Tạp bút: Thời khoai sắn mặn mòi

13/12/2018 08:55

Tác giả: Hồ Văn

ADQuảng cáo

Ảnh tư liệu

1.Thời của chúng tôi sinh ra ngấp nghé vào khoảng trước, trong và sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Nếu sinh ra trước ngày giải phóng một vài ba tháng, còn tồn tại cũng được sống trong thời bình mà không còn phải nghe, sợ tiếng súng, tiếng bom... Song, lớp người hậu sinh chúng tôi, nhất là những người sống ở vùng nông thôn, vùng khó khăn cũng trải qua, nếm đủ dư vị mặn mòi khoai sắn.

Sau ngày giải phóng gia đình tôi đi kinh tế mới vào Tây Nguyên. Nhà đông anh em, lao động chính là ba theo mô hình hợp tác xã đánh kẻng đi làm, cuối ngày về tính điểm nên không đủ lúa gạo lương thực nuôi các con đang tuổi ăn tuổi lớn. Bí quá ba cùng với mấy anh em trai đầu trong nhà đợi trời tối mang cuốc, rựa... lên giữa quả đồi cách nhà 3 km để phở đất trồng thêm khoai sắn, vì thời điểm này không cho làm ngoài tập thể. Thế là khoai sắn dồi dào hơn, có điều kiện để “gối đầu”, không còn phải thiếu đói. Hơn thập niên (1975 – 1986), chúng tôi lớn lên cùng khoai sắn làm nguồn lương thực chính, những hạt cơm ít ỏi bám dưới đáy nồi, thành nồi thì luật bất thành văn là nhường cho mấy đứa em nhỏ đang đói ăn. Thật lòng là thèm hạt cơm đến “chảy dãi” mà cũng đành gạt ít cơm còn bám vào khoai sắn nấu chung nhường cho em. Một thời gian dài sau trưởng thành không muốn nhớ đến nó là vậy, mà chỗ nào ai có thật lòng mời củ khoai, sắn thơm ngon cũng tìm cách chối “em nó”...

ADQuảng cáo

2. “Ôn cố tri tân”, nhắc lại chút chuyện cũng không phải xưa lắm để thấy đất nước, người dân ta đã thoát ra khó khăn, cùng cực một thời. Con cái chúng ta bây giờ “ăn ngon, mặc ấm” nên cũng ít biết được một thời khoai sắn đã nuôi cha ông nó lớn. Các bà, các mẹ thời gian khó “ló cái khôn”, thật sáng tạo, chỉ với sản phẩm khoai thôi đã “sáng chế” ra cả chục món làm thực phẩm. Ngoài sản phẩm dùng tươi như luộc, rế cơm, bánh nướng, mứt tết, khoai còn cắt lát ra nhiều dạng như tròn, vuông, chữ nhật, tam giác phơi khô dự trữ làm ra các loại bánh đa dạng mà chỉ có ở thời điểm ấy mới nghĩ ra được... Cũng dễ hiểu bởi ăn khoai quanh năm suốt tháng mà không sáng tạo chế biến, thay đổi thì... thánh đói cũng khó nuốt. Lương thực thì vậy, còn thực phẩm, thức ăn thì cá suối tép đồng, rau dại quanh vườn như dền, tàu bay, má, đọt khoai, sắn, bí... vậy mà lũ anh em chúng tôi lớn nhanh, chẳng bệnh tật gì nhiều !

3. Khoai lang có tên khoa học Ipomoea batatas, thuộc họ khoai nguồn gốc từ Nam Mỹ. Khoai lang du nhập vào nước ta khá lâu và được xem như loại lương thực, thực phẩm quý nhưng không hiếm, được dùng phổ biến. “Qúy” là vì các nhà khoa học tìm thấy giá trị dinh dưỡng của khoai lang phong phú: giàu tinh bột, đường, chất xơ, vitamin A dưới dạng beta-caroten và vitamin C, protein độc đáo có khả năng chống oxy hóa (antioxidant), vitamin B6, kali, sắt,… Do thành phần dinh dưỡng phong phú mà khoai lang có tác dụng rất tốt trong việc chống oxy hóa, kháng viêm công hiệu, tốt cho hệ tim mạch, ngăn chặn sự phát triển và hình thành các tế bào ung thư từ các gốc tự do.

Đời sống hiện đại khoai lang không xuất hiện thường xuyên, dân dã như xưa song cũng không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày. Khoai lang giờ có mặt trên bàn ăn đã được chế biến, cách điệu, cách tân để không những đáp ứng được vị giác ngon mà còn đẹp nữa. Song, dù gì thì thỉnh thoảng tôi vẫn cứ thích cách dân dã là luộc nồi khoai theo cách xưa, tỷ lệ nước 1/3 nồi, nấu chín rồi hong riu lửa cho cháy xém đến khi khoai phả ra mùa thơm dịu ngọt mới thôi. Bốc một củ gỡ nhẹ lớp vỏ ngoài đã bong chấm với muối đậu thêm tý đường mới cảm thấu hết vị ngon bùi ngọt của loài khoai lang dân dã mà quý trời đã ban tặng cho con người !

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạp bút: Thời khoai sắn mặn mòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO