Truyện ngắn: Ký ức không thể lãng quên

31/08/2020 09:25

Tác giả: Đào Thu Hà

ADQuảng cáo

Sau mấy ngày mưa dầm dề vì ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sáng nay, trời trong xanh lạ. Cái nắng của những ngày thu đầu tháng 9 trong veo và dịu dàng chứ không oi nồng, gay gắt. Nam mang lá cờ Tổ quốc ra treo ở trước cổng. Màu cờ đỏ thắm tung bay trong nắng sớm rực rỡ và kiêu hãnh. Cu Bo, con trai anh năm nay lên lớp 4, thấy bố treo cờ thì tò mò:

- Bố ơi hôm nay là ngày gì mà bố treo cờ Tổ quốc thế ạ?

Anh trả lời con một cách trìu mến:

- Mai là ngày mùng 2/9, ngày Quốc khánh, ngày Tết độc lập của dân tộc con ạ.

Bo reo lên:

- A con nhớ ra rồi. Năm ngoái con học lớp 3, cô đọc cho con nghe bài thơ “Hôm nay sáng mùng 2 tháng 9, Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình”. Cô bảo ngày Quốc khánh là ngày nước mình giành được độc lập, tự do. Nhưng mà con đố bố biết ngày Quốc khánh con thích nhất là gì ạ?

- Bố chịu đấy!

Bo lém lỉnh:

- Con thích nhất là được nghỉ học, đi chơi thỏa thích bố ạ!

Nam bật cười, xoa đầu con. Thằng bé hãy còn là một đứa trẻ con, nhìn mọi thứ bằng đôi mắt ngây thơ, hồn nhiên vô tư lự.

Minh họa: Ngọc Tâm

Năm nào cũng vậy, dịp lễ 2/9, dù được nghỉ nhiều ngày hay chỉ nghỉ một ngày, gia đình Nam đều không đi du lịch, nghỉ dưỡng mà ở nhà. Vợ Nam làm một mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên. Mấy năm trước, khi bác Nhàn còn khỏe thì năm nào dịp này, bác cũng lên thăm hai vợ chồng Nam, nhờ Nam đưa đi thăm thành phố. Điều này đã thành thông lệ từ khi ông nội Nam còn sống, khi bố mẹ Nam còn sống và kể cả khi ông nội Nam, bố mẹ Nam đã mất. Bác Nhàn đã giúp Nam gợi lại những ký ức về những ngày Tết độc lập của ông nội, của cha mẹ Nam và của chính Nam trong những ngày thơ ấu.

Hồi còn bé như cu Bon bây giờ, mỗi khi xé những tờ lịch cuối cùng của tháng 8, mẹ thường hay lẩm bẩm:
- Không biết Tết độc lập năm nay bác Nhàn có lên không?

Không chỉ mẹ Nam ngóng bác Nhàn mà ông nội Nam, bố Nam và Nam đều ngóng bác. Bác là con nuôi của ông nội. Hồi hoạt động bí mật, ông nội được gia đình bác Nhàn che giấu. Lúc giành được chính quyền, ông nội về thăm lại gia đình ân nhân cũ thì hay tin cả nhà đều mất trong một trận càn của địch, chỉ còn mỗi người con gái út là bác Nhàn lúc ấy mới năm tuổi, đang sống nhờ sự cưu mang của bà con, xóm làng. Thương bác, ông nội lên xã xin nhận bác làm con nuôi rồi đón bác về. Hồi ấy ông bà nội mới cưới, còn chưa sinh bố Nam, bà nội Nam lại là người phụ nữ nhân hậu, yêu chồng nên chấp nhận, yêu thương và chăm sóc bác không khác gì con đẻ. Phải đến lúc bác được gần mười tuổi, ông bà nội mới sinh được bố Nam. Bác đỡ đần bà nội mọi việc trong nhà, ra dáng một người con gái lớn, một người chị cả trong gia đình. Năm bố Nam lên bốn thì bà nội mất sau một cơn bạo bệnh, ông nội thường xuyên công tác xa nhà. Một tay bác Nhàn chăm sóc bố, dỗ dành bố. Bố hay bảo tình cảm của bố và bác Nhàn còn hơn cả tình cảm máu mủ thông thường. Ngày còn sống, bố hay kể ngày bác Nhàn về quê lấy chồng, bố giận dỗi bỏ cơm mấy bữa, khóc tu tu như trẻ con vì không muốn xa bác.

ADQuảng cáo

Nam ngóng bác Nhàn không phải vì những thứ quà quê bác mang lên. Quê nghèo dãi dầu mưa nắng, quà bác mang lên chỉ là ít ngô, ít khoai hay sắn. Mẹ bảo những thứ quà quê của bác tuy giá trị không bao nhiêu nhưng quý ở công sức bác trồng trọt rồi vượt cả quãng đường xa mang lên, quý ở tấm lòng thơm thảo của gia đình bác. Nam mong bác vì khi bác lên chơi, bố mẹ sẽ đưa bác đi thăm khắp phố phường và sẽ mang Nam theo. Tối Nam ngủ với bác, bác thủ thỉ kể cho Nam nghe về “ngày xưa” của bố, về những kỷ niệm ngày mùng 2/9 lúc bác và bố còn bé. Nam thích nghe những câu chuyện bác kể chẳng kém gì những câu chuyện về Bác Hồ, về ngày mùng 2/9 đầu tiên của dân tộc mà ông nội hay kể mỗi sáng mùng 2/9 hàng năm.

Trong câu chuyện của ông nội, Nam thấy lớp lớp người đi đấu tranh giành độc lập, hân hoan nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình. Cờ hoa rực rỡ. Những gương mặt náo nức vì đã giành được độc lập, được sống trong tự do, không còn cảnh lầm than, áp bức. Nam thấy những người lính như những anh hùng. Chuyện ông kể Nam nghe có điều hiểu, điều không nhưng Nam nghe một cách say mê và háo hức.

Còn bác Nhàn thì thường kể chuyện về bố. Bác bảo hồi ấy nhà nghèo, háo hức cả năm đến ngày Tết độc lập để được xem văn nghệ, được xem bắn pháo hoa và được ăn kem. Trẻ con thời nào thì cũng thích kem. Bác Nhàn và bố cũng vậy. Cây kem ngày xưa sao mà ngon thế. Ngon đến giờ bác vẫn còn nhớ. Có năm mua kem xong, bố không cẩn thận làm rơi không ăn được nữa, bố lăn ra ăn vạ bác. Bác thì không dám xin ông thêm tiền để mua kem nên đành đổi một cái khăn mùi xoa thêu hình bông hoa hồng mới tinh lấy kem cho bố Nam. Nam nghe bác kể, thương bác, ôm bác. Sáng hôm sau Nam dậy sớm, xin bố tiền mua kem về cho bác. Bác nhận cây kem, xoa đầu Nam cười mà mắt ươn ướt.

Bác còn kể ngày bố Nam giấu ông nội viết đơn xin lên đường nhập ngũ. Bố lên đường trước ngày mùng 2/9. Năm ấy, bác chẳng buồn đi xem pháo hoa, chẳng ngắm phố phường cờ hoa rực rỡ. Rồi những năm sau, bác để dành tiền, định bụng khi nào bố Nam về sẽ dẫn đi ăn một bữa kem no nê mới thôi. Bác bảo, may nhờ trời phù hộ, bố Nam trở về. Dẫu bố bị thương ở bụng nhưng cũng còn may mắn hơn biết bao nhiêu người mãi mãi nằm lại chiến trường. Rồi bố lấy vợ, sinh ra Nam. Năm nào ngày 2/9 dù trời nắng hay mưa, dù đường sá xa xôi, bác Nhàn vẫn lên thăm ông nội, thăm bố mẹ và Nam.

Ông nội, bố Nam rồi mẹ Nam trở thành người thiên cổ. Bác Nhàn là người thân duy nhất lưu giữ những ký ức của tuổi thơ Nam. Không còn ông nội, bác lại kể cho Nam nghe những ngày ông tham gia kháng chiến, về việc ông hòa vào dòng người đi cướp kho thóc của Nhật. Bác kể cho Nam nghe chuyện về những người đồng đội của ông đã hy sinh. Bác kể chuyện về bố lúc ở chiến trường, đón ngày Quốc khánh giữa rừng Trường Sơn mênh mông. Những câu chuyện bác được nghe ông, nghe bố kể lại mà qua giọng bác sao trìu mến, thân thương. Những câu chuyện Nam đã thuộc lòng nhưng năm nào bác cũng kể. Có lúc, bác cười nhìn Nam, buồn buồn:

- Bác kể cho mày nhớ chứ ít nữa bác lẫn, có khi lại quên. Bác già rồi. Bác hơn bố mày cả chục tuổi. Mà bố mày mất sớm quá. Chắc tại vết thương cũ. Còn mẹ mày thì vì thương chồng quá.

Bác thở dài. Khuôn mặt bác đầy những dấu vết thời gian. Nhưng dù đi lại khó khăn, bác vẫn không quên lên thăm Nam mỗi dịp mùng 2/9. Có năm Nam bảo thôi bác để cháu về thăm bác nhưng bác gạt đi:

- Bác còn đi được. Bác lên thăm vợ chồng, con cái chúng mày với cả bác muốn ôn lại, muốn được quay trở về những ngày mùng 2/9 thuở nhỏ, kỷ niệm những năm ông còn, bố mẹ mày cũng còn... Sao bác thấy những ngày ấy như mới đây thôi mà chớp mắt đã qua một đời người.

Nam bấm số điện thoại. Đầu dây bên kia tiếng bác Nhàn vọng lại:

- Nam à con.

- Bác Nhàn, mai là mùng 2/9, bác kể cho con nghe chuyện của ông nội, chuyện của bố con đi bác.

- Ừ. Để bác kể. Nhưng mà chuyện nhiều lắm, có tốn tiền điện thoại không?

- Bác cứ kể đi ạ. Không sao đâu!

Phút chốc, Nam thấy giọng bác như trẻ lại. Bác thủ thỉ kể cho Nam nghe những câu chuyện Nam đã thuộc lòng. Nam hẹn bác mấy ngày nữa sẽ về thăm bác, lại nghe bác kể thêm những câu chuyện về thời thơ ấu của bác và bố.

Sáng sớm mai, Nam sẽ kể lại những câu chuyện về ông nội của Nam, về đồng đội của ông, về những ký ức ngày 2/9 đầu tiên mà ông nội mãi lưu giữ cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, kể về ông nội của cu Bo, về bác Nhàn cho Bo nghe. Năm nào Nam cũng sẽ kể cho con nghe để những ký ức sẽ được lưu giữ mãi, chẳng thể nào xóa nhòa....

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Ký ức không thể lãng quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO