Tản văn: Cầu làng

22/02/2019 10:34

Tác giả: Trần Văn Lợi

ADQuảng cáo

Ảnh minh họa

Quê tôi với mạng lưới sông ngòi chằng chịt, bủa giăng tỏa ra khắp nơi như mạng nhện. Bên dòng sông đỏ lựng phù sa là những cánh đồng màu mỡ và xóm làng trù mật, bao năm yên lành dưới luỹ tre xanh. Đường dẫn lối về làng phải qua một cây cầu – cái cột mốc của làng, nơi thường tiễn người đi và đón kẻ về.

Không biết cầu có tự bao giờ, có lẽ tuổi của cây cầu bằng tuổi của làng. Theo các cụ già kể lại thì ngày trước, cầu được làm bằng gỗ; rồi sau mới chuyển sang xây bằng gạch, cũng có lan can và được trang trí hoa văn là những bông hoa sen, hoa súng hay con trâu, cánh cò… Cầu làng được xây bằng loại gạch mỏng nhưng đặc và được nung rất già từ loại đất thịt lấy ở ven sông. Những viên gạch đó kết dính bền chặt với nhau bằng loại vữa hồ trộn mật ong và bồ hóng. Chính nhờ thế mà bao năm qua, mặc dù dòng sông dưới chân cầu ngày đêm cuồn cuộn chảy và thân cầu phải gánh bao nỗi nhọc nhằn dâu bể của làng tôi, nhưng cây cầu vẫn đứng sừng sững, soi bóng xuống dòng sông, soi bóng vào ký ức của làng.

ADQuảng cáo

Cầu làng gắn bó suốt cuộc đời của mỗi con người. Thuở thiếu thời, chúng tôi thường đứng trên cầu rồi thi nhau nhảy xuống dòng sông chênh chao sóng nước. Bởi cùng sinh ra bên dòng sông nên trẻ con quê tôi, gái cũng như trai đều giỏi bơi lặn. Bên cây cầu này, chúng tôi thường mở những cuộc thi bơi, thi lặn. Rồi bám theo chân cầu, chúng tôi ngụp xuống, lâu lâu ngoi lên cùng mấy con tôm, con cá chép bằng bàn tay hay chú cua ra đen kịt… Sáng sáng, người đi làm đồng hay đi chợ đứng đợi nhau trên cầu, nói cười tíu tít khiến cây cầu tấp nập hơn bao giờ hết. Những đêm trăng thanh, mọi người lại rủ nhau ngồi kín hai bên thành cầu đón gió, gửi gắm cho nhau chuyện lúa chuyện khoai, việc làng việc ngõ. Khuya hơn một chút, cầu lại là nơi hò hẹn, tâm tình của những lứa đôi. Ngồi trên cầu nhìn xuống nước chợt thấy bóng trăng, bóng cầu và bóng người thêm huyền ảo, lung linh.

Từ cây cầu này, người làng tôi lớn khôn rồi cất bước ra đi đến những chân trời gần, chân trời xa. Biết bao cô gái làng cắp nón, ôm hoa sang làm dâu làng khác, khi qua cầu vẫn không quên soi bóng xuống dòng sông, như muốn gửi lại một thời con gái. Và cũng không nhớ đã bao lần, người làng đứng chật ních hai bên cầu, tiễn lớp lớp trai làng khoác tuổi xuân tòng quân nhập ngũ. Để bao người mẹ, người em lặng lẽ giấu nước mắt thầm đứng ngóng trông theo. Người đi xa quê nhớ từng viên gạch vỡ trên thân cầu, nhớ từng đám rêu bám loang lổ hai bên mố cầu hay bụi cỏ già rễ trùm lên những viên gạch… Mỗi lúc về làng, lòng tôi sung sướng lâng lâng khi hình ảnh đầu tiên nhìn thấy được là cây cầu làng, như được trở về với những điều thân yêu và thiêng liêng nhất của cuộc đời mình.

Cây cầu trường tồn như sức sống của làng, như tình yêu quê hương xứ sở trong trái tim của mỗi đứa con xa. Từ xưa cho đến nay, cây cầu vẫn là chứng nhân cho bao đổi thay đã và đang diễn ra ngày ngày trong cái làng bé nhỏ của tôi. 

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tản văn: Cầu làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO