Truyện ngắn: Út

Nguyễn Thị Bích Nhàn| 01/12/2017 09:19

Nhà nghèo, con đông, Út thiệt thòi từ lúc còn nằm trong bụng. Em tượng hình đúng vào năm quê bị hạn hán, nạn đói kéo dài vì vỡ đập chứa nước Đồng Cam. Má có bầu đứa con thứ mười khi đã bốn mươi tám tuổi. “Hồi đó làm gì có khái niệm kế hoạch. Đẻ tới chừng nào hết đẻ được thì thôi… Mà công nhận má cũng mắn đẻ thiệt…” – Má vừa cười vừa nói.

ADQuảng cáo

Minh họa: Ngọc Tâm

Bốn mươi tám tuổi, người đàn bà lực điền đã chẳng thể “mẹ tròn con vuông” khi bầu bí nhưng ăn uống kham khổ, củ ráy, rau rác qua ngày. Má có chửa nhưng xanh xao, em tôi sinh ra nhợt nhạt (đẻ non), nhỏ xíu như chú mèo con mắc mưa. Mới lọt lòng đã phải gánh chịu nạn đói. Má bảo, bầu sữa căng tròn của má mấy anh chị “chui” ra trước giành rúc hết, tới Út thì chỉ còn vú da nên em bú mãi chẳng no, khóc quấy suốt đêm, má phải xay bột đậu nành cho em uống. Tội nghiệp, mới tròn tháng má phải nhai cơm với muối hầm đút em. Má bảo thương lắm, đút bao nhiêu là tém nuốt bấy nhiêu, no bụng rồi thì lăn ra ngủ. Đấy cũng là lí do má gọi em là Đẹt. Khi em đi học, mấy nhỏ trêu dữ quá nên chị em tôi quyết định gọi Út. Em nghe má kể thì cười hi hi nói, ăn cơm với muối hầm nhiều quá nên mới đẹt lét nè…

Câu chuyện này là má kể, vì ngày em chào đời, tôi còn quá nhỏ để nhớ. (Tôi lớn hơn Út có một tuổi). Nhưng có một chuyện mà tôi nhớ mãi, đó là cái chén bằng gáo dừa của Út. Hồi đó nghèo lắm, chỉ mấy sào ruộng với hai con bò cái lại phải nuôi một bầy con nheo nhóc vừa ăn vừa học nên má chi tiêu dè sẻn từng cắc một, mọi thứ đều ưu tiên cho chiến dịch các con có cơm ăn và được đến trường… Út còn nhỏ xíu nhưng thích làm người lớn, một hai đòi tự bưng chén ăn như anh chị. Má sợ Út còn yếu tay mà chén đất thì nặng, lỡ làm rơi sẽ vỡ nên lấy vỏ của trái dừa khô cưa đôi, cạo sạch, mài nhẵn làm chén cho em. Có chén riêng, Út mừng lắm, bo bo giữ. Chị em tôi thấy vậy thì ấm ức cho em, tới bữa cơm cố tình không dọn ra cái chén dừa. Nhưng hễ đặt mâm chén xuống thì Út nhào lại tìm cái chén dừa, không có thì... khóc. Thương lắm, tài sản tuổi thơ mà Út khư khư giữ lại là cái chén dừa.

Ngoài việc lén giấu cái chén bằng vỏ dừa để em khóc, tôi mang tiếng làm chị nhưng chẳng làm được gì cho Út. Nói ra có phần xấu hổ, tôi trước giờ vẫn nhờ em nhiều hơn là bảo bọc, đỡ đần em.

Hồi còn học tiểu học, tôi trên Út một lớp. Tôi đi học rất nhút nhát, bị bạn trong lớp bắt nạt hoài. Bữa đó, giữa sân trường, trong giờ ra chơi nhưng tôi đứng khóc hu hu, đưa tay quẹt nước mắt lia lịa. Út chạy lại hỏi có chuyện gì, tôi mếu máo kể với em chuyện có bạn nào đó đã lục cặp, lấy bút, thước và sợi dây thun nên giờ không có dây để nhảy. Út đanh mặt, nói với tôi y như một bà chị nói với đứa em hay khóc nhè: đừng khóc nữa, rửa mặt đi rồi vô lớp học. Vào cuối buổi học, Út tôi đi thẳng vào lớp, thưa cô cái vụ tôi bị lục cặp… Mấy đứa trong lớp lêu lêu tôi, bà chị khóc nhè, bảo đổi làm em cho Út bảo vệ…

ADQuảng cáo

Tôi vào đại học thì Út học 12 (em học tầm khá nhưng thi tuyển lớp 10 rớt nên phải học bán công). Nhà nghèo, anh chị học nghề, tôi xa nhà học chữ, Út lại học bán công nên khó càng thêm khó. Tội, Út đạp trên con xe cà tàng vượt 20 km để đến trường. Tôn chỉ của má là được đi học đã may, đừng mơ đến khoản cóc, ổi bánh kẹo ở trường, buổi sáng ăn cơm nguội đi học cho chắc bụng. Học xong 12, Út dù có thi đậu đại học thì má cũng bảo học trung cấp cho gần nhà, đỡ tốn. Chị học, em học, má không kham nổi… Út có buồn một chút nhưng không lấy đó làm nỗi muộn phiền, em rất thiện chí chấp nhận từ bỏ ước mơ trở thành nhà tâm lí học.

Tôi đi làm, tháng lương đầu tiên không sắm được cho em đôi giày mới như đã hứa vì còn mắc lo cho em của người yêu chuẩn bị vào đại học. Giờ nghĩ lại tôi giận mình ghê gớm. Là đứa con duy nhất trong nhà có nghề nghiệp, lương lậu, nói chung, tôi là niềm hãnh diện của gia đình vậy mà ra trường đi dạy, tôi chưa kịp đem về dúi vào tay má một đồng tiền nào, chưa kịp mua sắm gì cho em từ lương cô giáo thì đã nôn nao theo chàng về dinh…. Khi tôi lấy chồng thì nhà tôi vẫn còn túng bấn, anh chị học nghề xong cũng chẳng có đất dụng võ, Út học trung cấp ra trường chưa xin được việc. Trong tình cảnh ấy, Út đi làm công nhân nhà máy giày tận trong Sài Gòn, hàng tháng trích lương gửi tiền về cho má.

Tôi lấy chồng, sinh con rồi bệnh nặng. Vợ chồng lâm vào cảnh khốn đốn vì đồng lương công chức eo hẹp, trước giờ làm tháng nào tiêu hết tháng nấy. Nằm viện nhiều tháng, tôi bị cắt lương, lương cơ bản cộng với sự hỗ trợ từ phía bảo hiểm thì như muối bỏ bể. Phần trả lãi ngân hàng, phần con nhỏ cần sữa, phần viện phí, thuốc thang, bồi bổ… Ba mẹ nghèo, anh chị em đều nghèo, chỉ vợ chồng tôi có lương thì mặt mũi nào mà hỏi mượn tiền. Ngày đầu nhập viện thành phố, Út chạy vào với chị liền và không quên nhét dưới gối xấp phong bì rồi bảo chị cứ lấy mà lo thuốc thang. Sau này ra viện, tôi mới biết Út bán chiếc xe Wave S mà em đã dành dụm tiền lương công nhân hai năm mới sắm được.

Rồi tôi lại tái khám, chồng không thể nghỉ việc ở cơ quan nên má phải xuống viện chăm tôi. Anh chị đã thành gia thất hết, người nào cũng con cái nheo nhóc nên tôi không thể gửi con trai. Rốt cuộc, tôi đành tính đường phải nhờ Út về ở nhà tôi để trông cháu. Thật khó để mở lời nhưng cũng phải nói. Thấy chị bối rối cậy nhờ với tâm thế ủy thác, ban đầu Út có chút đắn đo, lưỡng lự nhưng rồi cũng nhận lời.

Khi tôi bình phục hoàn toàn thì Út lấy chồng. Ngày em đứng trước bàn thờ tổ tiên, tôi lại cầm tay: “Chị đang kẹt, không có quà cưới, đợi khi nào có… sẽ bù sớt!”. Đợi… đợi… đợi…và bé Út đã không có quà của tôi vì sau khi em lấy chồng, đó cũng là lúc tôi trở thành bị đơn của một vụ li hôn, tháng nào em cũng đưa tiền phụ nuôi cháu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Út
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO