Truyện ngắn: Mối tình học trò

19/04/2019 08:55

Tác giả: Hoàng Khánh Duy

ADQuảng cáo

Minh họa: Ngọc Tâm

Huỳnh Đức bỏ làng đi tu.

Người trong làng kể lại lần Đức rời khỏi làng không ai biết là Đức đi đâu. Một buổi chiều người ta thấy nó đội nón lầm lũi đi trên con đường mòn dẫn ra cổng làng, tưởng nó đi thăm họ hàng xa chắc độ mấy hôm cũng về. Vậy mà Huỳnh Đức đi luôn. Mấy đứa con nít đi học làng bên buổi trưa nọ chạy về báo tin Huỳnh Đức đang cắm cúi quét lá đa rụng đầy sân chùa Rơm, cái đầu trọc lốc. Vài người không tin theo chân mấy đứa nhỏ chạy ra cổng chùa đứng ngó nghiêng vào bên trong, chưng hửng:

- Thằng Huỳnh Đức đi tu thiệt rồi bà con ơi!

- Lạ chưa! Cái thằng, khi không đang yên đang lành lại xuống tóc đi tu, nó sống lành thế kia nghiệp đâu mà phải chọn con đường tu hành cho khổ.

Cái tin Huỳnh Đức đi tu vang ra khắp làng, ai cũng lấy làm ngạc nhiên, định bụng chạy ra chùa Rơm hỏi Đức ơi Đức à sao mày bỏ làng đi tu vậy hả Đức, nhưng rồi lại thôi. “Nó tránh khỏi nợ trần, thôi cũng mong quãng đời còn lại của nó thanh thản như nó hằng mong ước”, ai đó nói khẽ.

* * *

Anh đưa tôi về làng. Xe đỗ ngoài con lộ lớn, tôi với anh đi đò đến bến chùa Rơm rồi cuốc bộ vào trong làng.

Hôm tôi về, ai cũng láo nháo, nhất là đám trẻ con. Chúng nó cứ ríu rít quanh tôi, vòi bánh kẹo thành phố. Hồi đó tôi cũng hay theo vòi quà mấy cô chú trên thành phố mỗi đợt về thăm làng, bởi vậy khi tôi trở thành “dân thành phố”, tôi cũng tinh ý mua ít bánh kẹo, búp bê xanh đỏ làm quà cho bọn con gái trong làng. Chúng vui như tết.

Út Chi nắm tay tôi dắt qua cây cầu tre bắc ngang con mương rộng, nói khẽ:

- Chị hai thành dân thành phố, không biết còn đi cầu khỉ được hay không, sợ té!

Tôi cười mà lòng hơi xốn xang:

- Con nhỏ này, ác nhơn chưa, hai có đi xa quê bao nhiêu năm thì hai cũng là người làng uống nước sông Rơm, ngửi gió đồng bưng se sắt.

- Ừ, mà chị hai biết tin gì chưa?

Út Chi vừa nói, vừa đảo mắt nhìn anh như thể dè chừng, mặt đanh lại. Tôi hỏi:

- Tin gì Út?

Con bé ghé tai tôi, khe khẽ:

- Huỳnh Đức đi tu rồi đó hai.

Trong khoảnh khắc tôi thấy tim mình ngưng đập trong lòng ngực, sững sờ. Phải mất vài giây tôi mới hoàn hồn lại, nhìn Út Chi mà lòng dạ bời bời. Huỳnh Đức, người con trai chân chất ở làng, người âm thầm gieo vào lòng tôi những kí ức đẹp đầu đời giờ đây bỏ làng đi tu, bỏ cõi trần ai nhiều niềm nỗi vin vào chốn Phật pháp bình an, cho vơi nhẹ những muộn phiền. Nghĩ đến đó, tôi thấy lòng mình đăng đắng.

- Trời ơi, sao Huỳnh Đức đi tu vậy hả, Út Chi?

- Em không biết, người làng cũng không biết, chiều em với hai ra chùa Rơm, là gặp…

Tôi ậm ừ. Cũng hơn năm trời tôi không gặp lại Huỳnh Đức, kể từ cái hôm nhà trai trên thành phố xuống rước tôi đi, tôi thoáng thấy Huỳnh Đức nấp sau lũy tre đầu làng nhìn theo tôi, mắt buồn. Bẵng đi một thời gian tôi không gặp lại Đức, cũng chẳng có tin tức gì về Đức. Mấy bận tôi về thăm má, sáng về thì chiều lại vội vã đi, công việc bề bộn cuốn tôi vào vòng xoáy của cuộc sống, khiến tôi quên đi những người mà tôi từng nghĩ mình sẽ không bao giờ quên được. Huỳnh Đức – cái tên ấy tự dưng vang lên trong lòng tôi. Giờ thì tôi nhớ đến anh, nhớ câu nói anh rỏ vào tai tôi ngoài bến nước chùa Rơm: “Mai mốt tôi kiếm thật nhiều tiền cưới Mơ về làm vợ, Mơ chịu không?”. Tôi ngượng đỏ mặt rồi vờ nói chuyện con bìm bịp đậu đâu bên kia sông kêu hoài buồn não nuột, vì hồi ấy tôi chưa nghĩ đến chuyện kết tóc se tơ…

* * *

Tháng hai, tháng ba, phượng nở rợp trời quê hương. Ở làng tôi, không biết ai đó bao dung trồng rất nhiều gốc phượng vĩ. Phượng lớn cùng tháng năm, sắp sang hè lại biến làng thành chiếc thảm nhung đỏ ửng, đẹp mê li.

ADQuảng cáo

Tôi nhớ Huỳnh Đức vẫn thường đèo tôi bằng chiếc xe đạp cà tàng đi dưới những hàng phượng vĩ. Thuở hai đứa còn đi học trường làng, mỗi sáng Đức chờ tôi, trưa thì gồng mình đạp xe chở tôi về nhà, mồ hôi nhễ nhại. Tôi nói để tôi đạp xe chứ Đức đạp một mình cực trần thân. Đức cười: “Ai lại để Mơ đạp xe bao giờ”. Trên vòm cao, lũ ve sầu kêu ran. Cánh đồng phơi mình trong nắng.

Nhà Huỳnh Đức ở cuối làng. Hồi đó, má Huỳnh Đức làm nghề đổ bánh tráng rồi gánh bằng chiếc đòn gánh cũ kĩ, bán từ làng này sang làng khác. Ngoài giờ học, Đức thường ra đồng hái đậu, giở khoai, con trai mười sáu mười bảy mà bàn tay đã chai sần, da ngăm đen, thấy mà thương. Má tôi nói: “Tao thấy thằng Huỳnh Đức thương mày thiệt lòng, lấy chồng gần cho dễ con à, mộng chi lấy chồng xa muốn về nhà má trắc trở trăm bề”. Tôi cười, tôi hiểu má muốn tôi lấy Huỳnh Đức, má không ngại nhà Đức nghèo, má nói “có đôi bàn tay chí thú làm ăn thì khá giả mấy hồi, huống hồ bọn bây có ăn có học”. Tôi lơ đi lời má bởi trong lòng tôi đang hướng về nơi thành thị xa hoa, sáng rực ánh đèn, nơi mà tôi sẽ sống trong những ngày vui vẻ, mở mang tầm nhìn, không còn là cô gái làng quê mùa tóc cháy da ngăm. Những lúc ngồi cạnh Huỳnh Đức, tay Đức đan vào tay tôi, vậy mà lòng dạ tôi cứ nghĩ đâu đâu, quên cả lời Đức nói, quên cả việc Đức đang ngồi cạnh bên tôi trong không gian tĩnh mịch của buổi chiều rớt lại trên từng nếp nhà, trên mái chùa Rơm phủ rêu cổ kính.

Rồi mùa học kết thúc. Phượng nở rợp trời, đỏ choét như màu máu tim. Chúng tôi không còn những buổi sáng cùng nhau đi học, buổi chiều cùng nhau ôn bài, cũng không còn những giờ ra chơi ngồi dưới gốc phượng nhặt cánh hoa ép bướm rồi tỉ mẩn đề mấy dòng nắn nón trên trang vở thơm thơm học trò. Những đứa bạn cùng trang lứa đứa thì ra thành phố học tiếp, đứa thì nghỉ học ở nhà bán mặt cho đất bán lưng cho trời, đời cũng chẳng khấm khá hơn. Chiều nhờn nhợt màu nắng, râm ran tiếng ve ngân trên vòm cao, tôi hỏi Huỳnh Đức:

- Đức ra thành phố học nữa hay nghỉ học?

Huỳnh Đức ngập ngừng rồi nói giọng buồn:

- Tôi nghỉ học. Nhà tôi nghèo, với lại tôi không nỡ bỏ má tôi ở làng một mình… Còn Mơ?

- Mơ… - Tôi ấp úng - Mơ chưa biết…

- Chắc Mơ ra thành phố, bỏ tôi, bỏ làng chứ gì? Ra phố là giấc mơ của Mơ kia mà?

Câu nói của Huỳnh Đức nửa buồn nửa trách, tôi lặng thinh không biết nói gì rồi bỗng dưng tôi tự minh oan cho bản thân mình:

- Đâu có. Huỳnh Đức nói kì.

Chúng tôi im lặng. Từng đợt mưa hoa phượng cứ lặng lẽ rơi, cánh phượng vùi vào đất từ giã mùa hè, như chúng tôi từ giã tuổi học trò ngây ngô, vụng dại.

* * *

- Huỳnh Đức, Mơ… Mơ phải… lấy chồng. Mơ không đi học nữa.

Tôi nói vậy, Huỳnh Đức sững sờ lặng im, mắt Đức buồn như trông thấy xác con ve sầu chết rũ trên cây. Phải mất ít lâu Huỳnh Đức mới mở miệng hỏi tôi:

- Mơ lấy chồng. Mơ bỏ tôi sao?

- Mơ xin lỗi. Huỳnh Đức, người ta nói tình yêu tuổi học trò thường chỉ thoảng qua như cơn gió, làm sao nên vợ nên chồng?

Huỳnh Đức nhìn tôi. Tôi thấy trong mắt Đức có cả mùa hè năm cũ, mùa hè hội ngộ, mùa hè chia li. Huỳnh Đức đi, chiếc bóng ấy vùn vụt giữa đồng làng rồi khuất hẳn vào mùa hè năm cũ…

* * *

- Tội Huỳnh Đức quá! Út Chi, chị là người có lỗi, chị đã bỏ Huỳnh Đức, bỏ làng mình. Chị ích kỉ quá phải không Út?

- Không đâu hai. Ai cũng có quyền lựa chọn hạnh phúc cho mình. Trách là trách Đức nặng tình quá!

- Còn má của Huỳnh Đức, bác vẫn khỏe chứ, Út?

- Má anh ấy mất rồi chị hai ạ, mất trước lúc Huỳnh Đức bỏ nhà đi tu không lâu.

Tôi điếng người. Sao trời lại nỡ dồn Huỳnh Đức vào đường cùng khổ đau như vậy? Tôi ầng ậng nước mắt. Huỳnh Đức của tôi, cả bầu trời thiếu thời thơ dại của tôi. Làm sao để trở về những tháng năm xưa cũ? Không, thời gian chỉ cuốn người ta trôi đi chứ không thể đưa người ta trở ngược về những mộng mơ, bình yên và đẹp đẽ thuở ban đầu. Đi tu, có lẽ là con đường tốt nhất để Huỳnh Đức được bình an.

Tôi nhìn lên vòm cao. Phượng vĩ cháy đỏ khung trời. Làng tôi lại trở về khung cảnh thân quen – mùa hè năm cũ…

Tôi băng tắt cánh đồng làng chạy ngược lên chùa Rơm. Tìm mùa phượng đỏ…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Mối tình học trò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO