Truyện ngắn: Bóng chiều hiu hắt

25/05/2018 09:41

Tác giả: Đào Thu Hà

ADQuảng cáo

Minh họa: Minh Thùy

Bà Năm lễ mễ xách chiếc túi lỉnh kỉnh những đồ đạc là những thứ quà quê. Một nải chuối chín thơm lừng, ít lạc khô đã bóc vỏ, mấy quả trứng gà được bọc kỹ trong lớp rơm để khỏi vỡ và một ít khoai lang mới dỡ. Bà vẫn nhớ thằng Tâm, con bà thích ăn những thứ này. Con nhà nghèo nên sở thích ăn uống cũng đơn giản, gắn bó với những thứ thân thương của nhà tự trồng được. Lâu lắm rồi nó không về thăm nhà. Bà nhớ con nên lọ mọ lên thăm.

Tâm đón bà Năm bằng khuôn mặt chưa kịp tỏ ra vui mừng, ngạc nhiên thì đã ngay lập tức cáu kỉnh?

- U lên sao không báo trước để tôi ra đón?

Bà Năm nhẹ nhàng đặt túi đồ nặng vào một góc phòng trọ, khẽ khàng:

- Lâu không thấy anh về, u nhớ anh nên lên thăm thôi. U còn khỏe, tự đi được, đón rước lại phiền đến công việc của anh.

Tâm khẽ nhăn mặt:

- Mà u mang những thứ gì lên thế? Đã dặn u bao nhiêu lần rồi, lên thì phải báo trước để tôi sắp xếp. Mà cũng đừng mang những đồ đạc lỉnh kỉnh làm gì cho mệt. Giờ tôi có ăn mấy thứ này đâu.

Bà Năm không đáp, ngồi lặng lẽ ngắm nhìn con trai cho thỏa bao nỗi mong nhớ. Nó là tất cả tài sản dành dụm cả một đời của bà. Ông Năm mất từ hồi nó chưa đầy tuổi. Làm sao có thể kể hết những cơ cực, vất vả, cay đắng bà đã phải chịu đựng để nuôi nó nên người. Cũng may, nó biết thân biết phận nhà nghèo, mồ côi nên chăm chỉ, chịu khó học hành để mong thoát nghèo. Bà nhớ như in cái ngày nó báo kết quả đậu đại học. Bà vừa mừng vừa lo. Mừng vì nó học hành giỏi giang, mừng cho công sức ôn luyện vất vả của nó cuối cùng cũng được đền đáp. Nhưng bà lo vì không biết lấy tiền đâu cho nó ăn học. Ở cái miền quê nghèo “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này, lo cho hai bữa ăn hàng ngày đã chật vật chứ nói gì đến khoản tiền hàng tháng để lo cho nó ăn học. Cũng vừa may, năm đấy làng bà rộ lên phong trào đi ôsin cho những người nhà giàu trên phố. Ngày con nhập học, bà cũng đóng cửa nhà, khăn gói quả mướp lên thành phố làm người giúp việc.

Bốn năm thằng Tâm học đại học là bốn năm bà cặm cụi phục vụ nhà chủ, chắt chiu từng đồng một nuôi con. Nhà chủ bà ở gần trường thằng Tâm nhưng nó chưa hề một lần bước chân ghé thăm bà. Nó mặc cảm với bạn bè nên che giấu. Bà không trách nó, cũng chẳng lấy làm buồn. Trong suy nghĩ của bà, nó che giấu bạn bè là đúng. Thằng Tâm đường đường là sinh viên một trường đại học danh tiếng. Nó lại học giỏi, năm nào cũng được học bổng dành cho sinh viên xuất sắc. Để bạn bè biết nó có một bà mẹ làm ôsin chẳng phải sẽ khiến nó xấu hổ, tủi phận lắm sao? Rồi lại còn những lời chê bai, mai mỉa. Bởi vậy, bà cũng không dám thăm nó. Thỉnh thoảng tranh thủ đi chợ, bà chỉ dám đứng vào một góc khuất của đoạn đường từ kí túc xá đến trường để nhìn thằng Tâm cho đỡ nhớ. Học xong, với thành tích học tập xuất sắc, nó kiếm được việc làm ngay. Nó bảo từ giờ nó đi làm rồi, bà Năm không cần phải đi ôsin nữa. Lỡ đâu mai mốt nó có bạn gái, để nhà bạn gái nó biết được lại không hay. Bà cứ về nhà làm mấy sào ruộng, nuôi vài con gà, thiếu thốn gì nó sẽ bù. Nghe nó nói có phần đúng, lại thêm việc bà cũng thấy mình bắt đầu già, không còn nhanh nhẹn như trước nữa nên xin nghỉ, về quê. Thấm thoắt cũng được mấy năm rồi.

Đợi cho mẹ nghỉ ngơi một lát, thằng Tâm mới thông báo:

- U này! Tôi chuẩn bị lấy vợ.

Bà Năm vui mừng:

- Thì anh cũng đến tuổi lập gia đình được rồi. Thế anh chị định bao giờ tổ chức? Sao anh không đưa về ra mắt tôi.

Thằng Tâm ngập ngừng một lúc rồi thủng thẳng:

- Tôi nói tôi mồ côi từ bé, nhà không còn ai.

Bà Năm nghe như sét đánh bên tai:

- Ô hay! Thế khác nào anh bảo tôi cũng chết rồi.

Thằng Tâm hơi đỏ mặt một tí. Nhưng nhanh chóng, nó lấy lại được cái giọng bình thản:

ADQuảng cáo

- Tại nhà nó giàu lắm, lại có mình nó thôi. Tôi lấy nó sẽ không thiếu thốn gì cả. Nhưng nó mà biết tôi còn u ở nhà quê, u lại từng đi làm ôsin thì nó sẽ coi thường tôi, không lấy tôi nữa.

Nước mắt đã bắt đầu mấp mé trong đôi mắt mờ đục của bà Năm. Thằng Tâm tự nhiên cáu um lên:

- Có gì đâu mà hơi một tí là u lại nước mắt ngắn nước mắt dài thế? Tôi chỉ nói thế để lấy vợ thôi. Bao giờ cưới hỏi xong xuôi, có con cái rồi, nó không thể bỏ tôi được nữa, tôi sẽ đón u lên, công khai u là mẹ tôi chứ có gì đâu.

Bà Năm vén tà áo nâu lên lau nước mắt, nghẹn ngào. Nhưng bà không nói gì, cũng chẳng trách móc gì nó. Thì cuộc đời vốn nước mắt chảy xuôi. Nó đã quyết định vậy, bà cũng nên tự an ủi mình rằng nó lấy được vợ giàu, con nhà gia giáo mà mừng cho nó, mà bớt tủi nhục cho bà. Thằng Tâm thấy mẹ nguôi nguôi thì dịu giọng:

- Tuần sau tôi cưới rồi. U ở chơi một hai hôm rồi về nhé. Bao giờ tôi cưới xong, tôi sẽ tranh thủ về thăm u. Rồi chờ lúc thuận tiện, tôi sẽ đón u lên ở với tôi.

Bà Năm ở đến chiều hôm sau thì về quê. Bà sợ bà ở lại làm quẩn chân nó. Rồi không may bất chợt vợ chưa cưới của nó đến chơi, thấy bà ở đấy, thằng Tâm lại khó xử, khó giải thích. Thôi thì bà cứ về nhà, mong cho nó được hạnh phúc, êm ấm và chờ đến lúc mẹ con được đoàn tụ như lời nó nói. Dẫu gì, nhà bà cũng chỉ một mẹ một con. Nó là tài sản lớn nhất của cuộc đời bà. Bà không vì tương lai, hạnh phúc của nó thì còn vì ai nữa?

Thằng tâm cưới xong, nó có về thăm bà được một lần như lời nó hứa. Nó đưa cho bà một xấp tiền. Cả đời bà chưa bao giờ nhìn thấy số tiền nào lớn như vậy. Chắc phải mua được cả vài tấn thóc. Nó nói với bà bằng cái giọng tự hào của một kẻ không che giấu rằng mình đã giàu, đã có tiền:

- U cứ mua sắm, ăn uống gì tùy thích. Đừng lo gì cả. Tôi sẽ gửi cho u.

Bà vui lắm. Dù rằng bà không cần tiền của nó. Bà hỏi bằng cái giọng khấp khởi mừng rỡ:

- Thế bao giờ anh đón tôi lên với vợ chồng anh?

Nụ cười trên môi thằng Tâm vụt tắt. Giọng nó lạnh tanh:

- U cứ chờ thêm ít lâu nữa, để tôi lựa lời nói với vợ tôi.

Bà Năm khẽ giấu một tiếng thở dài. Bà thấy tuổi già đã như bóng chiều sầm sập kéo đến. Chẳng biết còn bao nhiêu thời gian nữa. Bà muốn tranh thủ lúc còn làm được vài việc vặt vãnh, lúc còn minh mẫn để giúp con, giúp cháu. Lỡ mai này ốm yếu, nằm một chỗ hay lẩn thẩn, đã chẳng giúp được gì lại còn vướng chân vướng cẳng, ảnh hưởng đến công việc của chúng nó nữa. Nhưng bà không nói cho con trai biết điều ấy. Bà sợ nó lại suy nghĩ mà ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc. Bà tự bao biện cho Tâm rằng nó mới cưới vợ, chắc muốn dành nhiều thời gian cho vợ nên chưa muốn đón bà lên. Vợ chồng son mà. Có thêm một người nữa, dẫu là mẹ chồng thì cũng mất tự nhiên, ngượng ngập, mất thoải mái và ít có thời gian bên nhau.

Từ dạo đó, thằng Tâm không về nữa. Bà Năm sống lủi thủi, chờ đợi, trông ngóng. Bà không dám lên thành phố tìm nó. Thấy nó bảo bố mẹ vợ mua cho một căn nhà để hai vợ chồng nó ở riêng, không còn ở phòng trọ cũ nữa, bà có ra cũng chẳng biết ở chỗ nào mà tìm. Nhà bố mẹ vợ nó ở đâu bà cũng chẳng biết. Mà chắc nó cũng chưa nói thật cho nhà vợ nó biết là nó còn một người mẹ già ở quê. Bà có tìm được, cũng chẳng biết nói mình có quan hệ thế nào với nó. Để nó phải xấu hổ, ngượng ngập, bà không muốn.

Rồi thằng Tâm cũng về đón bà. Nó hối hả:

- U thu dọn nhanh lên rồi lên ở với vợ chồng tôi. Vợ tôi nó sắp đẻ.

Bà lụi cụi bước lên chiếc ô tô bóng loáng, sang trọng. Thằng Tâm nhớ ra điều gì, vội vàng dặn bà:

- À! Mà tôi vẫn chưa nói với nhà vợ tôi rằng u là mẹ tôi đâu nhé. U cứ nhận mình là ôsin tôi thuê thôi. Như thế u vừa được trả lương, vừa đỡ phải ngại ngùng với nhà vợ tôi.

Nghe nó nói, bà hơi khựng lại. Niềm vui được gần con, sắp có cháu vừa nhen nhóm đã vụt tắt. Nhưng bà im lặng bước lên xe. Bà ngoái lại đằng sau nhìn ngôi nhà mờ mịt trong làn khói bụi để giấu những giọt nước mắt cay đắng, đục ngầu đang chầm chậm lăn trên gò má nhăn nheo. Nắng chiều cố hết sức lóe lên một vài tia nắng gay gắt của ngày tàn còn sót lại rồi vụt tắt. Ngôi làng lùi lại phía sau, hiu hắt...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Bóng chiều hiu hắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO