Truyện ngắn: Còn chồi nảy cây

06/11/2020 08:50

Tác giả: Lê Thị Xuyên

ADQuảng cáo

Anh Tình đứng thẫn thờ, đôi mắt đăm đăm, ầng ậc nước nhìn ngôi nhà chẳng còn ra hình thù gì sau mấy ngày chạy bão trở về.

- Ba ơi, con đói! Thằng cu Thóc, con trai của anh đứng bên, khuôn mặt xanh xám, ủ rũ. Nó đưa tay xoa bụng, mặt nhăn nhúm, tay níu tay ba nó.

- Con chịu khó đi… Tí nữa, mẹ ra đầu làng kiếm đồ ăn về cho con nhé!

Minh họa: Ngọc Tâm

Tình giọng khản đặc. Chị Hà, vợ anh, đứng bên phên cửa ố vàng, bùn đất bám thành lớp thành tảng đã dần khô. Trước mắt chị là đống đổ nát, hoang tàn, chẳng thể tin nổi, đứng ngoài sân có thể nhìn rõ thông thống nước hãy còn lấp liếm tận chân giường ở nhà trong. Mọi thứ đã bị cuốn trôi, còn lại cái xác nhà cũng không được nguyên vẹn. Những ngày bão nổi thực sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với vợ chồng chị và những người dân thôn Hạ. Nghĩ lại thôi đã sợ đến rợn người.

- Hà ơi…! Giọng bà Thơm vọng vào từ ngoài ngõ. Bà lội bì bõm trong làn nước bùn đục ngầu từ đầu cổng vào sân nhà chị Hà, tay xách bốn hộp cơm để trong cái túi ni lông trắng.

- Bác Thơm…! Chị Hà nghẹn ngào.

- Thôn mình chẳng có nhà nào là còn nguyên vẹn. Nhà xập xệ, tường đổ nát. Bao nhiêu thóc gạo rồi thì trâu, bò, lợn gà,… trôi hết, chết hết. Dân vùng bão, năm nào cũng vậy, quen rồi, phải mạnh mẽ lên mới được. Này… bốn hộp cơm, vợ chồng bác Lâm trưởng thôn vừa mới đem phân phát cho từng nhà. Ăn đi…! Chắc hai đứa nhỏ chúng đói lắm rồi, vợ chồng mày nữa. Rồi còn lấy sức mà làm lại. Nâng vạt áo chấm những giọt nước mắt đang chảy thành dòng trên hai hõm má hốc hác, chị Hà nhận lấy phần cơm bác Thơm trao, khẽ gật đầu kèm tiếng cảm ơn lí nhí phát ra từ sâu trong cổ họng. Thằng Thóc lon ton đến bên, vòng tay cảm ơn bà Thơm rồi hí hoáy mở hộp cơm ra ăn. Con bé Gạo nãy giờ ngồi nghịch đất, thấy anh ăn cũng đòi. Thóc đút cho em miếng cơm trắng, con bé nhai nhồm nhoàm, đòi ăn thêm. Nhìn hai đứa con nhỏ dại đang đói khát, chị Hà không khỏi mủi lòng.

Mấy bữa nay, vợ chồng anh Tình ra vào khuân vác, dọn rửa bùn đất bám đầy tường, bàn thờ, đồ đạc trong nhà. Thóc lên 7 tuổi, cũng băng băng giúp ba mẹ. Con bé Gạo mới lên 3 tuổi, chỉ biết ngồi chơi một mình trên cái chõng tre, nhìn ba mẹ và anh hai nó ra vào dọn dẹp. Sau một hồi chơi, nó đói bụng, khóc lóc đòi ăn. Anh Tình bảo vợ lấy miếng lương khô còn để dành trong cái túi áo móc ở đầu mái hiên cho con ăn tạm. Mấy gói mì tôm hôm trước đoàn từ thiện cho vẫn còn, nhưng chẳng thể để cho con bé ăn sống. Chị Hà cho con ăn một lúc rồi lại đứng dậy phụ chồng dọn rửa trong nhà ngoài sân.

Vợ chồng anh Tình là một trong những hộ nghèo nhất của thôn. Ngôi nhà ba mẹ anh Tình để lại đã ngót nghét cả 30 chục  năm vẫn chưa được sang sửa lần nào. Năm ngoái, anh bàn với vợ, chờ con bé Gạo lớn thêm chút nữa sẽ thắt lưng buộc bụng chỉnh trang lại căn nhà cho vững chắc, phòng mùa bão lũ. Thế mà… người tính chẳng bằng trời tính. Vợ chồng anh Tình vốn muộn con. Lấy nhau cả gần chục năm trời mới sinh được anh em thằng Thóc. Anh chị coi hai đứa con là món quà trời cho, càng có niềm tin vào cuộc sống, dẫu hiện tại còn đi làm thuê làm mướn kiếm cơm qua ngày. Ai ngờ…

- Nhà cửa thế này… sao có thể ở được hả mình? Biết lấy tiền đâu mà sửa, mà xây lại bây giờ? Chị Hà bần thần.

- Thôn mình nhà nào cũng vậy. Chỉ còn cách… cố gắng thôi mình ạ. Anh Tình an ủi vợ. Chị Hà lôi mãi mới lấy lên được chồng sách vở và cái cặp của Thóc từ dưới lớp bùn đất dày đặc. Cái cặp chị mới mua cho con đầu năm học. Bộ sách giáo khoa mới chị chở con ra tận hiệu sách của huyện để mua. Chị nhớ nét mặt của thằng bé khi ấy. Nó hỉ hửng vì sắp sửa bước vào năm học mới. Nó bảo, con sẽ cố gắng học thật giỏi để ba mẹ vui. Mấy hôm bão đến, nước trong nhà lênh láng, thằng bé vẫn cố giữ gìn cho được bộ sách không bị ướt, dù toàn thân nó ngâm nước cả tiếng đồng hồ. Nó treo cái cặp ở vách trên cùng của gác xép, nơi cao nhất và được coi là an toàn nhất trong nhà. Vậy mà… bão rồi nước lũ cũng chẳng tha.

- Mẹ ơi, khi nào con mới được quay trở lại trường hả mẹ?

ADQuảng cáo

- Sắp rồi con! Đợi ít hôm nữa, nước rút hết, con sẽ lại được đến trường gặp các bạn, gặp thầy cô.

- Nhưng mà… sách vở của con bị rách, bị hư hỏng hết rồi. Biết lấy sách vở đâu mà học bây giờ? Thóc ngồi bên đống sách ố vàng, nhàu nhĩ, dù nó đã cố gắng vuốt thẳng, rửa sạch và đặt trên mấy hòn gạch cao để hong khô dưới cái nắng xập xòe sau bão nhưng cũng bong tróc, bê bết hết cả. Nó buồn rầu, mắt rớm nước. Chị Hà động viên con:

- Từ từ rồi mẹ sẽ mua sách vở lại cho Thóc đi học.

- Nhưng mẹ ơi, mọi thứ trong nhà mình đều bị bão lũ cuốn trôi hết rồi. Lấy tiền đâu mà mua ạ…! Thằng bé ôm lấy mẹ sụt sùi. Chị Hà xoa đầu con, nước mắt cũng lưng tròng.

Hôm nay, thôn có đoàn từ thiện ở phố về. Các gia đình trong thôn đều được trưởng thôn mời lên họp lấy ý kiến về việc bầu ra gia đình khó khăn nhất thôn để được nhận trợ cấp nhiều hơn.

- Nhà ông bà Nhân. Ông bà ấy chẳng có con cái, lại đều đã ngoài 70 tuổi. Nhà sập hết cả rồi… Tôi đề nghị hỗ trợ cho ông bà ấy phần nhiều! Người đàn ông trung tuổi giọng dứt khoát. Ông Nhân nghe vậy, liền giơ tay xin phát biểu:

- Đúng là vợ chồng tôi già cả, lại đơn chiếc. Nhưng… trong thôn còn nhiều nhà nghèo khó, cần giúp đỡ hơn. Ví như, gia đình anh Tình đây… Thế nên, vợ chồng tôi xin nhường lại…  

- Theo tôi, nhà cô Tâm trong thôn khó hơn gia đình chúng tôi nhiều. Cô ấy một mình nuôi ba đứa con. Trong nhà, nước còn chưa rút hết nên dành phần hỗ trợ nhiều hơn cho cô ấy. Anh Tình cũng ý kiến.

- Mọi người ai ai cũng muốn nhường phần hỗ trợ cho người khác, dẫu biết rằng, gia đình mình cũng mất mát, cũng khổ cả. Trưởng thôn Hạ tên Lâm bùi ngùi xúc động khi chứng kiến tấm lòng của người dân thôn mình. Kể từ ngày giữ chức trưởng thôn (cũng đã gần hai nhiệm kỳ), ông Lâm luôn hết lòng vì người thôn Hạ. Người dân quý ông và thương ông lắm. Ông nói gì, mọi người đều đồng tình nghe và làm theo. Dù tuổi đã gần 60, lẽ ra đã được nghỉ ngơi, thế nhưng vì người dân trong thôn, ông Lâm vẫn nhiệt tình, vẫn tâm huyết.

Trước bão, con trai ông Lâm làm giám đốc ở trên phố về xây cho vợ chồng ông ngôi nhà hai tầng kiên cố, vững chãi. Nhà mới xây xong, bão liền tới. Giữa lúc người trong thôn chạy bão, chẳng biết về đâu, ông liền kêu gọi mọi người đến nhà mình. Người già, trẻ con thì được ưu tiên nằm giường. Những người còn lại thì trải chiếu nằm dưới đất. Vợ chồng ông cũng không ngoại lệ. Chẳng những thế, bà Mai, vợ ông rồi vợ chồng con trai, con dâu ông Lâm cũng không quản khó nhọc nấu cơm cho mấy chục con người trong thôn cùng ăn. Tấm lòng của ông Lâm, ai cũng hiểu. Vì vậy, họ càng nể, càng trọng ông nhiều hơn.

- “Lá lành đùm lá rách”… Chúng ta hãy cùng giúp đỡ nhau, cùng xây dựng lại cửa nhà, bà con có đồng ý không?

- Đồng ý! Đồng ý! Mọi người nhìn nhau rồi ai về nhà nấy. Ông Lâm nhìn theo những dáng người nhỏ thó, phần thương cảm, tội nghiệp, phần tin chắc rằng, rồi mọi thứ sẽ lại tốt đẹp.

Hôm nay là bữa cơm đầu tiên được nấu trong gian bếp nhà, sau những ngày chạy bão. Mâm cơm đơn sơ với đĩa rau muống luộc và ít cá kho mua từ ngoài chợ thôn về. Thằng cu Thóc vừa ăn vừa vui vẻ nói về chuyện sắp sửa được đi học lại. Nó khoe, cái cặp bị ngấm nước, ngấm bùn đất nhưng nhờ nắng nên đã khô rồi. Bộ sách giáo khoa cũng còn vài cuốn có thể học tiếp được. Chị Hà vừa ăn cơm vừa bón cơm cho cái Gạo. Nhìn ra khoảng nắng vàng tươi nơi giữa sân, chị bàn với chồng về việc mấy hôm nữa, trên huyện có chợ phiên, sẽ mua lấy mấy con gà về gây giống; mua thêm ít hạt giống rau về, chờ đất khô sẽ gieo trồng, rồi thì… Anh Tình nhìn vợ rồi gật đầu. Bỗng anh nhớ tới câu ca của người dân Bình Trị Thiên mình đã nằm lòng: “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Còn chồi nảy cây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO