Truyện ngắn: Sự ăn năn muộn màng

Tô Phục Hưng| 11/08/2016 08:30

Tháng Bảy, mùa Vu Lan.

ADQuảng cáo

Tiếng chuông chùa cứ thong thả ngân lên trong khoảng không gian sâu lắng. Mùi nhang trầm lan tỏa khắp chánh điện. Những nén hương cứ cháy rực lên tạo những khoảng sáng đo đỏ. Dòng người đến chùa ngày mỗi đông. Rằm tháng Bảy mà, ai cũng muốn tới đây để cầu nguyện cho gia đình, người thân nhất là những đấng sinh thành để tỏ lòng hiếu thảo.

Giữa sự ồn ào huyên náo của người qua lại đến cúng dường, Liêm bất chợt nhìn thấy một người con gái tuổi đời còn rất trẻ, khoác áo lam ngồi xếp bằng lặng yên với đôi mắt vô hồn đăm đăm nhìn vào quyển kinh đang đặt trên chiếc ghế nhỏ trước mặt. Dù rất kiềm chế nhưng nuớc mắt cứ tuôn rơi trên khuôn mặt thẫn thờ.

- Chắc con có chuyện buồn lắm phải hôn? Cố gắng lên. Rồi mọi chuyện sẽ qua đi. Liêm ngồi xuống bên cạnh động viên, an ủi.

- Con nhớ mẹ con quá chú ơi ! Mẹ con chết mà con chưa kịp nhìn mặt. Con là đứa bất hiếu. Mẹ con chắc giận con lắm chú ơi. Nói đến đó cô gái khóc òa lên. Bờ vai cô cứ rung lên kèm theo những tiếng nấc thật dồn dập, khổ sở. Những giọt nước mắt ăn năn cứ nối nhau rơi xuống làm ướt đẫm quyển kinh tạo những khoảng xam xám, loang lổ.

Liêm hiểu, có lẽ em đang nhớ mẹ cồn cào trong giây phút nao lòng rằm tháng Bảy, khi mọi người xung quanh đều cài lên ngực mình một bông hồng. Sự cảm thông làm Liêm cũng lâng lâng niềm xúc động vô chừng.

Trong nỗi ân hận muộn màng, Liên – cô gái ấy – chậm rãi kể về cuộc đời bất hạnh, sóng gió của mình. Ba Liên mất khi cô vừa sáu tuổi sau một cơn đột qụy bất ngờ. Vậy là bao nhiêu lo toan, khó nhọc chất chồng lên đôi vai người phụ nữ trẻ. Một chữ bẻ đôi không biết nhưng tình yêu thương dành cho con thật vô bến, vô bờ. Làm nghề buôn bán ve chai, bà đã rong ruổi trên khắp các nẻo đường thành phố trong cái nắng chang chang, nóng đến cháy thịt, da hay dầm mình trong cơn mưa tầm tã lạnh đến xanh môi tím mặt. Mặc gió, mưa, bão, lũ, bà vẫn đi tìm những đồng tiền nhỏ nhoi đầy nước mắt để lo toan cho cái ăn, cái mặc của đứa con gái bất hạnh mồ côi ba. Hôm nào có lời kha khá bà mua cho con những ổ bánh mì kẹp thịt thơm phức hay những chai dầu gội đầu, những chai sữa tắm những mong con mình luôn trắng da, dài tóc không thua sút bạn bè khi tới trường, tới lớp.

Có lần thấy mẹ mặc chiếc áo rách vai đã được khâu vá nhiều lần, Liên xót từng khúc ruột.

- Mẹ à. Mẹ đừng mua gì cho con nữa. Mẹ xem kìa áo quần mẹ rách hết rồi. Mẹ cũng cần mua vài bộ để mặc. Chớ như vầy… Nói đến đó Liên im lặng vì bắt gặp đôi mắt trầm buồn nhưng độ lượng bao dung của mẹ.

- Có gì đâu con. Áo quần mẹ tuy cũ nhưng còn mặc được. Không sao đâu. Quan trọng là con gái mẹ thật đẹp, học giỏi, hiếu thảo là mẹ vui rồi. Bà vừa nói vừa xoa xoa đầu Liên bằng bàn tay chai sần đen đúa bởi tháng ngày lao động mưu sinh trên khắp nẻo đường thành phố.

Bệnh. Bà cố vượt qua bằng sức lực còn lại của đời mình, mà không mua thuốc uống vì sợ tốn tiền. Dép đứt quai, bà cố vá víu bằng dây kẽm, dây ni lông. Bà vừa là người mẹ, vừa là người cha của đứa con gái nhỏ nhoi, hiếu thảo. Bà muốn bù đắp sự mất mát cho con sự trống vắng tình thương của người đàn ông trong gia đình này.

Mỗi ngày bà đều dành thời gian vào buổi chiều để chính tay mình gội đầu cho con trong niềm hạnh phúc vô biên. Mẹ cười, con cười. Tiếng cười giòn tan trong ngôi nhà lá trống trước, hụt sau nhưng ấm áp biết bao. Nhiều đêm trong cái mùng cũ mèm xin xỉn được khâu vá hàng chục miếng vải vụn, hai mẹ con nằm ôm nhau tâm sự trong tiếng mưa rơi qua mái lá, trong tiếng bìm bịp kêu con rạch nhỏ cạnh nhà.

- Nhất định lớn lên con sẽ không lấy chồng đâu. Liên nói vui.

- Đừng nói bậy nói bạ không nên. Gái lớn lên thì phải có chồng, có con với người ta chớ.

ADQuảng cáo

- Con có chồng rồi ai lo cho mẹ. Mẹ khổ vì con nhiều quá rồi. Ba mất, mình mẹ khổ sở lo toan đủ điều hết. Mẹ xem kìa tóc mẹ bạc quá chừng. Tối về mẹ ho sù sụ. Con lo cho mẹ quá.

- Đã làm mẹ thì “chiện” nuôi con có gì là lạ.

Hàng đêm mẹ lại kể cho Liên nghe rất nhiều câu chuyện đời xưa về lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tình mẫu tử thiêng liêng đến khi em ngủ say trong vòng tay của mẹ. Buổi sáng mỗi khi thức giấc, bao giờ cũng vậy, Liên đã thấy một ổ bánh mì chả lụa hay một gói xôi vò đậu xanh – món ăn mà cô rất thích – được mẹ để cẩn thận trên chiếc bàn học. Mẹ đi từ sớm, rất nhẹ nhàng vì chỉ sợ làm con mình thức giấc. Nhiều lần em bật khóc vì sự lo toan của mẹ.

Vậy mà Liên đã rẽ cuộc đời một cách bất ngờ. Từ một cô gái ngoan hiền, hiếu thảo, học hành chăm chỉ, Liên bắt đầu sa sút học tập vì chạy theo chúng bạn với những thú vui vô bổ, tốn tiền, tốn sức. Em bắt đầu nói dối mẹ mình để vòi tiền đua đòi cùng chúng bạn. Nào là tiền học thêm, tiền mua sách vở, tiền gây quỹ cho lớp, cho trường… Tiền Liên xin mẹ ngày càng nhiều hơn. Đâu chỉ có vậy, cứ mỗi lần mẹ nhỏ nhẹ nhắc nhở chuyện học hành thì y như rằng em lại giẫy nẩy lên rồi khóc lu loa và chỉ dừng lại khi bà nín lặng với đôi mắt tuyệt vọng, khổ đau. Đã vậy nhiều lần Liên còn quát nạt, trả lời với mẹ rất hỗn hào đến nỗi bà đã không cầm được nước mắt.

- Liên à, dạo này con học hành sao mà cô giáo tới nhà nhắc nhở mẹ cần coi chừng con nhiều hơn vậy? Bà từ tốn nói khẽ như sợ hàng xóm nghe được câu chuyện.

- Con lớn rồi. Chuyện con làm con biết. “Bả” ghét tụi con nên nói “oan” cho con. Mà chuyện này mắc mớ gì tới mẹ ? Mẹ lo chuyện của mẹ kia kìa.

- Liên. Sao con ăn nói với mẹ như vậy ? Con biết con nói vậy làm mẹ buồn lắm không ?

- Thì có sao con nói vậy. Có gì mà buồn. Mẹ sao “cổ lỗ sĩ” quá. Vừa nói Liên vừa xách chiếc cặp ngoe nguẩy bước ra khỏi nhà. Ngoài đó, cả đám choai choai tóc đỏ, tóc vàng ngồi trên những chiếc xe hon đa đắt tiền hút thuốc phì phà. Liên bước lên xe, cả bọn nẹt pô ầm ầm rồi phóng vút đi như tên bắn để lại phía sau những vệt khói mờ mờ như cuộc đời của Liên bắt đầu từ đây.

Rồi một ngày Liên không về nhà sau buổi tan trường. Em bỏ nhà đi theo chúng bạn tìm vui ở tận Sài Gòn. Cái tuổi 16 quá thơ ngây đã không níu kéo, giữ gìn được sự trong trắng của đời con gái khi Liên theo chúng bạn đua đòi, ăn chơi… Liên làm mẹ khi còn quá trẻ và đã không giữ được giọt máu của mình. Lần này mẹ Liên dang tay cưu mang, che chở cho Liên trong nghịch cảnh đớn đau…

Sau vấp ngã này, tưởng Liên hối cải ở nhà với mẹ. Nhưng không, một lần nữa em lại bỏ nhà ra đi tìm hạnh phúc mới một cách vô định. Bà hớt hải tìm kiếm khắp nơi nhưng bặt vô âm tính. Nghe lũ bạn con mình nói nó đã đi Sài Gòn nhưng bà biết đâu mà tìm. Mà muốn tìm bà cũng chẳng có tiền đâu để đi. Vậy là bà nước mắt ngắn dài, mỗi ngày ngồi trước cửa nhà trông con hóa đá.

Sau hai năm lưu lạc nơi chốn đô thành, Liên trở về quê với niềm tin cuối cùng là mẹ sẽ không nỡ bỏ em.

Nhưng tất cả đã muộn màng. Ngôi nhà lá còn đó nhưng vắng tanh. Chỉ còn tấm ảnh hai mẹ con chụp chung nhân sinh nhật lần thứ 15 của Liên được đặt trên chiếc bàn học của cô năm nào. Nghe hàng xóm kể lại, mẹ em đã mất chỉ sau vài tháng em bỏ bà ra đi biền biệt. Mất trong nỗi chờ đợi tuyệt vọng, đớn đau. Em chạy ra nghĩa trang trong chiều mưa lạnh, ôm lấy nấm mộ xanh cỏ mà gào thét, van lơn xin bà tha thứ lỗi lầm.

Giờ đây, em đã cai nghiện ma túy thành công từ hình ảnh mẹ cứ quanh quẩn đâu đây, từ sự ăn năn của một đứa con bất hiếu, vong ơn. Và mỗi ngày sau giờ đi làm ở một công ty, em lại đến chùa cầu nguyện, sám hối. Em nghĩ ở thế giới bên kia, nghe được những lời kinh sám hối em đọc tự đáy lòng, chắc mẹ sẽ thứ tha cho em, bởi mẹ bao giờ cũng là mẹ.

Tiếng chuông chùa mùa Vu Lan lại thong thả ngân xa…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Sự ăn năn muộn màng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO