Truyện ngắn: Đời mình có nhau

14/02/2020 08:31

Tác giả: Lê Thị Xuyên

ADQuảng cáo

Anh Tình thọt chân, sống với mẹ già bệnh tật đã ngoài 90 tuổi nằm liệt giường. Chị Tâm thì có vết chàm đen loang gần hết má phải. Người ta xì xầm về chị từ khi chị hãy còn là một đứa trẻ. Chẳng biết lời thiên hạ đúng hay là định mệnh, để đến lúc này, khi tuổi thanh xuân đã hững hờ vụt qua, khi đã ở cái tuổi ngấp nghé ngũ tuần với mái đầu đã bon chen sợi bạc, chị mới biết đến hạnh phúc lứa đôi. Mà với ai mới được, nói ra sẽ chẳng ai ngờ người đó lại là anh Tình, nhà ở sát vách nhà chị.

Ảnh minh họa

- Anh Tình…, em đem sang chén cháo cho bác ăn. Mấy bữa nay trời lạnh, em thấy bác ho suốt.

- Ừ…, cảm ơn Tâm. Tâm vào nhà đi! Chị Tâm đon đả bước đến bên giường bà Loan, mẹ của anh Tình đang nằm. Chị để chén cháo xuống bàn, cẩn thận đặt chiếc khăn lên cổ cho bà, khẽ khàng nói:

- Bác… bác ăn chút cháo cho khỏe người! Bà Loan giọng thều thào không rõ tiếng, đôi mắt mờ đục chớp chớp nhìn chị Tâm như đồng ý. Bà nuốt từng miếng cháo chị Tâm đút, khóe mắt lòe nhòe ngân ngấn nước. Anh Tình bước đến bên giường, nhìn mẹ mình rồi nhìn chị Tâm:

- Mẹ muốn cảm ơn Tâm đấy! Chị Tâm mỉm cười, khẽ gật đầu, tay vẫn đều đều bón cháo cho bà.

Bà Loan, mẹ anh Tình vốn là người đàn bà nghèo khổ. Bà lấy ông Nghĩa trong làng và sinh được Tình. Mấy năm sau, ông Nghĩa vì bạo bệnh mà qua đời. Bà ngày ngày ra đồng mò cua bắt ốc lấy tiền trang trải cuộc sống cho hai mẹ con. Tình sinh ra đã bị thọt một chân. Khi cái ăn còn chưa đủ no nên cậu cũng không được học hành. Cậu thường xuyên bị bạn bè trong xóm trêu ghẹo, xa lánh. Vì nhút nhát, tự ti nên cứ thấy người là Tình lại trốn vào trong xó nhà ngồi một mình, chẳng dám ra. Đi đâu, gặp ai cũng nép sau lưng mẹ. Lớn lên, Tình tự tập tành nghề đan rổ rá. Mấy chục năm lom khom bán lưng cho trời bán mặt cho đất khiến bà Loan đau ốm suốt. Sau lần ra đồng về bị cảm lạnh, bà bị ngã giữa nhà. Thế là bị liệt nửa người, bà chỉ nằm một chỗ. Mọi thứ cơm nước, tắm giặt, vệ sinh cho bà, anh Tình lo cả.

Chị Tâm gia cảnh cũng chẳng khác nhà anh Tình. Mẹ mất khi chị mới lên 10 tuổi. Ông Cần, ba chị đang yên đang lành lại bị bệnh thần kinh. Suốt ngày chửi bới, la hét om sòm, chạy đi khắp xóm. Đã thế, chị Tâm mới sinh ra lại có cái bớt phủ gần hết một bên má phải. Cũng vì khiếm khuyết ấy mà chẳng ai thèm ngó ngàng, để ý đến chị. Học được nghề may từ người quen ngoài phố, chị nhận đồ về may rồi nhận sửa thêm quần áo cũ. Vừa kiếm thêm thu nhập lại vừa có thời gian chăm sóc người cha bệnh tật. Một ngày, ông Cần cũng vĩnh viễn ra đi, bỏ chị một mình cô đơn trong ngôi nhà rúm ró, trống trải. Người quen ngoài phố khuyên chị bán nhà ra phố ở nhưng chị nhất quyết không bán. Có người còn dò hỏi chuyện chị với anh Tình hàng xóm nhưng chị chỉ im lặng. Trong suy nghĩ của chị, nụ cười của anh Tình lại hiện lên thấp thoáng.

Trời lập đông, anh Tình kéo cái hộp gỗ đã xỉn màu ở gầm giường ra. Cái hộp hình vuông nho nhỏ xem chừng đã để rất lâu nên mạng nhện, bụi bặm bám dày kịt. Anh thổi phù phù, bụi bay tứ phía khiến anh ho lụ khụ. Sau khi đã lau chùi sạch sẽ bên ngoài chiếc hộp, anh lần lữa mở sợi dây thép quấn cả đến mấy chục vòng ra, bên trong hộp gỗ có một cặp nhẫn cỏ nhỏ nhắn, xinh xinh đã héo khô, bạc phếch được đặt trên mấy lá bàng màu đỏ đồng xếp chồng cũng đã khô khốc. Lần theo kí ức, kỉ niệm từ thuở ấu thơ ùa về khiến trái tim anh bổi hổi.

- Tặng anh này, Tâm toe toét cười đặt vào tay Tình đôi nhẫn cỏ do mình tự tết. Tình đang ngẩn ngơ chưa hiểu lý do gì thì Tâm nhoẻn miệng cười, hồn nhiên bảo:

- Nhẫn này em làm để sau này mình cưới nhau đó anh. Anh cất đi nhé! Ngày ấy Tình chỉ mới lên 10 còn Tâm lên 9. Cứ mỗi buổi đi học về, Tâm thường chạy sang rủ Tình cùng chơi. Tâm dạy Tình viết chữ, làm Toán. Cả hai thân thiết như anh em. Nhưng rồi khi cả hai bước vào tuổi mười tám đôi mươi, những lần gặp nhau, trò chuyện vui vẻ không còn nữa. Đặc biệt là sau lần Tâm nghe bà Loan nói chuyện với Tình ở góc vườn:

- Con tuy chân thọt nhưng còn đỡ, chứ cái Tâm nó sinh ra đã có cái bớt chắn hết cả mặt. Lấy nó làm vợ, sau này sinh ra con cái cũng có vết bớt ấy thì ai người ta thèm ngó.

ADQuảng cáo

- Sao mẹ lại nói vậy, con thì có khác gì đâu. Con cũng mặc cảm không kém gì Tâm đâu. Chúng con phải duyên với nhau. Nếu mẹ không cho con lấy Tâm thì cả đời này, con sẽ chẳng lấy ai.

- Con gái xóm này, làng này có ối cô không xinh xẻo nhưng được cái họ không có khiếm khuyết trên mặt như cái Tâm. Con không nghe người làng người ta đồn đoán về con bé à. Nhìn tướng nó là biết nó khổ cả đời rồi, lấy nó về chẳng khác nào rước cái vất vả, gian nan của nó về nhà mình. Rồi thì ông Cần, ba con bé lại bị bệnh thần kinh nữa… Mẹ nói rồi, lấy ai thì lấy chứ đừng lấy nó. Chẳng hiểu sao lúc ấy, nước mắt Tâm ràn rụa khi nghe những lời bà Loan nói. Vừa có cái gì đó rưng rức, đau nhói trong lồng ngực vừa chạnh lòng, tự ái, chị chỉ còn biết than thân trách phận, cớ sao ông trời không để cái bớt to sù sụ này ở lưng, ở bụng, ở chân, tay mà lại ở trên má? Để rồi chỉ vì nó, chị phải chịu biết bao điều tiếng.

Đã lâu Tâm không sang nhà Tình nữa, Tình cũng vậy. Thi thoảng người ta vẫn thấy Tâm hay Tình đứng nép ở một góc sân hay góc vườn nhà mình nhìn sang rồi lại lặng lẽ đi vào nhà. Thời gian trôi, cả hai bước qua cái tuổi 30, 40 rồi 40 +, vậy mà vẫn chưa ai có vợ có chồng.

Ừ thì là láng giềng với nhau, lại sát vách, nỡ lòng nào hàng xóm có chuyện đau buồn mà mình lại không sang chia sẻ, bà Loan không ác đến nỗi đoạn tuyệt tình làng nghĩa xóm. Với lại bà nghĩ Tâm đã ở cái tuổi này rồi thì còn ai muốn rước và có lẽ cũng chẳng còn nghĩ đến chuyện chồng con. Bà tin rằng chị Tâm đã chấp nhận từ bỏ cái ý định về làm dâu bà từ hồi nảo hồi nao rồi. Giờ bà chỉ lo cho Tình. 50 tuổi Tình vẫn đứng im như bóng dừa, thúc giục con chả có nghĩa lý gì vì anh Tình cứ tỉnh bơ, cười trừ. Bà thất vọng buông xuôi. Cho đến khi bị liệt nằm một chỗ, bà Loan vẫn chưa tìm được con dâu để cơm bưng nước rót cho mình.

Đã mấy năm nay, chị Tâm vẫn sống lẳng lặng như thế. Cũng từ dạo bà Loan nằm một chỗ, chị thi thoảng cũng sang thăm bà. Khi thì chén cháo, khi thì chục trứng gà, kí cam. Tình thương Tâm. Tình thương ấy anh vẫn cất giấu kỹ trong đáy tim mình. Mấy hôm trước, bà Loan lên cơn ho khan đến xé gan xé ruột, tưởng như sắp phải đi gặp ông bà tổ tiên. Bà gọi anh Tình vào, thều thào:

- Mẹ… mẹ muốn gặp cái Tâm! Bất ngờ trước lời đề nghị của mẹ, anh Tình liền sang nhà chị Tâm mời chị qua để bà nói chuyện. Bà Loan nắm lấy tay chị Tâm, giọng lẩy bẩy:

- Bác… bác xin lỗi vì đã cấm cản hai đứa suốt mấy chục năm qua. Bác biết mình đã quá tàn nhẫn với hai đứa. Thôi thì… hai đứa không đến được với nhau khi còn trẻ thì đến với nhau bây giờ cũng được. Con vẫn còn yêu thương thằng Tình nhà bác chứ?

- Dạ…. vâng! Chị Tâm mắt rơm rớm, khẽ gật đầu. Bàn tay bà Loan nắm chặt lấy tay chị Tâm:

- Thế để bác bảo thằng Tình làm lấy mâm cơm cúng vái ông bà, mời họ hàng đến chung vui. Nhà mình nghèo nên… Bà Loan giọng đứt quãng vì cơn ho lụ khụ. Anh Tình bước đến bên, tay nắm tay mẹ, tay nắm lấy tay chị Tâm, rưng rưng xúc động.

- Em còn nhớ đôi nhẫn cỏ này không?

- Em nhớ! Em đã tết tặng anh hồi chúng ta còn nhỏ. Anh… anh vẫn giữ chúng đến tận bây giờ sao?

- Ừ… anh Tình cầm lên một chiếc nhẫn cỏ đeo vào ngón tay cho chị Tâm. Chị Tâm bẽn lẽn, khuôn mặt đỏ bừng. Rồi anh đưa chiếc nhẫn còn lại cho chị để chị đeo nhẫn cho anh.

- Mấy chục năm rồi, chúng vẫn vừa vặn anh nhỉ? Chị Tâm khẽ cười nhìn anh Tình. Bàn tay chị lần đan trong bàn tay anh nóng hổi, bao yêu thương dâng đầy lên sóng mắt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Đời mình có nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO