Truyện ngắn: Ông Năm Đợi

Thanh Liêm| 23/01/2015 09:40

Ngày nào cũng vậy, nằm trên hai chiếc võng dù treo trên nhánh cây xoài tứ quý cạnh nhà, ông Năm ôm khư khư cái radiô Liên Xô cũ kỹ để lặng người nghe đọc những thông tin đi tìm đồng đội của Đài Tiếng nói Việt Nam.

ADQuảng cáo

Ông làm cái chuyện này hồi nào đến giờ cũng không nhớ được nhưng có lẽ từ sau ngày giải phóng đến nay, mỗi lần nghe giọng đọc buồn buồn thống thiết của phát thanh viên là tim ông như có ai bóp, ai vò. Ông đau, ông mừng, ông lại nhóm lên niềm hy vọng mỏng manh, và cũng ngần ấy thời gian đã làm ông thất vọng, thất vọng trong sự đau khổ ngóng chờ.

- Nội ơi, vô ăn cơm, sao nội cứ buồn hoài vậy? Tiếng thằng Vọng gọi rất to làm ông giật mình.

- Ờ. Con ăn trước đi, nội không đói. Ông trả lời.

- Nội không ăn, con cũng hổng ăn luôn. Mà sao nội nghe radiô hoài làm chi vậy ? Có bữa con thấy nội khóc nữa. Sao vậy nội? Thằng Vọng tò mò.

- Nội đâu có khóc, chắc tại bụi rớt vô mắt nội đó thôi. À con ngồi xuống đây để nội kể cho con nghe chuyện hồi xưa của nội cho con nghe. À mà tại sao con tên là Vọng, Lê Hy Vọng con có biết hôn ?

- Con đâu có biết. Sao vậy nội ?

- Tên nầy là nội đặt cho con đó, hy vọng là phải biết đợi chờ, nội chờ đã ba mươi sáu năm rồi nhưng…rồi chưa tìm thấy được.

- Nội chờ ai ? Thằng Vọng thắc mắc.

- Để nội kể rồi con hiểu liền. Nói rồi mặt ông Năm nghiêm lại, mắt nhìn xa xăm, kí ức dần hiện về...

Mùa xuân 1968, Mỹ - Ngụy mở cuộc càn quét với qui mô lớn trên toàn miền Nam. Vùng chiến khu D nầy chiến tranh ác liệt nhất là miệt Mã Đà, đạn bom rải xuống liên tục đốt cháy nhiều cánh rừng cao su, lửa cháy ngùn ngụt ngày đêm sáng rực góc trời, ruộng vườn bỏ hoang, người người bồng bế nhau tản cư vào các khu an toàn. Trên sông La Ngà tàu tuần dương của địch tuần tra suốt ngày đêm, thỉnh thoảng chúng lại bắn đại liên xối xả vào bờ như để thị uy, như để trút bỏ sự buồn bực có, hoang mang sợ hãi có.

Đêm đó, anh Năm được lệnh mở đường rừng vượt sông xuống đón bộ đội chủ lực từ miền Bắc vào chi viện chiến trường miền Nam. Trong đêm tối dày đặc lạnh căm căm. Nước sông đang lớn dần. Những giề lục bình to tướng trôi băng băng. Tiếng sóng đập vào mấy cây bần, dừa nước nghe huỳnh huỵch. Những tia đèn pha của địch cũng thưa dần.

- Qua sông thôi, anh Năm. Tiếng chị Sáu Tân Uyên hối thúc.

- Từ từ chớ, chị nóng gì mà hơn Trương Phi, qua sớm nó mà thấy ria cho một băng là hổng có cái để mà đội nón. Anh hóm hỉnh trả lời.

- Cha nầy dô duyên thấy “ớn”, phải ở trên bờ là tui “đẩy” ông mấy ly rồi.

- Tui cũng đâu có “ tè” bà... Chuyện gì chớ cái chuyện lai rai chưa chắc thằng nào ngán thằng nầy. Anh cười hố hố nhe mấy cái răng hô xin xỉn ra dọa.

- Mà tui hỏi thiệt nghe, sao mấy chả kêu chị bằng chị sáu Tân Uyên là sao vậy?

- Vậy cũng hỏi. Tại tui quê ở Tân Uyên, cũng như anh quê ở Trảng Bom vậy.

- Nhưng mà tui… tui…

Thôi, tui… tui cà lăm hoài. Nè. Một, hai, ba là mình bơi ra nghe.

Từng đoàn người âm thầm lặng lẽ nối đuôi nhau lên bờ theo sự hướng dẫn của anh Năm. Không một tiếng động dù rất khẽ. Chỉ còn thấy những đôi mắt sáng trong đêm tối mịt mù. Những bao hàng vũ khí hối hả chuyển lên những chiếc xuồng rồi mất hút trong đêm. Mặt nước lặng yên chứng kiến. Trên chuyến đưa lượt người cuối cùng qua sông La Ngà. Anh Năm hỏi nhỏ:

- Mấy đồng chí quê ở đâu ?

- Bọn mình quê ở Thanh Hóa, Nghệ An, nhưng không sinh Bắc tử Nam đâu nhé. Một người có lẽ là chỉ huy nhóm hóm hỉnh trả lời.

- Có biết đây là đâu hôn ?

- Không. Là đâu vậy ?

- Đồng Nai. Xứ của tướng quân Huỳnh Văn Nghệ đó.

ADQuảng cáo

- À ra thế, sau nầy bọn tớ nhất định...

- Nhất định gì ?

- Sau ngày thống nhất bọn mình sẽ làm rể Đồng Nai, nghe nói con gái xứ nầy đẹp, trắng, lại hiền phải hôn ?

- Nói trúng phóc. Anh Năm khoái chí nói to.

Một người trong đoàn hứng chí ngâm khe khẽ:

Từ thuở mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Cả mấy tuần trong rừng sâu, bộ đội chủ lực có đến hàng trăm người cùng lực lượng dân quân du kích tại chỗ đã làm cho địch nhiều phen điêu đứng. Mỗi trận càn vào chiến khu D là mỗi lần chúng bỏ khá nhiều xác chết tại cánh rừng hoang vu đầy bí ẩn lắm chuyện hoang đường huyền thoại nầy.

Một ngày đầu xuân, Đại đội trưởng Quang tập hợp lực lượng thông báo:

- Chúng ta chuẩn bị dời chiến khu D về Tân Biên, Tây Ninh để bảo toàn lực lượng, cạnh đó tạo địa hình chiến đấu an toàn ngay biên giới Việt Nam – Campuchia. Đêm nay sẽ tổ chức liên hoan nhẹ bằng đặc sản trà xanh nguyên chất và món chè khoai mì, ai mê văn nghệ thì chuẩn bị phục vụ nghe.

- Hoan nghênh thủ trưởng. Cả đại đội reo hò vang dội.

- Trong tiếng ghi ta thùng hòa lẫn tiếng đàn man đô lin réo rắt của mấy tay văn nghệ không chuyên, cả đại đội hòa chung tiếng hát. Thằng giọng Bắc, đứa giọng Nam, đứa ca giọng cao the thé, đứa lại hát thấp ồm ồm. Mặc. Cứ hát để chia tay cùng núi rừng chiến khu D. Nhiều thằng hứng chí lôi ra mấy cái nồi nhôm nấu cơm tập thể rồi dùng thanh gỗ tre đánh trống nghe thùng thùng. Trăng sáng huyền hoặc đến lạ thường. Phía góc rừng nước suối chảy nghe róc ra róc rách cạnh trụ sở tạm làm nơi phát sóng của Đài Tiếng nói quân giải phóng miền Nam. Những chén chè khoai mì thơm lừng được mấy chị nuôi múc ra chuyền tay đến đồng đội, những chén trà xanh dịu dịu thơm tê cả lưỡi, thơm rực cánh rừng khuya. Cánh phụ nữ thì tranh thủ thu xếp áo quần, soi gương trước giờ xuất phát. Cánh đàn ông thì chuẩn bị súng đạn gọn gàng, có người cẩn thận rút lại bốn đôi quai dép râu bằng vỏ xe để khỏi bị sút giữa đường hành quân.

- Anh Năm ơi! Sao đi chuyến nầy tui lo quá, linh tính có chuyện hổng hên ? Tiếng chị sáu Tân Uyên nói nhỏ.
- Chị cứ tin “dị đoan” hoài. Việt Cộng gì mà tối ngày linh tính cái nầy, ơn ớn cái kia. Sợ quá thì dông về nhà cho khỏe thân. Mệt. Anh Năm gắt gỏng.

Trên đường hành quân băng rừng về Tây Ninh, ngày nghỉ đêm đi để tránh địch phát hiện. Cả đoàn quân lặng lẽ tiến về phía Tây. Đến ngày thứ ba thì tiếng máy bay địch gầm rú ngày càng nhiều và rầm rộ hơn trước. Có lẽ chúng đã phát hiện đoàn quân. Một, hai, ba... và hàng loạt bom chúng ném xuống đội hình.

 - Các đồng chí giãn đội hình tìm nơi ẩn nấp. Tiếng đại đội trưởng Quang đanh thép vang lên.

Cả đoàn quân lập tức triển khai mệnh lệnh. Tiếng bom đạn ầm ầm, những cột khói bốc cao, những tia lửa sáng lòa cả cánh rừng. Tiếng máy bay quần trên đầu nghe đinh tai nhức óc. Rừng đang cháy. Gió mỗi ngày một mạnh. Mùi khét lẹt cao su bao trùm ngột ngạt đến ngạt thở.

- Anh Năm ơi. Tui trúng đạn rồi. Mai nầy còn sống nhớ cho… gia đình tui... hay. Tiếng cô gái “Thanh Hóa” nhỏ dần rồi tắt lịm. Anh Năm nhào tới xốc cái thân thể người con gái nóng hổi đầy máu mềm nhũn ấy lùi sâu vào bìa rừng.

- Anh Năm ơi! Mấy anh miền Bắc trúng đạn hy sinh nhiều quá, làm sao bây giờ?. Tiếng chị Sáu Tân Uyên thảng thốt gọi lớn.

- Chị xuống hầm đi, chuyện mang xác để tui lo.

Nói xong anh băng băng lê mình trườn lên phía trước, mắt dõi tìm nơi đồng đội đang nằm. Một tiếng nổ uỳnh uỳnh vang lên. Anh lảo đảo mắt hoa đi rồi không biết chuyện gì đã xảy đến cho mình. Khi tỉnh dậy anh mới biết mình đang nằm trong trạm quân y dã chiến ven rừng với nhiều vết thương trên mình.

- Chị Sáu sao rồi? Chị bộ đội Thanh Hóa có sao hôn? còn mấy anh chị em quê miền Bắc ra sao? Anh hỏi khẽ người nữ y tá trẻ.

Không thấy câu trả lời. Thay vào đó là những giọt nước mắt rơi lã chã cùng cái cúi đầu trầm mặc, anh hiểu tất cả đã hy sinh. Anh gắng gượng ngồi dậy trong khó nhọc để cố ghi lại tên tuổi, quê quán từng người vào mảnh giấy cháy xém nhét vào chiếc ba lô rồi ngất lịm.

Sau ngày giải phóng, anh Năm xin phục viên để thực hiện lời hứa với những người đã hy sinh. Tờ giấy cháy xém năm xưa như là bảo vật không xa rời anh dù chỉ một phút, một giây. Anh đã trở lại cánh rừng xưa để lấy cốt đồng đội và qui tập vào nghĩa trang liệt sĩ huyện. Hàng ngày anh vẫn đến cầu nguyện, mà nói đúng hơn là chuyện trò vì với anh họ vẫn sống, vẫn mơ hồ ẩn hiện quanh đây. Những tấm bia có ghi tên tuổi, quê quán được dựng lên bên cạnh những cây hoa bất tử do chính anh trồng. Chỉ có một tấm bia rất đặc biệt với cái tên “Chị bộ đội Thanh Hóa”. Anh có biết chị tên gì mà khắc lên mộ chị. Thôi đành vậy, chắc chốn suối vàng chị ấy cũng không hẹp hòi hờn giận. Anh nghĩ và tự an ủi lấy mình. Khổ nỗi những đồng đội quê miền Bắc ấy tới nay vẫn không thấy thân nhân đến mang hài cốt về quê. Anh chỉ biết họ ở tỉnh nào thôi chớ cụ thể huyện nào, xã nào thì anh chịu. Chiến tranh là vậy. Nó vô tình đến tái tê lòng, đến ngậm ngùi tuyệt vọng. Nhiều lần anh đã liên hệ với các cơ quan để nhắn tìm thân nhân của họ. Mỗi ngày anh khư khư ôm lấy cái radio cũ kỹ ấy để mong một ngày sẽ có người đến tìm anh, nhờ anh dẫn tìm hài cốt liệt sỹ, những người đã sinh Bắc tử Nam. Vậy mà đến nay anh vẫn chưa làm tròn nghĩa vụ đối với những anh linh đã khuất. Anh Năm du kích năm xưa nay đã trở thành một ông lão già nua nhưng sự chờ đợi đầy niềm tin vẫn luôn cháy rực trong lòng.

- Nội kể nghe buồn quá. Hèn chi con cứ thấy nội mở radio để chờ đợi một cái gì lạ lắm. Giờ con mới biết. Rồi nội chờ tới bao giờ.

- Chưa biết nữa. Có lẽ đến khi nội làm trọn phận sự với người đã khuất, Nội chờ... chờ mãi đến hết cuộc đời.

Chiều nghĩa trang mưa xuân lất phất. Hai con người một già một trẻ nắm tay nhau thắp hương trên từng phần mộ. Ông già lặng người rất lâu trầm tư suy nghĩ với tiếng thở dài chiến sỹ anh hùng “chị bộ đội Thanh Hóa ”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Ông Năm Đợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO