Truyện ngắn: Kỷ niệm khó phai

07/05/2021 08:13

Tác giả: Thùy Dương

ADQuảng cáo

Hoàng lục đục sắp đồ đạc chuẩn bị cho chuyến công tác vùng biên giới. Vài tháng nay, thực hiện “chiến dịch” cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử, với tinh thần “còn dân còn phục vụ” tổ của Hoàng làm việc từ sáng sớm tới khuya, nhiều lúc phải ăn, ở lại tại nơi lưu động để làm cho bà con. Đợt này, tổ của Hoàng làm lưu động tại một xã biên giới giáp với nước bạn Campuchia. Đây là vùng đất còn khá xa lạ đối với lính mới được phân công lên vùng núi như anh. Nghe nói, người dân xã biên giới chủ yếu là đồng bào dân tộc tại chỗ, Hoàng rất muốn khám phá, muốn được tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây nên rất háo hức.

Ảnh tư liệu

6 giờ, tổ của Hoàng bắt đầu di chuyển, cung đường Tây Nguyên những ngày tháng Năm thật đẹp. Sáng sớm trời dịu mát, mây trắng bảng lảng bay. Hai bên đường, hàng thông xanh reo vi vu hát khúc tình ca đại ngàn. Hoàng đã từng được xem ảnh trên facebook của đám bạn chuyên đi phượt chụp những cung đường Tây Nguyên có hoa dã quỳ, hàng thông xanh… Hoàng rất thích và ước sẽ có ngày được đến với Tây Nguyên. Bây  giờ, Hoàng không chỉ được thấy mà còn được hòa mình vào khí trời của vùng đất đầy gió và nắng. Hoàng mở cửa kính xe, làn gió trong lành sớm mai ùa vào. Anh nhắm mắt hít một hơi thật dài để cảm nhận hương của rừng. Vị dịu ngọt khiến tinh thần anh thư thái, bình yên đến lạ.

Hết quốc lộ, xe rẽ trái hướng về vùng biên. Bây giờ, đời sống bà con cũng đã khá lên nhiều nên dọc hai bên đường toàn những ngôi nhà xây kiên cố. Hoàng cố tìm xem có nếp nhà nào mang hơi hướng kiến trúc của bà con Tây Nguyên xưa nhưng không thấy. Hoàng có hơi thất vọng nhưng được anh bạn đồng nghiệp nói chút nữa xuống nơi cấp thẻ căn căn cước công dân gắn chíp lưu động sẽ còn một vài nếp nhà đẹp để chiêm ngưỡng. Hoàng có phần phấn chấn lên.

Xe của tổ lưu động dừng lại ở nhà văn hóa cộng đồng của bon. Ngôi nhà được xây dựng mô phỏng theo ngôi nhà dài truyền thống của người M’nông. Không gian bên trong rộng rãi, thoáng mát, kê nhiều dãy bàn ghế cho bà con sinh hoạt. Hoàng nghe nói, bà con trong bon có thói quen đi rẫy, cuối tuần mới về nên cấp trên quyết định điều động tổ của Hoàng tranh thủ xuống vào dịp cuối tuần để thuận tiện cho bà con đến làm thẻ căn cước. Ngay khi xuống bon, tổ của Hoàng phân loại danh sách, tìm hiểu gia đình có người già cả, khuyết tật, khó đi lại để phân công anh em cán bộ xuống tận nhà làm căn cước. Hoàng là chiến sĩ trẻ, sức khỏe tốt nên được phân công thực hiện nhiệm vụ này. Vì không quen địa bàn nên anh nghĩ giá như có được một người địa phương giúp đỡ dẫn đường thì hay biết mấy. Đang băn khoăn chưa biết phải làm thế nào thì ở ngoài cổng có ông cụ già đẩy chiếc xe lăn chở bà cụ già chầm chậm tiến về nhà văn hóa bon. Nhìn vóc dáng, làn da, Hoàng đoán, cụ ông là người Kinh, còn cụ bà là người M’nông, đi bên cạnh là một cô gái trẻ tầm hơn 22 tuổi. Họ là những người đầu tiên đến làm thẻ căn cước công dân gắn chip. Hoàng chạy vội ra đón định đẩy xe lăn giùm cho ông cụ nhưng cô gái trẻ tươi cười ngăn lại.

Anh cứ để ông cụ tự đẩy xe cho bà. Anh chen vào là cụ lại giận đấy.

Nhưng cụ lớn tuổi rồi để tôi đỡ một chút sẽ tốt hơn.

Con gái cụ mà cụ còn không cho nữa huống gì anh là người ngoài.

Hoàng chưa hiểu ngây người ra.

Con gái đừng trêu chú công an nữa, tôi thích thế, tôi còn khỏe lắm, đẩy cho xe bà ấy đi một chút như thế thì có đáng gì đâu. Ông cụ nhìn Hoàng vui vẻ nói.

Bác Ba, bác không để tụi con qua nhà mà mất công đi vậy bác. Bác gái, dạo này bác đỡ nhiều rồi, ngồi được xe lăn thế này là sức khỏe vui rồi bác ạ. Tiếng anh Tuấn, tổ trưởng tổ lưu động vang lên phía sau.

Ông cụ nhìn Tuấn cười hiền từ.

Từ nhà tôi lại đây có đáng bao nhiêu đâu. Lâu nay, ngày nào tôi cũng đẩy xe bà ấy đi dạo quen rồi nên không có vấn đề gì. Tiện thể qua với mấy chú cho vui.

Dạ, hai bác lớn tuổi rồi mà khi nào cũng quấn quýt bên nhau, nêu gương đi đầu thế này, bọn cháu phải học tập nhiều đấy ạ. Cậu Hoàng lấy nước, chăm sóc hai cụ chu đáo nhé, các cụ là lão thành cách mạng. Đây là Mai Anh con gái cụ, bí thư huyện đoàn mới được tăng cường từ tỉnh về, cậu muốn tìm hiểu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên thì cô ấy sẽ chỉ cho cậu biết nhiều thứ đấy.

Hoàng nhìn về phía cô gái trẻ, bắt gặp ánh mắt cũng đang nhìn về phía mình. Đôi mắt thật đẹp, to tròn với hàng mi dài, cong vút, long lanh. Cô gái ấy có nét pha trộn giữa làn da trắng của bố và nét duyên của người mẹ M’nông. Cô gái nhìn Hoàng rồi quay lại nói với anh Tuấn.

Cuối tuần em về thăm bố mẹ, các anh cần phụ việc gì cứ gọi em nhé.

Vậy thì tốt quá em, anh em chiến sĩ mới chưa quen địa bàn, có một số đối tượng ưu tiên cần vào tận nhà để làm thẻ căn cước. Em dẫn đường được không?

Dạ, được anh.

ADQuảng cáo

Hoàng nghe nói vậy, mừng thầm trong lòng. Đang muốn có người dẫn đường thì giờ đã có rồi. Hoàng nhoẻn miệng cười rồi bế cụ bà lại ghế ngồi chụp ảnh. Ông cụ đi theo có nhã ý tự tay chỉnh áo, vuốt lại tóc cho bà. Biết ý nên anh em chiến sĩ để tự tay cụ ông làm. Nhìn cụ ông chăm sóc cụ bà ân cần như vậy, Hoàng thấy cảm động.

Đó là một mối tình đẹp, ai nghe qua cũng rất ấn tượng đấy. Tiếng anh Tuấn làm Hoàng tò mò.

Anh biết rõ về các cụ sao?

Biết chứ, đơn vị chúng ta kết nghĩa với bon này nên hầu hết đều biết các gia đình ở đây. Các cụ là bậc tiền bối, có công với cách mạng nữa nên càng phải quan tâm chăm lo. Trong những năm xảy ra chiến tranh, bà cụ là người đã cứu sống ông cụ. Nghe các cụ kể lại, trong một trận đánh, không may ông cụ rơi vào ổ phục kích của địch. Bà cụ ngày đó là một du kích có tiếng quả cảm đã mưu trí giải thoát cho ông khỏi hang ổ của địch. Bà là người dân địa phương nên quen thuộc địa hình, các ngõ ra vào rừng nên nhanh chóng đưa ông về sở chỉ huy. Từ cuộc gặp định mệnh đó mà ông bà nên duyên vợ chồng. Sau ngày giải phóng, ông bà tiếp tục cống hiến cho quân đội. Các con trai sau này cũng nối nghiệp bố mẹ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Mấy năm gần đây sức khỏe của hai cụ yếu rồi, nhất là cụ bà, vết thương do viên đạn của địch bắn trúng tái phát. Nơi này là địa điểm hai cụ lần đầu tiên gặp nhau và gắn bó suốt nhiều năm sau đó. Sau này, vì sự điều động nên ông bà về bộ chỉ huy quân sự tỉnh làm việc và ở lại trên tỉnh luôn. Nếp nhà xưa, thi thoảng ngày nghỉ ông bà cùng các con mới về. Giờ sức khỏe không còn tốt, vài năm gần đây, bà muốn ở lại bon luôn. Vùng đất chứa nhiều kỷ niệm nên bà cụ muốn được sống lại những ngày đầu mới yêu. Ngôi nhà của hai cụ vẫn giữ được nét kiến trúc cổ xưa của đồng bào M’nông. Chú Hoàng có muốn tìm hiểu thêm về tình yêu của hai cụ và văn hóa M'nông thì đó là địa chỉ tuyệt vời đấy. Mai Anh chịu không?

Mai Anh hơi đỏ mặt.

Dạ, được thôi ạ.

Sau khi hoàn thành xong các thủ tục làm thẻ căn cước, cụ ông vẫn nhất quyết đòi một mình đẩy xe lăn chở bà cụ về. Nhìn cách ông đẩy xe né từng hòn đá dăm nhỏ, tránh từng vết lõm trên đường vì sợ bà đau, mới thấy tình yêu của ông với bà thật lớn biết chừng nào. Biết tính bố nói là làm nên Mai Anh cũng không nài nỉ, chỉ cùng đi bên cạnh che ô cho ông bà bớt nắng rồi quay trở lại cùng Hoàng đến nhà những đối tượng ưu tiên. Khu vực bon mặc dù ít hộ nhưng địa bàn lại khá rộng. Quanh khu vực bon là những rẫy cà phê bạt ngàn với những trái non đang bắt đầu nhú. Xen giữa rẫy cà phê là những cây sầu riêng, bơ đang mùa rộ trái, Hoàng nhìn Mai Anh đang mơ màng ánh mắt qua cửa kính xe, trái tim có hơi xao động.

Với sự giúp đỡ của Mai Anh, công việc cấp thẻ cho các đối tượng ưu tiên cũng nhanh chóng được hoàn thành. Vèo một cái mà đã hết ngày, càng về tối thì người dân đến làm càng đông. Bà con chủ yếu rảnh rỗi vào buổi tối nên tổ của Hoàng cũng ráng làm tới tận khuya, không để người dân tới rồi lại phải đi về. Hoàng ấn tượng có một cậu bé trong thời gian chờ tới lượt mình, ngồi vào một góc đọc sách. Cậu bé có lẽ nhỏ tuổi nhất ở đây. Hoàng lại gần khẽ hỏi.

Em tên gì, nhà em ở đâu?

Em tên là Núi. Nhà em cũng gần ở đây thôi ạ. Em đi với chị gái, tụi em học bài xong mới đến đây làm ạ.

Bố mẹ em đâu sao không dẫn em đi cùng?

Câu bé cúi xuống lí nhí:

Dạ, bố em mất sớm, gia đình khó khăn, mẹ em đi làm ăn xa rồi ạ. Nhà có hai chị em thôi ạ.

Ồ, vậy để anh xin phép mọi người nhường em làm trước để em về nhé.

Hoàng nhìn hồ sơ, ánh mắt thoáng vẻ bất ngờ. Liếc nhìn đồng hồ, kim đã chuyển sang 0 giờ 1 phút, ngày 7/5. Hôm nay là sinh nhật tròn 14 tuổi của Núi. Nhận hồ sơ, anh Tuấn nhìn Hoàng hỏi:

Một trường hợp thật đặc biệt! Gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn, hai chị em nuôi nhau, cùng vượt khó đến trường. Khuya thế này cậu mua được bánh sinh nhật không?

Biết là rất khuya rồi nhưng Hoàng vẫn lấy máy gọi cho Mai Anh. Mai Anh ngay lập tức gọi cho cô bạn thân chuyên làm bánh. Ít phút sau, một chiếc bánh sinh nhật có trang trí hình quả bóng đơn giản và những nét chữ mềm mại "Mừng sinh nhật Núi" vẽ bằng socola được đưa đến. Cán bộ, chiến sĩ xin phép người dân được dừng lại ít phút tổ chức sinh nhật cho Núi. Núi rưng rưng nước mắt. Đây là lần đầu tiên, Núi được thổi nến bánh sinh nhật. Tất cả cán bộ chiến sĩ và người dân trong bon cùng hát vang bài hát “Happy birthday”, “Chúc mừng sinh nhật”...

Ánh mắt Hoàng và Mai Anh nhìn nhau cười rạng rỡ.​ Tiết trời nhẹ dịu ban đêm và không khí vui tươi ngay lúc này đã xua tan những mệt nhọc sau một ngày trời chiến đấu với cái nóng nực, oi nồng của thời tiết tháng năm. Công việc bận rộn khiến anh chưa thể khám phá vùng đất yên bình này nhưng kỷ niệm chuyến đi thật khó phai và nhất định có một ngày anh sẽ trở lại cùng Mai Anh tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng độc đáo nơi này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Kỷ niệm khó phai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO