Nguyễn Trọng Tạo - Nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa đã "Tạ mùa đi"

Vũ Hà| 11/01/2019 09:24

Người ham chơi" Nguyễn Trọng Tạo, là nhà thơ - nhạc sĩ tài hoa đã "Tạ mùa đi" để về với “Khúc hát sông quê” tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội hồi 19 giờ 50 phút ngày 7/1/2019.

ADQuảng cáo

Nhận được tin dữ này qua Facebook của Huyền – em gái anh Tạo và là bạn học, chỉ 30 phút sau đó, làm tôi bàng hoàng dẫu biết trước với bệnh ung thư phổi, cuộc sống của anh đang ngắn lại mỗi ngày.

Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo gặp gỡ báo chí sau đêm nhạc diễn ra tại Hà Nội, ngày 25/7/2018. Ảnh tư liệu

Mấy hôm nay trên mạng xã hội tràn ngập thông tin và bài viết về anh và sự ra đi của anh. Nhà văn Nguyễn Thụy Kha cho biết: “Suốt từ sáng 7/1, đã có nhiều bài viết trên mạng về sự ra đi của Nguyễn Trọng Tạo, trong khi Tạo vẫn đang còn nằm ở phòng cấp cứu. Có lẽ vì quá yêu thương chàng nghệ sĩ của mình mà bạn bè các nơi đều muốn quan tâm theo kiểu riêng của họ. Đủ thấy sự ra đi của Nguyễn Trọng Tạo cũng gây chấn động lớn trong giới văn nghệ cả nước”.

Nguyễn Trọng Tạo quê Diễn Châu – mảnh đất địa linh nhân kiệt của xứ Nghệ. Nơi đây, từ thuở niên thiếu, Nguyễn Trọng Tạo đã tự chế ra cây vĩ cầm, nơi đã hun đúc nên một nghệ sĩ đa tài hiếm có. Thường thấy, trong giới văn nghệ, có người được kết nạp ở “ngạch” văn, nhưng lại làm thơ hay hơn viết văn. Nhưng Nguyễn Trọng Tạo thì "cầm - kỳ - thi - họa" đủ cả và rất tài hoa. Trước hết, anh là một nhà thơ nổi tiếng, được Nhà nước vinh danh khi trao tặng “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật” năm 2006. Thơ Nguyễn Trọng Tạo đã được dịch ra nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha… Không chỉ thơ hay, nhạc của anh cũng quyến rũ và có sức lan tỏa mãnh liệt. Nhắc đến tên Nguyễn Trọng Tạo là nhớ ngay đến ca khúc Làng quan họ quê tôi và Khúc hát sông quê…

ADQuảng cáo

Nguyễn Trọng Tạo còn rất ấn tượng bởi tài vẽ bìa sách và "uống rượu giỏi". Nhưng “với anh, uống rượu đâu phải vì mê rượu, mà vì mê tình, mê nghĩa. Rượu ngon phải có bạn hiền, uống cho đến khi "đền đài ngả nghiêng say", mới thôi! Anh tâm sự "làm báo để sống, làm thơ để chết, làm nhạc, vẽ bìa sách, uống rượu là... để vui!". Tuy nói vẽ bìa sách để vui nhưng Nguyễn Trọng Tạo cũng từng có 2 giải thưởng của Bộ Văn hóa và Thông tin cho bìa sách đẹp. Nhà văn Nguyễn Thị Hạnh Loan nhận xét về anh thật tinh tường: "Trong con người Nguyễn Trọng Tạo hội tụ đủ chất của kẻ sĩ Bắc Hà, ông đồ xứ Nghệ và anh Hai Sài Gòn”…   

Là người cùng làng xã, nhưng mãi tới năm 2011 tôi mới gặp anh và gặp ngay tại thị xã Gia Nghĩa. Hôm ấy, tôi bất ngờ khi anh gọi điện thoại cho tôi. Ban đầu, thấy số điện thoại lạ, tôi hỏi: “Xin lỗi, ai gọi tôi đấy ạ?”. Bên kia đầu dây: “Anh Tạo đây, Nguyễn Trọng Tạo Khúc hát sông quê đây!”. Sau đó, vào buổi trưa tôi gặp anh tại nhà khách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Hóa ra, anh vào Tây Nguyên trong đoàn cựu chiến binh thăm chiến trường xưa. Và trước khi vào Tây Nguyên, qua bạn bè, anh lấy số điện thoại của tôi... Rồi chiều hôm ấy, anh khước từ tiệc chiêu đãi để ngồi với tôi nhâm nhi “chai rượu nút lá chuối” và món “vitamin gâu gâu” – Loại ẩm thực “quốc hồn quốc túy” theo cách nói vui của anh…

Hôm ấy trong men rượu, anh hào hứng kể chuyện văn nghệ rất tự nhiên và cuốn hút. Anh có nhắc đến bốn bài thơ về Tây Nguyên của mình ngẫu hứng trong một chuyến “lang thang” đến Tây Nguyên trước đó. Và anh đọc cho tôi nghe bốn bài thơ về “một thoáng Tây Nguyên” với giọng truyền cảm... Trong đó, “Rượu cần” là bài thơ hay nhất đã tái hiện sinh động một cuộc uống rượu ghè giữa đôi nam nữ mời nhau rất thi vị, rất Tây Nguyên mà gói gọn chỉ trong16 câu lục bát:

“Cũng liều uống rượu cùng em/bởi chưng người đẹp lại thêm rượu cần/cái ghè rượu hóa chứng nhân/chúng mình mỗi đứa một cần vít cong/một can cho má em hồng/hai can anh đã vội trồng cây si/ba can đừng bỏ anh đi/anh buồn. Ghè rượu có khi lây buồn/bốn can anh muốn chết luôn/năm can... em đã thúc dồn sáu can/đã liều chết cũng chẳng oan/bảy can anh uống. Em van anh rồi/thôi thì một can hai người/hai đôi môi khát một thời tìm nhau/chín can... rượu chẳng còn đâu/còn em hóa rượu. Cúi đầu anh say...".

Mới ngày nào gặp anh mà nay đã xa nhau rồi. Xin mượn lời nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh chia sẻ cảm xúc chắc không của riêng tôi: “Thương tiếc một người đồng đội dành cả tuổi thanh xuân cho quân đội, cho thơ, cho nhạc, cho bạn bè. Dẫu biết rằng Nguyễn Trọng Tạo mắc trọng bệnh nhưng gia đình và bạn bè vẫn xót xa thương tiếc một con người tài hoa có nhiều đóng góp cho thơ, cho nhạc, cho cuộc đời này. Mọi người sẽ không quên Tạo. Yên nghỉ Nguyễn Trọng Tạo nhé”.   

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Trọng Tạo - Nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa đã "Tạ mùa đi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO