Chú vịt mùa xuân

26/01/2018 09:54

Truyện ngắn của Bích Nhàn

ADQuảng cáo

Minh họa: Ngọc Tâm

Năm nào cũng vậy, độ chừng đầu tháng mười thì mẹ sẽ lùa vịt con từ chợ về. Chíp chíp chíp… Có chuyện làm rồi đây! (Không phải tôi). Chị Hai sẽ phải vừa đi học vừa kiêm nhiệm chức tổng chỉ huy đàn vịt mười con.

Chị Hai có năng khiếu đào trùn thiệt! Mỗi khi thấy cái thau lổn ngổn những con trùn bong nhẫy trườn lên nhau thì tôi lè lưỡi khen như vậy. Chị lườm dài rồi bảo: yên tâm, sang năm tớ sẽ truyền y bát... Tôi nghe chị tuyên bố cứng khừng như vậy thì nhăn mặt liền. Sao vịt cứ phải ăn trùn nhở? Nó ăn được cá tôm thì mình không có tiền mua. Trùn là thuốc bổ nhưng chỉ phải bỏ công thôi. Lũ vịt ngày ngày được ăn trùn là béo múp liền, chúng lớn nhanh như người ta cắm ống vào đít mà thổi vậy. Thôi, cần chi phải nói cho kĩ, chị không nói tôi cũng biết rồi. Thì năm nào chẳng vậy. Nhờ công quả của chị Hai mà chục em vịt cứ tròn lẳn. Nhà người ta mâm cao cỗ đầy, nem công chả phượng gì không biết, riêng nhà tôi tết chỉ độc nhất món thịt vịt – vậy là quá sung túc rồi.

***

Năm tôi lên lớp 5 thì công việc làm “vú em” cho đàn vịt của chị Hai được bàn giao qua tôi. Phải có hẳn một ngày chủ nhật cho chị truyền nghề. Long trọng gớm! Chị làm như mình là một tay lão luyện trong việc nuôi vịt vậy, nói vang vang bằng ngữ điệu hùng hồn của một bà chăn vịt lành nghề. Nào là khi vịt còn nhỏ thì nhờ ba làm cho cái vỉ đập ruồi. Trùn là món khoái khẩu của chúng, cực bổ, dễ tìm. Trời ơi, đừng có nói nữa, chạy đi đâu cũng không thoát nắng trời. Có cách nào cho vịt lớn mà không cần trùn không? Hỏi 1001 lần câu đó rồi á! Trùn có cắn mổ gì đâu mà sợ ? Thấy nó ngoe nguẩy, sợ quá thì lấy cuốc bâm ào xuống, chúng đứt ba đứt bốn thì lũ vịt sẽ nhào vô hốt liền. Người ta hỏi có cách nào khác mà vịt vẫn lớn không chớ không hỏi chuyện đào trùn? Chỉ còn cách biểu má đừng nuôi vịt ăn tết… Chị Hai nói rồi cười he he, tôi khóc hứt hứt khi nghĩ tới mấy con trùn dài thượt và bóng nhẫy…Chị gõ đầu, ráng làm tốt công việc của một nhũ mẫu vịt đi, tết ba má với chị lì xì khẳm túi luôn!

Rõ chán! Làm con nhà nghèo đúng mệt! Giá bây giờ có một ông bụt hiện trước mặt và hỏi “Vì sao con khóc ?” hay một lão nhà giàu nào đó hiếm muộn tới đem về nuôi cũng tốt. Mơ đi! Con nít đại học chữ to còn chưa tin những chuyện hoang đường như vậy huống chi tôi đã học đến lớp 5. Thôi, than thở chỉ tổ mệt chứ được cái gì, chăn vịt thì chăn vịt, làm gì dữ… Tôi lầm bầm trong bụng, thấy mấy con vịt trâng trẩng kêu chíp chíp trong chiếc mành tre mà bốc hỏa.

***

Khỏi cần nhờ thì ba cũng đưa tôi cái vỉ để đập ruồi. Nhà quê, chuồng bò chuồng heo gần nhà nên ruồi bay loạn xạ. Lăm lăm cây vỉ trên tay, bỏ một, hai hạt cơm xuống nền làm mồi nhử, em ruồi nào đáp xuống thì nhanh tay đập một nhát, lũ vịt con sẽ chíp chíp nhào tới giành.

Thế rồi quen mỏ. Hễ thấy cô chủ cầm cái vỉ là xấn ào theo chân, hét cũng không tránh. Lũ vịt cứ chen dưới chân mà chạy, chỉ sợ giẫm vào chúng là tương đít với má. Chưa hết đâu, có khi cô chủ mới giơ cái vỉ lên thì đã chạy lại vị trí cái vỉ sẽ rớt xuống để nhặt chiến lợi phẩm. Lũ vịt đã háu ăn, tai hại hơn là cô chủ hậu đậu cũng nôn nóng lập công nên lần đó chớp cháng nện cái vỉ xuống lưng một em vịt. Em ấy kêu chíp chíp thảm thiết, chắc là ẹo xương sống rồi. Nhìn chú vịt con khốn khổ giơ chân lên kêu cứu mà tôi mếu máo. Nào tôi có muốn làm thương tích anh bạn nhỏ. Tôi cũng thương chúng nên mới nôn nóng kiếm mồi cho, ruồi không đập lại đi đập… vịt. Bỏ chú vịt trên tay, tôi thút thít một chập thì vịt ta cũng tắt thở luôn. Thương chàng vịt con xấu số và thương cả tôi nữa, phải làm sao bây giờ, má mà biết đàn vịt bị tổn thất quân số thì đằng nào cũng nát đít.

Bình tĩnh nào! Tôi cho đàn vịt vô mành, đậy cẩn thận rồi vui vẻ vô ăn cơm, học bài, ngáy o o tới sáng, làm như chuyện tôi vừa ôm xác chú vịt đi chôn là chuyện trời không biết, đất không hay.

Tờ mờ sáng hôm đó, mới bảnh mắt ra thì má đã nhìn tôi bằng ánh mắt nhiều ẩn ý. Thấy tôi vẫn tỉnh bơ thì má không vòng vo nữa:

- Đem giấu con vịt ở đâu rồi ?

Tôi vẫn kiên quyết chạy tội, nhưng hơi run, nói lắp bắp:

- Mất một em vịt hả má? Hôm qua con lùa vào mành còn đủ chục mà…

- Liệu hồn đấy! Mất một con nào nữa thì tết mầy cũng khỏi ăn thịt luôn. Thôi, đừng đập ruồi nữa, từ nay bắt trùn đi!

Vậy là hết đường thoái thác. Đi học về là mũ áo đi bắt trùn. Vai vác cuốc, tay xách cái gàu nhôm, bên trong có nhét hai que củi dài làm đũa. Thấy tôi chết nhát, đưa que xuống mà con trùn ngọ ngoạy là đứng mếu chứ không dám gắp lên thì bác Bảy – nhà có khu vườn đầy trùn, mách nước:

ADQuảng cáo

- Sợ thì dẫn bầy vịt theo, đào đâu chúng lượm đó. Nhanh, gọn!

Ý hay! Vậy là nghe lời bác Bảy, tôi đủng đỉnh vác cuốc đi trước, đàn vịt lạch bạch chạy theo sau. Má thấy bộ dạng tôi rất chi ung dung thì dặn:

- Coi chừng mắt nhắm mắt mở, trùn không cuốc mà đi cuốc vịt là khổ!

Không để má phải lo lắng thêm về sự hậu đậu của mình, tôi “dạ” chắc mầm rồi vểnh cái mặt vừa đi vừa hát.
Tìm được ổ trùn rồi, mừng quá, tôi hí hửng cuốc. Cuốc thứ nhất văng lên mấy con trùn múp rụp, mấy em vịt cắm đầu rúc. “Bập”, nhát thứ hai thì lưỡi cuốc vào chân em vịt mập nhất đàn. Nàng vịt nằm bài hải dưới đất, kêu quạc quạc khản tiếng. Trời ơi, máu chảy nhiều quá, tôi hoảng hốt quẳng cuốc, chạy tới ôm em vịt trọng thương rũ rượi đi về. Trước là chịu tội với má, sau lo chữa chạy cho nàng vịt tội nghiệp.

Chị Hai lêu lêu bảo, nhìn tôi còn thảm gấp mười lần con vịt bị què. Trời đất, đi làm chuyện má giao đi, người nào việc ấy, người ta chẳng còn tâm trí đâu mà đùa với giỡn. Tôi hỏi thăm bác Bảy rồi sát trùng vết thương, hái lá bó chân em vịt lại. Nói chung, tôi chăm sóc cho nàng vịt què còn kĩ hơn chăm sóc cho tôi cái lần bị đứt tay rất sâu vì lấy phải cái dao bén ra cứa mía, mía không cứa mà cắm đầu cứa mạnh vào ngón tay. Trời không phụ lòng người, cái chân con vịt đã lành, có điều nàng đi còn vụng, chưa duyên dáng được như hồi lành lặn.

Không sao, hết bệnh là mừng rồi. Nàng vịt khỏe mạnh thì tôi thân thiết với nàng hơn xưa. Có đồ ăn ngon tôi đều để phần riêng cho nàng. Nàng ta thông minh lạ, học cái gì cũng nhanh. Tới nhà bác Bảy, tôi bảo chào thì nàng ta khom cái đầu xuống sát đất, bảo chạy vòng tròn thì nàng ta cũng lạch bạch đi một vòng. Tôi và cả bác Bảy đều mến nàng.

***

Hai tám Tết, bầy vịt chín con sởn sơ má cột chân lại thành 4 cặp đem ra chợ. Thấy tôi rề rà bên mấy con vịt, mặt buồn xo thì má “hét”:

- Làm gì mà buồn, bán vịt chớ bán mầy hả ?

- Còn con vịt bị thương má tính sao ?

- Làm thịt cúng Tất niên chớ sao trăng gì!

- Nhưng nó là bạn con…

- Bạn bè gì với một con vịt, đừng có nhiễu sự, tết nhứt tới nơi rồi kìa…

- Tha cho nó đi má… - tôi năn nỉ bằng khuôn mặt bi thiết.

- Chỉ là con vịt thôi mà! – chị Hai bồi vào một cách vô tâm. Tôi bức xúc hét:

- Nhưng nó là con vịt đặc biệt… Tết này con ăn mắm cũng được!

Tôi đứng khóc nức nở thì bác Bảy bê cái rổ đi vào sân. Bác bảo con gái ở phố về mua cho nhiều thịt quá, bà già ăn thịt một mình cũng mất ngon nên đem qua chia nhau ăn tết cho vui. Bác Bảy đặt rổ thịt vào tay mẹ rồi nói thêm: - Con vịt khôn lắm, để nó lại làm bạn với bác cháu tui – bác nói rồi kéo tôi và con vịt lại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú vịt mùa xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO