Truyện ngắn: Nghề tương

Đỗ Xuân Thu| 31/10/2014 09:36

Cả tuần nay, ông Thạo thao thức không sao ngủ được. Sau bữa tiệc bạn ông chiêu đãi chiều nay ở quán Tùng béo về, ông Thạo lại gần như thức trắng thêm một đêm nữa.

ADQuảng cáo

Quán thằng ấy toàn tôm, cua, ốc, ếch mà đông khách thế cơ chứ. Nó kiếm đâu được loại tương khá ra phết, dẫu so với tương bố mẹ ông làm ngày xưa thì vẫn chưa bằng. Hay có lẽ, lâu ngày ông không ăn tương nên mới cảm thấy ngon đến vậy. Mà dạo này ti vi, đài báo hay nói đến chất hóa học, chất bẩn trong thực phẩm thế nhỉ? Có cả cái chất gì gây ung thư nữa cơ chứ? Sợ quá! Nhiều nhà xóm ông không dám mua nước chấm, chỉ dùng bột canh, muối trắng thôi. Có nhà đã chuyển sang dùng tương. Nhưng tương chợ nhạt thếch, lõng bõng chẳng ra làm sao cả. Thằng Tùng đã chẳng than rằng kiếm được chai tương ngon bây giờ khó lắm đó sao? Vậy thì tại sao ta không khôi phục lại nghề làm tương, cái nghề mà làng ta xưa kia đã sống nhờ nó, nổi tiếng nhờ nó? Nghĩ tới đó, mắt ông sáng lên trong đêm. Ông bật dậy gọi bà Thạo dậy cùng. Bà Thạo dụi hai con mắt ngơ ngác.

Ông thủ thỉ với bà những điều mà cả tuần nay ông đã trăn trở. Bà thấy không, chương trình nông thôn mới đã làm bộ mặt làng mình rạng rỡ hẳn ra. Đường nhựa, bê tông vào tận từng ngõ xóm. Nhà tầng thi nhau mọc lên. Nông thôn bây giờ có khác nào phố xá…

Bà Thạo hơi sốt ruột. Sao ông này hôm nay lại vòng vo Tam quốc mãi nhỉ? Có gì đó hệ trọng chăng? Bà thấy vậy đành cứ ngồi yên lắng nghe. Ông Thạo tiếp tục. Bà biết đấy, những năm gần đây, khi ma-ri, nước mắm đủ loại tràn ngập thì nghề truyền thống làm tương làng mình tự nhiên bị mai một đi. Tương tự nhiên trở thành hiếm hoi. Giờ đây, nó lại đang trở thành đặc sản đấy bà ạ. Thế nên, tôi định mở lại nghề làm tương cổ truyền của làng, cái nghề mà bố mẹ tôi, ông bà tôi đã sống nhờ nó khi xưa đấy. Bà thấy có nên không?

Nên gì nữa? Ông đã quyết rồi thì cứ làm thôi. Xưa nay bao giờ chả thế. Mọi việc trong nhà đều do ông Thạo quyết đáp. Ông ấy nói thế bảo là hình thức cũng không đúng lắm, mà đó là cách tranh thủ sự ủng hộ của bà. Có gì lấn cấn, ông ấy kịp giải thích để khi đưa ra “hội nghị gia đình” thì ông với bà đã về một phía. Nói là “hội nghị” cho oách chứ thực ra bây giờ trong nhà ông chỉ còn mỗi Nguyệt, con dâu của ông bà và hai đứa cháu nội. Chồng nó, tức con trai cả của họ đang đi làm ăn xa.

Bà Thạo thấy chồng nói cũng phải. Sẵn nghề cũ, thương hiệu xưa, thị trường mới, tội gì mà phải mày mò nghề nào nữa, tội gì phải đi làm đâu xa cho mệt? Cần thiết gọi cả thằng Thi về nữa để mà lo việc làm tương. Có nó nữa là yên tâm. Mình có kinh nghiệm người già, nó có sức khỏe và sự năng động tuổi trẻ chắc chắn sẽ thành. Ổn định rồi thì chỉ cho cả vợ chồng thằng thứ hai, con thứ ba nữa cùng làm. Cả mấy bố con nhà ông bà sẽ xây dựng một “thương hiệu tương” cung cấp cho cả làng, cả xã, cả cái chợ quê vùng này. Thậm chí cho cả tỉnh ngoài nữa ấy chứ. Thế là “nghị quyết” về khôi phục nghề làm tương đã được ông bà Thạo thông qua.

Nguyệt ở xã bên, về làm dâu ông bà Thạo khi cái nghề làm tương của làng vừa đến hồi kết. Bao nhiêu đồ hành nghề đều đã vứt mỗi chỗ một thứ. Chum vại xếp ở xó vườn. Cối đá quẳng nơi góc bếp. Nồi chảo thì bán cho bà đồng nát... Nhiều nhà đã đập bỏ chum vại thành những mảnh sành cắm lên tường rào hoặc làm những việc khác. Nguyệt không phải lo thức khuya dậy sớm đồ xôi, khuấy mốc, chạy nắng, che mưa cho tương nữa. Trước hôm về nhà chồng, mẹ Nguyệt đã dặn: Nhà người ta có nghề gia truyền làm tương, con phải để ý mà học mà làm, kẻo lỡ hỏng mẻ nào thì khổ lắm. Là dâu trưởng con phải chịu khó, tháo vát. “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay" đâu con ạ. Phúc nhà người, con được hưởng đấy. Vậy mà, lời dặn ấy của mẹ bây giờ Nguyệt mới để ý tới.

Cả tháng nay, vợ chồng ông Thạo cùng Nguyệt tất bật với việc làm tương. Nguyệt lớ nga lớ ngớ. Được cái, chị không giấu dốt và bà Thạo thì mau mồm mau miệng giảng giải cho con dâu. Hai mẹ con ríu rít bên nhau. Nào đi chợ đong gạo nếp, đậu tương. Nào đồ xôi, rang đỗ. Nào ủ mốc, ngâm nước đỗ... Vừa làm, bà Thạo vừa giải thích cho Nguyệt. Nguyệt chăm chú lắng nghe cố ghi nhớ lấy từng lời.

ADQuảng cáo

Mặt trời đã lên cao. Cái nắng tháng sáu càng rực rỡ. Thời tiết này rất hợp cho việc ngả tương. Mùa tương là mùa từ tháng sáu đến tháng mười. Trong lúc hai mẹ con bà Thạo đang đảo mốc, ông Thạo đi kiểm tra từng chum tương mới ngả tuần trước.

“Ông Thạo ơi! Ông lại xem mẻ mốc này được chưa?”. Nghe tiếng vợ gọi, ông Thạo đậy vội lu nước muối tương chạy đến dãy nia mốc. Quan sát một lượt dãy nia trên cáng ủ, ông gật đầu: “Tốt rồi! Mốc lên đều, ngả màu hoa cau, hoa thiên lý thế này là được rồi. Mốc hỏng có màu đen hoặc màu đỏ cơ. Loại đó nếu ép ngả tương, chất lượng tương sẽ kém. Còn như thế này là tốt lắm. Giờ thì hạ nia, nậy mốc, bóp nhỏ trộn đều chuẩn bị cho muối mốc”.

Cả ba người cùng xúm nhau vào làm. Họ lấy nước tương trong (nước ngâm đỗ chưa có muối) vẩy lên nong mốc rồi trộn đều. Ông Thạo dạy Nguyệt: “Cứ trộn đến khi nào nắm mốc lại như nắm cơm chim thế này đặt cạnh nhau mà không dính vào nhau là được. Sau đó cho vào thúng ủ kín ba đến bốn ngày, tùy vào thời tiết nóng hay lạnh để cho mốc ra nước mật”. Hôm trước, ông Thạo cũng đã dạy Nguyệt việc làm nước đỗ tương. Phải để những chum nước đỗ tương đó vào chỗ râm mát, nhiệt độ vừa phải. Đến khi nó bốc mùi “đặc trưng” là được.

Mẻ tương đầu tiên của nhà ông Thạo đã “ra lò”. Năm cái chum đựng tương, cái nào cái ấy, tương màu vàng sẫm như mật ong, có cái màu cánh gián trông thật thích mắt. Mở nắp ra, mùi thơm ngào ngạt dậy lên. Bà Thạo lấy cái muôi múc nếm thử. Bà chuyển muôi cho Nguyệt cùng nếm. Cảm giác bùi béo, đậm đà, ngọt mặn quyện vào nhau, tan ra nơi đầu lưỡi. Hai mẹ con cùng gật đầu cười vui vẻ. Ánh mắt họ ngời lên.

Mấy hôm nay, hàng xóm khối người thấy nhà ông Thạo có tương bán đã đến hỏi thăm. Đặc biệt, tay Tùng béo, sau khi thăm nếm thử tương nhà ông, đã nhắc đi nhắc lại rằng “Bác phải để cho cháu cả mẻ tương này nhé. Cháu vừa làm hàng ăn, vừa đại lý bán giao tương cho bác. Nhà cháu gần mặt đường mà”. Tiếng lành đồn xa, rồi vợ chồng, con cái ông sẽ tất bật bù đầu ra mà làm tương là cái chắc. Nghe bảo tỉnh có chương trình khuyến công, trong đó ưu tiên làng nghề gì đấy, ông sẽ vay vốn, mở rộng sản xuất, đăng ký thương hiệu để tương làng ông “lên ngôi”.

Chiều ấy, sau khi giao tương cho Tùng béo xong, gia đình ông Thạo tổ chức liên hoan. Gái, trai, dâu, rể, con cháu ông kéo đến gần như đủ cả. Mấy bà buôn thực phẩm ăn uống ngoài chợ nghe tiếng cũng chạy đến xem đặt hàng. Bà Thạo phải khất họ đợi mẻ tới. Chỉ ngày kia là sẽ có thôi. Có bà còn để lại cả chục cái vỏ can hai mươi lít bảo là cho… chắc ăn.

Hết khách, ông Thạo giục bà Thạo và các con cháu lên mâm. Vừa lúc đó thì thằng Thi – con trai ông đi làm ăn xa cũng về đến ngõ. Mọi người vồ vập, hớn hở, xúm quanh Thi. Thi ngạc nhiên nhìn mọi người cùng dãy chum vại quanh sân. Mùi tương tỏa hương thơm ngòn ngọt. Mắt anh rạng rỡ như cười. Bất ngờ, tiếng Tùng béo oang oang từ đầu ngõ. “Xin chúc mừng cả nhà. Chúc mừng tương quê ta lên ngôi. Cho cháu góp vui với”. Mọi người cùng nhìn Tùng. Trên tay anh, một bên là chai rượu và bên kia là một túi nilon khá to. Chắc là thức ăn. “Bê tái chấm tương đây, cháu góp vui với bác Thạo nha. Cả anh Thi về nữa thế này thì vui quá!”. Tùng béo ngoác miệng cười hớn hở. Mặt ông Thạo tươi rói. “Đúng là song hỷ. Mời chú. Nào. Cả nhà ta cùng nâng cốc mừng thắng lợi nào!”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Nghề tương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO