Truyện ngắn: Tiếng ru từ lồng ngực

Kỳ Quân| 01/06/2017 08:43

Này, mấy bà biết chuyện gì chưa? Hải nhập viện cấp cứu rồi. Nghe nói nặng lắm!

ADQuảng cáo

- Thằng Hải chồng con Thảo nhôm nhựa đó hả?

- Thì bà nói còn Hải nào nữa?

- Biết mà, đã bảo đừng lấy nó rồi mà, gò má cao ngất ngưởng thế thì thằng nào thọ nổi.

- Kì này thằng Hải chết chắc.

….

Đó là những câu cửa miệng mà người dân xóm núi này dành cho Thảo từ khi chồng của cô nhập viện. Những câu nói ấy cứ trở đi trở lại từ nhà ra ngõ, từ đầu đường ra đến cái chợ xổm đầu làng. Thôi thì đủ cả, đôi khi có vài bà tỏ ra vẻ bí mật ngó trước ngó sau rồi mới thì thầm to nhỏ. Những câu nói đó dù vô tình hay có ai đó nói lại thì cũng  đến tai Thảo, cô nghe thấy hết, cô tê dại trước những trận đòn ngôn từ khủng khiếp đấy, nó cào xé tâm can cô. Nó trở thành một thứ vũ khí lợi hại có thể tạo nên những vết thương chẳng thể lành, chẳng thể hóa sẹo, cứ âm ỉ và rỉ máu mãi thôi. Nó làm cho Thảo cảm thấy mình là một người có tội, tội tày trời.

Từ khi vừa biết soi gương, Thảo cũng đã ý thức được rằng mình là một sơn nữ xinh đẹp. Nhưng Thảo cũng lờ mờ nhận ra những lời nói xầm xì dù kín đáo cũng đủ đến tai cô rằng “Gò má cao là mang tướng sát phu, thằng nào lấy phải nó rồi sẽ chết yểu thôi”. Thảo không tin, ngàn lần không tin vì cô thấy mình lương thiện. Mười tám tuổi, có anh chàng quân nhân si mê Thảo. Bất chấp sự ngăn cản của cha mẹ, anh thề sống chết với tình yêu của mình. Nhìn cảnh đôi vợ chồng trẻ líu ríu bên nhau tình tứ sớm chiều, người ta bảo Thảo và Cường là một đôi trời sinh, rằng họ thật hạnh phúc. Nhưng những lời khen tặng ấy chưa đủ để xóa tan cái định kiến ngày xưa về tướng mạo của Thảo thì tai họa đã ập xuống. Thảo đã phải đội khăn tang khi đang bụng mang dạ chửa. Chồng cô đã hy sinh trong một lần cùng đồng đội đi cứu dân trong một cơn lũ quét. Mất chồng, tiếng dữ đồn xa. Cô là con đàn bà có tướng giết chồng. Bà mẹ chồng đã nói thẳng thừng là Thảo có tướng “hình phu hại tử”. Thảo sinh con chưa được bao lâu thì bà van xin cô hãy rời xa đứa cháu nội vì bà sợ cháu bà cũng sẽ yểu mệnh giống bố khi ở bên mẹ. Thảo không dám ở bên con nữa. Cô ôm đứa con vào lòng, hôn nó trong nước mắt. Thằng bé khóc ré lên như nó hiểu được một điều gì đó thật khủng khiếp xảy ra đối với cuộc đời của nó. Thảo chạy ào ra khỏi nhà chồng trong một cơn giông đầu hạ. Gió, mưa mịt mù như quấn lấy tấm thân tiều tụy của cô, quật cho cô những trận đòn tơi tả.

Thảo theo những người cùng quê vào tận Tây Nguyên làm mướn hái cà phê. Cô làm việc cật lực để cho đầu óc chẳng còn khoảng trống để mà suy nghĩ nữa. Để sau một ngày mệt nhoài, đặt lưng xuống là có thể ngủ ngay, ngủ như một bản năng khi cái thân vốn tiều tụy của mình đã rã rời sau một ngày vất vả. Hai năm phiêu bạt nơi đất khách quê người, những tưởng trái tim đã đóng băng nhưng rồi Thảo lại yêu. Đôi lúc, cô cũng không định hình được đó có phải là tình yêu hay không, cô chỉ thấy mình cần một nơi để nương tựa. Tâm lại sẵn bờ vai mỗi khi cô cần đến, cô cũng bị thuyết phục bởi sự kiên trì theo đuổi của anh. Họ trở thành vợ chồng. Một buổi trưa, Thảo đi chợ về, gọi mãi không thấy chồng đâu, mắt cô tối lại, toàn thân run rẩy. Cảm giác lo sợ một điều gì đó chẳng lành xảy ra với chồng xâm chiếm tâm can Thảo. Cố lần đến chỗ hai vợ chồng vẫn thường ngủ, một tờ giấy Tâm kẹp dưới gối với vỏn vẹn bốn chữ  “đừng tìm tôi nữa”. Thảo khuỵu xuống đau đớn. Anh ta đến và đi chóng vánh quá!

ADQuảng cáo

Đêm, đêm của đại ngàn hoang vắng, tiếng hát của những người làm mướn ở cái chòi bên cạnh lại vang lên. Cứ mỗi tối có trăng thì họ lại tụ tập với nhau lấy chai rượu và một ít thức ăn hay vài thứ quả gì đó làm mồi, tạo nên một bàn nhậu, để tâm tình, để hát lên cho đỡ nhớ nhà nhớ quê. Còn lại trong chòi một mình, Thảo nghe những âm thanh đó rõ lắm. Tiếng hát của những người cùng quê cứ nhè nhẹ lan xa, hòa quyện vào mùi hương ngan ngát của thảm dã quỳ bên bờ đám cà phê phía trước. Thảo hít hà hơi như cố gắng lần tìm mùi của dã quỳ trong gió thoảng. Mùi hương ấy hôm nay tự nhiên lại khiến cô nhớ quê nhà.

Thế là Thảo lại khăn gói về quê. Với một chiếc xe đạp cũ Thảo đi khắp hang cùng ngõ hẻm thu mua đồng nát  đem về bán lại để kiếm sống. Cứ mỗi lần đạp xe qua nhà trẻ trường học hay nhìn thấy cảnh nhà ai đó đang sum vầy hạnh phúc là cô lại gồng mình lên đạp xe cật lực phóng như bị ma đuổi. Cô sợ nhìn thấy cảnh đó cũng như sợ miệng lưỡi thế gian. Thảo ghét hình ảnh những cuộc nhậu bù khú của những gã đàn ông rỗi hơi, vô vị, rượu vào lời ra, chẳng lời nào là tốt đẹp cả. Cô còn ghét hơn những người đàn bà với cuộc sống cũng chẳng hơn gì mình. Cũng lam lũ, cũng bị những định kiến xã hội làm ảnh hưởng, cũng khổ sở, đau đớn bởi những lời nói vô tâm của đồng loại khi chạm vào nỗi đau riêng nhưng lại khéo ngậm đắng nuốt cục khổ sở ấy lặn vào trong, chịu đựng một thứ đòn âm càng ngấm càng đau. Rồi cũng cái miệng vừa méo mó cố ngậm đắng nuốt cay ấy ngay sau đó định thần lại, tỏ ra mạnh mẽ cố tạo ra những lời cay nghiệt ném vào người khác để họ cũng đau giống mình cho hả. Những yêu thương và sự cảm thông cho đồng loại chẳng còn. Họ cố gắng làm được mỗi việc biến ngôn từ thành thứ vũ khí lợi hại nhất để đả thương người khác như họ đã từng bị thương. Những thứ vũ khí như thế được sản xuất hàng ngày, theo con người từ nhà ra ngõ, từ nhà này sang nhà khác, từ nơi này sang nơi khác, nó cứ bám riết lấy Thảo, nó làm Thảo sợ.

 …

Những người hàng xóm phẫn nộ, lên án Quý- người đàn bà tham phú phụ bần, bỏ lại Hải đang lúc bệnh tật cùng với đứa con gái chưa đầy bảy tuổi trong căn nhà tồi tàn, rồi họ bảo Hải  nghèo khổ, bệnh tật thế lại may mắn vì gặp được Thảo. Họ thấy căn nhà của anh được dọn dẹp, sửa sang lại gọn gàng, tinh tươm hơn. Tiếng cười đã trở lại trong căn nhà này sau hai năm vắng bóng. Thảo  trở thành “bà chủ” đồng nát, cô chỉ việc ngồi nhà thu mua của những người khác, sau đó phân loại để đấy, chất đầy trước sân. Khi nào đủ xe lớn sẽ có người đến chở đi. Thế là Thảo có thể ở nhà vừa buôn bán vừa chăm lo cho cha con Hải. Sức khỏe của Hải dần hồi phục, cô con gái được chăm bẵm bởi bàn tay của người đàn bà phải sống xa con nên dành hết tình yêu thương cho nó. Linh- tên cô bé là Linh, nó  yêu quý Thảo như một người mẹ, nó gọi cô là mẹ.

Thế mà, cũng chính những người từng khen Thảo lại đang lên án cô.  Tại vì cô nên chồng cô mới phải vào viện cấp cứu và mười mươi chỉ có đường chết. Các bác sĩ bảo Hải bị suy thận nặng, phải có thận thay thế thì mới mong cứu  được. Vừa từ nhà hàng xóm về, cô bé đã sà vào lòng mẹ khóc nức nở: “Mẹ ơi, người ta bảo ba con sẽ chết vì mẹ có tướng giết chồng, ba sẽ không chết phải không mẹ? Người ta còn bảo ba chết thì con sẽ phải ở với mẹ, mẹ là dì ghẻ, mẹ sẽ không thương con. Không đúng phải không mẹ, mẹ thương ba và con lắm mà?”. Người Thảo lạnh toát, run lên bần bật, lời nói ngây thơ của con bé như hàng vạn mũi kim xuyên vào tâm can cô, nhói buốt đến nghẹt thở. Cô trấn tĩnh mình, ôm chặt lấy cô bé, hôn lên tóc nó vỗ về “Con yên tâm, ba Hải sẽ khỏe, sẽ trở về với con, chắc chắn như vậy.”.

Đêm ấy, Thảo ôm con ngủ, Thảo hát ru nó bài hát mà ngày xưa cô thường ru cậu con trai bé bỏng của mình. Tiếng ru cũng có lúc ngan ngát mùi hương dã quỳ, với tiếng thông vi vu trên đại ngàn Tây Nguyên. Nhịp điệu có vẻ rộn ràng, dồn dập hơn bởi cái điệp khúc giữa bài nhưng nghe ra cũng nhiều cay đắng. Tiếng ru lại trở về những cung bậc dìu dặt trầm lắng, không còn run rẩy, cay đắng mà nhẹ nhàng, bình thản, êm ái, chứa chan ân tình của một người vợ với chồng, cũng là tấm lòng của một người mẹ với hai đứa con yêu cứ vang xa, vang xa mãi… Thảo đã quyết. Cô chìm vào giấc ngủ với nụ cười trên môi. Cô cần phải ngủ ngon cho chuyến trở lại bệnh viện ngày mai.

Chiều, Linh được bà nội dẫn vào viện thăm ba mẹ. Vừa ghé thăm ba xong Linh lại lon ton theo bà sang phòng bệnh của mẹ. Bà ra hiệu cho Linh bước nhẹ nhàng hơn vì thấy mẹ cô bé đang ngủ. Trông Thảo tiều tụy lắm, làn môi nhợt nhạt, trên khóe mắt còn đọng lại giọt nước mắt. Bà khẽ rút tấm ảnh khỏi tay Thảo, đó là hình của một cậu bé trạc năm sáu tuổi đang chơi trong sân với một người đàn bà lớn tuổi. Bức ảnh được chụp khá xa nên trông không được rõ lắm, phía sau bức ảnh là dòng địa chỉ nhà ở.  Nhìn nó, bà hiểu được nỗi đau của cô con dâu của mình. Như sực nhớ ra một việc gì đó bà cần phải làm gấp. Phải, bà cần làm điều gì đó cho cô con dâu đáng thương của bà. Kéo nhẹ tấm chăn đắp lên cho Thảo, bà đứng dậy bỏ tấm ảnh vào cái túi xách cũ kĩ, quay sang dặn đứa cháu vài câu gì đó rồi vội vàng ra khỏi phòng bệnh. Phía sau lưng bà những tia nắng chiều len lỏi hắt qua ô cửa kính vào tận giường Thảo nằm, nắng chiều nhưng vẫn ấm áp làm sao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Tiếng ru từ lồng ngực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO