Truyện ngắn: Lớp học đặc biệt

01/06/2018 08:21

Tác giả: Phan Thị Anh Thư

ADQuảng cáo

Mưa. Mưa mỗi ngày một lớn. Ngoài đường phố vắng hoe. Thỉnh thoảng mới có một chiếc xe thoáng qua một cách vội vã. Tiếng sấm chớp nổ đì đùng xé toạc bầu không gian đen thăm thẳm. Tiếng mưa rơi trên mái tôn nghe rào rào.

Trong lớp học tình thương lọt thỏm giữa khu phố chật chội, mười lăm đôi mắt đượm buồn vì sự chờ đợi cứ kéo dài ra. Có đứa đã bật khóc.

- Mầy “xàm” quá đi. Mới có 7 giờ mà khóc. Khóc dai như đỉa. Từ từ coi sao. Tiếng con Mỵ nạt ngang khi thấy thằng Tuấn khóc thút thít mỗi lúc một lớn.

Dù lớn hơn con Mỵ tới hai tuổi, nhưng thằng Tuấn rất “ ngán” con Mỵ vì con nhỏ này đang làm trưởng lớp. Mà suy cho cùng nó làm tới cái chức “đại trưởng lớp” vì chỉ có mười lăm đứa học trò nhưng có tới năm lớp học từ 1 đến 5 cùng học chung một phòng. Khổ nhất là cô giáo “già” về hưu cứ phải chạy tới, chạy lui để giảng bài, cho bài tập, kiểm tra từng đứa. Vậy mà không khi nào thấy cô “giận”; cô “quạo”. Đó mới là chuyện lạ.

- Tại trời mưa nên ông Ba với mấy cô giáo mình chưa tới kịp đó thôi. Bữa nay là ngày thiếu nhi của tụi mình mà. Tiếng con Hằng trấn an.

- Chắc vậy. Ông Ba và cô thương tụi mình lắm, ông hứa đêm nay đem nhiều bánh và quà cho lớp mình mà. Thôi mình “ca” một bài để đỡ sốt ruột. Bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng” nghe. Tui bắt nhịp đây. “Ai yêu Bác Hồ. Hai...ba…”

Cả lớp im phăng phắc. Không đứa nào còn bụng dạ để mà ca hát trong lúc này. Những đôi mắt hoe hoe đỏ vì tủi hờn cứ len lén nhìn vào nhau. Những tiếng khóc bắt đầu thút thít rồi lan nhanh như một hiệu ứng dây chuyền không sao kìm nén được.

Tới giờ lũ học trò nghèo này cũng không nhớ được mình đã tới đây từ lúc nào. Chúng chỉ mang máng nhớ được cái chuyện ăn cắp giày dép, rau cải, cá, tép và bất cứ những gì có thể ăn cắp được ở cái chợ gần đây. Những biệt danh cũng xuất phát từ đây: Con Mỵ “đá dép”; thằng Tuấn “chôm xe đạp”; con Hằng “hai ngón”… Nhưng độc nhất là trường hợp hai anh em thằng Hùng Anh, Hùng Em. Cách đây mấy năm, xóm này đã phải làm đám ma cho ba má tụi nó chết vì cái bệnh “si đa” gì đó nghe nói ghê gớm lắm và không có thuốc trị. Rồi thằng Hùng Anh cũng chết theo với cái xác ốm nhom, ốm nhách thấy mà ớn lạnh. Tụi học trò lớp học này còn con nít quá nên đâu biết đầu đuôi câu chuyện nhưng thấy những cái lắc đầu chua xót, nhất là nhìn thấy đôi mắt buồn thê thiết, lo âu nặng nề của người khác khi nhìn đăm đăm vào thằng Hùng Em, chúng hiểu họ chết vì căn bệnh hiểm nghèo và có lẽ thằng Hùng Em cũng sắp chết theo ba má và anh trai của nó.

Vậy mà nó chưa chết. Tối nay nó vẫn ngồi thù lù trong lớp học tình thương nầy với đôi mắt ráo hoảnh, tự tin. Nó còn tuyên bố đêm nay sẽ tự nguyện ca một bản để tặng ông Ba, tặng cô giáo, tặng cả lớp để chào mừng chuyện thần chết đã ngủ quên, không kêu tên nó xuống âm ty, địa ngục sum họp với gia đình. Nghe phong phanh nó sống “dai” tới vậy là nhờ ông Ba mỗi tháng đem nó đi “chích ngừa” thuốc gì đó rồi còn bồi dưỡng, chăm sóc nó rất ngon lành. Ông còn nói tụi nhỏ đừng có “nghỉ chơi” với nó để tội nghiệp bởi nó không còn người thân ở đất địa này.

ADQuảng cáo

- Ông Ba tới. Ông Ba tới mấy bạn ơi! Tiếng con Mỵ hét lên rất to đến khàn cả cổ. Nghe vậy cả lớp reo hò lên như lấn át tiếng mưa, như một tổ ong đang vỡ tổ.

- Tụi con nãy giờ sốt ruột lắm rồi phải hôn? Ông xin lỗi các con. Trời mưa lớn quá. Vả lại ông còn phải chờ mấy cô tới chung vui với lớp học chúng ta. Con Mỵ đâu rồi vỗ tay bắc nhịp cho cả lớp hát một bài coi. Tiếng ông Ba Thời nói rất vui.

“Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng…”, tiếng lũ nhỏ vang lên đều đều trong lớp học dưới cơn mưa làm ông Ba Thời sắt se lòng. Nao lòng nhất là khi ông bắt gặp nét mặt yêu đời như cái chết đã rời xa cuộc đời thằng Hùng Em, dù đó chỉ là sự hy vọng mong manh, nhưng ông cứ tin, cứ mong sẽ có một phép màu nào đó đến với nó, đến với nhiều hoàn cảnh tương tự.

Mới đó đã 23 năm kể từ ngày ông rời quân ngũ về sinh sống tại cái xóm được mệnh danh là “xã hội đen” nhất của thị xã này. Mà nói vậy cũng đâu có oan. Cái xóm gì mà đi đâu cũng gặp bọn xì ke, ma túy, móc túi, giật dọc, trộm cướp. Con nít thì thất học để đi chôm chỉa, móc túi người mua sắm ở bến xe, bến tàu. Hễ êm xuôi thì thôi, cứ mỗi lần tụi nhỏ bị bắt quả tang thì ba mẹ chúng lại đến khóc lóc xin tha cho bằng được với đủ lời hứa hẹn “đi mây về gió” rồi mèo lại hoàn mèo.

Vậy mà khi ông Ba Thời đề nghị xin cái trạm gác của xóm bị bỏ phế để làm cái lớp học tình thương cho trẻ em có “thành tích” bất hảo thì đã nhận được biết bao lời dè bỉu, thậm chí rất cay độc, nặng nề ông suy nghĩ kỹ chưa? Chuyện đó có nhà nước lo. Thân ông là thương binh sao không lo cho mình trước đi”; “Chắc “ổng” muốn chơi nổi hay đánh bóng tên tuổi gì đây. Ai đời lấy hết tiền thương binh để lo cho cái đám con nít bụi đời, thiệt là tào lao”; “Mai mốt cái lớp học đó dẹp tiệm cho coi. Tiền đâu mà lo cho xuể, tụi đó toàn là đám trộm cắp, móc túi…

Mặc. Ông cứ bỏ ngoài tai những lời săm soi, chì chiết của mọi người. Đã vậy ông còn cam kết sẽ duy trì lớp học “đặc biệt” với tất cả những gì có được. Vậy là lớp học tình thương bằng tre lá được hình thành. Nhưng đâu phải mọi chuyện đơn giản như ông tính toán. Hồi đầu có tới 20 đứa đăng ký theo học rất rôm rả nhưng rồi chúng thưa dần vì phải theo ba mẹ chúng “hành nghề” bất lương. Gay go nhất là gia đình chúng nó nghi ngờ ông tập trung bọn trẻ lại để đưa chúng vào các trường giáo dưỡng. Vậy là “biến”. Biết chuyện ông lại kiên trì đến từng nhà giải thích và cam kết đủ điều, nào là không tốn kém một khoản tiền nào; nào là được cấp miễn phí tập vở, quần áo, cặp da; nào là sẽ được thưởng nếu học đều, học giỏi, lễ phép ngoan hiền. Mà ông làm thật những lời hứa của mình bằng tiền lương hưu với cái tâm thánh thiện và hy vọng vào sự phát triển của lớp học giữa lòng thành phố của mình.

Xóm vốn là “điểm tối” của thành phố bắt đầu sáng dần lên thật bất ngờ. Nạn trộm cắp, giật dọc mất dần. Con nít xóm nghèo bảo nhau tới học lớp “ông Ba” để khỏi tốn tiền, vừa vui lại vừa có nhiều quà tặng. Khách đến tham quan ngày càng nhiều với những lời khen ngợi và ngưỡng mộ với cách làm nhân ái của ông.

Ông nhớ lắm hơn 100 đứa học trò đã từng theo học ở đây. Tụi nhỏ được liệt vào diện 3 không “Không khai sinh, không hộ khẩu, không hôn thú của cha mẹ” nên chuyện vào học ở các trường công lập rất khó, chỉ còn nước học phổ cập ở cái lớp “đặc biệt” của ông. Nhiều đứa “ra trường” có việc làm ổn định quay lại tìm ông với sự biết ơn chân thành làm cả thầy lẫn trò mừng rơi nước mắt.

Hôm nay, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1 tháng 6, ông lại đến chung vui, tặng quà, chung vui cùng lũ học trò nghèo của mình trong niềm hạnh phúc mênh mông. Ngày mai đây chúng sẽ trở thành những công dân lương thiện, hữu ích của xã hội. Ông không mong chúng sẽ quay lại tìm ông để nói một lời tri ân, ông mong chúng sẽ không còn những khó khăn, bất hạnh đeo bám cuộc đời.

Mưa đã tạnh. Đường phố lại đông đúc và sáng rực lên, sáng như cuộc đời của lũ học trò nhỏ trong lớp học tình thương. Bỗng nhiên ông bật khóc. Khóc với những giọt nước mắt hạnh phúc đàn ông, nước mắt của một người cựu binh tuổi đã ngoài bảy mươi...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Lớp học đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO