Truyện ngắn: Điều ước của em

Ninh Đức Hậu| 04/08/2016 09:52

Mỗi ngày lên lớp, việc đầu tiên của Trang là ngóng ra ngoài cổng trường. Và khi nhìn thấy anh, người đàn ông gày còm, khuôn mặt khắc khổ, nước da đen nhẻm, gật gật đầu chào người bảo vệ rồi cho xe máy chạy chầm chậm về phía nhà xe, trong Trang mới đỡ áy náy, lo ngại.

ADQuảng cáo

Hôm thì anh cõng, hôm thì anh bế bé Thu vào lớp. Anh nghiêng mình chào Trang, nở một nụ cười rất tươi chào cả lớp. Đặt bé Thu ngồi vào chỗ, đi ra cửa, anh lại cúi xuống chào Trang một lần nữa.

Minh họa Ngọc Tâm

Trang nhớ lại, đầu năm học, kết thúc buổi họp phụ huynh, anh chủ động bảo cô:

- Tôi có chuyện này muốn thưa với cô chủ nhiệm. Nếu được tôi mời cô một ly cà phê.

Thường thì Trang hay gọi phụ huynh học sinh hơn tuổi là bác xưng em, nghe anh nói vậy, Trang nhẹ nhàng bảo:

- Có chuyện gì bác cứ nói em nghe, không phải ra quán cà phê đâu ạ.

- Nhưng, thưa cô, quả thật nói ở đây không tiện…tôi e là…

Thấy anh ngập ngừng, Trang đoán hẳn có chuyện gì hệ trọng. Cô không nghi ngại, nhận lời và hỏi anh khi nào có thể ra quán cà phê. Anh bảo nếu bây giờ cô chủ nhiệm rảnh, mời cô đi luôn.

Vào quán, anh kể:

- Tôi chạy xe ôm, vợ tôi buôn bán ở chợ. Một ngày mùa đông, tôi đi làm sớm, vì tối hôm trước có một khách quen hẹn. Lúc ấy trời đất bị sương giăng cứ mờ mờ. Đi đến Cống Chân Cò, tôi thấy năm sáu bà đi chợ sớm đang xúm xít bên vệ đường. Tôi nghĩ là tai nạn, đi xe chậm lại, định bụng nếu cần có thể chở người bị nạn vào viện. Nhưng không phải, mọi người đang xúm lại quanh một đứa trẻ sơ sinh được quấn sơ sài bằng một cái khăn mặt, bên ngoài là một cái bao xác rắn. Tôi dừng xe, bước xuống, đến bên, thấy đứa trẻ đã tím tái, tiếng khóc oe oe cũng đã bị khàn lại. Tôi vội cởi cái áo phao đang mặc quấn cho nó rồi ẵm lên. Tôi không nói không rằng, một tay cầm lái, một tay bế đứa bé phi về nhà. Sau một chút băn khoăn có phần lo lắng, do dự, vợ tôi đỡ lấy đứa trẻ, lật cái áo phao ra, cô ấy thì thào “là con gái” rồi bất chợt giọng cô ấy thảng thốt “Trời ạ, đôi chân của nó…”. Hơn mười năm nay, chúng tôi coi cháu như con đẻ của mình. Cháu cũng không biết được cháu là con nuôi của chúng tôi đâu. Chính vì giữ kín điều ấy chúng tôi đã phải chuyển nhà hai lần rồi. Cháu bị tật nguyền vừa lúc đẻ ra đấy cô ạ. Chính vì đôi chân cháu teo tóp, mà vợ chồng tôi quyết định giữ lại làm con chứ không đưa vào trại mồ côi. Cháu là Nguyễn Thị Thu. 5 năm qua, tôi đã đưa cháu đến trường tiểu học, và bây giờ tôi lại tiếp tục đưa cháu đến làm học trò của cô. Tôi mong cô bảo ban dạy dỗ cháu nên người.

Nghe xong, Trang bảo:

- Bác cứ yên tâm, em sẽ có trách nhiệm với cháu.

Ngay từ đầu năm học, Trang đã coi Thu là học sinh đặc biệt nhất lớp 6C nơi cô được phân công làm chủ nhiệm. Mấy tháng qua, trừ môn thể dục em được miễn học, còn lại tất cả các môn em đều đạt loại khá trở lên. Riêng môn văn của Trang, Thu là học sinh xuất sắc. Em có trí nhớ tốt, có tâm hồn bay bổng nên tiếp thu, cảm nhận bài giảng bao giờ cũng nhanh và nhạy cảm hơn các bạn cùng lớp.

Cuối tuần vừa rồi, trong giờ ngoại khóa, để cho các em rèn giũa trí tưởng tượng và không bị khô khan trong học tập, Trang phát động cả lớp, mỗi em viết một lá thư gửi cho ông già Nô En, nói lên ước mơ của mình. Không khí có vẻ hào hứng và sôi nổi hẳn lên. Sau một hồi ồn ào, cười nói vui vẻ, các em cặm cụi làm bài. Có vài cái đầu chụm vào nhau như để thảo luận, bàn bạc. Có những em chau mày vẻ nghĩ ngợi mông lung, có em lộ rõ hớn hở trên nét mặt. Trang kín đáo nhìn về phía Thu. Em trầm ngâm, nghĩ ngợi. Đôi chân tàn tật của em để thõng xuống gầm bàn. Đôi mắt của em thi thoảng ngước nhìn lên trần nhà. Ngoài cái quạt trần đứng im lìm, còn lại trần nhà chỉ một màu trắng toát. Trang không biết em đang nghĩ gì. Đã có những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt bầu bĩnh, trắng trẻo của em. Một lúc lâu sau, em cúi xuống và cắm cúi viết.

Thu bài, Trang đọc nhanh… Ước mơ của Khang… “sau này em trở thành bác sĩ…”. Ước mơ của Phương “Em trở thành cô giáo”… Ước mơ của Đạt là sẽ trở thành phi công được lái máy bay vi vu trên bầu trời rộng lớn… Còn của Dũng thì “Em muốn làm cảnh sát giữ bình yên cho cuộc sống”… Còn bài của Thu:

“Thưa ông già Nô En… Một người tàn tật như cháu thì không thể trở thành bác sĩ được. Trở thành cô giáo cũng khó khăn vô cùng ông nhỉ… Cháu chẳng biết mai sau mình sẽ làm được gì?. Chuyện ấy để mai sau tính cũng được, phải không ông? Còn giờ đây ước mơ của cháu đơn giản lắm ông ạ. Hồi học tiểu học, mỗi ngày bố cháu chỉ mất 2 lần đưa đón, vì buổi trưa cháu được ăn nội trú ở trường. Còn từ ngày lên Trung học cơ sở, bố vất vả với cháu quá. Ngày bốn lần đưa đón. Có hôm bố chở khách đi xa, rồi muộn mới quay về đón cháu. Đường nhiều xe cộ, phức tạp, vì sợ cháu chờ lâu, bố đi vội vàng, lần ấy chút xíu nữa là bố bị tai nạn, thật nguy hiểm vô cùng. Ông ơi, ước gì cháu có được một cái xe lăn… Một cái xe lăn bình thường, giá rẻ thôi. Có xe lăn hàng ngày cháu sẽ tự đi học, sẽ đỡ vất vả cho bố. Dẫu là cái xe lăn không hiện đại, nhưng cháu biết bố mẹ vẫn không thể mua. Bởi vậy ước mơ ấy không bao giờ cháu dám thổ lộ với bố mẹ đâu… Nhiều đêm cháu nằm mơ, ông Tiên hiện lên, bảo “Ta sẽ biến ước mơ của con thành sự thật!” Nói rồi ông Tiên vẫy tay một cái, ngay lập tức hiện ra trước mắt cháu một cái xe lăn. Cháu thích quá reo ầm lên, vậy là tỉnh giấc. Cứ ngẩn ngơ tiếc mãi ông ơi…”

Sống mũi Trang cay cay, hình như đã có những giọt lệ sắp sửa trào ra khỏi mi mắt. Sợ các em nhìn thấy, Trang giả vờ cúi xuống như để tìm một cái gì. Thực ra, cô cố ghìm lại cảm xúc sắp trào dâng.

Trang về nhà trong tâm trạng thẫn thờ. Những con chữ bé nhỏ, có phần hơi run run của Thu cứ nhảy múa trong đầu cô. Hình ảnh cái xe lăn, cứ lăn đi lăn lại, thậm chí có cả tiếng bánh xe nghiến lên đá sỏi, nghe lạo xạo.

Bữa cơm tối xong, cả nhà quây quần bên bàn nước, Trang kể lại câu chuyện hồi đầu năm học, bố của Thu đã nói với cô ở quán cà phê. Trang bảo với mọi người, ngày nào người bố ấy cũng bốn lần đưa đón con đi học. Sau đó Trang mở cặp sách, lấy lá thư của Thu ra đọc.

Con gái Trang ngơ ngác, nó ngây thơ hỏi:

- Mẹ ơi, thật như vậy sao?

ADQuảng cáo

Cậu con trai thì điềm tĩnh:

- Thật tội nghiệp cho em ấy quá mẹ nhỉ.

Anh Bảo không nói gì, lặng lẽ mở laptop, gõ gõ một lúc, đoạn reo lên:

- Đây rồi! Đây rồi!

Cả nhà ngơ ngác. Trang hỏi:

- Đây rồi, cái gì cơ anh?

- Là những cái xe lăn ấy… Loại kha khá cũng không đến mức đắt lắm. Trên mạng ghi có vài triệu thôi. Được rồi, để anh tài trợ cho cô bé ấy một cái xe lăn.

Hai đứa con tôi bất giác cùng vỗ tay và reo lên:

- Hoan hô bố. Hoan hô bố.

Trang hơi bị bất ngờ vì sự quyết định nhanh của chồng. Trong lòng cô cũng thấy vui vui. Thực ra vài triệu đồng với một doanh nghiệp dẫu nhỏ thôi như chồng cô, cũng không thành vấn đề lắm.

Anh Bảo lại gõ gõ vài cái, bảo:

- Anh vừa nhắn tin đến nhà cung cấp, họ bảo ngay ngày mai sẽ có xe lăn giao tận nhà.

Hôm sau, khi nhà cung cấp mang xe lăn đến, nhà Trang bắt đầu bàn bạc đến vấn đề tặng cho bé Thu như thế nào. Nghĩ ngợi hồi lâu, con gái Trang bảo:

- Để sáng sớm mai, anh em con sẽ mang đến để trước nhà em Thu.

Anh Bảo hỏi:

- Sao lại sớm hả con?

Cô con gái quả quyết:

- Con chắc chắn rằng, đêm nay Thu sẽ lại mơ giấc mơ gặp ông Tiên… Con không muốn sáng mai tỉnh dậy em ấy lại bị hẫng hụt, tiếc nuối như những giấc mơ trước ạ.

Cậu con trai Trang nói thêm:

- Chúng ta chỉ ghi vào một mảnh giấy đặt trong chiếc xe vài chữ là “Quà tặng cháu Thu”, và không ghi tên người tặng bố mẹ nhé.

Hai vợ chồng Trang đồng ý với kế hoạch của các con.

Tối hôm ấy, Trang cứ ngắm đi ngắm lại cái xe lăn, công cụ hỗ trợ đặc biệt cho những người không may mắn. Bất chợt, Trang khe khẽ mỉm cười khi tưởng tượng đến sự thích thú của em Thu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Điều ước của em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO