Truyện ngắn: Chuyện chưa kể ngày xuân

08/02/2018 09:03

Tác giả: Phan Thị Anh Thư

ADQuảng cáo

Minh họa: Ngọc Tâm

Thắp mấy nén nhang thơm lên chiếc lư hương đặt trang trọng trên bàn thờ giữa nhà. Giọng chú Bảy khấn nguyện cứ đều đều vang lên “...hôm nay là ngày 29 tết, vong linh tụi bây có linh thiêng thì về đây chứng giám lòng tao, xin hãy tha thứ cho thằng bạn chưa làm tròn trách nhiệm với đồng đội ...”.

Khấn xong, chú từ tốn mở chiếc rương cũ kỹ làm bằng vỏ đạn sáng ngời ra. Trong đó có khá nhiều vật dụng như: nón tai bèo, bút máy, khăn rằn, võng dù, chiếc ra đi ô bán dẫn Liên Xô, những tấm ảnh trắng đen hoen ố lấm tấm vàng úa theo thời gian, chiếc khăn thêu ngôi sao năm cánh...

- Đây là những gì còn lại của tao trước tết Mậu Thân 1968, tao nâng niu giữ gìn nó suốt mấy mươi năm rồi đó. Giọng chú buồn buồn.

- Đây là hình của ai mà cười tươi quá vậy chú? Bình thắc mắc hỏi.

- Thằng này tên là Chơn, nhỏ con nhưng “lì” nhất tiểu đoàn của tao, lính đặc công chánh hiệu. Nó được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới hai mươi tuổi, trẻ nhất quân khu đó. Phải nó còn sống thì... Giọng chú chùng xuống rồi cầm tấm ảnh lên ngắm nghía như cố muờng tượng lại hình bóng của người đồng đội năm xưa, cái thằng lúc nào cũng cười cười rất lạ.

- Còn đây là mấy đứa trong đội đặc công do tao chỉ huy đánh chiếm trụ sở thị xã Sóc Trăng của Mỹ - Ngụy ngày 29 tháng 4, toàn thắng nhưng cũng đã có nhiều đứa hy sinh lắm, biết làm sao được, chiến tranh là chấp nhận mất mát thôi.

- Rồi hiện nay mấy cô chú có thường gặp nhau hôn? Những nguời còn sống hiện ở đâu, làm gì? Bình hỏi dồn dập.

- Đó mới là nỗi đau đeo đẳng theo tao bốn mươi bốn năm qua, tao về hưu rồi, một sỹ quan cấp hàm đại tá như tao nhưng vẫn chưa làm xong bổn phận với đồng đội, với những người ơn đã cưu mang tao trong tháng ngày đánh chiếm mục tiêu tại thị xã. Chú chua chát nói với cái giọng tiếc nuối, đớn đau.

- Vụ đó ra sao chú nói đại ra coi, chớ nói lấp lửng kiểu đó, hồi hộp quá.

Hồi đó, chú Bảy được phân công là đội trưởng đội đặc công. Trước đó cả đội được bố trí trong các hầm bí mật ở các cơ sở cách mạng trong lòng thị xã để chờ giờ nổ súng tiến công giải phóng miền Nam. Lúc này giặc tổ chức bố ráp rất “rát”, thêm vào đó bọn thám báo, biệt kích, chiêu hồi cũng hoạt động mạnh. Chú và Chơn ở chung một chiếc hầm bí mật, mọi sinh hoạt đều ở trong lòng đất.

Mỗi ngày đều có người mang cơm đến nhưng đều đeo mặt nạ đen do phải bảo đảm nguyên tắc bí mật. Có lần Chơn nói:

- Hổng biết cái người đem cơm cho mình bao nhiều tuổi, tên gì? ở đâu? Con gái là cái chắc, nghe cái giọng êm êm và bàn tay trắng nõn là tao biết liền.

- Thôi đi ông cố ơi, giỏi cái tài đoán mò. Nói vậy thôi chớ chú cũng đoán vậy. Con gái thành thị nghe giọng và tướng đi thì biết liền.

Một lần và chỉ có một lần đó thôi chú đã “vi phạm” kỷ luật khi hỏi người mang cơm ấy:

- Đồng chí tên gì ? Bao nhiêu tuổi vậy ? Có chồng chưa?

Rất bất ngờ khi chú nhận được câu trả lời:

- Đề nghị đồng chí giữ nghiêm nguyên tắc bí mật, sắp giải phóng miền Nam rồi, nhiệm vụ chính là sẳn sàng chiến đấu, rõ chưa? Nói xong người ấy quay quả bước đi khỏi hầm, còn chú mặt xanh như tàu lá vừa ngượng ngùng, vừa xấu hổ. Từ đó mỗi lần nhận cơm và vật dụng sinh hoạt chú cứ ngó xuống đáy hầm không dám nhìn trực diện vào đôi mắt sáng ngời, lí lắc nhưng nghiêm khắc ấy nữa.

Chú nhớ rất rõ đêm 29 tết, khi vừa nhận mệnh lệnh sáng mai phải giải phóng thị xã, cũng có nghĩa là phải tiến công đồng loạt với Sài Gòn, Cần Thơ và một số tỉnh đồng bằng khác. Đang chuẩn bị vũ khí, lựu đạn thì “người ấy” xuất hiện với cái giọng từ tốn nhẹ nhàng hơn.

ADQuảng cáo

- Mấy anh ăn đi rồi chuẩn bị chia tay, bữa hổm tui hơi “quạu”, vả lại nguyên tắc là nguyên tắc phải chấp hành để bảo đảm an toàn cho cơ sở khi bị chiêu hồi chỉ điểm. Sau này giải phóng xong thì về đây gặp nhau nói nhiều hơn nghe.

Lúc chia tay, “người ấy” còn dúi hai chiếc khăn rằn vào ba lô của chú và Chơn. Riêng chú trong cái túi ba lô có thêm một chiếc khăn tay và một bao thư nho nhỏ. Khỏi phải nói lòng chú rộn rã, khấp khởi đến nhường nào.

- Rồi sao nữa? Chắc là trong cái bao thư ấy có một lý lịch trích ngang của cô ấy chứ gì. Thí dụ như em tên là Huệ, mười tám tuổi, “chổng chừa”  nghĩa là “chửa chồng” chớ gì. Bình trêu chọc.

Nhưng khi thấy đôi mắt chú ươn uớt, xa xăm nhớ về dĩ vãng đầy vẻ xúc động, Bình nín lặng và cảm thấy mình có lỗi thật nhiều.

- Tao có đọc được thư đâu. Chiến tranh lạnh lùng đến như vậy đó.

Rạng mùng một tết, đội đặc công của chú tấn công vào sào huyệt địch. Trước giờ xuất kích, chú nói:

- Dù phải hy sinh, chúng ta nhất định phải hoàn thành nhiệm vụ, phải giải phóng thị xã trong ngày hôm nay, làm bàn đạp đầu tiên giải phóng đồng bằng. Các đồng chí có ý kiến gì không?

- Báo cáo thủ trưởng, tôi xin đề xuất một nguyện vọng. Tiếng thằng Chơn hóm hỉnh, khôi hài kèm theo nụ cười rất tươi.

- Được, nói nhanh chỉ được phép ba mươi giây.

- Rõ. Tôi đề nghị giải phóng xong, cho tôi được cưới cái cô...cái cô...

- Cô nào? tên gì? ở đâu?

- Tôi mà biết mới là chuyện lạ. Cái cô đem cơm xuống hầm đó.

Cả đội cười lên nắc nẻ. Riêng chú thấy thương nó làm sao. Chắc nó đang như chú, đang mơ về một ngày giải phóng miền Nam, có một mái ấm hạnh phúc, được đoàn tụ gia đình, và được gặp mặt cô gái ấy. Giá như Chơn biết rằng trong chiếc ba lô của chú có thêm một chiếc khăn tay và một bao thư thì có lẽ nó sẽ buồn và thất vọng biết bao.

Trận đánh chiếm mục tiêu bắt đầu. Thằng Chơn thoăn thoắt như con nhện đu qua tường rào trụ sở địch. Cái dáng nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn băng băng vào cửa hông, trên tay nó là một khối thuốc nổ, cây AK bá xếp sau lưng lắc lư theo nhịp chạy. Phía cổng sau, chú và sáu đồng đội đã qua khỏi rào chắn, dây thép gai bùng nhùng cuộn tròn bị cắt nhanh chóng, ánh đèn pha quét liên tục, hỏa châu thỉnh thoảng bừng lên tạo những khoảng sáng vàng vọt rồi tắt lịm. Từ trong các ụ gác, bọn lính canh thay nhau qua lại, những khẩu đại liên chĩa nòng tua tủa sẵn sàng nã đạn.

Ầm... ầm... một tiếng rồi nhiều tiếng nổ xé toạc bầu trời. Những cột sáng bốc lên sáng rực. Chú hiểu các mục tiêu trọng điểm đã đồng loạt nổ súng tấn công. Bóng thằng Chơn vọt ra kèm theo một tiếng nổ long trời. Lúc này bọn chúng rất hoang mang với tình hình chiến sự bất lợi ở miền Trung và Sài Gòn nhưng vẫn chống trả điên cuồng. Những họng đại liên gầm thét bắn chát chúa như giãy chết. Thằng Quang ôm mìn xông vào ụ đại liên. Ầm. Cái lô cốt đầy bao cát vỡ toang. Bên hông trụ sở, những người lính đặc công thoăn thoắt đu dây lao vào các ô cửa. Địch tháo chạy như nước vỡ bờ. Lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng. Chú bùi ngùi tiễn đưa hàng chục chiến sĩ đặc công vĩnh viễn nằm lại nơi đây để máu của họ thấm vào từng tấc đất, con sông, mảnh vuờn, thửa ruộng quê hương. Những cảm tử quân vừa mới hôm qua thôi còn phơi phới yêu đời, còn lí lắc trêu chọc nhau trước giờ xung trận, còn hẹn hò nhau chuyện nên vợ nên chồng khi nước nhà thống nhất, giờ đã bình yên nơi cõi vĩnh hằng. Trong nỗi mất mát chung ấy, chú có thêm một mất mát riêng tư vì chưa kịp đọc lá thư của cô gái ấy. Chú đã vô tình đánh mất nó trong trận công đồn lịch sử xuân Mậu Thân 1968.

Sau ngày giải phóng, chú được phân công về công tác tại bộ đội đặc công quân khu. Dù bận nhiều việc nhưng chú vẫn lặn lội trở về Sóc Trăng tìm lại cơ sở nuôi chứa mình, tìm lại chủ nhân của bức thư chưa kịp đọc. Vật đổi sao dời. Nghe nói chủ nhà ấy đã chuyển đi nơi khác. Tìm đến nguời chỉ huy năm xưa thì cũng không còn. Khó khăn nhất là sau ngày giải phóng, tiểu đoàn được sát nhập cùng các đơn vị khác và xóa phiên hiệu cho đến nay. Mọi hy vọng đều không còn, chỉ còn đây sự ân hận muộn màng, một sự mang ơn to tát mà cả đời chú đến nay chưa đền đáp được.

Hơn bốn mươi bốn năm qua, cứ vào ngày này chú lại ngóng tìm những khuôn mặt thân quen trên báo chí, truyền hình, tìm những dòng chữ nhắn tin của đồng đội cũ, nhưng tất cả đều im lặng, im lặng đến nhói lòng.
-  Nghỉ hưu rồi chú sống ra sao? Bình cắt ngang câu chuyện kể.

- Nói hưu chớ tao có ở không đâu. Nông dân rặt ri mà, làm ruộng, làm vườn, nuôi heo, thả cá, tao làm chớ không có thua ai đâu nghe. Thỉnh thoảng tao tới thăm hỏi động viên mấy cha cựu chiến binh như tao. Mình là lính mà lãng quên quá khứ là ác. Chưa hết đâu, tao còn nhận nhiệm vụ chủ tịch hội nạn nhân chất độc da cam của huyện này. Lội đi tối ngày, bả rầy riết hổng được rồi huề cả làng. Tao thừa thắng xông lên đi làm chuyện xã hội. Mà có lẽ vậy tao mới thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Phải chi... Giọng chú lại lắng xuống.

Bình hiểu giây phút này đây chú đang bị quá khứ ùn ùn kéo về hành hạ. Đôi mắt chú trừng trừng rực lên những tia rất lạ thường. Có lẽ chú đang mơ hồ nhớ về đội đặc công xưa, nhớ nhất là đôi mắt của người con gái ấy, nhớ những gói cơm muối mè chuyền xuống hầm bí mật, nhớ chiếc khăn tay thêu hình ngôi sao năm cánh. Giá như chú được đọc những dòng chữ trong bức thư năm cũ thì đâu phải xót xa ray rứt đến tận bây giờ.

Xuân đang về. 

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Chuyện chưa kể ngày xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO