Truyện ngắn: Cái nắm tay buổi xế chiều

07/05/2020 08:33

Tác giả: Lê Thị Xuyên

ADQuảng cáo

- Bà nội ơi, cháu về rồi. Tay xách đồ đạc lỉnh kỉnh nào thức ăn, nào hoa quả rồi ba lô đeo sau lưng, giọng Huy vồn vã gọi bà từ đầu ngõ. Bà Xa đang lúi húi nấu cơm trong bếp, nghe cháu gọi, vui vẻ bước ra, trách yêu:

- Sao cháu bảo về sớm, làm bà chuẩn bị bữa sáng xong rồi bỏ nguội. Giờ lại sắp sửa cơm trưa rồi. Huy nhìn bà, tay đưa lên gãi đầu, mặt ỉu xìu vẻ biết lỗi:

- Cháu xin lỗi bà. Tại… tại cháu gặp bạn, ngồi nói chuyện say sưa quá nên quên mất thời gian.

- Cha bố anh! Bà Xa mỉm cười, hàm răng đen nhánh còn nhai bõm bẽm miếng trầu đỏ thắm, khẽ lắc đầu làm Huy cứ thế tít mắt cười

- Để cháu cất đồ rồi sẽ phụ bà nấu cơm trưa ạ. Huy thoăn thoắt bước vào nhà, lòng mừng như mở hội. 25 tuổi đầu, ở trên phố nhiều hơn ở dưới quê, vậy mà với Huy, mỗi lần được về chơi với bà, được ăn bữa cơm bà nấu, được ngồi nhổ tóc sâu, tóc bạc cho bà rồi cùng bà thăm thú ruộng đồng, tưới rau, hái quả,… lại là những phút giây Huy thích nhất.

Minh họa: Ngọc Tâm

- À bà ơi, cháu có chuyện này muốn nói với bà. Bất ngờ lắm ạ. Bà sẽ không thể tin được đâu!

- Còn có chuyện gì bí mật hơn là cháu nội của bà có người yêu, chuẩn bị dẫn về đây ra mắt bà phải không nào?

- Không phải chuyện đó đâu bà ạ. Chuyện liên quan đến bà cơ.

- Cái thằng, chuyện gì mà liên quan đến bà. Hơn 70 tuổi rồi, ngoài quanh quẩn hết ở trong nhà lại ra vườn thì còn có chuyện gì liên quan đến bà nữa. Huy cười lém lỉnh. Vẻ mặt vô tư, hồn nhiên và đáng yêu của cháu nội làm bà Xa cũng hơi tò mò. Huy chạy đến, ngồi bên cùng nhặt rau với bà, rồi háo hức kể.

- Sáng nay cháu gặp lại Trang, cô bạn học cùng lớp đại học với cháu. Cô ấy cũng về quê thăm ông nội ở xã bên. Chúng cháu trò chuyện và cùng kể cho nhau nghe về ông bà nội của mình. Ai ngờ… bà biết ông nội của Trang là ai không ạ?

- Cái thằng này! Hai đứa nói chuyện với nhau, làm sao bà biết được. Bà Xa bật cười, khẽ lắc đầu, còn Huy thì tủm tỉm cười.

- Ông nội của Trang chính là… người yêu cũ của bà đấy ạ. Là ông Lưỡng đấy, bà còn nhớ không?

- Ông Lưỡng! À… Bà Xa dừng lại một lúc rồi hỏi Huy. Mà ông ấy bị đau sao, có nặng lắm không? Giờ ông ấy thế nào rồi? Giọng bà Xa lại sốt sắng.

- Hay là chiều nay, cháu chở bà sang thăm ông Lưỡng được không bà? Bà Xa nghe cháu nói, nửa muốn nửa lại ngại. Bà đâm ra nghĩ ngợi. Cả bà và ông Lưỡng giờ đã ở cái tuổi gần đất xa trời rồi. Ai cũng đều có gia đình, con cháu đề huề hết cả. Chuyện ngày xưa… Giờ sang thăm nhau, e rồi làng nước người ta nhìn vào sẽ dị nghị, nói này nói khác. Nhưng mà… Bà cứ thế phân vân.

- Nhưng hồi trẻ, bà và ông Lưỡng không đến được với nhau là do hai bên gia đình cấm cản chứ đâu phải bà và ông không thương nhau nữa đâu ạ. Với lại, cháu nghe Trang kể, bà nội của Trang cũng đã mất hơn chục năm rồi. Ông Lưỡng giờ sống một mình. Hồi xưa ông đi chiến tranh bị thương, giờ cứ trái gió trở trời là vết thương lại hay tái phát khiến ông đau ốm suốt. Tội lắm bà ạ!

- Ừ… Thế chiều nay, bà cháu mình sang thăm ông Lưỡng. Bà Xa chùng chình nói với cháu.

- Ông nội ơi, ông xem ai đến thăm ông này! Trang đon đả mời bà Xa và Huy vào nhà rồi nhanh nhẹn ra vườn gọi ông. Ông Lưỡng hôm nay đã đỡ mệt hơn nên gắng gượng chống gậy ra ngồi dưới gốc cây mít hóng mát, ngắm hoa lá trong vườn. Nghe cháu nội thông báo nhà có khách, ông bần thần nghĩ. Ai lại đến thăm mình? Có mấy ông bạn trong xóm thì người đã theo con cháu lên phố sống, người cũng đang quằn quại vì bệnh này bệnh khác. Còn nếu bà con ở xa đến thì đã báo trước rồi. Vậy ai mới được? Ông Lưỡng băn khoăn mãi mà không hình dung ra. Trang vui vẻ dìu ông nội vào nhà.

ADQuảng cáo

- Ai đến vậy cháu?

- Dạ. Ông cứ vào nhà rồi sẽ nhận ra thôi ạ!

- Cái con bé này. Nó còn giấu ông nội nữa mới chịu. Ông Lưỡng nhìn về phía bộ bàn ghế giữa nhà, một dáng người rất quen khiến ông bất ngờ đứng sững lại. Thấy ông, bà Xa liền đứng dậy:

- Ông Lưỡng…! Ông… ông đã đỡ đau chưa? Trong người cảm thấy thế nào rồi? Bà Xa bước lại gần ông, ân cần hỏi. Ông Lưỡng vội nắm lấy tay bà, xúc động:

- Xa… có phải Xa không? Mấy chục năm rồi… Tôi… tôi cứ ngỡ Xa sẽ không bao giờ muốn gặp lại tôi nữa.
- Chuyện mình qua lâu rồi. Với lại mình cũng vì làm tròn chữ hiếu với cha mẹ thôi. Tôi không trách ông đâu. Bàn tay nhăn nheo của bà Xa nắm lấy bàn tay trái gầy guộc xương xương của ông Lưỡng, vẫn còn đó mỗi ngón bị cụt đi một đốt từ thời bom rơi đạn nổ ngoài chiến trường. Bà dìu ông ngồi xuống ghế. Mấy chục năm qua đi, vậy mà bây giờ, ông Lưỡng vẫn hồi hộp khi nắm lại bàn tay với những đường gân xanh xao, chằng chịt của người yêu cũ. Trang rót nước mời ông bà rồi rủ Huy ra sau nhà, thăm vườn cây đương mùa cho quả. Chỉ còn lại ông Lưỡng và bà Xa ngồi bên nhau chuyện trò.

Chuyện tình yêu một thời thanh xuân của ông Lưỡng và bà Xa lại được hiện về qua hồi ức của cả hai.

Ông Lưỡng và bà Xa gặp nhau hồi cùng đi làm dân công hỏa tuyến. Ông thương bà Xa ngay từ lần gặp đầu tiên. Hồi ấy, bà Xa vừa đẹp người vừa vui tính, lại giỏi chữ. Ở đoàn dân công, ai cũng mến cũng thích. Ngày ông Lưỡng dẫn bà Xa về nhà ra mắt, bà mới biết, gia đình ông Lưỡng bề thế, nề nếp gia phong nhất nhì trong làng. Ông thân sinh của Lưỡng vốn là ông đồ Nho hay chữ, nổi tiếng khó tính. Cả cha mẹ ông Lưỡng và cha mẹ bà Xa đều nhất mực phản đối. Cha mẹ ông thì bảo đã mối mai con trai cho một gia đình giàu có trong làng từ hồi Lưỡng mới bé tí. Còn ông bà thân sinh của bà Xa cũng đã hứa gả bà cho con của một người bạn trong làng. Thế rồi, việc gì đến cũng đến. Cả hai chia tay nhau trong nước mắt. Sau đó, ai cũng đều cưới vợ cưới chồng theo sự sắp đặt của gia đình. Cuộc sống có biết bao điều phải lo toan. Thành ra, dù sống cách nhau chẳng bao xa nhưng họ chẳng còn thì giờ mà nghĩ đến nhau, cũng chẳng dám gặp lại nhau, ai lo phận nấy. Chỉ đến sau này, khi con cháu đã lớn khôn, trong những câu chuyện kể lại, có vui có buồn, có nụ cười, có nước mắt… họ mới lại thủ thỉ, và con cháu mới biết được chuyện tình yêu của ông bà chúng ngày xưa.

Ông Lưỡng kể với bà Xa, hồi cưới vợ được mấy năm thì ông đi lính. Chân phải bị đạn găm vào tận xương. Bàn tay trái thì mỗi ngón cụt mất một đốt. Vợ ông mất cách đây đã hơn chục năm. Ba đứa con, hai trai, một gái của ông thì đều đã ổn định ở trên phố. Chúng khuyên ông lên phố ở nhưng ông chẳng muốn. Một mình thui thủi, kể cũng buồn thật nhưng được cái sống tự do, tự tại tuổi già trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Bà Xa cũng kể, chồng bà mất khi đứa con út mới lên 10 tuổi. Bà có hai người con trai. Cả hai cũng sống và làm việc trên phố. Con cái tôn trọng quyết định của bà nên cũng chẳng đứa nào nài nỉ bà lên ở chung. Bà sống một mình, tay trồng luống rau, tay nuôi mấy con gà… Tuổi già cô đơn, nhiều khi không có ai bầu bạn chuyện trò cũng buồn. Bởi vậy, khi nào nghe tin con cháu về chơi là bà mừng lắm. Bà lại ra vào tất bật nấu nướng để đón chúng.

- Chúng ta đều già hết rồi. Chẳng mấy chốc mà thành người thiên cổ. Bà Xa vẫn để tay mình trong lòng bàn tay ông Lưỡng, giọng buông chùng.

- Ừ. Tôi thì đau suốt. Con cháu ở xa cả. Cũng may có hàng xóm láng giềng nâng đỡ, chứ không thì chẳng biết có được gặp lại Xa như ngày hôm nay nữa không?

- Ấy… ông đừng có mà nói gở. Ông phải khỏe mạnh. Phải sống thật lâu để vui vầy với con cháu chứ.

- Tôi… tôi nói chuyện này, mong Xa đừng cười. Ông Lưỡng nhìn bà Xa, vẻ rào đón. Tôi… tôi vẫn còn thương Xa nhiều lắm!

- Ấy chết! Ông nói vậy, con cháu nghe, nó lại cười cho.

- Hay là… Xa dọn sang ở chung với tôi một nhà cho đỡ buồn!

- Tôi… Nghe lời đề nghị của ông Lưỡng, bà Xa khẽ rụt bàn tay khỏi tay ông. Tôi… còn con cháu nữa… đâu phải chỉ mình ông hay tôi muốn là được. Bà Xa nhìn ông Lưỡng với vầng trán đã ngang dọc những nếp nhăn, hàm răng cái còn cái mất, chân tay cũng đã khựng nựng khó nhọc,… vậy mà một cảm xúc thương thương vẫn dấy lên trong lòng như thời cả hai còn son trẻ.

Hôm nay, nhà ông Lưỡng, cháu con về tề tựu đông đủ chẳng thiếu một ai. Mọi người ăn mặc chỉnh tề, vui vẻ chuẩn bị sang nhà bà Xa “xin” bà về ở với ông. Ông Lưỡng khoác lên mình bộ com lê trông rất trịnh trọng. Trông ông vui lắm. Cứ ra vào, hết nhìn cháu con, lại tự nhìn mình rồi cười móm mém. Từ ngày con cháu biết chuyện, chúng ra sức vun vén, ủng hộ. Thành ra, ông thấy phấn khởi, trong người như khỏe ra nhiều.

Bà Xa hôm nay mặc một cái áo nhung màu tím, chít cái khăn mỏ quạ trên đầu. Miệng nhai trầu đỏ chót. Thấy con cháu ra vào đón khách, bà cũng cảm thấy hồi hộp, xốn xang trong người.

Bà Xa và ông Lưỡng ngồi bên nhau, thi thoảng lại nhìn nhau, tóm tém cười. “Ngày còn trẻ, mình không đến được với nhau thì mình đến với nhau khi về già, Xa nhỉ”. Nghe ông Lưỡng ghé tai thủ thỉ, bà Xa bỗng có chút ngượng ngùng. Rồi ông lần nắm lấy bàn tay bà. Cái nắm tay buổi xế chiều… vẫn rưng rưng, ấm áp như thuở nào.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Cái nắm tay buổi xế chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO