi một nơi nào đó cách xa nơi này ra để cùng với con gái sống, để không ảnh hưởng đến gia đình cũng như tương lai sau này của ba.

Một người đàn ông mà Trâm Anh gọi là ba sau quãng thời gian thao trường vất vả được phép trở về thăm nhà, trước sự thúc ép của gia đình, của dòng họ đã buộc phải lấy một người khác có thể thay mẹ Trâm Anh thực hiện trách nhiệm. Ngày ba cưới vợ, mẹ lặng lẽ bế Trâm Anh mới chỉ mấy tháng, đứng trong nhà nhìn đoàn rước dâu của ba đi ngang qua nhà. Nước mắt mẹ chảy dài...

Mấy hôm sau không ai biết mẹ Trâm Anh đã bế con và đi nơi nào cả. Chỉ có duy nhất mẹ biết và sau này Trâm Anh mới biết, đó là mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ. Tuổi thơ Trâm Anh hầu như gắn liền với rừng núi ở đây, gắn liền với những đợt nắng hanh khô hay những cơn mưa đầu mùa nặng trĩu.

“Đến trạm cuối rồi! Xuống xe nào cô gái ơi” tiếng gọi của anh lơ xe khiến Trâm Anh sực tỉnh, bỗng nhận ra là do mãi nghĩ nhiều quá, đi ngang qua trạm dừng mà không biết. Lại phải bắt xe buýt về ngược lại mất rồi, trời lại vẫn cứ mưa rả rích mãi không ngớt. Đành gọi điện về cho đứa bạn trong phòng đi chợ thay vậy….

Có vài hạt mưa rớt xuống mặt, Trâm Anh liền đưa tay vuốt nhẹ và đưa nhẹ lưỡi ra cảm nhận vị mưa Sài Gòn xem thử có giống với mưa Tây Nguyên không. Khác nhau lắm, mưa ở Tây Nguyên ngọt hơn nhiều, trong đó còn có cả vị của đất, tình yêu của mẹ dành cho Trâm Anh nữa... Bỗng Trâm Anh muốn về nhà với mẹ ngay lúc này, cùng mẹ ăn những bữa cơm đạm bạc có vài ba món rau rừng, vào những ngày mưa trên vùng đất đã giúp mẹ xóa dần đi những đau thương chồng chất suốt những năm tháng trước kia.

Mưa giúp cho đất mẹ tươi tốt hơn và hồi sinh lại sự sống, nhưng vẫn không thể gột sạch đi vết thương trong lòng của mỗi con người. Vết sẹo theo năm tháng chỉ mờ dần chứ không bao giờ mất hẳn…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Mưa nhớ mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO