Truyện ký: Viết tiếp ước mơ của mẹ

05/09/2019 10:18

Tác giả: Hồng Ngọc

ADQuảng cáo

“- Mẹ ơi lớn lên con sẽ làm cô giáo mẹ ạ! Con bé cười tít mắt chạy về phía người mẹ đang ngồi trên chiếc xe lăn trước sân hè rồi hào hứng nói to. Người mẹ trẻ mỉm cười hiền hậu, đưa đôi tay ôm lấy con gái nhỏ vào lòng:

- Sao con lại muốn làm cô giáo?

- Con muốn được như mẹ. Làm cô giáo con sẽ dạy cho các bạn học sinh không được đến trường, giúp các bạn cùng biết đọc biết viết như con!

- Ừ, con gái của mẹ chắc chắn sẽ làm được mà!

Nói rồi hai mẹ con ôm nhau cười giòn giã. Dưới nắng vàng rực rỡ má cô bé hây hây, đôi mắt long lanh nhìn về tương lai phía trước. Một vệt hồng cổ tích như mở ra giữa bầu trời...”.

Minh họa: Ngọc Tâm

***

Cứ mỗi lần nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ ấy, lòng tôi lại mỉm cười. Ngày còn sống, mẹ tôi từng là giáo viên, mẹ là giáo viên dạy Văn cấp hai. Khi bị bệnh, mẹ tôi không còn đủ sức để đi dạy nhưng vì đam mê cả đời của mẹ là đứng trên bục giảng nên mẹ không đành lòng để bệnh tật lấn át đi ước mơ. Thế rồi phải thuyết phục bà và các dì tôi mãi mẹ mới có thể tiếp tục thực hiện mong ước cuối đời của mình, mẹ đã mở một lớp học dành cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn không được đến trường để đi học.

Bởi thế nhà tôi khi nào cũng rôm rả tiếng cười nói, tiếng đánh vần đọc bài, nó như xua đi những ưu phiền trong lòng mẹ vì tôi thấy mẹ cười nhiều hơn. Nhưng theo thời gian, những cơn đau do bệnh tật của mẹ vẫn không thôi giảm. Rồi mẹ tôi mất, trăn trối cuối cùng mẹ để lại cho tôi là hãy tiếp tục giữ lửa trái tim để truyền tải những bài học cho các em nhỏ. Tôi nhìn mẹ gật đầu, khóe mắt cứ ướt đẫm. Ngày mẹ ra đi là ngày lá vàng rơi đầy đường. Thu sang.

Bố tôi là chiến sĩ cách mạng. Bố mất từ khi mẹ mới mang bầu tôi. Rồi khi mẹ mất, tôi sống cùng bà ngoại và các dì. Vài năm sau đó, bà cũng bỏ tôi mà đi. Những người thân thương đều bỏ tôi đi hết. Có những lúc tôi đã từng nghĩ sẽ đi theo bố mẹ và bà nhưng cứ nhớ đến lời mẹ dặn, tôi lại cố gượng dậy mạnh mẽ hơn để tiếp tục đi trên con đường ấy, để chắp cánh tiếp ước mơ dang dở của mẹ.

Hết mùa hè của những năm cấp hai, tôi theo dì Miên vào Tây Nguyên sinh sống và có cuộc sống mới. Nơi tôi ở vốn là vùng núi nên hầu hết người dân sống quanh nơi đây đều là người dân tộc thiểu số. Họ có nước da ngăm đen chắc khỏe, có thân hình vạm vỡ y như những chàng anh hùng trong sử thi mà tôi tưởng tượng ra khi nghe mẹ kể chuyện. Cuộc sống và vốn văn hóa của họ rất phong phú, nó luôn thôi thúc tôi tìm hiểu những cái hay cái đẹp. Họ là những con người lao động, ngày ngày lên rẫy nên không được đến trường lớp để học tập. Thế là từ ấy, tôi càng mong mỏi sẽ trở thành cô giáo hơn để không chỉ dạy cho các em nhỏ mà ngay cả người dân bản địa nơi đây.

Đến tuổi vào Đoàn, tôi tích cực tham gia những hoạt động tình nguyện giúp đỡ bà con trong bon làng. Vì còn đang đi học nên tôi được phân công tham gia giảng dạy cho các em nhỏ học cách đánh vần, đọc và viết vào mỗi chiều thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Lớp của tôi gồm tám bạn nhỏ. Các em đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Có nhóc thì mồ côi cha mẹ nên phải tự mưu sinh... Chúng đều là những đứa trẻ hoàn cảnh nên tôi rất yêu thương các em.

Lớp học của tôi bắt đầu vào lúc 2 giờ chiều. Cũng như mọi ngày, hôm nay tám bạn học sinh đều đến đông đủ. Mọi việc đều diễn ra bình thường như thế, chúng tôi cùng nhau học bài say sưa. Chỉ đến khi có bóng dáng chàng thanh niên gầy gò thập thò ngoài đầu ngõ thì mọi chuyện lại khác. Khi nhìn thấy anh, tôi dừng việc giảng bài lại, mấy đứa nhóc cũng xôn xao lên:

- A! Anh Tú đấy, anh Tú đấy!

- Anh Tú đến đây học với tụi mình à? Thích thế!

ADQuảng cáo

- Nhưng chị Trà có nhận anh Tú làm học sinh không vì anh lớn hơn tụi mình mà?

Đến một lúc sau, thằng An, đứa lớn nhất trong đám mới chạy lại dẫn anh chàng đó. Đi sau thằng bé, chàng thanh niên lê từng bước chân một cách khó khăn, hai vai gầy u lên, cái đầu của anh cứ nghẹo sang một bên.

- Chị Trà ơi chị cho anh Tú được vào học với bọn em nhá! Anh Tú bị chất độc da cam nên hồi xưa đi học toàn bị bạn bè chế giễu, thế là bố mẹ không cho anh ấy đi học nữa. Nhưng mà anh Tú thích được học lắm. Đúng không anh Tú?

Nó quay sang anh Tú giật giật ống tay áo anh rồi hỏi anh có thích được học với chúng tôi không? Mới đầu, anh còn e sợ, cứ nép sau lưng mấy đứa nhỏ rồi len lén nhìn tôi. Tôi im lặng một lúc để suy nghĩ, lũ trẻ cũng im lặng nhìn chằm chằm vào tôi. Không gian bỗng trở nên im lặng lạ thường khiến tôi có thể nghe những tiếng thở đều đều của chính mình. Tôi vốn đã dạy cho tám bạn học trò và bây giờ thêm một học trò nữa thì có sao đâu nhỉ? Chắc hẳn lớp chúng tôi sẽ vui hơn và anh Tú cũng vui lắm bởi vì bệnh tật mà anh không đến được trường. Thế rồi sau một hồi im lặng, tôi mỉm cười rồi gật đầu đồng ý. Mấy đứa trẻ thấy thế hét vang cả lớp học trong sự vui mừng khôn xiết. Và kể từ ngày ấy, lớp của tôi chính thức có mười thành viên.

Những ngày đầu vì chưa thân thiết với nhau như những đứa trẻ nên anh Tú vẫn còn tỏ ra e thẹn với tôi. Anh không như mấy đứa nhóc cứ mỗi lần thấy tôi mặc chiếc áo mới, kết tóc gọn gàng nữ tính là lại hò hét lên trêu tôi. Anh cũng không ham vui vào những trò trẻ thơ như ra đồng chăn trâu thả diều, ra suối câu cá nhặt sỏi trắng mà tôi rủ mọi người cũng đi sau mỗi buổi học. Ngồi trong lớp anh luôn chăm chú lắng nghe, bài tập khi nào tôi giao về anh cũng cố gắng làm tốt. Có thể nói anh là học sinh chăm ngoan nhất trong lớp dạy tình nguyện của tôi. Nhưng chỉ ngặt mỗi một điều, đó là anh Tú chỉ dùng tay trái vì một bên tay của anh bị liệt, còn tôi lại thuận tay phải nên tôi chẳng thể cầm tay anh giúp anh nắn nót viết bài. Thế là để hiểu hơn về cuộc sống cũng như là muốn giúp đỡ anh, tôi đã nhờ mấy đứa nhóc cùng đến nhà anh chơi.

Nhà anh cũng không xa nhà tôi. Đó là một căn nhà gỗ nằm trong con hẻm nhỏ, hai bên bờ tường san sát những bụi hoa dâm bụt đỏ chói. Khi bước vào trong, tôi như thấy mình đang lạc vào thế giới khác. Căn nhà nhỏ chứa biết bao huân chương và nhiều vật dụng cổ xưa của thời chiến như cái ly uống nước, chiếc mũ đội đầu. Thì ra bố anh từng là chiến sĩ đánh Mỹ để giải phóng đất nước. Sau năm bảy lăm ông mới trở về quê nhà để cưới vợ sinh con rồi cả gia đình cùng chuyển vào đây để sinh sống. Có lẽ vì từng là chiến sĩ tham gia kháng chiến nên di chứng chất độc da cam của ông đã di truyền sang anh khiến anh trở nên gầy gò và ốm yếu hơn bè bạn cùng trang lứa. Cũng từ ấy đó là nỗi mặc cảm làm anh không dám đối diện với mọi người, chỉ trừ những đứa nhóc - đám học trò của tôi.

Sau buổi đến chơi nhà hôm ấy, tôi thân thiết với anh hơn hẳn. Vài ngày, tôi lại đến nhà anh để trò chuyện với anh khi mấy đứa nhóc đi làm không đứa nào rảnh để sang chơi cùng anh. Những lúc ấy tôi lại kể cho anh nghe những câu chuyện về trường lớp, về tình bạn thuở học trò mà anh không có được. Anh cũng vậy, anh cũng hăng hái kể cho tôi nghe những câu chuyện trên chiến trường mà bố anh đã kể lại. Nếu ngày ấy bố tôi không hi sinh thì có lẽ bây giờ, tôi cũng đã được nghe kể về cuộc sống của người lính. Bởi thế nếu bây giờ cứ nhắc đến mùa thu chúng ta lại háo hức với buổi khai giảng đến trường thì đối với những người lính có lẽ họ chẳng thấy đâu mùa thu tươi đẹp vì với họ đó chỉ là một mùa của khói đạn khi sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc...

* * *

Nhiều năm sau, chúng tôi trưởng thành và có cuộc sống mới. Mấy đứa nhóc ngày xưa giờ có đứa đã lập gia đình, đứa thì tiếp tục học bổ túc rồi cố gắng thi cử và có công việc ổn định. Anh Tú cũng vậy, nhờ sự kiên trì cùng sự động viên, giúp đỡ từ mọi người mà anh đã mở một lớp học nghề giúp đỡ những người có hoàn cảnh như anh. Tất cả đều có cuộc sống tốt đẹp, viên mãn. Giờ đây, tôi cũng đã thực hiện được ước mơ ngày nào của mình và có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Mỗi dịp hè, tôi thường đưa các con đi du lịch đó đây. Năm nay, chúng tôi ra Hà Nội để thăm Lăng Bác và về quê thăm họ hàng. Hà Nội những ngày cuối hạ đã bắt đầu se lạnh, gió thu đã đong đưa hương ổi thơm ngào ngạt. Mùa thu năm nay đặc biệt hơn hẳn. Con gái lớn của tôi đã lên cấp ba còn thằng nhóc đã sắp sửa bước chân vào lớp một. Và đây là mùa thu đầu tiên mà nhóc con nhà tôi cảm nhận được không khí của ngày khai giảng đầu cấp. Thế nên để chuẩn bị cho năm học mới, tôi cùng gia đình lên xe trở về Tây Nguyên sớm hơn dự định. Bước khỏi sân bay, chúng tôi dạo chơi quanh thành phố một vòng trước khi đón taxi để về nhà. Đi bộ dưới Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột ở ngã sáu, đứa con út níu tay hỏi tôi:

- Mẹ ơi sao trên kia người ta lại khắc người và xe tăng vậy ạ?

- Đó là người chiến sĩ đó con.

- Chiến sĩ là gì hả mẹ?

- Họ là những người đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh cả mạng sống để bây giờ mọi người mới được sống hòa bình, hạnh phúc.

Tôi giải thích cho nhóc con hiểu. Thằng bé ngập ngừng suy nghĩ một lúc rồi lại hỏi:

-Thế tức là họ không được sống với bố mẹ hả mẹ? Họ có đi học như con không?

- Không con à! Ở nơi ấy, họ rất thiếu thốn, họ không được ở bên gia đình như các con. Và bây giờ cũng có rất nhiều bạn nhỏ có cuộc sống khó khăn không đến trường được. Bởi thế khi được sống trong thời bình này, khi được đi học, con phải biết trân trọng cuộc sống nhé!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ký: Viết tiếp ước mơ của mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO