Truyện ngắn: Bóng già

04/10/2019 09:22

Tác giả: Trương Thị Thúy

ADQuảng cáo

- Nắng gớm! Mới hái được có nửa luống đã phải nghỉ hai lần.

Ông cụ dừng lại, vừa nói vừa đi lại phía gốc cây bàng ngồi nghỉ. Cây bàng này, ông trồng từ ngày bà cụ vẫn còn sống. Bà ước có cái cây che mát ngay đầu ruộng, hễ mệt thì ngồi kiếm chút bóng râm, hóng gió. Được trồng sát bờ mương, nước non mát lành, cây lớn nhanh, tán xòe rộng. Cũng kịp che cho bà cụ được mấy mùa hái đỗ. Giờ thì cây vẫn còn đây mà người thì đã như mây trời rồi. Ông cụ thở dài, đưa bàn tay xương xẩu, chai sần vuốt những giọt mồ hôi đang túa ra, chảy xuống mắt cay xè.

- Cụ ra hái đỗ sớm thế?

- Ừ, chú cũng đi làm đấy a. Hôm nay trời…

Minh họa: Ngọc Tâm

Ông cụ chưa kịp nói hết câu, người đàn ông cưỡi trên chiếc xe máy đã vụt qua. Ông cụ nhìn theo, lắc đầu. Mấy luống đỗ xanh ông trồng giờ đã cho thu hoạch. Ngày nào cũng phải ra hái quả. Hôm nào ông mệt, không ra được là y như rằng bữa sau nhiều quả chín quá, gặp nắng già nổ bung hết cả hạt xuống đất. Thành ra, chiều nào ông cũng ra ruộng hái đỗ từ sớm. Mệt lại chui vào bóng râm của cây bàng này ngồi nghỉ. Có năm miếng ruộng trồng đỗ thôi mà ngày nào cũng phải nhập nhoạng tối ông mới về đến nhà. Thực ra, ông cụ không muốn về nhà sớm. Ở ngoài này, còn có người nọ người kia đi qua đi lại, lâu lâu cũng có người nói với ông cụ đôi ba câu, dù chớp nhoáng. Về nhà ông cụ lại thui thủi một mình. Buồn! Nhà thì rộng mà vắng tanh vắng ngắt. Con cháu bận đi làm ăn, rồi ra ở riêng hết cả, lâu lâu chúng mới về thăm ông một lần. Ông cụ thở dài.

- Ông ơi!

- Cụ ơi!

Ông quay nhìn lên đầu bờ khi nghe tiếng gọi, đôi mắt nheo nheo lại để nhìn cho rõ. - Úi cha, mẹ con nhà Thanh về đấy à?

Ông cụ đưa tay vẫy vẫy mẹ con Thanh. Thằng bé lao nhanh xuống bờ ruộng, chạy đến chỗ ông ngồi. Nó sà vào lòng ông, ôm lấy rổ đỗ lên xóc xóc. Ông vội giữ tay nó lại, thủ thỉ:

- Ấy, làm vậy đỗ rơi ra hết, lấy đâu cụ thổi xôi cho Thóc ăn!

Ông cầm rổ đỗ để xuống một bên, vòng tay ôm lấy thằng chắt rồi thơm lên trán nó. Ông cười vui, điệu cười móm mém của người già với hàm răng cái mất nhiều hơn cái còn. Thanh ngồi xuống bên cạnh, trên chiếc bao ông đã trải sẵn từ trước.

- Nắng thế này, ông không ở nhà nghỉ, ra đây làm gì cho mệt! Mà còn tí ruộng này, ông để cho nhà anh Tình làm đi. Bữa anh nói cháu là có nói với ông, mỗi năm anh trả thêm bao nhiêu thóc đó nhưng ông không chịu.
Thanh nhìn ông, thương lắm nhưng lại có chút giận trong lòng. Ông đã ngoài tám mươi rồi còn gì. Mái đầu đã bạc trắng, da dẻ nhăn nheo hết cả, sức khỏe đã yếu đi nhiều. Vậy mà ông cứ tham công tiếc việc, chẳng chịu nghỉ ngơi. Con cháu có nói bao nhiêu lần cũng vậy. Đã thống nhất cho người ta thuê ruộng cấy rồi, thế mà kiểu gì ông vẫn giữ lại một mảnh để làm. Già cả rồi, ốm đau ra đấy lại khổ thêm chứ bõ bèn gì.

- Bữa cháu nghe bố mẹ cháu nói ông đã đồng ý cho anh Tình thuê hết ruộng rồi mà. Sao còn giữ lại mảnh này làm gì. Ông à, giờ ông già rồi, nghỉ ngơi thôi. Ông làm thế này chỉ mệt thêm, mưa nắng lại ốm ra chứ được bao nhiêu đâu.

- Nhiều ít có quan trọng gì đâu cháu.

- Vậy thì ông đừng làm nữa. Cứ ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe. Giờ ông cần gì cứ nói với con cháu là được mà.

- Ông đâu có cần gì đâu.

Ông cụ quay nhìn Thanh, đưa tay vuốt vuốt mái tóc của thằng chắt Thóc rồi nheo nheo mắt nhìn về phía bạt ma, nơi bà cụ nằm đó. Giọng ông đều đều:

- Ông già rồi, có cần gì nữa. Nhưng ở một mình, buồn quá. Nhà thì rộng mà chẳng có người. Nhà trên, nhà dưới cứ vắng tanh vắng ngắt. Nằm mãi cũng mỏi người mà đi ra đi vào chỉ có một mình. Ông nói thằng cháu Tình để lại cho mảnh này, trồng vài luống đỗ, luống rau, hàng ngày làm bạn với cây cỏ cho đỡ buồn.

- Sao ông không sang hàng xóm chơi? Ông đến nhà này nhà kia chơi cho khuây khỏa, chứ làm ruộng thế này, ốm ra lại chả bõ tiền thuốc.

Nghe Thanh nói ông cụ buồn buồn:

- Cháu không biết đấy thôi. Ông già rồi. Tuổi của ông, còn được mấy người? Nhiều khi ông cứ nghĩ sao mình sống dai quá. Ông cũng muốn đi chơi chòm xóm, nhưng người có thể nói chuyện cà kê cùng mình thì không còn ai. Người trẻ thì họ còn bận làm, hoặc nói chuyện chẳng hợp nhau. Những cái họ thích nói đến thì ông không hiểu, không biết, những điều ông nói họ lại chẳng muốn nghe. Nên chỉ được đôi ba câu là hết chuyện rồi còn đâu.

ADQuảng cáo

Thanh nghe ông nói mà sống mũi cứ phập phồng rồi cay cay. Mắt cô bỗng nhòe đi. Vậy mà lâu nay con cháu trong gia đình chỉ nghĩ mua sắm cho ông đầy đủ những thứ cần thiết, thi thoảng ghé qua thăm ông lúc rảnh rỗi hay cuối tuần, biếu ông đồng quà tấm bánh, thấy ông khỏe mạnh là yên tâm. Có ai để ý đến ông lủi thủi, hiu quạnh khi ở một mình.

Thanh nhìn ông. Ông nhìn xa xăm. Ông nhớ ngày xưa. Khi bà cụ còn sống và con cháu còn tíu tít bên ông bà. Ngày đó vất vả đấy nhưng vui. Trong nhà lúc nào cũng có tiếng cười, tiếng nói. Rồi thì anh trai lớn của Thanh mở xưởng cơ khí. Làm nhà, chuyển cả vợ con xuống đó. Xưởng làm ăn ngày càng tốt, tàu vào bến sửa đông, nhân công đông, bố Thanh cũng phải xuống phụ anh trông nom công việc. Mẹ Thanh thì lên phố ở trông con nhỏ cho anh trai thứ hai mấy năm nay. Thanh lấy chồng ngay xã bên nhưng phần vì công việc, phần lo con cái nên cũng không thường xuyên thăm ông được. Ngày bà cụ còn sống, ra vào có hai ông bà cũng đỡ buồn. Thi thoảng cùng nhau nhắc chuyện con cháu. Còn như giờ, ông chỉ còn biết lẩm nhẩm một mình. Nhiều người không biết lại nghĩ, tuổi ông già rồi, nói lẩn thẩn cũng là lẽ đương nhiên. Ông cụ vơ chiếc rổ, chống gối khó nhọc đứng dậy:

- Hai mẹ con cu Thóc ngồi đây chơi, cụ hái đỗ một lúc nữa đã.

- Để cháu hái cùng ông.

Hai mẹ con Thanh cùng ông cụ hái đỗ. Cu Thóc có vẻ vui lắm, nó tíu tít, líu lo như chú chim nhỏ lích chích quanh luống đỗ. Mỗi khi hái được quả chín nó lại reo lên rồi chạy đến bỏ vào chiếc rổ trên tay cụ.

- Cu Thóc giỏi quá! Để vài bữa, cụ phơi già, tách vỏ hết rồi mẹ con cu Thóc xuống cụ nấu chè, thổi xôi cho ăn nha.

***

Mẹ con Thanh ở lại ăn tối cùng ông cụ. Ông cụ vui lắm, mang ra chai rượu thuốc, rót một chén nhỏ, nhấp - khà rồi gắp thức ăn cho thằng chắt. Xong ông không quên gắp cho con Ki đang ngồi chầu bên cạnh. Con chó được chủ cho ăn thì vẫy đuôi mừng rối rít. Thanh nhắc ông:

- Để ăn xong thì cho nó ăn sau ông ạ. Ông làm vậy nó hư đấy.

Thanh vừa định mắng con chó đi ra, ông nhẹ nhàng ngăn lại:

- Kệ nó cháu à. Trước, sau có đáng là bao. Mọi ngày, có nó ông cũng đỡ buồn. Mình một miếng, nó một miếng, ăn cho vui chứ một mình ông chắc cũng chẳng thiết ăn uống gì.

Ông cụ gắp thêm miếng thịt bỏ cho con chó, nựng nó:

- Có nó nhắc cho ông mới nhớ mình phải nấu cơm đấy, Ki nhỉ. Bố nó chứ, háu đói lắm cơ.

Miếng cơm trong miệng Thanh bỗng nghẹn lại, chát chát, mặn mặn. Nước mắt ở đâu cứ thế chảy ra. Bố mẹ, anh em Thanh cứ mải công việc, con cháu chẳng mấy để ý đến chuyện ông lủi thủi một mình buồn cỡ nào. Đôi lúc đáo qua nhà, thấy ông khỏe mạnh, hỏi thăm ông có cần thêm gì, biếu ông chút quà bánh, vài đồng làm vui rồi lại quày quả đi ngay. Chẳng ai có thời gian mà để ý ông đã đi ra tận ngõ nhìn theo, khuôn mặt thẫn thờ. Có khi bóng dáng con cháu đã đi mất hút từ lâu mà ông cụ cứ đứng tần ngần mãi ngoài ngõ, chẳng muốn trở vào nhà.

- Cụ ơi, cụ làm sao vậy ạ?

Thanh đang nghĩ vẩn vơ, giật mình nhìn sang ông khi nghe cu Thóc hỏi. Ông cụ dướn cổ lên, đưa tay vuốt ngực. Từng đường gân ở cổ như nổi hết lên, chạy ngang chạy dọc trong lớp da nhăn nheo. Thanh vội rót cho ông ly nước, đưa vào tay ông:

- Ông uống đi ạ! Sẽ đỡ hơn!

Ông cụ gật đầu đỡ lấy ly nước. Uống một hớp, vuốt thêm mấy lần. Rồi ông cụ thở dài:

- Già rồi nó thế đấy, thi thoảng cứ bị nghẹn luôn. Có hôm, ăn xong bữa cơm mà nghẹn mấy lần.

Ông cụ lại gắp đồ ăn cho thằng chắt, giục hai mẹ con Thanh ăn nhanh còn về kẻo muộn. Thanh gắp thức ăn cho ông, mắt sao cứ nhòe đi. Dưới ánh điện, mọi thứ nhạt nhòa. Tối nay về, Thanh sẽ gọi điện cho anh thứ hai, cho bố mẹ. Không thể để ông ở nhà một mình như thế này mãi được. Người già như chiếc bóng chênh chao.

***

Cuối tuần, con cháu tập trung về nhà. Ông cụ vui lắm, ngồi nhìn các chắt nô đùa mà cười hoài không ngớt. Thi thoảng chúng chạy tới, ông cụ lại xoa đầu đứa này, đứa kia. Thanh nhìn ông, tưởng như ông khỏe ra vài chục tuổi. Tuần sau, vợ chồng anh Tùng sẽ chuyển về nhà ở với ông. Mẹ Thanh vừa có thể chăm cháu, vừa chăm ông. Ông già rồi, sớm tối có con cháu ở bên cũng yên tâm hơn. Chị Hương, anh Tùng chịu khó đi làm xa hơn một chút nhưng lại không phải thuê phòng trọ. Thanh tính như vậy, bố mẹ, các anh chị đều đồng ý. Thanh mỉm cười, lát nữa, khi nghe tin con cháu sẽ chuyển về nhà ở cùng ông, chắc chắn ông sẽ rất vui.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Bóng già
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO