Tạp bút: Cái trục đá tuốt lúa

11/06/2020 09:08

Tác giả: Sông Quê

ADQuảng cáo

Hẳn ai sinh ra và lớn lên trên vùng quê khu vực Bắc miền Trung đầy nắng và gió chắc có lẽ cũng không thể quên cái trục tuốt lúa (trục lúa) bằng đá ngày ấy. Ở quê tôi, chiếc trục lúa để tách những hạt lúa ra khỏi bông mỗi khi thu hoạch về.

Ảnh: Báo Dân Việt

Ngày ấy, vào mùa thu hoạch, với số lượng lúa đã đủ cho một mẻ trục thì việc trục lúa cũng bắt đầu. Các bó lúa được giũ rời theo hình vòng tròn trên một khoảng sân rộng. Để kéo chiếc trục đá này di chuyển nhằm tách hạt và bông rời nhau, người ta phải dùng bằng sức người hoặc dùng sức trâu bò để kéo. Tuy nhiên, phần lớn là dùng người để kéo bởi nếu dùng trâu bò di chuyển nhiều trên sân sẽ làm nát hạt lúa. Hình ảnh người cha lom khom đi trước kéo trục đá di chuyển, người mẹ hoặc đứa con cầm nạng gỗ đẩy theo sau sẽ không thể nào quên trong kí ức mỗi người dân làm nông nghiệp thời bấy giờ.

Nhiều nhà do neo người hoặc ban ngày đi làm quá mệt nên phải dùng trâu (bò) để kéo trục đá. Chiếc ách (còn gọi lại chão, hình vòng cung) được mắc vào u (vai) con trâu, có hai dây thừng nối đến trục đá tròn. Thông thường thì chỉ sau một vài vòng được người dẫn, con trâu đã kéo trục lúa theo quán tính cho đến khi người chủ kêu dừng để đảo rơm lúa. Lúc trở rơm lúa, người ta dùng nạng có hai chìa (thân cây tre nhỏ, một đầu được chẻ dọc khoảng bốn mươi phân rồi tách ra để trở rơm, rạ) khi xóc vào rơm lúa phải rũ nhẹ để cho lúa rơi xuống và sau đó tiếp tục lăn trục lúa.

ADQuảng cáo

Trục xong thì đến việc giũ rơm để lấy hạt. Rơm giũ xong được chia thành từng đống nhỏ để sáng mai dễ đem đi phơi. Rơm được phơi thật khô bó thành từng bòn gác lên chạn hoặc xây theo vòng tròn thành một đống cao để dự trữ nguồn thức ăn cho trâu, bò vào mùa mưa. Có những gia đình khi mùa đông về giá lạnh đem rơm lót một lớp mỏng dưới giường để nằm vừa cho êm lại vừa ấm.

Ấn tượng nhất là những buổi trục lúa vào ban đêm. Ngày ấy, nông thôn không có điện, ban ngày lại bận gặt lúa và nóng nực nên vào buổi tối, khi ánh trăng bắt đầu sáng tỏ thì người ta lại đem lúa ra để trục. Gió thoảng đưa từng đợt mát rượi, rặng tre quanh sân rì rào dưới trăng; tiếng hòn đá lăn kêu cót két, tiếng côn trùng râm ran... tạo nên âm thanh cộng hưởng vui tai. Nhiều lúc thấm mệt, người con đẩy nạng phía sau mắt như díp lại, buồn ngủ mà cứ đẩy theo quán tính. Thương con, cha động viên gắng trục thêm mẻ này rồi ta đi ngủ!

Cái trục lúa ngày trước được làm chủ yếu bằng đá xanh, lấy trên núi đá (thường gọi là lèn). Mỗi một chiếc trục đá có trọng lượng khác nhau tùy vào tảng đá dùng để đục, hoặc tùy thuộc vào sức kéo của trâu bò hay con người. Không phải ai cũng biết cách chế tạo. Hầu hết người dân bỏ tiền ra mua nguyên cái hoặc mua đá về rồi thuê thợ đục đẽo. Làm ra được chiếc trục đá đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, tốn khá nhiều thời gian. Trục đá có hình khối trụ tròn, ở hai đầu được đục hai lỗ nhỏ để gắn chốt gỗ. Chốt này được gắn với khung gỗ hình chữ nhật, sao cho khi kéo trục đá có thể lăn đi một cách dễ dàng. Khung được làm bằng các loại gỗ tốt. Khi không sử dụng, trục lúa được người dân bảo quản, cất giữ cẩn thận ở trong nhà. Đến khi lúa chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, chiếc trục đá ấy lại được mang ra lắp ráp, chỉnh sửa, lau chùi sạch sẽ để chuẩn bị cho môt mùa trục lúa mới. Thời đó, trục đá lúa từng là một “bảo bối” không thể thiếu trong mỗi gia đình làm nông nghiệp ở nông thôn, vì nó là công cụ không thể thiếu trong làm nông nghiệp lúc bấy giờ.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ ứng dụng đã tạo nên nền nông nghiệp tiên tiến hơn, năng suất cao hơn và hạn chế lao động thủ công. Máy gặp đập tuốt lúa liên hợp đã thay thế hẳn sức trâu bò và sức người vất vả. Tuy nhiên, trở về thời kỳ làm nông nghiệp thủ công ở nước ta, trục đá, cối đá giã gạo đã trở thành những nông cụ thân thiết. Trục lúa vốn là vật “vô tri, vô giác” nhưng nó lại gợi cho ta bao kỷ niệm buồn vui của một thời làm nông nghiệp vất vả, thủ công.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạp bút: Cái trục đá tuốt lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO