Truyện ngắn: Lòng bao dung sau cuộc chiến

Thanh Liêm| 27/03/2015 09:21

Chuyến phà Cầu Ván lặng lẽ cập bến sau vài cơn sóng khá lớn từ hướng biển Khâu Băng ùa về va đập vào thân mạn phà.

ADQuảng cáo

- Lên đi, ông Ca Ly, chỉ còn khoảng mười cây số là đến nơi ông cần tìm.

- OK. Tôi nhớ ra rồi.

Cả hai người nhanh chóng bước lên mỏ bàn phà. Dù cố gắng kiềm chế nhưng đôi chân người Mỹ già ấy cứ run lên bần bật. Đôi mắt xanh lè xanh lét vừa xa lạ vừa hoang dại cứ đăm đăm nhìn xuống đôi chân như đang trốn chạy một cái gì ghê gớm, mãnh liệt lắm. Dù trời đang lạnh căm căm do áp thấp nhiệt đới đang tràn ngập trên vùng quê biển Bến Tre nầy nhưng những giọt mồ hôi cứ nối nhau chảy dài trên khuôn mặt khắc khổ đang cố dồn nén xua đi những kí ức năm nào.

Hai chiếc xe hon đa ôm chầm chậm rời bến xuôi về phía biển. Hai bên đường xanh mượt bóng dừa tạo những khoảng không gian xam xám mát dịu lạ thường. Ca Ly ngồi phía sau xe thâm trầm không nói lời nào, duy có đôi mắt như cứ nhạt nhòa như cầu khẩn, như van xin một điều gì linh thiêng lắm trong khoảng hư vô xa thăm thẳm.

Cả hai xuống xe trong ánh nắng chiều sắp tắt. Gió từ phía biển Cổ Chiên thổi vào phần phật rát rạt, rích chịch cuốn theo những đụn cát cồn trắng bay lơ lửng trên những bụi xương rồng xanh tốt.

- Chú hai ơi cho hỏi, cái mồ chôn tập thể hai mươi mốt người bị trúng bom Mỹ hồi xưa có ở gần đây hôn chú? Liên hỏi người chủ quán có mái tóc bạc phơ, miệng đang phì phà điếu thuốc.

- Cô hỏi mồ chôn hai mươi mốt người hả? Dễ ợt. Đi đâu hổng biết chớ tới xứ Thạnh Phong nầy hỏi ba cái vụ đó từ người lớn tới thằng con nít ai cũng đều rành tuốt tuồn tuột. Mẹ cha nó. Toàn là dân vô tội. Đàn bà con nít không hà. Đồ thất nhơn ác đức. Đồ...

Định chửi thêm cho đã miệng nhưng thoáng nhận ra sự có mặt của một người mắt xanh da trắng cao nghều nghệu đang trầm tư hút thuốc trong góc quán, người chủ quán xuống giọng nho nhỏ rồi im re.

- Lâu lâu cô mới tới, để tui dẫn cô đi tham quan một vòng cho biết xứ nầy rồi hẵng đến cái mồ tập thể đó.

Ba chiếc xe hon đa ôm nối đuôi nhau tiến dần ra biển. Mùa khô nầy cát giồng dầy lên cả tấc. Liên ngầm nghĩ hoài vẫn không lý giải được vì sao loại cây xương rồng lại sống rất xanh tốt ở cái vùng khô hạn đến như vậy. Cửa Khâu Băng vẫn xanh rì bởi rừng đước, rừng bần. Hàng trăm chiếc ghe cào đáy sông cầu vẫn hối hả ra vào. Tôm khô phơi đầy trên các tấm đệm to đùng bốc lên cái mùi mằn mặn. Nghe nói ban đêm đứng đây dòm thấy đèn biển bên kia biển thuộc xã Mỹ Long, Trà Vinh. Tuyệt nhiên không bắt gặp những vườn cây ăn trái. Ca Ly và Liên thật bất ngờ khi đến tham quan khu di tích kỷ niệm nơi tập kết của những chuyến tàu không số chở vũ khí vào Nam những năm chiến tranh ác liệt. Người chủ quán trầm trồ:

- Nhà nước mới qui hoạch công viên nầy tới mấy trăm mẫu lận đó. Nghe nói tốn tiền tỷ không thôi. Cũng phải, xứ nầy chiến tranh ác liệt lắm, nhà liệt sĩ, thương binh đếm không có xuể.

Hai người rồi cũng đến được nơi cần đến. Một tấm bia đã được dựng lên để ghi nhớ tội ác chiến tranh, nhắc nhở người đang sống không được quên quá khứ. Thấy người lạ nhất là người nước ngoài, nhiều người dân lũ lượt kéo đến. Những nén nhang thơm cháy ngùn ngụt trong chiều vắng đang lộng gió ào ào. Liên đọc từng tên trên tấm bia ấy cho Ca Ly nghe, ông đang đứng hí hoáy chép từng tên vào quyển sổ của mình trong nước mắt. Thỉnh thoảng ông dừng lại để ngồi xuống bên bia như nguyện cầu, như để cố kiềm chế nỗi xúc động đang dần bóp chết trái tim. Đôi mắt ông cứ ngước lên bầu trời cao xanh lồng lộng như cố tìm kiếm lại chiếc máy bay Mỹ năm xưa đã tàn nhẫn ném xuống mảnh đất hiền hòa mến khách nầy biết bao là bom đạn, trong đó có một quả bom đã cướp đi hai muơi mốt sanh linh vô tội, đau nhất là có quá nhiều phụ nữ và trẻ em. Họ có tội gì chứ ?

- Ông nầy là ai vậy cô ? Sao ổng khóc hoài vậy? Một đứa trẻ độ mười tuổi bước tới hỏi Liên.

- Ổng là nhà báo Mỹ muốn tới xứ mình để nghe kể lại vụ thảm sát bằng máy bay làm bà con mình chết oan vậy thôi. Còn em tới đây làm chi vậy. Nhà gần đây hôn ?

- Nhà em kế bên bia căm thù nầy nè chị. Hồi đó nghe kể ông bà nội, mấy cô em chết ráo trong căn hầm nầy nè. Chết mà tìm xác hổng có đủ nữa. Ngày nào em cũng qua đây đốt nhang cho nội và mấy cô em. À! Xóm nầy vui lắm nghe, đám giỗ tập thể mười mấy cái nhà vì chết chung một hầm, một ngày mà. Nhà ai nấy cúng quảy. Nó cười hà hà xem ra rất vô tư.

- Bây nói gì với cô nầy vậy? Một ông lão râu tóc bạc phơ bước tới hỏi khẽ.

- Dạ đâu có gì, em nhỏ chỉ kể về cái bia nầy thôi bác à. Liên đáp.

- Chiến tranh qua lâu rồi cô à. Nó tàn nhẫn và không chừa một ai. Mất mát người thân thì đau và hận lắm chớ, nhưng lấy oán trả oán thì oán kia còn mãi phải không cô ? Cứ để lương tâm họ tự dày vò để họ tìm cách chuộc lại lỗi lầm đã gây ra. Tụi tui chỉ mong họ biết ăn năn hối lỗi và đừng bao giờ gây ra cái chuyện tương tự vậy nữa là đủ. Nên từ bi hỉ xả tha thứ tội lỗi của họ để người chết sớm nhẹ nhàng siêu thoát. Nói xong ông nở nụ cười thật độ lượng bao dung. Mái tóc trắng cứ phất phơ trong gió biển đẹp đến lạ lùng.

ADQuảng cáo

Thấy Ca Ly tò mò chăm chú lắng nghe, Liên dịch lại nội dung câu chuyện. Đôi bàn tay của ông đan vào nhau bẻ kêu răng rắc kèm những tiếng thở dài và lời nguyện cầu liên tục.

Trên đường về Ca Ly lặng im không nói một lời. Đến lúc chia tay, ông đề nghị:

- Tôi có thể nói chuyện riêng với cô một chút được không ?

- OK. Ông nói đi. Hay chuyến đi vừa rồi không làm cho ông vừa ý.

- Không. Tôi rất xúc động. Những người dân quê ấy xứng đáng là những người anh hùng. Tôi cảm phục họ và ngàn lần biết ơn sự thứ tha kinh khủng ấy.

- Sao lại là kinh khủng. Ông nói sao tôi không hiểu?.

- Cô có biết người phi công lái máy bay ném bom làm chết hai mươi mốt người ấy là ai không ?

- Là ai ? .... hay là......

- Là tôi đó. Bốn mươi năm rồi, nỗi ám ảnh chiến tranh ở Việt Nam luôn làm tôi mất ngủ, tôi muốn làm điều gì đó để xin lỗi người dân Việt Nam, xin lỗi những gia đình có nạn nhân đã chết do bom đạn máy bay của tôi ném xuống. Tôi... Nói đến đó ông bật khóc rất ngon lành như đứa trẻ. Những giọt nước mắt đàn ông của người cựu phi công Mỹ năm xưa giờ thỏa sức lăn dài trên má, trên môi, rơi xuống cả lồng ngực.

Trong tiếng thổn thức, Ca Ly kể lại sau trận ném bom xuống làng biển Thạnh Phong ngày ấy, ông được thăng cấp từ trung úy lên đại úy vì đã tiêu diệt được hai mươi mốt tên đầu sỏ Việt cộng cao cấp của tỉnh Bến Tre. Ông tự hào, khoe khoang với bè bạn về chiến công hiển hách trong đời binh nghiệp của mình. Vậy mà sau ngày miền Nam giải phóng, ông mới biết mình đã ném bom làm chết hai mươi mốt thường dân vô tội, có cả trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Một tội ác ghê gớm không thể thứ tha. Ông rời quân ngũ với nỗi sợ hãi, ân hận và chán chường. Ca Ly chuyển sang kinh doanh với mong muốn có tiền sang Việt Nam để bù đắp những mất mát mà ông đã gây ra.

- Vợ con ông có biết chuyện nầy không ?

- Biết. Tôi đã kể hết. Cũng may họ hiểu và tha thứ cho tôi và còn dành dụm tiền để tôi về đây chuộc lại lỗi lầm của mình. Đến nay tôi mới có dịp về đến làng quê biển đau thương đã ám ảnh tôi suốt mấy mươi năm qua.

- Sao lúc đến Thạnh Phong, ông không thú thật với người dân ở đó ?

- Tôi mặc cảm. Nói đúng hơn là tôi quá khiếp sợ một sự trả thù, nhưng rồi...

- Rồi sao ?

- Họ đã làm tôi quá bất ngờ và sửng sốt khi nghe những lời tha thứ chân tình cao thượng ấy. Tôi.......tôi ....tôi. Ca Ly lại bật khóc.

- Rồi ông tính sao ?

- Tôi sẽ quay lại đây nhiều lần nữa để thú nhận tội lỗi của mình, cầu mong sự thứ tha của họ, nếu được tôi sẽ làm nhiều điều có ích trên vùng đất nầy, và tôi dự định sẽ xin ở lại đây luôn cho đến cuối đời. Tôi muốn khi mình mất đi sẽ được chôn cạnh hai mươi mốt linh hồn vô tội ấy để hồn mình được thanh thản về với chúa trời. Ca Ly lại khóc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Lòng bao dung sau cuộc chiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO