Truyện ngắn: Ánh sáng niềm tin

21/08/2020 09:04

Tác giả: Đào Thu Hà

ADQuảng cáo

Căn nhà nhỏ của Tín tối nay rộn rã tiếng cười đùa. Mấy đứa học trò đậu đại học mua bánh kẹo đến nhà thầy liên hoan. Mẹ Tín bận rộn nấu thêm một nồi chè đỗ đen để “khao” cả thầy và trò. Bà bận rộn đi ra đi vào, lúc lấy ly, lúc lấy thìa, lúc lại múc thêm chè mà nụ cười lúc nào cũng trên môi. Trông bà như trẻ ra mấy tuổi, dáng đi cũng nhanh nhẹn, hoạt bát hơn. Tín nhìn mẹ, thấy lòng dâng lên một niềm vui kèm theo cảm giác hối lỗi. Cũng may mà anh biết quay đầu trước khi quá muộn.

***

Thời còn học cấp 3, Tín nổi tiếng cả xã vì thành tích học tập xuất sắc. Ba năm tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Tín đều giành giải cao nhất. Ngày ấy, người làng, người xã thường nhắc đến Tín như một tấm gương để con cái mình noi theo. Với thành tích học tập xuất sắc ấy, Tín đậu thủ khoa một trường đại học danh tiếng. Còn nhớ hôm nhận giấy báo, mẹ mừng đến mức cầm đi khoe cả xóm. Bà tự hào lắm vì thành tích giỏi giang của đứa con trai mình. Nhà làm nông tuy vất vả nhưng bố mẹ Tín vẫn luôn cố gắng để nuôi hai chị em Tín ăn học đến nơi đến chốn. Là con trai duy nhất trong nhà, bố mẹ kỳ vọng ở Tín rất nhiều.

Nhưng rồi chính Tín đã khép lại cánh cửa tương lai rộng mở của mình.

Minh họa: Ngọc Tâm

Mùa hè năm thứ ba đại học, Tín về quê mở lớp dạy thêm cho học sinh để phụ bố mẹ tiền đóng học phí cho năm học mới. Năm ấy, mấy người bạn cùng làng với Tín mới đi cải tạo về. Bạn bè cũ gặp nhau, lại đã từng học chung nên thường rủ nhau đi chơi, tụ tập. Trong một tiệc sinh nhật, một người bạn rủ Tín dùng thử ma túy. Tín đã từ chối, nhưng đứa bạn khích:

- Mày có phải là đàn ông hay không mà nhát vậy? Thử một lần không nghiện được đâu, thử đi.

Tò mò, cộng thêm những lời khích bác, kích động của những người khác, Tín tắc lưỡi “Chắc thử một lần cũng chẳng sao”. Từ một lần tặc lưỡi ấy, Tín quay lại trường học với những cơn nghiện hành hạ.

Để có tiền phục vụ những cơn nghiện của mình, Tín nói dối bố mẹ về tiền học, tiền sinh hoạt. Những tài sản ít ỏi phục vụ học tập Tín cũng đem đi cầm cố. Không còn gì để cầm cố, Tín lấy trộm đồ của bạn cùng phòng, cùng xóm trọ.

***

Bữa tiệc đơn sơ của những đứa học trò quê càng lúc càng rôm rả. Hiền - con bé mạnh dạn, hay nói hay cười nhất lớp đứng dậy, trịnh trọng đưa cho Tín một hộp quà:

- Thưa thầy, nhờ thầy dạy kèm mà chúng em mới đậu đại học. Chúng em có món quà nhỏ tặng thầy, mong thầy nhận cho chúng em ạ!

Tín bối rối. Anh vội xua tay:

- Mấy cái đứa này bày vẽ làm gì để dành tiền mà chuẩn bị nhập học, đi học đại học nhiều thứ phải lo lắm đấy.

Mấy đứa lập tức nhao nhao lên:

- Thầy ơi thầy nhận đi thầy. Thầy mà không nhận là chúng em buồn lắm.

Tín ngượng nghịu cầm gói quà. Một niềm vui khe khẽ len trong lòng anh ấm áp. Mẹ cũng nhìn anh mỉm cười. Bất giác anh nhớ bố. Giá như lúc này bố còn sống, chắc bố cũng sẽ vui lắm.

ADQuảng cáo

***

Bố mẹ biết tin Tín nghiện, lên xin phép nhà trường đón Tín về đưa đi cai nghiện. Nhưng người ta bảo nghiện thì dễ, cai nghiện thì khó. Bao nhiêu lần vào trại cai nghiện rồi lại ra là bấy nhiêu lần Tín tái nghiện. Tài sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Chị gái Tín lúc ấy chuẩn bị kết hôn nhưng gia đình nhà trai thấy Tín nghiện ngập nên ngãng ra. Cũng may anh rể yêu thương chị thật lòng, kiên quyết đòi cưới nên hai người cũng đến được với nhau. Từ một tấm gương sáng, Tín trở thành “đối tượng tránh xa” của hàng xóm, láng giềng, của người làng, người xã. Tín cứ lêu lổng, lang thang nay đây mai đó, chẳng thể đoạn tuyệt được với quá khứ nghiện ngập cho đến khi bố mất.

Mỗi lần thấy Tín tự trách mình, mẹ vẫn bảo do số trời để Tín đỡ ăn năn, day dứt chứ thật tâm Tín vẫn cho rằng bố mất một phần nguyên nhân do Tín. Bố mất vì tai nạn giao thông khi đi tìm Tín. Sự ra đi của bố cùng với những giọt nước mắt của mẹ đã khiến Tín suy nghĩ, tự vấn lương tâm mình. Tín nhờ anh rể xích chân trong nhà hơn một tháng trời để cắt cơn. Những lúc vật vã, Tín đập đầu vào thành giường, có lúc lại tự cào cấu cơ thể mình đến rớm máu. Những lúc ấy, mẹ và chị gái bên cạnh, chăm sóc cho Tín, đút cho Tín từng thìa cháo như ngày Tín còn nhỏ. Một người nữa Tín chẳng bao giờ quên ơn là anh Thành công an huyện. Anh thường đến nhà động viên, khích lệ, kể cho Tín nghe về những người lầm lỗi đã đứng lên làm lại cuộc đời. Hơn một tháng cắt cơn nghiện, Tín quay lại trường, tốt nghiệp. Những ngày tháng ấy, anh rể xin làm việc tại gần nơi Tín học để tránh cho Tín bị bạn bè rủ rê, lôi kéo. Tốt nghiệp xong, anh lại nhờ bạn xin cho Tín đi làm thuê tận bên Lào để tránh xa bạn nghiện. Nơi đất khách quê người, Tín lao vào làm việc để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Tận đến khi tin rằng mình đã đoạn tuyệt được với con đường nghiện ngập, Tín mới trở về sống cùng mẹ.

Về quê, thấy mấy em nhỏ gần nhà không có điều kiện đi học thêm, Tín gọi mấy đứa lại dạy kèm miễn phí. Cũng có người cho con đi học, cũng có người e ngại quá khứ của Tín. Buồn và tổn thương, Tín chỉ biết im lặng và dồn hết công sức của mình để dạy kèm cho học sinh. Anh Thành biết việc Tín dạy học bèn đưa con trai của mình xuống cho Tín dạy kèm.

Chẳng biết là vì anh Thành đưa con xuống nhờ Tín dạy hay thấy việc học của mấy đứa học sinh Tín dạy kèm có tiến bộ rõ rệt, lớp học của Tín đông dần. Anh Thành và các phụ huynh gửi học phí cho Tín. Tín không lấy nhiều, những khoản tiền đó anh đưa phụ mẹ trang trải cuộc sống. Từ học sinh lớp nhỏ, các học sinh lớp lớn cũng tìm đến Tín nhờ dạy kèm. Công việc bận rộn cuốn Tín đi, khiến Tín cảm thấy cuộc sống của mình bắt đầu có ý nghĩa trở lại. Tín say sưa truyền giảng hết những kiến thức mình có, học hỏi thêm trên mạng để dạy học sinh. Nhưng vui nhất là Tín được nhìn thấy nụ cười trở lại trên môi mẹ. Mẹ cũng không còn cúi gằm mặt xuống mỗi khi ra đường, không còn trốn tránh những nơi đông người, những cuộc họp thôn, họp xóm. Mẹ trồng chè xanh nấu nước cho học sinh đến học uống. Mẹ nhắc Tín đừng soạn bài khuya quá kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe. Có đêm chợt tỉnh giấc, Tín thấy mẹ thắp hương cho bố. Mẹ lầm rầm khấn, kể cho bố nghe việc Tín làm. Mẹ bảo “Ông ơi, đứa con trai ngoan của mình đã trở lại rồi ông ạ”. Nghe câu ấy, sống mũi Tín cay xè. Tín phải kìm môi để không bật lên tiếng nấc.

***

Buổi liên hoan đã kết thúc. Mấy đứa học sinh chào mẹ con Tín ra về. Tín định ra đóng cổng thì anh Thành đến. Anh hồ hởi:

- Đáng nhẽ phải qua sớm mà anh có việc đột xuất, anh trực đến giờ mới về, tiện ghé qua em luôn.

- Dạ có việc gì thế anh - Tín ngập ngừng.

- Chả là anh em trong Đội đăng ký cho em đi học lớp nghiệp vụ sư phạm. Tính về lâu về dài em cũng nên đi học để bảo đảm việc dạy. Học phí thì bọn anh đã xin miễn phí cho em rồi. Em có đi học được không?

Tín mừng rỡ:

- Ôi thế thì tốt quá ạ. Nhưng học phí em đóng được, để cách anh xin hộ, em ngại quá.

Anh Thành xua tay:

- Không có gì đâu. Còn một việc này nữa. Bọn anh tính mở lớp dạy miễn phí cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học tập còn yếu. Lớp tầm hơn 50 em. Địa điểm thì bọn anh đã mượn được phòng học rồi, còn giáo viên dạy môn Toán muốn nhờ em, không biết ý em thế nào?

- Dạ được ạ - Tín không đắn đo.

Anh Thành đứng dậy:

- Vậy thôi anh về không muộn. Thu xếp chuẩn bị đi học nghiệp vụ nhé. Học xong thì về dạy lớp kia là vừa. Cho anh gửi lời chào bác.
Tín tiễn anh Thành về. Những cơn gió đêm lành lạnh thổi qua vai Tín. Nhưng Tín thấy lòng mình ấm áp như có biết bao nhiêu tia nắng đang len lỏi, thắp sáng lên niềm tin về một ngày mai tươi sáng hơn...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Ánh sáng niềm tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO